Quê ngoại của bác hồ ở đâu

Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép – ông bà ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan – thân sinh Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng 7 sào Trung Bộ (khoảng 3.500m2), mang đậm dấu ấn làng quê Việt.

Làng Chùa quê ngoại Bác Hồ – một không gian ngập tràn màu xanh cây cối, giản dị, bình yên

Cụ Hoàng Đường (1835-1893), ông ngoại Bác Hồ sinh trưởng trong một gia đình Nho học truyền thống. Cụ làm nghề dạy học và đề cao sự nghiệp giáo dục, trồng người. Cụ bà Nguyễn Thị Kép làm ruộng và dệt vải. Hai cụ có hai người con gái; bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ – là con gái đầu lòng.

Vào dịp Tết Mậu Dần, năm 1878, cụ Hoàng Đường trên đường đi chúc Tết, đã gặp một cảnh tượng cảm động: Một chú bé ngồi trên lưng trâu mải mê đọc sách. Chú bé đó là Nguyễn Sinh Sắc; mồ côi cả cha và mẹ từ năm 4 tuổi; ở cùng người anh cùng cha khác mẹ. Cảm thương hoàn cảnh và quý trọng đức hiếu học, cụ Hoàng Đường đã xin phép họ Nguyễn Sinh, đưa Nguyễn Sinh Sắc về nuôi, cho ăn học. Khi đó, Nguyễn Sinh Sắc tròn 15 tuổi. Nguyễn Sinh Sắc được sự dìu dắt, dạy bảo của cụ Hoàng Đường, càng học càng sáng dạ, thông minh, nổi tiếng khắp vùng; cùng nhiều đức tính tốt nên được cụ ông, bà Hoàng Đường yêu quý như con đẻ. Và tới năm 1881, khi Nguyễn Sinh Sắc tròn 18 tuổi, hai cụ đã thể hiện tình thương yêu và thiện ý chọn Nguyễn Sinh Sắc làm con rể đầu lòng. Lễ hứa hôn của chàng học trò Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan đã được tổ chức trong ngôi nhà 5 gian của cụ Hoàng Đường. Và hai năm sau, năm 1883, hai người chính thức thành hôn.

Ngôi nhà này đã chứng kiến sự miệt mài đèn sách của người học trò Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo thuỷ chung của người vợ; sự ra đời và tuổi ấu thơ của những đứa con. Tại kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ cử nhân trường Nghệ. Năm 1895, ông vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội khoa Ất Mùi, song không đậu; tiếp tục học ở Trường Quốc Tử Giám ở Huế để ôn luyện. Thời gian này ông đã đưa cả vợ và hai con trai vào Huế cùng chung sống. Đây là những năm tháng vất vả và khó nhọc của cả gia đình. Sau khi sinh người con thứ tư (1900), bà Hoàng Thị Loan đã qua đời trên đất Huế ở tuổi 33 (tháng 2/1901). Khi đó người con trai thứ ba là Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi và người con út mới vài tháng tuổi. Cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đau buồn rời đất đế đô trở lại làng Hoàng Trù sinh sống.

Ba tháng sau, tới kỳ thi Hội khoa Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc gửi con lại cho bà ngoại, rồi lại vào Huế dự thi. Và ông đã báo đáp được ân nghĩa nuôi dạy của nhạc phụ, nhạc mẫu; tấm tình thuỷ chung tần tảo của người vợ quá cố; kỳ thi này ông đậu Phó bảng, được vua Thành Thái ban cho tấm biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn vua ban cho gia đình tốt).

Theo truyền thống, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con đã tạm biệt làng Hoàng Trù, trở về quê nội – Làng Kim Liên (Làng Sen) để vinh quy bái tổ.

Khu di tích Hoàng Trù, ngôi nhà nhỏ ba gian là nơi cất tiếng khóc chào đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nơi đã gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ và cũng đầy gian khó, nhọc nhằn của Người cùng ông bà, cha mẹ, các anh chị em. Cũng chính nơi đây Người đã nhận được tình yêu thương của những người thân, của quê hương; được chứng kiến sự dạy dỗ tận tình của ông ngoại với cha mình. Những giá trị tinh thần ấy là khởi nguồn cho một khát vọng lớn lao; để cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá của đất nước Việt Nam./.

Lối vào với cổng ngõ đơn sơ như bao vùng quê trên đất nước Việt Nam.

Ngôi nhà tranh 5 gian của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, ông bà ngoại Bác Hồ. Trong ngôi nhà tranh này, năm 1868, bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ – đã chào đời.

Xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống và làm nghề dạy học nên ngôi nhà 5 gian thì 3 gian nhà phía ngoài được cụ Hoàng Đường dành làm nơi dạy học và tiếp khách

Gốc mít sau ngôi nhà 5 gian – nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Bác Hồ

Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân. Họ Hoàng Xuân vốn phát tích từ thôn Vân Hội,xã Hoàng Vân, tổng Yên Lạc, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Nội, xã Châu Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Đây là một dòng họ có truyền thống hiếu học. Thế hệ thứ 6 của dòng họ này có người con là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) được vua Lê giao chức tổng binh sử tư xứ Nghệ An. Đây là nguồn gốc chi nhánh họ Hoàng Xuân ở xứ Nghệ.

Ngôi nhà thờ có 3 gian, 1 gian chính và 2 gian phụ. Theo dấu tích còn khắc ghi trên kiến trúc, thì công trình được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 34, tức năm Tân Tỵ – 1881. Sau khi đưa Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ) về nuôi và cho ăn học được 3 năm, cụ Hoàng Đường đã cho dựng ngôi nhà thờ này. Ban đầu ngôi nhà thờ lợp mái tranh, đến năm 1930 thì được tu sửa và lợp ngói

Phía trái ngôi nhà 5 gian của ông bà ngoại Bác Hồ (theo hướng nhìn từ ngoài vào) là ngôi nhà của thân phụ và thân mẫu Bác Hồ

Đây là ngôi nhà tranh 3 gian, phía sau có một gian nhà bếp. Ngôi nhà được cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép dựng năm 1883, vào dịp lễ thành hôn của con gái Hoàng Thị Loan và con rể Nguyễn Sinh Sắc

Gian nhà ngoài này là nơi nghỉ của ông Nguyễn Sinh Sắc. Ở đó có một bộ phản…

…và chiếc án thư cùng hai chiếc ghế. Nơi đây là khởi đầu của sự nghiệp đèn sách và cuộc đời khoa cử của ông Nguyễn Sinh Sắc, dưới sự giảng dạy, chỉ bảo của cụ Hoàng Đường

Hai gian nhà này là nơi ở, sinh hoạt của bà Hoàng Thị Loan và các con Ở gian thứ ba có bộ khung cửi dệt vải mà bà Hoàng Thị Loan đã dùng để sống, nuôi chồng ăn học, nuôi con. Chiếc rương gỗ để ở gian giữa. Đây là món quà ông bà ngoại Bác Hồ đã cho ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan khi ra ở riêng trong ngôi nhà này vào năm 1883 Phía trong chiếc rương sát vách sau nhà là chiếc giường nhỏ đơn sơ bằng gỗ xoan, thang tre, liếp nứa, chiếu mộc.