Brand Manager là gì? Tất tần tật về Brand Manager

Brand Manager là gì? Tất tần tật về Brand Manager

Senior brand manager là gì

Thương hiệu sản phẩm là bản quyền, là nét đặc trưng không thể lẫn, là uy quyền có thể “thét ra lửa” của mỗi doanh nghiệp nơi “thương trường như chiến trường”. Bởi vậy, các doanh nghiệp đã và đang ra sức “chiêu hiền đãi sĩ” để tuyển chọn người duy trì và phát triển hào quang của bảo vật quý giá này. Đó chính là các Brand Manager.

Vậy Brand Manager là gì?, các nhiệm vụ và kỹ năng của người “giữ lửa” thương hiệu này ra sao? Làm thế nào để trở thành một Brand Manager tài ba?

Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây của HRchannels. Bạn đọc quan tâm hãy cùng tham khảo bài viết và đưa ra những chiêm nghiệm của bản thân mình nhé.

MỤC LỤC

I. Brand Manager là gì?II. Brand Manager làm những công việc nào?III. Brand Manager cần thành thạo những kỹ năng nào?IV. KPI cho vị trí Brand Manager là gì?V. Tuyển dụng Brand Manager

I. Brand Manager là gì?

Brand Manager là Giám đốc thương hiệu hay Quản lý thương hiệu (tùy từng công ty), là những “ngôi sao sáng” trong nhóm ngành FMCG, đảm nhiệm việc quản trị thương hiệu của sản phẩm.

Phối hợp với CCO (Giám đốc kinh doanh), CMO (Giám đốc Marketing), Giám đốc thương hiệu sẽ góp phần vào công cuộc tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi khách hàng, tỷ lệ hài lòng khách hàng và sau cùng đi kèm với sự lên ngôi của uy tín thương hiệu là các con số tăng trưởng thần kỳ trong doanh thu.

>>> Đọc thêm: 5 điều cần biết về Brand Manager/Quản lý thương hiệu

II. Brand Manager làm những công việc nào?

Làm Quản lý thương hiệu liệu có áp lực? Bạn đã thử tìm hiểu về những công việc một Giám đốc thương hiệu phải đảm nhiệm?

1. Nghiên cứu thị trường, “đọc vị” thương hiệu của đối thủ cạnh tranh

Người ta vẫn thường đề cao sự sáng tạo, thứ được coi là linh hồn của mọi thương hiệu. Tuy nhiên, bạn đừng quên rằng thương hiệu cũng là một vận động viên trong cuộc đua với các đối thủ cạnh tranh nhằm tranh chức quán quân trong lòng người tiêu dùng.

Người xưa thường có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó cũng là tâm niệm của một Giám đốc thương hiệu như một chiến thuật để đánh bại đối thủ, để hiểu thương hiệu của đối thủ đang ở thứ hạng nào trong lòng khách hàng, để đánh trúng thiếu sót của họ và phát triển thương hiệu theo hướng này. Tất nhiên, khâu “đọc hiểu” khách hàng là không thể bỏ qua bởi mỗi đối tượng khách hàng khác nhau sẽ chỉ “đổ” trước thương hiệu mà họ thực sự yêu thích, thực sự tin tưởng.

2. Lập kế hoạch định kỳ cho thương hiệu

Phát triển thương hiệu cũng giống như nuôi dưỡng một khu vườn. Nếu bạn bỏ chăm chút khu vườn đó dù chỉ là một ngày thì hoa lá và cây cối trong khu vườn đó sẽ mất đi rất nhiều sinh khí, chưa kể rằng sẽ có nhiều việc không may xảy ra như sâu bọ tàn phá khu vườn đó. Nói đến đó, bạn đã cảm thấy không ít những rủi ro nảy sinh chỉ bởi vì sự xao lãng của chủ vườn hay chưa?

Thương hiệu cũng giống một con người với những nét tính cách khác biệt, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức – điều mà không một doanh nghiệp nào có thể đánh tráo được.

Bởi vậy, để khu vườn mang tên “thương hiệu” phát triển một cách có định hướng, giám đốc thương hiệu cần xây dựng một kế hoạch định kỳ để luôn thích nghi với sự thay đổi liên tục trong nhu cầu của khách hàng và kiêu hãnh ứng phó với đối thủ cạnh tranh.

3. Xây dựng, triển khai và đánh giá các kế hoạch truyền thông

Phát triển thương hiệu luôn đi kèm với chiến dịch truyền thông và Marketing. Đó là bộ ba không thể thiếu để sản phẩm được đón nhận rộng rãi trên thị trường. Sức sống của thương hiệu chính là tiếng lòng của khách hàng đối với thương hiệu đó. Thương hiệu cần tạo ra sự ảnh hưởng.

Rõ ràng, trong công cuộc tạo ra sự ảnh hưởng, tiếng tăm của thương hiệu không thể vắng bóng truyền thông, đặc biệt là truyền thông đa phương tiện trong thời đại số hóa, thứ có thể biến những điều bình thường nhỏ nhặt nhất thành những điều vĩ đại, lớn lao với khẩu hiệu “thắng làm vua, thua thì làm anh hùng”.

>> Xem thêm: Giám đốc thương hiệu trong ngành FMCG làm công việc gì?

4. Thiết kế bao bì sản phẩm, in quảng cáo và thiết kế TVC

Khi quyền lựa chọn thuộc về khách hàng thì các nguyên tắc kinh doanh cơ bản đều xoay quanh quỹ đạo “tốt gỗ thì phải tốt cả nước sơn”. Con người ta xưa nay tôn sùng và theo đuổi các giá trị chân – thiện – mỹ, điều này càng tạo động lực cho những người làm Brand không ngừng lên kế hoạch update các thiết kế bắt mắt, đảm bảo tính thẩm mỹ cho bao bì sản phẩm.

“Đàn bà xấu thì không có quà”, sản phẩm không bắt mắt thì không có người mua. Chưa kể rằng, quảng cáo “nhạt” về nội dung và kém cạnh về thời lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ chỉ làm cho thương hiệu thêm mờ nhạt và dần chết yểu trong lòng khách hàng. Chính vì vậy, dù tốn kém kinh phí và hao tổn tinh lực thì Brand Manager cũng sẽ luôn chú trọng “chăm sóc” tỉ mỉ các TVC quảng cáo với thiết kế sinh động và hứa hẹn lên sóng ở những khung giờ “vàng”.

5. Quản lý bộ phận thiết kế và sáng tạo để đảm bảo tính nhất quán của hình ảnh và thông điệp thương hiệu

Tính thống nhất của thương hiệu không đồng điệu với sự nhàm chán. Đó là tinh thần sau cùng, là giá trị cốt lõi của sản phẩm, là nốt trầm bất biến giữa “bản nhạc luật” xô bồ của các chiến dịch kinh doanh của tổ chức theo thời gian.

Từ ý tưởng đến thực hiện là một chặng đường không quá xa nếu Giám đốc thương hiệu truyền đạt “Bộ phong cách thương hiệu” thành công đến Bộ phận thiết kế và sáng tạo. Cụ thể, một thương hiệu cần tạo ra sự phá cách về logo, kiểu chữ, khẩu hiệu và sứ mệnh của công ty, nguyên tắc phối màu, hình ảnh đại diện,… Tất cả đều cần được nghiên cứu và thể hiện tinh xảo để “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng mục tiêu.

III. Brand Manager cần thành thạo những kỹ năng nào?

Dưới đây là những kỹ năng mà Quản lý thương hiệu cần thành thạo:

1. Đọc hiểu khách hàng

Thương hiệu cũng là sản phẩm của quá trình đồng sáng tạo của khách hàng với bộ phận Marketing – Quản trị thương hiệu. Hiểu khách hàng chính là yếu tố sống còn của

Xu hướng Marketing hiện đại đã định nghĩa lại khái niệm về sản phẩm: Sản phẩm là tập hợp các lợi ích. Vậy thương hiệu và sản phẩm có mối quan hệ như thế nào? Tiếng nói của khách hàng có giá trị gì với thương hiệu?

Thương hiệu giúp định vị sản phẩm trên thị trường và sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và thỏa mãn được đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ làm gia tăng thêm giá trị của thương hiệu. Đến đây, bạn đã hiểu vì sao Giám đốc thương hiệu cần “đọc vị” khách hàng rồi phải không?

2. Thành thạo kiến thức về Marketing

Những người theo đuổi nghiệp đưa thương hiệu lên đỉnh cao sẽ luôn khắc sâu mô hình 6P trong Marketing bao gồm Price (giá cả), Promotion (quảng bá thương hiệu), Product (sản phẩm), Place (điểm bán), Pack và Proposition (định vị thương hiệu),…

Nói cách khác, vận dụng được mô hình 6P trong Marketing kể trên, Quản lý thương hiệu sẽ có sức mạnh “hô mưa gọi gió” của các chiến binh thời kỹ nghệ 4.0. Nếu như một đôi giày đẹp đưa người phụ nữ tự tin đặt chân tới một xứ sở diệu kỳ, một miền đất đầy kỳ vọng thì thương hiệu sản phẩm sẽ đưa người tiêu dùng đến nơi mà tất cả các nhu cầu và kỳ vọng của họ đều được đáp ứng.

Thử hỏi nếu bạn thấy hình ảnh một chiếc đùi gà vàng ươm, bên cạnh là sa lát rau trộn với nước sốt tươi ngon vào lúc kết thúc một ca làm việc vất vả vào buổi sáng. Bạn sẽ chỉ kìm nén cơn đói đang cồn cào và hờ hững lướt qua nếu như dòng chữ “ưu đãi 35% hay thậm chí là 50% cho bữa trưa vui vẻ” không xuất hiện nổi bật trên màn hình. Bạn tiếp tục lướt qua hay tiếp tục mời những người đồng nghiệp của mình gọi món và cùng thưởng thức bữa trưa?

Đó chính là nghệ thuật giữ chân khách hàng tiềm năng của những người làm truyền thông – marketing – thương hiệu. Cuốn hút khách hàng bằng những hình ảnh bắt mắt, tri ân khách hàng bằng những chiến dịch ưu đãi, sản phẩm “không chất lượng không lấy tiền”, “ở đâu rẻ nhất, ở đây rẻ hơn”,… Niềm vui và sự hài lòng sẽ tạo nên chữ tín và thương hiệu của bạn đã dần dần đi vào tâm, vào tim của khách hàng bằng cách đó.

>>> Có thể bạn quan tâm: Vai trò của một Brand Manager

3. Nằm lòng các nguyên tắc quản trị thương hiệu

Nguyên tắc quản trị thương hiệu chính là bí kíp của một thương hiệu bền vững. Một thương hiệu sẽ sống mãi trong lòng khách hàng nếu nó mang linh hồn và cốt cách của chính doanh nghiệp đó. Điều đó góp phần tạo nên tính nhất quán của thương hiệu, thứ được coi là chìa khóa tạo ra sự khác biệt.

Một điều quan trọng nữa, bạn đã từng cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng mạng? Quản lý thương hiệu là người có khả năng khởi tạo và kết nối cộng đồng mạng mang tên thương hiệu, nơi mà những người quan tâm có thể chia sẻ những trăn trở chuyện đời, chuyện nghề. Họ gắn kết với nhau và sẽ luôn nhớ tới thương hiệu của bạn như một trải nghiệm tốt đẹp. Đó chẳng phải là một dấu hiệu đáng mừng sao?

4. Khả năng biến các con số trở nên “biết nói”

Mức độ nhận biết thương hiệu sẽ phản ánh chính xác kết quả của chiến dịch quảng bá sản phẩm. Bởi vậy, một Giám đốc thương hiệu luôn cần sử dụng tốt công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm đo lường và phân tích tính hiệu quả của các chiến dịch quản trị thương hiệu.

Tuy nhiên, những ý tưởng vĩ đại sẽ đi về hư vô nếu không có ngân sách thực hiện. Brand Manager cần tính toán rõ ràng các con số chi phí thực tế cho các hoạt động của mình (Digital Marketing, Báo chí, Sự kiện, …)

5. Tư duy sáng tạo

Những thứ gây xúc động, chạm vào đáy tim thường lưu lại rất lâu, rất lâu như những kỷ niệm vượt thời gian. Tại sao hình ảnh và lời nói lại có sức mạnh ám ảnh và quyến luyến tâm trí con người không rời?

Sức hút của thương hiệu cần đảm bảo tính hữu hình (từ bao bì sản phẩm, poster quảng cáo đến danh thiếp của lãnh đạo và nhân viên,…). Nghĩa là chỉ trong vòng 3 – 5 giây, hình ảnh thương hiệu sẽ đi vào tiềm thức của khách hàng.

Chính vì vậy, đôi khi, Quản lý thương hiệu cần am hiểu bố cục về hình ảnh và màu sắc như những người họa sỹ tài ba phải không?

Không chỉ dừng lại ở đó, Giám đốc thương hiệu còn là người nghệ sỹ của ngôn từ. Khả năng truyền tải thông điệp với ngôn từ sắc sảo, sinh động hữu hình của BM có khả năng “đốn tim” hàng triệu con tim của khách hàng, những người ngày ngày theo dõi mạng xã hội như một thói quen khó bỏ.

Có thể nói, chính những trải nghiệm phong phú về đời sống, về nghề đã nhen nhóm trong họ những ý tưởng đột phá tuyệt vời làm nổi bật cá tính thương hiệu.

6. Khả năng xử lý khủng hoảng

Rủi ro như những “vị khách không mời mà đến” nên giám đốc thương hiệu luôn phòng sẵn bên mình các kế hoạch quản trị “tiền khủng hoảng”. Là nhân sự cấp cao trong tổ chức, với con mắt của một nhà lãnh đạo, Brand Manager sẽ luôn lường trước những cơn sóng lớn làm tổn hại đứa con “thương hiệu” của mình, đặc biệt trong thời đại thông tin lan truyền chóng mặt và hàng rào kiểm duyệt thiếu chặt chẽ như hiện nay.

Để dập tắt những tin đồn thất thiệt mang mã độc lây lan tấn công thương hiệu, BM cần xây dựng hàng rào truyền thông Marketing vững chắc nhằm highlight những thành tựu – những điểm mạnh, những chính sách có lợi cùng những cam kết “có tâm” của doanh nghiệp đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, Quản lý thương hiệu cần thẳng thắn trả lời câu hỏi của báo chí và đưa ra những cách giải quyết khôn ngoan và táo bạo nhằm định hướng và tạo thiện cảm với dư luận trước bất kỳ tình huống nào.

>>> Đọc thêm: 9 câu hỏi phỏng vấn Brand Manager

7. Khả năng làm việc nhóm ăn ý

Giám đốc thương hiệu sẽ không bao giờ và chưa bao giờ đối mặt với những khó khăn trong công cuộc chiến đấu bền bỉ vì thương hiệu sản phẩm cũng như chẳng đơn độc đón trọn ánh hào quang tỏa rạng từ thương hiệu này.

Thật đơn giản, đó là bởi vì họ cũng là một thành viên trong bộ phận Truyền thông – Marketing và họ có chung một mục tiêu cháy bỏng là cơn khát trở thành những ông trùm trên thị trường, những người bạn tin cậy trong lòng người tiêu dùng. Thương hiệu là chiếc cúp danh dự, là nỗ lực cả team Truyền thông – Marketing phối hợp cùng các phòng ban khác trong công ty như Phòng Sản xuất, Phòng Kinh doanh,… đã bỏ bao tâm linh sinh lực cùng xây dựng.

Bởi vậy, BM sẽ chỉ trở thành hư danh nếu như họ không thực sự có tinh thần và khả năng phối hợp làm việc nhóm với các thành viên trong nhóm và toàn thể công ty. Suy rộng ra, họ cần nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt, hiểu rõ và tạo thiện cảm với sếp và đồng nghiệp để góp phần vào thành công chung của một tập thể.

IV. KPI cho vị trí Brand Manager là gì?

Một BM luôn cần cán mốc chỉ số KPI đặt ra từ Ban Giám đốc.

Dưới đây là các chỉ tiêu KPI của vị trí Quản lý thương hiệu:

1. Mức độ nhận biết thương hiệu thông qua lượt tương tác trên các kênh trực tuyến

Số lượt tương tác trên Facebook và website chính thức của doanh nghiệp sẽ là minh chứng cho những nỗ lực của toàn đội Marketing – Truyền thông thương hiệu.

Mỗi lượt chia sẻ và bình luận tương tác trực tuyến cho thấy những ghi nhận của thương hiệu trong lòng khách hàng, cho thấy họ thích thú khi nhận được những giá trị bạn mang lại thông qua các bài post chia sẻ.

2. Mức độ nhận biết thương hiệu qua kết quả nghiên cứu thị trường

Số lượt tương tác của khách hàng trên mạng xã hội – thế giới ảo biến thành sự quan tâm thật của khách hàng báo hiệu thắng lợi lẫy lừng của Giám đốc thương hiệu. Đó là khi đi thị trường, BM được thấy gương mặt rạng rỡ cùng những phản hồi tích cực của khách hàng và chủ các đại lý bán lẻ trên toàn quốc khi nhắc đến tên thương hiệu.

3. Chỉ số ROI

Chỉ số ROI là chỉ số lợi nhuận trên chi phí đầu tư. Nếu giá trị ROI càng lớn thì lợi nhuận doanh nghiệp thu về và sự tín nhiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp càng lớn. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng trong “binh pháp” quản trị thương hiệu của BM, khi các khoản đầu tư về ngân sách và trí lực trở nên hoàn toàn xứng đáng.

>>>> Xem thêm: Mô tả công việc của một Trưởng phòng truyền thông

V. Tuyển dụng Brand Manager

1. Làm thế nào để trở thành BM?

Bạn là người có trên 3 – 5 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí Giám đốc Marketing hoặc Trưởng phòng Marketing của các công ty nước ngoài hay tập đoàn đa quốc gia?

Nếu đã lỡ “thầm thương trộm nhớ” ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG, nhiệt huyết kinh doanh và đam mê truyền thông thương hiệu thì đừng ngại ngần gì nữa, hãy nhanh chân theo đuổi con đường sự nghiệp trở thành một BM- giám đốc thương hiệu ngay nào!

“Nghiệp chọn người”, bên cạnh vốn kinh nghiệm đã tích lũy được về Marketing – Truyền thông thương hiệu, bạn cần tiếp tục chăm chỉ học hỏi để vốn kinh nghiệm đó ngày càng được mài sắc hơn. Sự chủ động và tinh thần cầu tiến, sẵn sàng đương đầu với những thử thách của công việc vốn dĩ rất áp lực này sẽ có thể đưa bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp sắp tới.

2. Mức lương của Brand Manager

Theo thống kê của Vietnam Salary, mức lương của BM dao động từ 10 triệu đồng (mức lương khởi điểm) đến 80 triệu đồng (mức lương cao nhất dự kiến), trong đó mức lương từ 26 triệu đồng – 38.5 triệu đồng được coi là mức dao động trung bình tùy thuộc vào số năm kinh nghiệm.

Vì vậy, hãy làm việc chăm chỉ ngay từ bây giờ để “công phá” mức lương xứng đáng nhất bạn nhé.

Trên đây là các thông tin về vị trí BM cùng tất tần tật các thông tin về các công việc một Giám đốc thương hiệu phải làm cũng như các kỹ năng cần có. Sau cùng là thông tin về KPI, mức lương và cách thức ứng tuyển vị trí Giám đốc thương hiệu dành cho bạn đọc quan tâm.

Hi vọng bài viết trên đây của HRchannels đã giúp bạn đọc những hiểu biết hữu ích xung quanh công việc của một Quản lý thương hiệu.

Nếu bạn đọc có hứng thú với vị trí BM, hãy nhanh tay nhấc máy gọi về số hotline hay ghé văn phòng của HRchannels ngay nào! –

HRChannels – Great Solution. Great People! HRChannels – Dịch vụ tuyển dụng cao cấp Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: www.hrchannels.com Địa chỉ: Tầng 10, CIT Building, Ngõ 15 Duy Tân – Cầu Giấy – Hà Nội