SDR là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đối với các hoạt động giao dịch trên thị trường? Bạn có thể tìm hiểu toàn bộ thông tin liên quan đến khái niệm này trong bài viết dưới đây.
SDR là gì?
SDR là từ viết tắt của Special Drawing Rights, có nghĩa là Quyền rút vốn đặc biệt. SDR là dạng tiền tệ dự trữ quốc tế do IMF (International Monetary Fund, tức Quỹ Tiền tệ thế giới) phát hành với vai trò bổ sung cho nguồn tiền dự trữ của các quốc gia. Về bản chất, SDR được IMF phân bổ cho các quốc gia thành viên và được bảo đảm bởi sự tin cậy và tín nhiệm hoàn toàn của các quốc gia ấy.
“SDR là tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để bổ sung vào nguồn dự trữ chính thức của các nước thành viên. SDR không phải là tiền tệ. Đó là một công cụ tiền tệ nhân tạo có thể sử dụng tự do của các thành viên IMF.”
Tại sao SDR lại được hình thành?
Trước đây khi còn là thành viên của hệ thống lãi suất cố định Bretton Woods thì các quốc gia cần có lượng tiền tệ dự trữ của mình để duy trì lãi suất. Thông thường lượng dự trữ chính thức là vàng do Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương nắm giữ và các ngoại tệ cũng được chấp nhận thanh toán rộng rãi.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp 2 loại tài sản dự trữ này không đủ để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động thương mại quốc tế cũng như “bơm” vào dòng chảy tài chính đang ồ ạt trong thời điểm bấy giờ. Đồng thời trong thời điểm đó, Mỹ cũng có những chính sách tiền tệ vô cùng thận trọng và không muốn tăng lượng tiền trong lưu thông vì quan ngại đồng đô la Mỹ sẽ kém hấp dẫn.
Vì thế, cộng đồng quốc tế đã hội ý và đưa ra quyết định rằng cần phải tạo ra một định dạng tài sản dự trữ quốc tế mới và có được sự bảo trợ của IMF – chính là SDR. Đối với các quốc gia đang phát triển, SDR được đánh giá là một kênh tín dụng tốt, có chi phí thấp dùng để bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước. Ngoài ra, SDR còn được dùng như một đơn vị quy ước định danh dùng để xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ, tài sản,… để giao dịch với nhau ở các quốc gia trong cùng hệ thống IMF.
Những tính năng nổi bật của SDR là gì?
Cũng có rất nhiều thắc mắc, không biết tính năng nổi bật của SDR là gì và các quốc gia thuộc IMF có thể sử dụng quyền rút vốn đặc biệt này như thế nào. Cụ thể, những đặc điểm của SDR bao gồm:
– SDR được thỏa thuận thành lập bởi các quốc gia thành viên trong quỹ IMF, chỉ lưu hành nội bộ;
– SDR chịu trách nhiệm về vấn đề thanh khoản cho các quốc gia, thỏa thuận thông qua việc tạo tài khoản tín dụng ngân hàng. Từ đó, các quốc gia thuộc IMF có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong nước vì được bổ sung nguồn lực trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước.
– SDR được định giá bằng bình quân tổng giá trị của các đồng tiền cao nhất thế giới như đồng đô la Mỹ, đồng Euro, đồng Yên Nhật, đồng bảng Anh,… Đặc biệt, nó được phân bổ dựa trên hạn ngạch do chính các quốc gia thành viên nắm giữ và được quy định từ trước, đảm bảo đúng với số % hạn ngạch của IMF.
– SDR được Ngân hàng Nhà nước của quốc gia đó nắm giữ, có thể hướng đến mục đích thanh toán các giao dịch quốc tế.
– SDR giúp các quốc gia trong quỹ IMF tăng cường tình hữu nghị cũng như có trách nhiệm với nhau hơn vì họ hiểu rằng việc chấp nhận SDR như một phương thức thanh toán của các quốc gia có thể giúp phát triển quá trình lưu thông tiền tệ, cải thiện các hoạt động giao thương.
Nguyên lý hoạt động của SDR là gì?
Nguyên lý hoạt động của quyền rút vốn đặc biệt SDR là gì? Nó sẽ được tính toán dựa trên hạn ngạch IMF đang có của các quốc gia thành viên. Theo đó, các nước tham gia SDR trên tinh thần tự nguyện, tức là mua bán một cách tự do, không ép buộc, song vẫn phải đi kèm với một số quy định đã được thỏa thuận từ trước.
Tuy nhiên, trong trường hợp các quốc gia thành viên không có nhu cầu mua SDR tự nguyện thì tổ chức IMF sẽ có trách nhiệm chỉ định các quốc gia đang sở hữu cán cân thương mại mạnh hơn để tạo nên sự linh hoạt trong việc trao đổi tiền tệ lấy SDR.
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên IMF có thể vay SDR từ nguồn dự trữ của IMF với lãi suất ưu đãi để cải thiện vị thế cho cán cân thanh toán của họ.
IMF xem SDR là đơn vị kế toán của họ, giá trị của SDR cũng được tính từ các loại tiền tệ chính: đôla Mỹ, Yên Nhật, Nhân dân tệ, Euro, Bảng Anh.
Ưu nhược điểm của SDR là gì?
Ưu điểm của SDR
Hạn chế sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ: sau khi có sự xuất hiện của SDR thì các nước có thêm đồng tiền dự trữ khác để giao dịch với nhau và không còn phụ thuộc nhiều vào đồng đô la Mỹ như trước đây.
Trở thành cán cân thanh toán hiệu quả: Trên thực tế khi SDR được đưa vào lưu thông, Mỹ cũng không còn quyền thống trị duy nhất trên thị trường thanh khoản. Điều này có nghĩa là khoản thâm hụt ngân sách của các quốc gia trên thế giới với Mỹ sẽ được giải quyết phần nào.
Duy trì tính ổn định: như đã nhắc đến trong phần nguyên lý hoạt động của SDR, quyền rút vốn đặc biệt phụ thuộc vào bình quân của giá trị các đồng tiền. Do đó, đồng đô la Mỹ không thể một mình tự quyết nguồn cung hay thay đổi giá của SDR. Và tình trạng ép giá bằng cách tăng giảm đồng đô la Mỹ không còn là vấn đề. Từ đó, SDR sẽ làm bình ổn giá các mặt hàng, chẳng hạn như vàng, nhiên liệu khí đốt dầu, ngũ cốc, thực phẩm tiêu dùng,…
Nhược điểm của SDR
Bên cạnh những ưu điểm thì chính bản thân SDR cũng còn tồn tại một số hạn chế như:
– Chưa thực sự ổn định như các tài sản hữu hình: so với SDR thì việc sử dụng các loại tài sản hữu hình như vàng hoặc tiền tệ quốc gia làm giá trị của tiền tệ ổn định hơn.
– SDR mang tính trừu tượng: SDR khó thực hiện và quản lý, nhất là trong các mô hình kinh tế vi mô vì giá trị của nó là số trung bình cộng của của các giá trị đồng tiền khác nhau.
– Phạm vi thanh toán bị giới hạn: chỉ có các quốc gia trong Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới được quyền sử dụng SDR nên trong một số trường hợp không thể tiến hành giao dịch linh hoạt.
SDR tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 50 năm hoạt động và vẫn đóng vai trò quan trọng cho các quốc gia thành viên IMF trong hoạt động dự trữ tiền tệ quốc tế cũng như tiến hành thanh toán giao dịch trên phạm vi toàn cầu. Với những thông tin về quyền rút vốn đặc biệt SDR là gì trên đây hy vọng có thể mang đến cho bạn cái nhìn chính xác và khách quan nhất về khái niệm này.
Pha Lê