Tìm hiểu khái niệm điện ảnh: Remake và Reboot

Remake là gì

Các phim remake và reboot đều chung mục đích là mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ về một bộ phim cũ. Cho dù chất lượng bản phim mới có thể hay hơn hoặc kém bản gốc, nhưng không thể phủ nhận sự cố gắng và sáng tạo của cả ekip sản xuất khi “thổi gió mới” vào một tác phẩm đã trở nên quen thuộc.

Khái niệm phim Remake và Reboot

Remake (Làm lại): Phim sử dụng một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính; thường sử dụng hẳn cả cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ sửa đổi một số tình tiết hay thay đổi cách thể hiện. Các remake thường xuất phát từ mục đích cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ (cho hợp với văn hóa, thị trường, xu hướng thời đại). Ví dụ: Clash of the Titans (2010) là remake của phim cùng tên năm 1981, The Departed (2006) là remake của Infernal Affairs (2002 – Hồng Kông),…

Clash of the Titans là một trong những bộ phim remake kinh điển

Reboot (Làm mới): Phim sử dụng những tác phẩm hư cấu đã ra đời trước đó (truyện tranh, phim truyền hình) làm nguồn chất liệu, nhưng phủ nhận đa số hoặc toàn bộ cốt truyện của chúng và dựng lại bằng những ý tưởng hoàn toàn mới. Các reboot thường xuất phát từ mục đích khơi lại sự yêu thích của khán giả với tựa phim truyền hình hoặc một tựa truyện đã ra đời trước đó. Ví dụ: Batman Begins (2005) là reboot của dòng truyện Batman do hãng DC Comics sản xuất, 21 Jump Street (2012) là reboot từ bộ phim truyền hình Mỹ cùng tên ra đời vào năm 1987,…

Batman Begins là reboot của dòng truyện Batman do hãng DC Comics

Tại sao phải remake/reboot?

Hầu như cứ vài tháng, chúng ta lại nghe ngóng được thông tin về những dự án remake/reboot những bộ phim hay câu chuyện “xưa như Trái đất”. Có thể do sự thành công của bản gốc đã dẫn đến việc các nhà sản xuất thay nhau bắt tay phát hành phim làm lại/làm mới. Hoặc cũng có thể họ đã bí ý tưởng, muốn giới thiệu với khán giả hiện đại những bộ phim cũ theo phong cách mới, kể một câu chuyện phần cũ chưa kể,…

Chỉ trong 2014 thôi, Hollywood đã có hai bộ phim reboot mới dựa trên những thương hiệu cùng tên ăn khách một thời là GodzillaTeenage Mutant Ninja Turtles. Còn về phim làm lại, sắp tới sẽ có nhiều bộ phim khác đang trong giai đoạn sản xuất và dự tính sẽ được ra mắt trong những năm tới, điển hình như Akira (từ một bộ phim hoạt hình nhất ra mắt vào năm 1988) và Scarface (ra mắt lần đầu vào năm 1932, đã được remake một lần vào năm 1983).

Dù các phim remake và reboot luôn có lượng khán giả phòng vé rất đông đúc, nhưng hầu như các dự án này đều bị người hâm mộ bản gốc chê bai ngay từ lúc được công bố. Tất nhiên chẳng ai muốn thấy nhân vật mình yêu thích bị biến thành công cụ kiếm tiền của Holywood, nhưng không phải phim remake và reboot nào cũng nhắm đến mục đích kiếm tiền. Kể cả khi các phim remake thất bại, họ vẫn có thể có những ảnh hưởng tốt từ bản gốc của phim. Đáng nói nhất là nó có thể khiến người ta chú ý đến một loạt những bộ phim vốn đã trôi vào dĩ vãng.

Những bộ phim làm lại gần đây nhất

Phim The Ring là một ví dụ cho thể loại phim remake. Vào đầu thập niên 2000, Hollywood rộ lên trào lưu làm lại các phim kinh dị của Nhật sau thành công của The Ring do đạo diễn Gore Verbinski thực hiện vào năm 2002. Vào năm 2005, bộ phim được remake lần thứ 2 ở Mỹ. Tất cả những phiên bản remake này đều xuất phát từ bản gốc của Nhật có tên Ringu (1998). Nội dung phim kể về một chiếc băng bị nguyền rủa, bất cứ ai xem đoạn băng đó đều nhận được một cú điện thoại thì thào nói rằng họ sẽ chết trong 7 ngày nữa.

Một cảnh trong The Ring – một trong mười phim kinh dị hay nhất mọi thời đại

Có lẽ dòng phim reboot thì khá khẩm hơn, bởi nó đã có sẵn một “thiên đường nguyên liệu” luôn luôn dồi dào: truyện tranh siêu anh hùng. Các phim anh hùng được tái khởi động lại như Batman, Fantastic Four, Spiderman từ trước khi ra mắt đều được khán giả mê phim đón nhận nhiệt tình. Tuy dự án The Fantastic Four (tránh nhầm lẫn với bộ phim Fantastic Four ra mắt vào năm 2005) vẫn chưa ra mắt, nhưng đối với các fan truyện tranh “cứng” thì đây vẫn là một phim đáng để trông đợi.

RoboCop (2014) là một trường hợp “lai” hiếm hoi, bởi nó vừa là remake, nhưng đồng thời cũng là reboot. Ra mắt lần đầu vào năm 1987, bộ phim RoboCop đã sớm gây được tiếng vang vì có một cốt truyện độc lập, không hề dựa theo bất kỳ bộ truyện tranh nào. Sau đó, những ấn phẩm ăn theo xuất hiện như nấm mọc sau mưa, trong đó có truyện tranh, đồ chơi lắp ghép, thậm chí cả tiểu thuyết; RoboCop giờ đây đã trở thành một trong những biểu tượng của nền văn hóa Mỹ.

Nhưng so với sự hâm mộ của khán giả phim gốc, phần mới này đã gây thất vọng và nhận rất nhiều phản hồi tiêu cực. So với bản năm 1987 của Paul Verhoeven, RoboCop của José Padilha với cốt truyện đầy lỗ hổng kịch bản nhưng phần kỹ xảo lại khá tốt bị cho là “mánh khóe kiếm tiền không biết xấu hổ” từ ngày đầu tiên công chiếu. Bản của Padilha có nhiều lỗi, nhưng dù yêu hay ghét, hay thậm chí không quan tâm thì bạn cũng phải công nhận rằng bộ phim đã khiến khán giả trẻ chịu ngồi hàng giờ ở những quán đồ ăn nhanh để bàn tán về RoboCop.

RoboCop phiên bản 2014

Chúng ta đều có những kí ức đẹp đẽ về một số phim đã được đề cập trong bài viết này. Nhưng ngày nay, với mỗi tuần đều có hai đến ba phim bom tấn ra rạp, những phim mang tính kinh điển từng được yêu thích ngày xưa dần bị lãng quên, nhất là khi không phải phim nào cũng “tuyệt vời” như ta nhớ. Hiện tại, nhiều khán giả cực đoan đến mức đã lên tiếng tẩy chay bất cứ tựa phim remake/reboot nào kể từ trước khi nó ra mắt, và cho đó là những mưu đồ kiếm tiền, lợi dụng tình cảm của người xem dành cho bản gốc và được làm lại chỉ với việc thêm thắt những kĩ xảo rối mắt.

Nhìn chung, không thể làm ra được một bộ phim mà cả thế giới cùng yêu mến, hoặc cùng ghét bỏ. Thiết nghĩ các nhà làm phim Hollywood nên bỏ ra một năm để… hoãn lại tất cả những dự án remake/reboot, và dành thời gian đó cho những ý tưởng điện ảnh mới. Như vậy, không những khán giả xem phim hài lòng vì họ không phải “uống loại rượu cũ trong một chiếc bình mới”, mà những dự án phim làm lại cũng sẽ có thời gian để hoàn thiện bản thân, để lại một nỗi nhớ nhung nhất định trong lòng khán giả.

Chỉ cần một diễn đàn điện ảnh cập nhật một vài bài viết đại loại như “Sao lâu rồi chúng ta không được xem phim làm lại”, “Ai đó lên kế hoạch làm lại tác phẩm kinh điển ABC gì đó đi chứ?”; thì đó là lúc mà những tác phẩm remake/ reboot nên trở lại thị trường điện ảnh.