Học thuyết giá trị thặng dư là những gái trị cốt lõi của Chủ nghĩa Mac-Lenin, nghiên cứu sự sản xuất ra giá trị thặng dư nhằm vạch trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đồng thời nhờ học thuyết này cũng tìm ra và nhận thức rõ quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa. Đây chính là cơ sở khoa học vững chắc trong cuộc đấu tranh chống lại sự mọi bất công xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội.
Tư bản (theo nghĩa hẹp) là vốn. Theo nghĩa rộng, là sự đầu tư của nhà kinh doanh vào doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ hay bất cứ một ngành hoạt động nào. Tỉ suất sinh lợi của tư bản là yếu tố biểu hiện và quyết định của tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế một nước, trên cơ sở gia tăng tiết kiệm, tích luỹ và đầu tư, xét trên quy mô của toàn xã hội, của nhà nước và của tư nhân. Tư bản biểu hiện ở tiền, tư liệu sản xuất, sức lao động nhưng bản chất của tư bản là một quan hệ xã hội, quan hệ bóc lột sức lao động làm thuê.
Theo kinh tế học macxit, tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bóc lột công nhân làm thuê, tư bản không phải là vật mà là quan hệ xã hội, là phạm trù kinh tế chủ yếu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phản ánh quan hệ xã hội giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, quan hệ nhà tư bản bóc lột công nhân làm thuê. Căn cứ vào vai trò đối với việc tạo ra giá tị thặng dư và lượng giá trị chuyển hóa thành lượng giá trị của hàng hóa mới, C.Mac đã phân tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến.
1. Tư bản bất biến là gì?
Tư bản bất biến (constant capital) là một khái niệm của kinh tế chính trị Mac-Lenin dùng để chỉ một bộ phận tư bản dùng để mua tư liệu sản xuất và giá trị được bảo toàn và chuyển vào sản phẩm (tư bản bất biến được C.Mac kí hiệu là c). Hay nói cách khác, tư bản bất biến là bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất và không thay đổi lượng giá trị trong quá trình sản xuất. Nhằm phân tích một cách khoa học bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa, C.Mac là người đầu tiên phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến. Cơ sở của sự phân chia này là không phải toàn bộ tư bản mà chỉ có một bộ phận tư bản dùng để trả công cho sức lao động mới là nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư và làm tăng thêm tư bản. Giá trị của tư bản bất biến được lao động cụ thể của công nhân chuyển dần từng phần vào hàng hoá mới, theo mức độ hao mòn của tư liệu sản xuất trong quá trình lao động.
Tư bản bất biến được dịch sang tiếng anh là constant capital.
2. Tư bản bất biến và tư bản khả biến:
Các nhà kinh tế học tư sản thường cho rằng mọi công cụ lao động, mọi tư liệu sản xuất đều là tư bản. Thực ra, bản thân tư liệu sản xuất không phải là tư bản, nó chỉ là yếu tố cơ bản của sản xuất trong bất cứ xã hội nào. Tư liệu sản xuất chỉ trở thành tư bản khi nó trở thành tài sản của nhà tư bản và được dùng để bóc lột lao động làm thuê. Khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì tư liệu sản xuất không còn là tư bản nữa. Như vậy, tư bản không phải là một vật mà là một quan hệ sản xuất xã hội nhất định giữa người và người trong quá trình sản xuất, nó có tính chất tạm thời trong lịch sử. Bản chất của tư bản là phản ánh quan hệ sản xuất xã hội mà trong đó giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư do giai cấp công nhân sáng tạo ra.
Khi muốn tiến hành sản xuất, các nhà tư bản phải bỏ ra một khoản vốn (gọi là tư bản) để mua tư liệu sản xuất và sức lao động, tức là chuyển tư bản tiền tệ thành các yếu tố của quá trình sản xuất. Vậy, tư liệu sản xuất và sức lao động đóng vai trò khác nhau như thế nào trong tư bản sản xuất?
Tư liệu sản xuất là tư bản bất biến, là một hình thức của tư bản tồn tại trong tư bản sản xuất. Trong sản xuất, công nhân sử dụng tư liệu sản xuất để chế tạo ra sản phẩm. Tư liệu sản xuất có nhiều loại:
– Tư liệu sản xuất được sử dụng toàn bộ trong quá trình sản xuất, được sử dụng trong một thời gian dài nhưng chỉ hao mòn dần qua nhiều chu kỳ sản xuất, do đó chuyển dần từng phần giá trị của nó vào sản phẩm như máy móc, thiết bị, nhà xưởng…
– Tư liệu sản xuất khi đưa vào sản xuất thì chuyển toàn bộ giá trị của nó trong một chu kỳ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu.
Dù giá trị tư liệu sản xuất được chuyển dần từng phần hay chuyển nguyên vẹn ngay vào sản phẩm, bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất có đặc điểm chung là giá trị của chúng được bảo tồn không có sự thay đổi về lượng và chuyển vào sản phẩm mới trong quá trình sản xuất, chính vì vậy, nó được gọi là tư bản bất biến, đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản và lớn nhất của tư bản bất biến so với tư bản khả biến.
Từ khái niệm, có thể phân tích một số đặc điểm của tư bản bất biến như sau:
Một là, tư bản bất biến là một bộ phận của tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất và không có sự thay đổi lượng giá trị trong quá trình sản xuất.
Hai là, tư bản bất biến không tạo ra giá trị thặng dư, nó là điều kiện cần thiết để cho quá trình sản xuất giá trị thặng dư được diễn ra. Nguồn gốc tạo giá trị thặng là sức lao động của người lao động.
Ba là, từng bộ phận của tư bản bất biến chuyển giá trị của mình một cách khác nhau vào hàng hoá vừa mới làm ra. Theo tính chất chu chuyển, một bộ phận tư bản bất biến (nhà xưởng, thiết bị và máy móc) hình thành nên tư bản cố định được sử dụng trong nhiều chu kì sản xuất thì chuyển dần từng phần giá trị của mình. Bộ phận tư bản bất biến khác (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phụ) hình thành nên một bộ phận của tư bản lưu động thì bị tiêu dùng hoàn toàn qua một thời kì sản xuất trong quá trình sản xuất hàng hoá và chuyển toàn bộ giá trị của mình vào sản phẩm vừa mới làm ra.
Tư bản bất biến là nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư, cho nên việc bố trí sử dụng đúng chức năng sức lao động là biện pháp căn bản tạo nên giá trị thặng dư.
Vậy, sức lao động có vai trò như thế nào trong quá trình sản xuất tư bản? Sức lao động là tư bản khả biến. Tư bản khả biến là khái niệm trong kinh tế chính trị Mac-Lenin dùng để chỉ về một bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động (trả lương, thuê mướn công nhân), đại lượng của nó thay đổi trong quá trình sản xuất và tạo ra giá trị thặng dư (được ký hiệu là v).
Khác với tư liệu sản xuất, lượng giá trị của tư liệu sản xuất không đổi trong quá trình sản xuất ra sản phẩm mới, đối với bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động thì trong quá trình sản xuất, bằng lao động trừu tượng của mình, người công nhân tạo ra một giá trị mới không chỉ bù đắp đủ giá trị sức lao động của công nhân mà còn tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Như vậy, bộ phận tư bản này đã có sự biến đổi về lượng và được gọi là tư bản khả biến. Có thể thấy, tư bản khả biến có vai trò quyết định trong quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư, vì nó chính là bộ phận tư bản đã lớn lên.
Bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động, một mặt giá trị của nó biến thành các tư liệu sinh hoạt của người công nhân và mất đi trong tiêu dùng của công nhân. Mặt khác, trong quá trình lao động, bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư. Như vậy, bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động đã không ngừng chuyển hoá từ đại lượng bất biến thành một đại lượng khả biến, tức là đã tăng lên về lượng trong quá trình sản xuất. Nếu như bộ phận tư bản bất biến là tư liệu sản xuất hiện hữu ra bên ngoài và có thể nhìn thấy bằng mắt thường thì bộ phận tư bản khả biến dùng để mua sức lao động không tái hiện ra, nhưng thông qua lao động trừu tượng công nhân làm thuê mà tăng lên, tức là có sự biến đổi lượng giá trị.
Qua đó, có thể thấy điểm khác biệt cơ bản giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến là lượng giá trị của tư bản có thay đổi trong quá trình sản xuất tư bản hay không. Tư bản bất biến là điều kiện cần thiết không thể thiếu được để sản xuất ra giá trị thặng dư, còn tư bản khả biến có vai trò quyết định trong quá trình đó, vì nó chính là bộ phận tư bản đã lớn lên.
Theo đó, việc phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến là dựa vào vai trò của từng bộ phận tư bản trong quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư, đã vạch rõ nguồn gốc của giá trị thặng dư là do lao động làm thuê của công nhân tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. Ngày nay, giai cấp tư sản sử dụng máy móc hiện đại tự động hóa quá trình sản xuất đối với một số sản phẩm. Trong điều kiện sản xuất như vậy, tư bản bất biến có vai trò quan trọng quyết định việc tăng năng suất lao động, nhưng cũng không thể coi đó là nguồn gốc của giá trị thặng dư. Suy đến cùng, bộ phận tư bản khả biến tồn tại dưới hình thức sức lao động, cả là chân tay và trí óc mới là nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư tư bản chủ nghĩa.
Như vậy, tư bản bất biến hay tư bản khả biến đều là các bộ phận của tư bản sản xuất, giữ các vai tò khác nhau trong quá trình sản xuất và chuyển hóa lượng giá trị để tạo nên hàng hóa mới và tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về nội dung Tư bản bất biến là gì? Tư bản bất biến và tư bản khả biến. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo số hotline để được hỗ trợ và tư vấn.