Ở nước ta sau khi không khí lạnh về, vùng núi Bắc Bộ thường nằm sâu trong không khí lạnh, ban đêm trời quang mây, lặng gió, không khí ẩm đã lạnh lại bị bức xạ mất nhiệt nên tiếp tục lạnh đi, nhiệt độ không khí giảm nhanh dẫn đến hình thành sương muối. Sương muối thường hình thành khi nhiệt độ không khí ≤ 4oC (trong lều khí tượng ở độ cao 2m), khi ấy nhiệt độ bề mặt các vật thể hay cây cỏ ở mặt đất đã có thể xấp xỉ 0oC, nhưng phải đủ ẩm mới hình thành được sương muối. Các vùng đồng bằng nước ta chỉ có sương giá (không phải sương muối), song nó cũng nguy hiểm đối với một số cây trồng nếu thời gian sương giá kéo dài.
Vào mùa thu, về đêm trời thường quang đãng, gió lặng, nhưng buổi sáng ta lại thấy những giọt nước long lanh đọng trên ngọn cỏ, lá cây. Đó là những hạt sương móc. Sương móc hình thành do sự ngưng hơi nước trên các vật ở gần sát mặt đất khi nhiệt độ các vật này giảm xuống dưới điểm sương của không khí. Trời quang, gió lặng chính là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành sương muối.
Nếu nhiệt độ mặt đất giảm xuống 0oC hay thấp hơn, hơi nước sẽ ngưng kết thành thể rắn, xốp, có màu trắng như muối nên gọi là sương muối. Sương muối cũng là một loại thời tiết nguy hiểm vì nhiệt độ quá lạnh của nó làm chết cây trồng. Ở nước ta, hiện tượng sương muối thường xẩy ra trong các tháng mùa đông, nhất là vào các tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Nơi hàng năm xuất hiện sương muối nhiều nhất là các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, một số nơi trung du Bắc Bộ cũng có hiện tượng này. Thậm chí vùng núi Thanh Hóa và Tây Nghệ An (Nghệ Tĩnh) cũng có năm xuất hiện sương muối (như tháng 12 năm 1975). Các tỉnh Trung Trung Bộ trở vào đến Nam Bộ hầu như không có hiện tượng sương muối.
Những tác động của sương muối đối với cây trồng
Sương muối là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng của cây trồng, gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất.
Khi sương muối xuất hiện, nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 0oC, khi đó nước trong thân cây (trong chất nguyên sinh của tế bào) sẽ bị đóng băng lại. Khi nước đóng băng sẽ giãn nở thể tích, làm phá vỡ các tế bào, các ống dẫn nhựa cây trên thân, cành.
Ngày hôm sau khi mặt trời lên, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột. Khi nhiệt độ dưới mức giới hạn sinh vật học sẽ phá hủy cơ chế tế bào sinh vật của cây, làm lá cây bị héo táp, cháy xém, teo tóp.
Các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu và hoa thường chịu ảnh hưởng nặng của sương muối. Lá và hoa sẽ bị héo úa, cháy khô hoặc nhũn ra, củ dưới đất bị mềm, sau vài ngày cây sẽ chết hoàn toàn.Rau màu héo úa, thối nhũn khi bị sương muối
Với các loại cây lâu năm như cây ăn quả, cây công nghiệp, chồi và lá của cây sẽ bị thâm đen, cháy xém, quả chuyển nâu, nhũn ra và rụng. Những cây chịu ảnh hưởng của sương muối thường phát triển kém và có thể chết.
Các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của sương muối
Để có thể hạn chế được những ảnh hưởng của sương muối, bà con có thể thực hiện một số biện pháp sau:
– Trồng cây che bóng, chắn gió.
Tán cây che bóng vừa có tác dụng cản nhiệt độ lạnh đột ngột về đêm, đồng thời tán lá cũng giúp cản việc tăng nhiệt độ nhanh chóng vào ban ngày. Điều này làm cho vườn cây sẽ ít bị ảnh hưởng của việc chênh lệch nhiệt độ ngày đêm quá lớn và diễn ra nhanh, mô lá sẽ ít bị sốc nhiệt.
– Tưới nước: có 2 thời điểm cần tưới nước cho cây trồng:
Tưới nước vào buổi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, vì lá cây phủ dày lớp sương muối nên cần phải phun nước tưới, rửa đi lớp sương muối bám dày trên bề mặt thân lá để hạn chế sự tổn thương của mô lá khi giọt sương lạnh bốc hơi dưới ánh sáng mặt trời buổi sáng.
Tưới nước vào chiều tối làm tăng hàm lượng ẩm trong đất để tăng khả năng giữ nhiệt và nâng cao độ dẫn nhiệt, khiến cho nhiệt độ ở lớp đất sâu cao hơn được dẫn lên điều hòa sự lạnh đi của mặt đất do bức xạ.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng phương pháp hun khói, làm màng che phủ,…
Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc cây trồng cần bón thêm phân chuồng ủ mục và Ka li sẽ tăng sức chịu đựng lạnh giá của cây trồng, hạn chế bón phân đạm, vì phân đạm giúp cây sinh trưởng nhanh nhưng lại giảm sức chịu rét.
– Che phủ gốc cây và mặt luống
Sử dụng rơm rạ hoặc các tàn dư thực vật để phủ kín gốc và mặt đất trồng. Việc này sẽ giúp mặt đất giữ được nhiệt, ngăn sự thoát nhiệt mạnh và giữ ẩm cho đất./.