Squamous Cell Carcinoma Antigen được viết tắt là SCCA hoặc SCC, đây là kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy.. Kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy là một tiểu phần của kháng nguyên khối u TA‐4 được mô tả lần đầu tiên bởi Kato và Torigoe vào năm 1977, lấy từ mô ung thư biểu mô tế bào vảy cổ tử cung, là một glycoprotein có trọng lượng phân tử 48 kDa và bao gồm ít nhất 14 tiểu phần, có thời gian bán hủy trong máu là khoảng 2,2 giờ. SCCA là một trong những tiểu phần này, có thể được phát hiện bằng hóa mô miễn dịch trong mô tế bào vảy của phổi, âm hộ, phần ngoài của cổ tử cung, thực quản và da.
Các giai đoạn ung thư tiến triển liên quan đến nồng độ SCCA cao đặc biệt là trong ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Việc xác định nồng độ kháng nguyên, trong các lần thực hiện liên tiếp hỗ trợ đánh giá bệnh tái phát, tồn lưu bệnh sau điều trị và đáp ứng điều trị. Các yếu tố nguy cơ như uống rượu, hút thuốc, tuổi tác và nhiễm virus paliloma người (HPV), đặc biệt là HPV‐16 được chứng minh có liên quan đến SCC đầu cổ, phổi và vùng hậu môn sinh dục.
SCCA có thể được tìm thấy trong biểu mô tế bào vảy bình thường cũng như ở nồng độ thấp trong máu người. Nó không phải là một protein đặc hiệu cho khối u. Do đó, nồng độ SCCA cao có thể liên quan đến ung thư tế bào vảy cũng như những rối loạn lành tính.
Một người khỏe mạnh tham chiếu đối với xét nghiệm SCC là <3.0 ng/ml. Với những bệnh nhân có ung thư biểu mô tế bào vảy chỉ số này sẽ tăng lên rất nhiều. Với các trường hợp sau, chỉ số SCC sẽ tăng lên đáng kể:
- Ung thư cổ tử cung: Mô học thông dụng nhất trong ung thư cổ tử cung là SCC với SCCA là dấu ấn sinh học được lựa chọn cho mô học này. SCCA được ghi nhận là dấu ấn được lựa chọn để theo dõi ung thư cổ tử cung theo Hướng dẫn Nhóm các dấu ấn khối u của Châu Âu, đặc biệt có giá trị trong dự đoán tiên lượng, theo dõi và xác định trước khi điều trị ở bệnh nhân có nguy cơ cao với di căn hạch bạch huyết trong ung thư tế bào vảy cổ tử cung. Nồng độ huyết thanh của SCCA được tìm thấy liên quan đến giai đoạn của khối u, kích thước khối u, tồn lưu khối u sau khi điều trị, bệnh tái phát hoặc tiến triển, và sự sống của bệnh nhân với ung thư tế bào vảy cổ tử cung . Theo thống kê cho thấy khoảng 45 – 83% bệnh nhân ung thư cổ tử cung dạng tế bào vảy có hiện tượng tăng nồng độ SCC, khoảng 66 – 84% bệnh nhân tái phát cũng có dấu hiệu tăng SCC. Việc đo SCCA kết hợp với hsCRP cho kết quả tỷ lệ phát hiện cao nhất sự tái phát bệnh trong quá trình theo dõi ung thư cổ tử cung.
- Ung thư da tế bào vảy: là một u ác tính của tế bào gai thượng bì xâm nhập lớp hạ bì; nguyên nhân là để da tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời, da sẽ có những vết sần màu đỏ, có khi thường xuyên ngứa và có hiện tượng bong da hoặc nổi vết loét mà không rõ nguyên nhân. Đây là loại ung thư da phổ biến thứ 2 sau ung thư biểu mô tế bào đáy.
- Ung thư phổi: SCCA được báo cáo là một dấu ấn sinh học cho ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chủ yếu là dạng ung thư biểu mô tế bào vảy, với điều kiện loại trừ những bệnh nhân bị suy thận. SCC ở phổi có liên quan chặt chẽ với tiền sử hút thuốc lá hơn những loại ung thư phổi khác. Có khoảng 39 – 78% bệnh nhân ung thư phổi dạng tế bào vảy có hiện tượng tăng nồng độ SCC trong máu.
- Ung thư vòm họng và ung thư thực quản (nói chung là nhóm ung thư đầu cổ): 90% ung thư đầu và cổ là SCC, có nguồn gốc từ màng niêm mạc (biểu mô) của những khu vực này. Ở bệnh nhân có các khối u nhỏ, nồng độ SCCA trong huyết thanh liên quan đến di căn hạch với nồng độ cao hơn đáng kể ở bệnh nhân hạch dương tính. Một số nghiên cứu cho thấy SCC là một yếu tố dự đoán độc lập sự khỏi bệnh và nồng độ trước điều trị là một chỉ số tiên lượng độc lập ở bệnh nhân có khối u ác tính ở đầu và cổ. Có khoảng 30 – 39 % bệnh nhân tăng nồng độ SCC. Tuy nhiên mức độ tăng là khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.
- Giai đoạn I chỉ có 0 – 27% bệnh nhân tăng SCC.
- Giai đoạn II có khoảng 20 -40% bệnh nhân tăng SCC.
- Giai đoạn III có khoảng 39 – 61% bệnh nhân tăng SCC.
- Giai đoạn IV có khoảng 45 – 50% bệnh nhân tăng SCC.
- Ung thư bàng quang, ung thư dương vật: có khoảng 45% bệnh nhân sẽ tăng SCC huyết tương, chỉ số này cũng có thể tăng với các bệnh nhân mắc ung thư niệu đạo.
- Ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng: theo các chuyên gia, chỉ số SCC có thể tăng trong khoảng 20% các trường hợp mắc ung thư đại tràng hay ung thư tụy.
Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm SCC tăng nhẹ cũng có thể là do một số bệnh lành tính như là:
- Xơ gan
- Viêm tụy cấp
- Suy thận mạn
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
- Viêm phế quản
- Lao phổi
- Viêm nhiễm phụ khoa
- Bệnh viêm da cơ địa
- Các bệnh lý về da khác như bệnh vảy nến và chàm.