Servant Leadership là gì? – PMA

Servant leadership là gì

Cập nhật lần cuối vào 28/09/2022 bởi Phạm Mạnh Cường

Servant Leadership hẳn là một thuật ngữ mà khi tìm hiểu về Agile thì bạn đã nghe qua. Bạn còn đang thắc mắc về Servant Leadership là gì? Có gì khác biệt so với Traditional Leadership? Ví dụ cụ thể về Servant Leadership tại Việt Nam? Vậy hãy xem qua bài viết này.

Servant Leadership (Lãnh đạo phụng sự) là gì?

Servant Leadership là một triết lý lãnh đạo mà vai trò đầu tiên của người lãnh đạo là phục vụ đội nhóm của mình. Người lãnh đạo theo triết lý Servant Leadership nhắm tới việc giúp đỡ cấp dưới và giúp họ phát triển, thực hiện tốt công việc của mình.

Servant Leadership không phải là một kỹ năng hay phương pháp lãnh đạo nào quá đặc biệt. Về bản chất, Servant leadership làhệ thống các cách hành xửđược chấp nhận trong dài hạn.

Sự ra đời của Servant Leadership

Servant Leadership ra đời từ ý tưởng của Robert K Greenleaf – giám đốc phát triển nguồn nhân lực của AT&T vào năm 1970, nhấn mạnh vào việc đầu tiên của lãnh đạo là phục vụ, tiếp cận toàn diện với công việc, thúc đẩy nhận thức và chia sẻ quyền lực với người khác.

Khái niệm về Servant Leadership của Greenleaf bắt đầu được nhen nhóm từ những năm 1960, khi ông đọc cuốn tiểu thuyết của Hermann Hesse có tên gọi “Journey to the East” – Hành trình về phương Đông – cuốn tiểu thuyết giả tưởng kể lại cuộc hành trình kỳ bí của một nhóm người hướng tới phương Đông để tìm kiếm Sự thật tối thượng (The Ultimate Truth).

Leo, nhân vật chính của câu chuyện, đi theo đoàn với tư cách một người phục vụ (servant), nhưng đồng thời cũng chính anh là người đã gây hứng khởi cho cả đoàn bằng tinh thần lạc quan với lời ca giọng hát. Mọi việc đều tốt đẹp cho đến khi Leo biến mất. Sau đó, đoàn người dần phân tán, bỏ cuộc, và cuộc hành trình trở nên dang dở. Chính lúc này, họ mới khám phá ra rằng Leo, người mà trước đây chỉ được xem như là người phục vụ, lại chính thật là một thủ lĩnh tài ba, dẫn đường cho cả đội nhóm.

Dựa trên nội dung câu chuyện, Greenleaf đưa ra định nghĩa về servant leadership như sau: “Một nhà lãnh đạo tài ba trước hết phải là một người phục vụ tận tâm, sở hữu ý thức phụng sự từ trong tâm khảm. Họ luôn đặt lợi ích của bản thân sang bên để đáp ứng mong muốn của tập thể. Việc lãnh đạo đối với họ là cơ hội để gánh vác những trọng trách khó khăn, chứ không phải là “lợi thế” để “đàn áp” nhân viên với quyền lực trong tay.“

Phân biệt Servant Leadership với lãnh đạo truyền thống

Bạn có thể xem qua bảng dưới đây để nói về sự khác nhau của chúng.

Hoặc qua ảnh về 2 loại mô hình hoạt động tổ chức để xem về sự khác nhau.

Servant Leadership làm những việc quan trọng gì?

Xác định (tái xác định) tầm nhìn dự án

Trao đổi qua lại với khách hàng, hoặc những bên liên quan để tầm nhìn của dự án được xác định rõ ràng, và đảm bảo được những công việc làm hàng ngày của nhân viên không đi chệch ra khỏi định hướng của dự án là một trong những giá trị cốt lõi mà “Servant Leadership” cần phải chú tâm.

Điều này không chỉ đảm bảo được các thành viên trong dự án tập trung hoàn thành các công việc theo định hướng dự án, mà còn đảm bảo các bên liên quan hiểu rõ hơn về tầm nhìn và loại bỏ những công việc có thể tạo ra trở ngại trong việc hoàn thành mục tiêu dự án.

Bảo vệ nhân viên khỏi những nguyên nhân có thể gây gián đoạn công việc

“Servant Leadership” cần can thiệp và hạn chế những vấn đề có thể gây gián đoạn công việc.

Ví dụ:

  • Những buổi họp không thuộc dự án
  • Những hoạt động của đoàn thể, công ty không cần thiết
  • Lặp lại việc log work hay khai timesheet hằng ngày

Những điều này có thể khá ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của nhân viên.

Gỡ bỏ trở ngại

“Servant Leadership” cần “dọn dẹp” các trở ngại khiến cho công việc bị trì trệ và thậm chí không hoàn thành được đúng thời hạn, dẫn đến việc ảnh hưởng đến cống hiến giá trị cho doanh nghiệp.

Ví dụ: Những thủ tục hành chính rườm rà

Việc loại bỏ những trở ngại này sẽ giúp cho nhân viên có thể tập trung trong công việc hơn, đem lại các giá trị cao hơn cho dự án, và cho doanh nghiệp.

Cung cấp thức ăn và thức uống

Nghe thì thật là buồn cười vì tại sao “Cung cấp thức ăn và thức uống” lại là một trong những giá trị cốt lõi?

Đôi khi, mọi người có thể chỉ “ăn mừng thành công” chỉ khi chấm dứt dự án. Nhưng nếu khoảng thời gian dự án quá lâu, điều này có thể khiến nhân viên “mất nhuệ khí” từ đó sẽ làm giảm đi hiệu suất công việc.

Nhà quản lý có thể thông qua các buổi tiệc nhỏ chúc mừng đánh dấu những thành tựu nhỏ và lớn trong suốt quá trình phát triển dự án.

Nhiệm vụ này không chỉ tập trung vào việc “vỗ béo nhân viên”. Giữ nhiệt và hiệu suất của nhân viên là điều kiện thiết yếu cho giá trị này.

Ngoài các buổi tiệc chúc mừng, những buổi hướng dẫn, buổi chia sẻ về định hướng phát triển công việc cũng là một trong những việc mà nhà quản lý có thể phát triển thêm để giữ nhiệt và giúp nhân viên đi theo đúng định hướng phát triển mà họ mong muốn. Điều này không chỉ thể hiện cho nhân viên thấy được rằng những nhà quản lý không phải là những “kẻ hút máu”, mà họ quan tâm đến mong muốn của nhân viên, và tạo mọi điều kiện để việc phát triển được tối ưu nhất có thể.

Huấn luyện và phát triển con người, đội nhóm

Các nhà lãnh đạo theo phong cách phục vụ trao quyền cho cấp dưới, huấn luyện và đào tạo họ cách sử dụng quyền lực đó, đồng thời để họ chịu trách nhiệm cho các hành động và quyết định của mình.

Các Servant Leadership cũng cần làm việc để hiểu khả năng của các nhân viên và nhận biết rằng một số cá nhân có thể cần huấn luyện và hỗ trợ nhiều hơn những người khác.

Lợi ích của Servant Leadership

  • Hạn chế lạm dụng quyền lực trong công việc
    • Đây là một lợi ích hết sức to lớn mà phong cách Servant Leadership đem lại cho các doanh nghiệp hiện nay. Với những cấp trên theo phong cách này thì thay vì chuyên quyền độc đoán trong mọi vấn đề, họ sẽ chia sẻ thông tin và cân nhắc những phương án giải quyết của nhân viên.
    • Những cấp trên như vậy sẵn sàng từ bỏ quyền lực của mình để thực hiện những ước muốn đem lại lợi ích cho người khác. Vì vậy, vấn đề chuyên quyền, lạm dụng quyền hành của mình ở các doanh nghiệp sẽ được giảm thiếu đáng kể.
  • Khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp
    • Nhà Servant Leadership khuyến khích nhân viên của mình tham gia vào tất cả các khía cạnh của quá trình ra quyết định.
    • Khi có thể thoải mái thực hiện những công việc được giao và nhận được sự thúc đẩy, giúp đỡ từ quản lý của mình, họ sẽ có tâm lý thoải mái hơn để thực hiện những công việc khác ngoài phạm vi của mình nhưng được cấp trên giao phó.
  • Cải thiện năng suất làm việc của tổ chức
    • Áp dụng Servant Leadership có khả năng giúp cho hiệu suất công việc của doanh nghiệp bạn tiến bộ hơn rất nhiều. Servant Leadership đi ngược lại quản lý truyền thống, luôn hỗ trợ nhân viên tự do, linh hoạt để tự học, khám phá và giải quyết các thách thức. Khi đó, nhân viên sẽ có sự hài lòng trong công việc và làm việc tích cực, chăm chỉ hơn.
  • Thích ứng nhanh với sự thay đổi
    • Cách tiếp cận của Servant Leadership có thể có hiệu quả trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Nếu như cách quản lý mang tính độc đoán, chuyên quyền thì sẽ rất dễ gây nên những oán trách hiểu lầm của nhân viên đối với lãnh đạo của mình.
  • Tạo dựng lòng trung thành từ nhân viên
    • Với Servant Leadership, người lãnh đạo sẽ tạo cho nhân viên cảm thấy được vai trò của mình trong công ty, doanh nghiệp thực sự quan trọng. Điều này làm gia tăng sự gắn kết của nhân viên với tổ chức lên rất nhiều.
    • Khi nhân viên được xây dựng và đóng góp cho một mục tiêu chung thì họ sẽ thấy được trách nhiệm và vai trò của bản thân, từ đó ý thức trung thành mạnh mẽ được xây dựng theo thời gian.

Làm thế nào để trở thành một Servant Leader?

Greenleaf nói đến 10 nguyên lý (hay 10 kỹ năng) của Servant Leadership, mà Larry Spears đã tóm tắt như sau:

1. Lắng nghe (Listening): Nghe và nói luôn quan trọng cho các lãnh đạo xưa nay. Trong Servant Leadership, nghe lại càng rất quan trọng. Nghe kỹ để hiểu được từng từ của người nói, nghe cả điều không được nói ra, nghe để hiểu tâm sự của người nói. Lắng nghe cũng để hiểu tinh thần của cả nhóm đang như thế nào. Và lắng nghe để nghe trái tim và tinh thần của mình đang nói gì với chính mình.

2. Đồng cảm (Empathy): Luôn cố gắng để đồng cảm với các thành viên của mình. Chấp nhận các cá tính đặc biệt của mỗi người, và luôn đặt giả thiết là mỗi người đều có ý tốt, kể cả khi mình không chấp nhận tác phong của người đó.

3. Chữa lành (Healing): Chữa lành những vết thương lòng là phương cách rất hiệu quả để chuyển hóa và hợp nhất. Kết nối giữa Servant Leadership và người được phục vụ sẽ rất mạnh nếu cả hai cùng thầm hiểu rằng họ đang cùng nhau đi tìm một “lành lặn hoàn toàn”.

4. Nhận thức/nhạy cảm (Awareness): Nhận thức được mọi điều quanh mình, nhất là nhận thức được chính mình, sẽ làm cho liên kết giữa lãnh đạo và thành viên mạnh mẽ hơn.

5. Thuyết phục (Persuasion): Khi ra quyết định, Servant Leadership dùng thuyết phục, hơn là dùng quyền lực để ép buộc. Servant Leadership thường rất giỏi về tạo đồng thuận trong nhóm.

6. Khái niệm hóa (Conceptualization): Greanleaf nói Servant Leadership cần có khả năng “mơ giấc mơ lớn” và đặt tất cả những việc làm hàng ngày vào trong viễn ảnh về giấc mơ đó. Đây chính là điều mà ngày nay ta gọi là “tầm nhìn” (vision).

7. Thấy trước (Foresight): Đây là khả năng hiểu quá khứ và hiện tại, để thấy được kết quả trong tương lai của quyết định bây giờ của mình. Greenleaf cho rằng đây là một kỹ năng sâu sắc của trực giác của ta (không phải là lý luận).

8. Cương vị quản gia (Stewardship): Theo Greenleaf trong mọi tổ chức, mọi người từ tổng giám đốc đến các lãnh đạo và nhân viên, đều giữ vai trò quan trọng trong việc nắm giữ tổ chức của họ cho quyền lợi chung của xã hội.

9. Cam kết cho sự phát triển của con người (Commitment to the Growth of People): Servant Leadership cống hiến sâu sắc cho sự phát triển cá nhân, nghề nghiệp, và tâm linh của mỗi cá nhân trong tập thể của mình.

10. Xây dựng cộng đồng (Community Building): Servant Leadership sẽ tìm cách xây dựng cộng đồng cho những người làm việc trong một tổ chức hoặc sống trong một địa phương.

Những doanh nghiệp lớn đang sử dụng Servant Leadership

Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới đã có một số doanh nghiệp đã áp dụng thành công Servant leader có thể kể đến như FedEx, Starbucks, Google… Sự thành công của các tập đoàn lớn này đã chứng minh cho những lợi ích của Servant Leadership đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình nhất về Servant Leader ở Việt Nam, đó là chủ tịch TGDD Nguyễn Đức Tài. Là một trong những người sáng lập, ông Tài từng trực tiếp chỉ đạo công việc nhưng giờ đây thì ông chỉ đứng sau để hỗ trợ vì ông tin rằng những người trong đội ngũ đã có thể làm việc tốt hơn cả bản thân ông.