Thông tin cần biết về bệnh sán lá gan và cách phòng tránh

Sán lá gan sống ở đâu

Bệnh sán lá gan là bệnh mãn tính, phổ biến tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, bệnh sán lá gan đã xuất hiện ở 45 tỉnh thành phố trên cả nước với số ca mắc không ngừng tăng lên. Người dân cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh và con đường lây lan của sán lá gan để từ đó kiểm soát được tình trạng lây lan và các nhà chức trách có thể từng bước đẩy lùi căn bệnh này ra khỏi cộng đồng.

Sán lá gan là gì? phân loại sán lá gan

Sán là gan là một loại ký sinh trùng có hình dáng giống như một chiếc lá và có thân dẹt, được xếp vào nhóm sinh vật lưỡng tính vì có cả bộ phận sinh dục giống đực và giống cái. Chúng tồn tại trong ống mật và lá gan của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Sán lá gan có 2 loại: Sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Cả 2 loại này đều có hình dáng giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước.

  • Sán lá gan nhỏ: Có vật chủ trung gian là các loài ốc, cá nước ngọt và tồn tại chủ yếu trong cơ thể con người.
  • Sán lá gan lớn: Thường tồn tại chủ yếu ở những loài động vật ăn cỏ như: Trâu, bò, dê, cừu, … Con người bị nhiễm sán lá gan lớn do ăn phải các loại rau mọc ở dưới nước bị nhiểm bẩn và có chứa sán loại này như: Rau muống, rau cần, …

Vòng đời và đường lây nhiễm của sán lá gan

Vòng đời của sán lá gan khá phức tạp. Sán lá gan ký sinh trong gan, mật của người hoặc động vật ăn cỏ như: Trâu, bò, dê, cừu, … Sán trưởng thành đẻ trứng, trứng của sán lá gan sẽ theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân.

Trứng xuống nước, nở thành ấu trùng lông và ký sinh trong ốc. Từ vật chủ trung gian là ốc, ấu trùng lông của sán lá gan sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi. Sau đó, ấu trùng đuôi này rời khỏi ốc, bám vào loại rau mọc dưới nước tạo nay trùng hoặc bơi tự do trong nước.

Con người hoặc động vật ăn phải những loại rau thủy sinh dưới nước hoặc uống nước có chứa ấu trùng sán lá gan sẽ bị nhiễm sán lá gan.

Triệu chứng bệnh sán lá gan

Thời gian ủ bệnh

Ở giai đoạn ủ bệnh sán lá gan, rất khó phát hiện ra những biểu hiện rõ rệt vì nó còn tùy thuộc vào số lượng ấu trùng đã ăn phải. Đối với sán lá gan nhỏ, nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt. Đối với sán lớn, trong thời gian này khó xác định được triệu chứng chính xác.

Thời kỳ lây truyền

Do sán lá gan ký sinh và đẻ trứng trong gan, mật nên có thể khiến người mắc bệnh có những triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng: Những cơn đau quặn bụng xảy ra do sán lá gan di chuyển từ ruột đến gan, chui qua bao gan hoặc chui vào ống mật làm tắc nghẽn ống mật;
  • Vàng da, da xanh, nhợt nhạt: Sán lá gan ký sinh trong gan, mật, gây tắc nghẽn và làm nhiêm trùng gan, ống dẫn mật. Điều này biểu hiện qua việc da bị vàng hoặc da xanh, nhợt nhạt. Bên cạnh đó, ở một số bệnh nhân nhiễm sán lá gan, do bị nôn nhiều, tiêu chảy, chán ăn cũng dẫn đến tình trạng da xanh, nhợt nhạt;
  • Khó chịu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy: Đây là hậu quả do ống dẫn mật bị tắc. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng nhiều hay ít;
  • Sút cân: Việc nhiễm sán lá gan gây cho người mắc chán ăn, mất cảm giác ngon miệng nên rất dễ sút cân nếu người bệnh mắc sán lá gan trong thời gian dài;
  • Nổi ban: Đây là triệu chứng khá phổ biến trong giai đoạn đầu khi sán lá gan thâm nhập vào gan. Những ban ngứa xuất hiện do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm trùng do sán lá gan gây ra trên gan;
  • Sốt: Sự tắc nghẽn ở các ống mật có thể gây ra nhiễm trùng và làm người mắc bị sốt.

Phương pháp phát hiện sán lá gan

Có 3 phương pháp phát hiện sán lá gan:

  • Xét nghiệm máu chẩn đoán miễn dịch học: Chủ yếu bằng kỹ thuật ELISA. Nếu người bệnh mắc sán lá gan hoặc đã từng mắt sán lá gan, cơ thể sẽ sinh ra chất kháng thể kháng lại sán lá gan trong huyết thanh và sẽ cho kết quả xét nghiệm là dương tính.
  • Xét nghiệm phân hoặc dịch mật tìm trứng sán lá gan: Đây là phương pháp mang tính chất tham khảo vì tỷ lệ phát hiện được trứng sán rất thấp, cần phải xét nghiệm phân trong 3 ngày liên tục và có thể phải kết hợp thêm với các phương pháp chẩn đoán khác để cho ra kết quả chính xác nhất.
  • Phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: Chụp CT, MRI, siêu âm gan: Nếu bệnh nhân bị mắc sán lá gan, khi thực hiện chụp CT, MRI hoặc siêu âm ổ bụng, bác sĩ sẽ phát hiện ra các ổ âm hỗn hợp hình tổ ong hoặc hình ảnh dày bao gan tương ứng với vị trí tổn thương hoặc hình ảnh tụ dịch dưới bao gan.

Điều trị sán lá gan như thế nào?

Tùy vào tình trạng, mức độ nhiễm bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, thời gian điều trị rút ngắn và sức khỏe của người bệnh được phục hồi nhanh nhất, người bệnh cần chú ý đến những bất thường của cơ thể.

Nếu có những triệu chứng của nhiễm sán lá gan, bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt. Bệnh để lâu sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ống mật, nhiễm trùng gan …khiến quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn.

Một số loại thuốc và phương pháp điều trị sán lá gan:

  • Thuốc Triclabendazole hoặc Praziquantel

Thuốc Triclabendazole dùng để điều trị sán lá gan lớn. Đối với bệnh nhân mắc sán lá gan nhỏ cần dùng thuốc đặc trị Praziquantel.

Những đối tượng chống chỉ định với thuốc: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, người có bệnh về suy gan, suy thận, suy tim.

  • Corticosteroid

Ở nhứng bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn như: Sốt, khó chịu, buồn nôn hoặc tiêu chảy, bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc Corticosteroid. Tuy nhiên, khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn của các y, bác sĩ và không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài.

  • Phẫu thuật

Ở những bệnh nhân có triệu chứng nặng như: Viêm đường mật, nhu mô gan bị tổn thương, bác sĩ sẽ có can thiệp bằng cách cắt bỏ phần gan bị tổn thương.

Cách phòng bệnh sán lá gan

Dựa vào những con đường lây nhiễm của sán lá gan cho con người, chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng những cách sau đây:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, chưa qua chế biến như gỏi, tiết canh, gan sống … Sử dụng nguồn nước sạch để uống, trước khi uống cần đun sôi kỹ;
  • Các loại rau trồng dưới nước như: rau muống, cải xoong, rau cần, … trước khi ăn phải rửa sạch sẽ, có thể ngâm với dung dịch axit axetic 6% để khử khuẩn tốt hơn và luộc chín kỹ;
  • Không ăn các loại ốc, cá nếu chưa được nấu chín kỹ;
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần;
  • Khi phát hiện những triệu chứng bất thường của sán lá gan cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời./.

Đăng kí nhận ưu đãi khám sàng lọc bệnh lí về Gan TẠI ĐÂY:

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.