Thời điểm dịch COVID gõ cửa Việt Nam và trên mọi trang báo đều là những tin tức liên quan đến cách ly và lây nhiễm, tôi được gọi vào nghe buổi nói chuyện với ngài Chủ tịch tập đoàn, để được làm “công tác tư tưởng” – vì thực sự, chỉ có tinh thần mới giúp mình vượt qua được những khó khăn cỡ COVID.
Buổi nói chuyện đó kéo dài chừng 40 phút, và không hiểu sao, từ “resilience” là từ đi sâu vào trí nhớ và suy nghĩ của tôi nhất. “Chúng ta phải “resilient”, chúng ta phải dạy cho học viên của mình kỹ năng sống “resilient”
“Resilience” có thể hiểu là khả năng thích ứng với những thay đổi, biến cố và những thất bại trong cuộc sống. Nhưng khác với “stoicsm” đơn giản là bỏ mặc những thứ “không thuộc quyền quyết định của mình”, một người có khả năng phục hồi và bền bỉ – resilience – không những biết cách đón nhận những thay đổi, biến cố, mà họ còn có tinh thần sẻ chia để nhìn xung quanh và nâng đỡ những người khó khăn bên cạnh họ.
“Resilience” được dịch sang tiếng Việt thành: khả năng phục hồi, tính kiên cường, độ bền bỉ.
Hiểu nghĩa của nó rồi, thì ta càng hiểu và đồng ý rằng nó rất quan trọng trong đời sống, trong công việc, cả hiện tại lẫn tương lai.
Một trang báo trong danh sách kết quả Google Search, nói như thế này về những “bí quyết” cải thiện tính bền bỉ của mỗi người, như sau:
- Kết nối: Cần xây dựng những mối quan hệ bền vững và tích cực với những bạn bè và người thân, vì họ có thể nâng đỡ và hỗ trợ bạn, hoặc chấp nhận bạn trong những hoàn cảnh dù tốt hay xấu. Cũng nên có những mối quan hệ xã hội trong những cộng đồng tín ngưỡng hoặc tinh thần.
- Mỗi ngày ráng sống sao cho ý nghĩa. Bạn biết rõ những việc gì sẽ cho bạn cảm giác mình đã đạt được thành quả, vì mục đích sống của mình. Hãy làm những việc đó mỗi ngày, và sống với những mục tiêu của bạn, để bạn luôn có định hướng về tương lai thật ý nghĩa.
- Lấy kinh nghiệm sống làm vốn liếng thành công. Phải nhớ lại những khó khăn trước đây đã từng vượt qua. Phải nhớ lại mình đã cố gắng như thế nào, có chiến lược nào chăng? Cũng nên viết nhật ký về những kinh nghiệm sống của chính mình, bởi đó cũng là cách để ta nhìn nhận lại những thói quen tốt -xấu, từ đó điều chỉnh và cố gắng sống tốt hơn.
- Hãy hy vọng mà sống: Dù ta không thể thay đổi quá khư nhưng ta luôn phải hy vọng vào tương lai. Luôn chấp nhận và mong đợi những thay đổi, thì ta sẽ đỡ xem chúng ta thử thách trở ngại” và ta sẽ đỡ âu lo.
- Chắc chắn cần chăm sóc bản thân cho tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy luôn tích cực suy nghĩ cách nào phù hợp với sở thích và khả năng của mình, để bảo vệ sức khỏe bản thân.
- Luôn chủ động, đừng làm lơ việc khó. Thay vào đó, hãy suy nghĩ kế hoạch hành động sao cho hiệu quả và giải quyết những trở ngại đó. Dù ta luôn cần thời gian để vượt qua những khó khăn về tinh thần và tình cảm sau mỗi thất bại, nhưng ta cần luôn biết thời điểm cần nỗ lực vượt qua để sống tiếp và sống tốt hơn.
“Resilience” có nguồn gốc từ tiếng Latin những năm 1620s, từ chữ “resiliens” có nghĩa là “act of rebounding”. 2021, chúng ta hẳn sẽ có thêm những định nghĩa mới cho “Resilience” theo cách của mỗi cá nhân. Hãy bền bỉ, hãy kiên trì..
Chúc mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng, bình an và…”resilient” nhé!