Trong thần thoại Bắc Âu, Ragnarok là một loạt cách sự kiện sẽ đưa đến tận thế, khi những tên khổng lồ lửa và băng bắt tay với nhau để chống lại các vị thần trong trận chiến cuối cùng gây ra sự hủy diệt cho cả hành tinh, nhấn chìm tất cả xuống nước.
“Những người anh em sẽ đối đầu và sát hại lẫn nhau, con cái của những người chị em sẽ làm nhơ nhuốc tình thân tộc. Thế giới khắc nghiệt này, đầy rẫy điều xấu xa – thời của kiếm, của rìu – khiên chắn bị xé toạc – thời đại của gió, thời đại của sói – trước khi thế giới rơi vào hỗn loạn. Chẳng ai còn lòng thương xót cho ai”. – Dronke (1997:19)
Vai trò của Loki trong Ragnarok
Thần thoại Norse phân chia các vị thần thành hai nhóm chính: Aesir và Vanir. Những người khổng lồ có mặt trước họ và sống ở Jotunheimr, một trong chín thế giới theo quan niệm vũ trụ của thần thoại Norse. Họ bị các vị thần Aesir, những người không cho họ đặt chân vào Asgard, trục xuất đến đó. Trong các câu chuyện Norse cổ, những người khổng lồ thường xuyên tương tác với các vị thần Aesir và Vanir, nhưng thường trong tình thế đối đầu hoặc cạnh tranh.
Loki là con trai của một người khổng lồ. Vị thần lừa lọc này nổi tiếng với khả năng thay đổi hình dạng. Vai trò của Loki trong thần thoại Norse khá độc đáo và gây nhiều tranh cãi khi vừa giúp đỡ lại vừa phá bĩnh các vị thần. Loki được phép sống cùng với các thần Aesir ở Asgard. Vị thần lừa lọc đã sinh ra rất nhiều con, trong đó có con ngựa tám chân Sleipnir – thú cưỡi của thần Odin, một con rồng và một con sói tên là Fenrir – nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong tận thế Ragnarok.
Chuyện kể rằng Loki đã lừa vị thần mùa đông mù lòa, Hod (Hoor), dẫn đến hậu quả là cái chết thương tâm của thần Baldr – con trai nữ thần Frigg và thần Odin. Vì thế, Loki bị phải và trói vào một tảng đá cho đến khi Ragnarok diễn ra. Hình phạt này nghe có vẻ khá giống với hình phạt dành cho Prometheus trong thần thoại Hy Lạp, titan cũng bị trói vào đá để trả giá cho việc ăn trộm lửa.
Những dấu hiệu của tận thế Ragnarok
Tương tự như tận thế trong quan niệm của Công giáo, Ragnarok cũng đi cùng với hàng loạt dấu hiệu báo trước. Đầu tiên là Fimbulvetr, một mùa đông lạnh kéo dài với tuyết rơi không ngừng nghỉ suốt mười hai tháng. Một con gà trống đỏ tên là Fjalar sẽ báo cho người khổng lồ biết được rằng Ragnarok đã bắt đầu. Con gà trống thứ hai sẽ cảnh báo cho người chết Ragnarok đã đến. Cuối cùng, con gà trống đỏ thứ ba tên Gullinkambi, con gà trống sống ở Valhalla, sảnh đường cao quý ở Asgard, sẽ cảnh báo cho tất cả các vị thần rằng thế giới đã đến hồi kết.
Thần Heimdallr sẽ thổi một hồi kèn trumpet đặc biệt để báo hiệu cho Valhalla, và âm thanh này sẽ hồi sinh người chết. Họ đi về lãnh địa có tên Vigrid (nơi dành riêng cho các cuộc chiến), địa điểm diễn ra trận chiến cuối cùng. Biển cả bị rẽ đôi và mãng xà Jörmungandr, con mãng xà to lớn bao quanh trái đất, tự nuốt chiếc đuôi của mình, sẽ trồi lên từ đại dương sâu thẳm để tham gia cuộc chiến. Thần Baldr và thần Hod cũng trở về từ cõi chết để chiến đầu trong cuộc chiến này.
Cuộc chiến kết thúc tất cả?
Người ta kể rằng Loki và những người khổng lồ băng sẽ đi đến Vigrid để đối đầu với các vị thần Aesir trên một con thuyền được làm từ móng của người chết, giống như một con thuyền ma. Tất cả quái vật và người khổng lồ như Surtr, con chó Carm của Hel, con sói Fenrir và người đứng đầu của các khổng lồ, Hrym, sẽ tạo thành một đội quân hùng mạnh chống lại các vị thần.
Kết cục của cuộc chiến sẽ là Thor, Odin và hầu hết các vị thần đều qua đời, những con rồng phun lửa, tận diện mọi sự sống trên Trái Đất. Nhưng đó không phải là hồi kết. Mọi thứ sẽ lại được bắt đầu một lần nữa với một chủng loài mới, thế giới mới sẽ trồi lên từ đại dương sâu thăm. Hai người phàm được gọi là Lif và Lifthrasir sẽ cùng nhau sinh ra loài người.
Các vị thần Vali và Vidar, cũng như các con trai của Thor và Hoenir, những vị thần sống sót sau cuộc chiến, sẽ đi đến Idavoll – nơi không bị phá hủy trong Ragnarok. Thần Baldr và thần Hod cũng hồi sinh và một thời đại mới lại bắt đầu.
Ragnarok và những cuộc chiến tận thế khác
Câu chuyện về Ragnarok là câu chuyện kể về cuộc chiến giữa các vị thần với nhiều thương vong cho cả người phàm lẫn thần thánh. Con người chịu tổn thất nặng nề, giống như trận chiến Kurukshetra trong thần thoại Hindu. Đây là điểm khác biệt giữa Ragnarok với truyền thuyết tận thế của Công giáo, sự kiện mà trong đó con người bị trừng phạt khi không trung thành và tin tưởng vào Chúa.
Ý tưởng về “tận thế” được ghi nhận ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới. Trong Công giáo, đó là “Ngày phán xét” được miêu tả trong sách Khải Huyền; trong Do Thái giáo, đó là Acharit hayamim; trong thần thoại Aztec, đó là truyền thuyết về năm mặt trời; và thần thoại Hindu, đó là câu chuyện về các avatar và vị thần trên lưng ngựa.
Phần lớn các thần thoại này đều đề cập đến kết thúc của thế giới cũ và khởi đầu của một thế giới mới. Liệu chăng các thần thoại và truyền thuyết này chỉ đơn giản là ẩn dụ cho sự thay đổi luân chuyển theo chu kỳ của tự nhiên, như ngày và đêm, các mùa và sinh tử? Liệu chúng có dựa trên các sự kiện có thật nào đó ở cổ đại? Hay là lời cảnh báo cho sự kết thúc của thế giới con người trong một tương lai xa vời? Đó vẫn sẽ là một ẩn số.