1. Nghị quyết là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành?
Hiện không có quy định cụ thể nào định nghĩa về Nghị quyết là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu Nghị quyết là hình thức văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi đã được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định.
Căn cứ Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, các cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị quyết gồm:
– Quốc hội;
– Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
– Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;
– Hội đồng nhân dân các cấp;
Ngoài ra, còn có một hình thức là Nghị quyết liên tịch được các cơ quan phối hợp với nhau ban hành như: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
2. Nghị quyết quy định về những nội dung gì?
2.1. Nghị quyết của Quốc hội
Theo Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định:
– Tỷ lệ phân chia các khoản thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương;
– Thực hiện thí điểm chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có Luật nào điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành;
– Tạm ngưng hay kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ/một phần Luật, Nghị quyết của Quốc hội;
– Quy định về tình trạng khẩn cấp và các biện pháp đặc biệt khác nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;
– Đại xá…
2.2. Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để:
– Giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh;
– Tạm ngưng hay kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ/một phần Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
– Bãi bỏ Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
– Tổng động viên/động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương;
– Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân…
2.3. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nội dung hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử (Căn cứ Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
2.4. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp
Nội dung Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định:
– Chi tiết Điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên;
– Chính sách, biện pháp đảm bảo thi hành Hiến pháp, Luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên;
– Các biện pháp phát triển ngân sách, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương;
– Các biện pháp có tính đặc thù phù hợp với điều kiện của địa phương.
(Theo Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)
Nội dung Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện quy định các vấn đề được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao hoặc thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới (Theo khoản 1 Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi năm 2020).
Nội dung Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã quy định những vấn đề được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao (Theo khoản 2 Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi năm 2020).
2.5. Nghị quyết liên tịch giữa các cơ quan
Căn cứ Điều 18 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi năm 2020, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ quy định một trong hai nội dung:
– Chi tiết những vấn đề được Luật giao;
– Hướng dẫn những vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trên đây là quy định về: Nghị quyết là gì? Do cơ quan nào ban hành? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Ai có thẩm quyền ban hành?