GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ CỦA PHÒNG TUYẾN TAM ĐIỆP – BIỆN SƠN TRONG VĂN HÓA, LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY                               

Tam điệp ở đâu

Trên đất nước ta, hầu như mỗi vùng quê, mỗi ngọn núi, dòng sông, cánh đồng cũng đều ghi dấu những chiến công oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông. Tam Điệp cũng là một địa danh như vậy.

Tam Điệp gắn liền với bao kỳ tích trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, song chiến công đại phá quân Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu, năm 1789, cùng với tên tuổi người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ là chói ngời nhất. Cùng với Ngọc Hồi – Đống Đa – Thăng Long, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn là địa danh bất tử, là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc giữ nước của nhân dân ta.

Phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn có vị thế vẻ vang như thế nào trong cuộc chiến chống quân Thanh xâm lược vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789)?

I. Tam Điệp – “Chỗ trời đất xây dựng rất hiểm yếu”.

Theo con mắt của các nhà địa lý-địa chất, Tam Điệp là đoạn cuối của vòng cung đá vôi Hòa Bình ăn tận ra lợi nước biển Đông. Đó là một dải núi đá vôi xen lẫn một số đồi đất, chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, nằm ở vùng giáp ranh hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Địa hình và cảnh trí thiên nhiên rất đa dạng, kỳ vĩ. Những núi đá vôi muôn hình, muôn vẻ, vách núi dựng đứng, những đồi đất hiền lành, xen giữa là những thung lũng bằng phẳng, những dòng suối uốn quanh. Núi đá vôi tạo thành nhiều hình dáng kỳ lạ, nhiều hang động đẹp.

Vùng đồi núi Tam Điệp lại nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và vùng đồng bằng sông Mã ở phía Nam; giữa địa hình núi đồi phía Tây, với địa hình ven biển phía Đông. Vị trí giáp ranh mang tính chất giao lưu, tiếp xúc đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp phong phú, đa dạng của Tam Điệp. Phía trên nối liền với núi rừng trùng trùng điệp điệp của Hòa Bình-Sơn La; phía dưới chạy ra gần lợi nước Biển Đông. Phía Tây Bắc giáp Hòa Bình, có ngọn núi cao tới 570m. Riêng trong địa phận Yên Mô (Ninh Bình) giáp huyện Hà Trung và Nga Sơn (Thanh Hóa), phía trên là thành phố Tam Điệp, giáp thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), núi Tam Điệp kéo dài trên 20km rộng từ 2-7km với những ngọn núi cao trên dưới 200m.

Như vậy, dải Tam Điệp là một tuyến địa hình lợi hại, như bức trường thành thiên nhiên ngăn cách hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa mà thời cuối Lê và Tây Sơn gọi là các trấn “Thanh Hoa Ngoại” (Ninh Bình) và “Thanh Hoa Nội” (Thanh Hóa). Theo Ninh Tốn (viên tướng của nhà Lê Trịnh) thì: “Binh pháp dạy rằng: tranh được núi thì thắng, giữ chỗ hiểm thì vững. Giữa Thanh Hoa Nội và Thanh Hoa Ngoại có núi Tam Điệp ngăn cách, ấy là chỗ trời đất xây dựng rất hiểm yếu”.

Vào thế kỷ XVII-XVIII, những con đường thủy, bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa đều phải đi qua dãy núi Tam Điệp bằng các con đường khác nhau:

Con đường thứ nhất, thường gọi là “Đường núi” hay “Thượng đạo” có nơi gọi là “Đường lai Kinh” (đường đến Kinh đô). Con đường này hình thành từ rất sớm trong lịch sử và giữ vai trò quan trọng từ thời Lý, Trần, đầu Lê. Theo Đặng Xuân Bảng thì “Lúc Lê sơ vẫn dùng đường ấy như lúc Lê Thái Tổ bình quân Minh, Anh Tông đánh bọn Mạc”. Con đường này vượt qua dãy núi đá vôi Ninh Bình -Thanh Hóa thuộc dãy Tam Điệp ở Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hóa). Ở đây, vào thời Lê có đặt trạm Cát và đắp lũy Cát. Ngày nay là con đường từ Thạch Thành, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) qua Nho Quan (Ninh Bình) ra Ứng Hòa, Chương Mỹ vào Hà Đông, Hà Nội.

­Con đường thứ hai, là đường thủy từ sông Đáy và ngã ba Non nước (Thành phố Ninh Bình) theo sông Vân Sàng, Trinh Nữ qua cửa Thần Phù ở Đông Nam dãy núi Tam Điệp, rồi theo sông Chính Đại vào Thanh Hóa, đổ vào cửa Thần Phù. Cửa Thần Phù xưa kia là cửa biển, nhưng nay đã bị bồi lấp, nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng 15km theo đường chim bay. Dãy núi đá vôi ăn sát cửa Thần Phù gọi là núi Thiết Giáp, hay còn gọi là Điền Sơn.

Ngoài đường thủy qua cửa biển Thần Phù, còn có một con đường đi qua núi Thiết Giáp vào Thanh Hóa. Đây là con đường núi của “các huyện hạ du hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình”. Mà theo Đại Nam nhất thống chí thì “Từ đời Lê về trước hành quân phần nhiều đi đường này, chính là chỗ xung yếu lớn ở chỗ đường núi, đường biển tiếp nhau”. Đầu thế kỷ XV, nhà Hồ xây dựng một thành lũy ở Quảng Công (Yên Thái, Yên Mô), án ngữ con đường thủy bộ này. Ở cửa biển Thần Phù, đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly cũng cho xây lũy đá ở đây để chặn thủy quân nhà Minh vượt đường biển này để vào Thanh Hóa.

Con đường thứ ba, là “Đường Thiên Lý”, có nơi gọi là đường Dịch Trạm, hay dân địa phương gọi là “đường Cái Quan”. Con đường này vượt qua dãy núi Tam Điệp ở Đèo Tam Điệp.

Đèo Tam Điệp, theo tiếng Nôm và dân địa phương gọi là đèo Ba Dội. Trong các tài liệu địa lý học lịch sử và cách gọi của nhân dân địa phương thì đây vừa là đèo Tam Điệp, vừa là núi Tam Điệp. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả núi Tam Điệp: “Mạch núi từ huyện Thạch Thành kéo đến liên tiếp, chạy ngang suốt cả bãi biển, giữa có đường quan thông qua, là cổ họng giữa Bắc Nam. Núi có ba ngọn nên gọi là Tam Điệp”. Đèo Tam Điệp là chỗ “Đường quan” hay đường “Thiên Lý” vượt qua dãy núi này.

Theo Đại Nam nhất thống chí cho biết, đường Thiên Lý tức “Đường quan” chạy qua đèo Tam Điệp là nơi có 3 ngọn núi. “Núi có ba ngọn nên gọi là Tam Điệp”. Ngọn giữa rất cao, tức là chỗ dựa địa giới giữa Thanh Hóa và Ninh Bình, đứng ở đỉnh núi trông ra ngoài biển, thuyền buồm trông như lá tre. Hai ngọn phía tả hữu hơi thấp và bằng.

Từ trên đỉnh cao nhất của đèo Tam Điệp có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn. Xung quanh là những ngọn núi đá vôi dựng đứng với độ cao từ 117m-135m, xen lẫn những núi đất thấp và bằng phẳng hơn. Đó là những dãy núi mà nhân dân trong vùng gọi là núi “răng cưa” hay núi “xương cá”. Nhìn về phía Nam, đường Thiên Lý băng qua một đỉnh đèo thấp hơn, độ cao độ 90m, rồi vào đồng bằng Thanh Hóa. Nhìn ra phía Bắc, núi non nhấp nhô, núi đá xen lẫn núi đất, ở giữa là những thung lũng liên tiếp và những dòng suối nhỏ uốn quanh. Con đường Thiên Lý cũng băng qua một đỉnh đèo thấp, độ cao khoảng 80m, rồi men theo các thung lũng và đồi đất thấp, mở lối ra phía đồng bằng Ninh Bình, Nam Định. Về phía Đông, núi Tam Điệp kéo dài như một bức tường thành cho gần tới biển.

Địa hình của đèo Tam Điệp thật hiểm yếu. Đặc biệt phía Bắc đèo, con đường Thiên Lý len qua một cửa ải, hai bên mạch núi đá vôi liên tiếp và khép kín lại như hình miệng cái đó đơm cá khổng lồ. Chính vì vậy, nhân dân địa phương gọi là “Lỗ Đó”, “Miệng Đó”, hay “Kẽm Đó”. Đây là “cửa ải” án ngữ đường Thiên Lý từ Bắc vào Thanh Hóa. Núi Tam Điệp như giăng thành chắn ngang hai bên, lối đi chỉ rộng khoảng 9m. Phía sau “cửa ải” là một thung lũng khá rộng và bằng phẳng cùng với các gò đồi với các tên gọi như thung Phục, thung Quần Ngựa, gò Cắm Cờ, gò Cây Chuối, gò Án Thư, gò Hóa Hổ, gò Thần Công,…

Từ Thăng Long vào Thanh Hóa, đi theo đường Thiên Lý, nhất thiết phải đi qua cửa ải xung yếu này. Biết tận dụng địa hình lợi hại tại đây, một binh lực nhỏ cũng có thể bịt kín được con đường bộ quan trọng bậc nhất này, ngăn chặn một cuộc tiến công lớn của đối phương.

Quốc lộ 1A ngày nay qua Ninh Bình, nói chung dựa trên đường Thiên Lý cổ, nhưng cũng có nhiều chỗ di tích của đường “Thiên Lý” cổ cách xa Quốc lộ 1A ngày nay như đoạn Dốc Xây và Đèo Tam Điệp. Đoạn từ Đền Dâu (Tam Điệp) vào đến đền Sòng (Bỉm Sơn) không đi qua đèo Ba Dội cổ.

Biện Sơn là hòn đảo gần bờ nhất trong số các hòn đảo lớn nhỏ thuộc vùng biển phía nam tỉnh Thanh Hóa; là một vùng biển đảo có vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển xứ Thanh. Do chỉ cách đất liền chừng nửa hải lý nên cùng với Đảo Mê, Biện Sơn tạo thành một vụng biển tập hợp thuyền bè. Từ đây theo đường thủy, có thể ngược Lạch Bạng lên sông Yên, đi khắp vùng Tây nam Thanh Hóa hoặc lưu vực sông Mã. Cũng từ Biện Sơn, theo cửa Hà Nẫm để xuôi thuyền vào xứ Nghệ. Biện Sơn như một điểm nút giao thông đường thủy quan trọng ở Nam xứ Thanh. Ở phía Bắc đảo Biện Sơn có vụng biển ăn lõm vào khá sâu, ba mặt đều có núi bao bọc, kín gió và khá rộng, hàng trăm chiến thuyền có thể đậu an toàn trong vũng sóng yên biển lặng ấy, thuận tiện cho việc tập kết, ém quân thủy. Biện Sơn cách Tam Điệp khoảng trên dưới 60km theo đường chim bay.

Chiếm vị trí trọng yếu như thế, Tam Điệp kết hợp với Biện Sơn trở thành căn cứ thủy, bộ liên hợp, thống nhất, là một địa bàn phòng ngự tốt, đồng thời cũng là địa bàn triển khai lực lượng lớn để phản công, tiến công chiến lược cũng tốt; là căn cứ vững chắc, hiểm trở kín đáo, an toàn, bí mật và có dung lượng lớn. Ở đây có thể tập kết một lực lượng lớn, an toàn, bí mật và triển khai được nhiều cánh quân, nhiều mũi bí mật đánh ra phía Nam đồng bằng Bắc bộ và Thăng Long.

Điều đó được minh chứng rõ nét trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà tiêu biểu là vào cuối thế kỷ XVIII, Tam Điệp nổi tiếng trong lịch sử với “Nước cờ Tam Điệp” của Ngô Thì Nhậm, với phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của quân đội Tây Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Mãn Thanh xâm lược năm 1788 -1789, với nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhà quân sự thiên tài Quang Trung-Nguyễn Huệ.

II. Tam Điệp – Vang vọng dấu ấn lịch sử thời Tây Sơn oanh liệt.

Cuối năm 1788, lợi dụng hành động bán nước của vua tôi Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Mãn Thanh tràn vào xâm lược nước ta. Trong nước, bọn phản động lúc này trỗi dậy, làm nội ứng, tiếp tay cho quân xâm lược. Thù trong, giặc ngoài, vận mệnh đất nước, dân tộc ta ngàn cân treo sợi tóc. Quân Tây Sơn đồn trú ở Thăng Long và Bắc Hà lúc bấy giờ chỉ có khoảng 1 vạn quân do Đô đốc Ngô Văn Sở chỉ huy, tiến sỹ Ngô Thì Nhậm là tham mưu. Tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch.

Trước so sánh lực lượng quá chênh lệch và tình hình chính trị bất lợi ở Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm đề ra chủ trương mưu trí: “Nay ta toàn quân rút lui, không bị mất một mũi tên, cho chúng ngụ trọ một đêm rồi lại đuổi đi”.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 17/12/1788, quân Tây Sơn hoàn thành cuộc rút lui chiến lược, lập phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn “Chặn ngang đất Trường Yên làm giới hạn”; “quân thủy đóng đồn ở hải phận Biện Sơn, quân bộ chẹn ở núi Tam Điệp để phòng thủ cho vững chắc”, “hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu”([1]). Lực lượng của quân đội Tây Sơn được đảm bảo bí mật, an toàn, chiếm lĩnh một địa bàn xung yếu, lợi hại bậc nhất Bắc Hà, án ngữ con đường vào Nam ra Bắc; chặn đứng mọi hoạt động tình báo của kẻ địch nhằm muốn biết các động tĩnh và bố phòng của quân đội Tây Sơn từ phủ Trường Yên vào đến Phú Xuân (Huế).

Rút về Tam Điệp, với một binh lực không nhiều, quân đội Tây Sơn đã triệt để lợi dụng địa thế lợi hại ở đây bịt kín các đường giao thông bộ qua vùng này và phối hợp với thủy quân ở Biện Sơn, ngăn chặn các đường thủy vào nam, “giữ lấy chỗ hiểm yếu” nhằm để phòng, ngăn chặn cuộc tiến công của địch, đảm bảo bí mật, an toàn cho hậu phương phía nam từ Thanh Hóa trở vào. Trên hướng đường Thiên Lý, trung tâm phòng ngự của quân Tây Sơn được bố trí ở khu vực Kẽm Đó. Dựa vào bức trường thành tự nhiên của Tam Điệp, một binh lực nhỏ của quân Tây Sơn có thể bịt kín con đường giao thông trọng yếu này và chặn đứng mọi cuộc tiến công của địch nếu xảy ra.

Cũng tại địa bàn chiến lược này, quân Tây Sơn đã kiểm soát được cả vùng Thiên Trường, Trường Yên. Phía nam Hoàng Giang đến Tam Điệp đều nằm dưới sự kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Tôn Sỹ Nghị tuy chiếm được một số địa bàn chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ nhưng không thể khống chế được toàn bộ đồng bằng Bắc bộ.

Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (15/01/1789), đại quân do Quang Trung thống lĩnh đã ra đến Tam Điệp. Thủy binh Tây Sơn tập kết ở vùng biển Biện Sơn. Bộ binh Tây Sơn tập kết ở vùng núi Tam Điệp. Trong 10 ngày ở Tam Điệp (15-25/01/1789), Quang Trung và quân đội Tây Sơn đã hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng cho cuộc phản công chiến lược. Khu vực tập kết của đại quân được đảm bảo các điều kiện: an toàn, bí mật, tiện đường giao thông.

Từ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, 5 đạo quân thủy, bộ của Tây Sơn đã chia thành 5 hướng, tiến gấp ra Bắc Hà đánh đuổi giặc Thanh. Hai đạo quân dưới quyền chỉ huy của đô đốc Lộc và đô đốc Tuyết, tiến theo đường biển vào sông Lục Đầu, nhanh chóng tiến lên Hải Dương và các vùng Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế. Hai đạo quân này thực hiện 2 mũi vu hồi chiến lược, uy hiếp cạnh sườn phía đông của đạo quân Tôn Sỹ Nghị và cắt đường rút lui của chúng.

Ba đạo lục quân gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh xuất phát từ Tam Điệp tiến theo 3 đường khác nhau, hiệp đồng tiến công nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn quân của Tôn Sỹ Nghị. Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy từ Tam Điệp theo đường “Thiên Lý”, tiến công thẳng vào mặt trận chính của quân Thanh ở phía nam kinh thành Thăng Long. Đạo quân của đô đốc Bảo đi theo đường Sơn Minh (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ra Đại Áng, làm nhiệm vụ phối hợp tiến công với đạo quân chủ lực ở cạnh sườn bên trái. Đạo quân do đô đốc Long chỉ huy tiến theo đường Chương Đức, Nhân Mục, tập kích tiêu diệt địch ở Khương Thượng, rồi nhanh chóng thọc sâu vào phía tây nam kinh thành Thăng Long, đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị, đạo quân này là mũi thọc sâu chia cắt chiến dịch.

Đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu (25/01/1789), quân Tây Sơn tiêu diệt gọn đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, mở màn cho cuộc phản công chiến lược. Sau 5 ngày đêm hành quân và tấn công cực kỳ thần tốc, dũng cảm, mưu trí, các đạo hùng binh Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quang Trung đã đại phá 29 vạn quân Thanh, lập nên chiến công oanh liệt Ngọc Hồi-Đống Đa vào sáng 5 tết Kỷ Dậu (30/01/1789), kết thúc thắng lợi cuộc tiến công chiến lược thần tốc.

Núi rừng Tam Điệp còn như mãi vang vọng lời tuyên bố đanh thép trần đầy dũng khí và niềm tin của vị chủ soái bách chiến bách thắng của quân đội Tây Sơn: “Nay hãy làm lễ ăn tết Nguyên đán trước, đợi đến ngày mùng 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không”[2]

Chiến công kỳ diệu mùa xuân Kỷ Dậu – năm 1789 được lập nên ở Thăng Long nghìn năm văn vật, nhưng đã được chuẩn bị chu đáo, được tiên liệu và gần như được định đoạt trước ở núi rừng Tam Điệp.

Kể từ khi lui về lập phòng tuyến, ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân (17/12/1788) cho đến khi xuất phát mở cuộc phản công chiến lược giải phóng Thăng Long, toàn bộ thời gian quân Tây Sơn đóng ở Tam Điệp chỉ có 40 ngày, trong thời gian đó, Tam Điệp trong hệ thống phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của nó trong giai đoạn rút lui cũng như giai đoạn phản công chiến lược. Đó là giới hạn rút lui cuối cùng của bộ binh Tây Sơn ở Bắc Hà, là tuyến phòng ngự ngăn chặn địch, bảo vệ an toàn cho hậu phương phía sau. Đó là nơi tập kết của đại quân Tây Sơn và là bàn đạp xuất kích của các mũi tiến công có ý nghĩa định đoạt.

III. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn là tài sản văn hóa, lịch sử của dân tộc

Đã hơn hai thế kỷ trôi qua, nhưng dấu ấn lịch sử, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim mỗi người dân Tam Điệp nói riêng và cả nước nói chung:

1. Rút lui chiến lược về Tam Điệp – Biện Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh là một nét đặc sắc về tư tưởng, nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam. Nét đặc sắc đó, được thể hiện như sau:

Một là, lường trước thế giặc, chủ động rút lui bảo toàn lực lượng.

Với dã tâm xâm lược nước ta từ trước, nhà Thanh đã ngấm ngầm chuẩn bị mọi mặt: lực lượng, lương thảo; nhòm ngó biên giới; do thám tình hình, kích động nội bộ ta, chia rẽ, mất đoàn kết, sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Khi cơ hội đến, chúng đã sử dụng chiêu bài “phù Lê diệt Tây Sơn”, huy động lớn lực lượng, phương tiện, cử các tướng giỏi chỉ huy tiến công Đại Việt theo 4 hướng: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang và Yên Quảng (Quảng Ninh).

Ngoài ra, chúng còn kích động, lôi kéo khoảng 2 vạn người, chủ yếu là quan lại ở Bắc Hà – những kẻ ăn bổng lộc của Lê Chiêu Thống, công khai câu kết với địch, ủng hộ, đầu quân cho giặc, nhằm khôi phục lại địa vị đã mất. Do có chuẩn bị từ trước, lại được sự hậu thuẫn từ bên trong, nên quân Thanh đã nhanh chóng tiếp cận và tiến công vào những vị trí hiểm yếu của ta. Trong khi đó, quân Tây Sơn ở Bắc Hà chỉ có hơn 1 vạn, nhưng phải trải rộng khắp các tỉnh từ biên giới phía Bắc về Thăng Long.

Đại quân chủ lực của Quang Trung lúc này đang ở Phú Xuân (Huế), cách Thăng Long gần 1.000 km. Đánh giá, phân tích kỹ tình hình và trên cơ sở kế thừa nghệ thuật quân sự của cha ông về tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của địch, Thống lĩnh Bắc Hà đã chủ trương: vừa tổ chức ngăn chặn, tiêu hao địch, vừa thực hiện rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng.

Trong tình hình nguy cấp, trước thế giặc mạnh; lại không có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ thống soái nghĩa quân Tây Sơn, việc quyết định rút lui chiến lược của Ngô Thì Nhậm là một chủ trương chiến lược táo bạo, sáng suốt, đúng đắn và chính xác. Sau này, khi đưa đại quân ra Bắc đánh giặc, vua Quang Trung đã khen ngợi kế sách này và chính việc rút lui chiến lược giữ vững nơi hiểm yếu đã tạo thế và lực để nghĩa quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh (năm 1789) thắng lợi.

Hai là, nghệ thuật tổ chức rút lui chiến lược linh hoạt, sáng tạo.

Khi xâm lược nước ta, do có sự trợ giúp đắc lực của tập đoàn bán nước Lê Chiêu Thống nên quân Thanh hiểu tương đối rõ nội tình Đại Việt. Vì vậy, tổ chức lực lượng chặn đánh địch đã khó, thực hành rút lui bảo toàn lực lượng để địch không nghi ngờ lại càng khó hơn.

Thực hiện mục tiêu đó, quân Bắc Hà đã xây dựng và triển khai kế hoạch rút lui chiến lược chu toàn, bí mật và rất sáng tạo ở chỗ: chủ động tổ chức nhiều bộ phận nhỏ, lẻ, dựa vào địa thế hiểm yếu đánh liên tục vào hai bên sườn, phía sau, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, gây cho chúng những căng thẳng về tâm lý trong suốt dọc đường tiến quân. Nhưng, nếu chỉ có như vậy, kẻ địch sẽ nghi ngờ về lực lượng chủ lực ở Bắc Hà và kế hoạch rút lui của ta sẽ khó giữ được bí mật.

Để giải quyết vấn đề này, cùng với tổ chức tác chiến nhỏ, lẻ, quân ta đã chủ động tổ chức một bộ phận khoảng 1.000 quân tinh nhuệ, bố trí ở khu vực núi Tam Tằng (bờ Bắc sông Cầu) thực hiện phòng ngự, cản phá làm chậm bước tiến công của địch, bảo đảm cho bộ phận rút lui có đủ thời gian cơ động về Tam Điệp – Biện Sơn an toàn.

Do đó, yêu cầu đặt ra cho bộ phận này là phải tính toán thời gian, tổ chức một trận “quyết chiến”, ghìm chân, ngăn chặn địch, nhưng phải giữ gìn, bảo toàn lực lượng, khi đạt được yêu cầu đề ra thì nhanh chóng “bỏ phòng tuyến”, phá hủy cầu, đường, giấu thuyền bè và rút về nơi quy định. Như vậy, với việc tổ chức trận “quyết chiến” này, quân Bắc Hà đã đạt nhiều mục đích: tạo điều kiện cho lực lượng lớn của ta rút lui về Tam Điệp – Biện Sơn an toàn; khéo bộc lộ lực lượng để địch lầm tưởng rằng quân ta ít, không thiện chiến và thiếu quyết tâm chiến đấu; từ đó, làm cho địch càng thêm kiêu căng, tự phụ dẫn đến chủ quan, sơ hở thiếu phòng bị.

Cùng với đó, Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm còn khôn khéo sử dụng hình thức, biện pháp đấu tranh ngoại giao và quân sự để lừa, dụ địch, như: viết thư gửi tướng giặc với lời lẽ thể hiện sự sợ hãi và cầu xin làm cho địch mắc sai lầm trong đánh giá về ta. Một nét nghệ thuật độc đáo nữa là, trước khi rút lui, hai ông còn tổ chức một cuộc duyệt binh lớn bên bờ sông Hồng, nhằm biểu dương lực lượng và thể hiện quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo ra dư luận “thực hư” lẫn lộn đã làm cho quân địch ngộ nhận: mặc dù quân Đại Việt tổ chức đánh liên tục, thậm chí còn sử dụng một lực lượng lớn chặn đánh “quyết liệt” ở trận tuyến sông Cầu, nhưng không thể “chống cự” nổi trước sức tiến công như vũ bão của chúng.

Đến ngày 17/12/1788, quân Thanh cùng với đội quân của bè lũ Lê Chiêu Thống đã vào được Thăng Long và cũng là thời điểm quân của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm về đến Tam Điệp – Biện Sơn an toàn. Với nghệ thuật tổ chức rút lui chiến lược sáng tạo, linh hoạt và kế nghi binh, khích tướng tài giỏi, quân ta không những bảo toàn được lực lượng, mà còn làm “kiêu lòng” giặc. Quân địch đang trong thế đánh đâu thắng đó, từ biên giới về Thăng Long hầu như chưa phải đánh một trận nào quyết liệt, khí thế tiến công đang cao, nhưng do mắc mưu quân Bắc Hà, chủ tướng địch đã tuyên bố dừng tiến công, chuẩn bị ăn “Tết”. Vậy là, vô hình chung, địch đã bị nghĩa quân Tây Sơn “điều khiển”, chuyển từ thế công sang thế thủ. Đây là thời cơ thuận lợi cho quân Tây Sơn củng cố, phát triển lực lượng, chuẩn bị tổ chức phản công chiến lược giành thắng lợi quyết định.

Ba là, nghệ thuật chọn khu vực rút lui chiến lược hiểm yếu, tạo không gian, thời gian chiến lược cho nghĩa quân Tây Sơn phản công giành thắng lợi.

Tam Điệp – Biện Sơn là địa hình rừng núi hiểm trở, hiểm yếu, thuận lợi cho quân ta củng cố, phát triển lực lượng và bố trí, triển khai đội hình chiến đấu; khó khăn đối với địch, vì địa hình hẹp, một bên là núi cao, một bên là biển, con đường độc đạo có nhiều đường ngang nên dễ bị ta mai phục… Đây còn là địa bàn đông dân, nhiều của; nhân dân giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống giặc ngoại xâm, nên chỉ trong thời gian ngắn đã tình nguyện cung cấp cả lực lượng, phương tiện, vật chất cho nghĩa quân. Chính vì thế, nơi đây đã trở thành địa bàn chiến lược bảo đảm tiến có thế đánh, lui có thế giữ và rất thuận lợi cho tác chiến tiến công, phòng thủ trước đối tượng mạnh như quân Thanh.

Hơn nữa, địa bàn Tam Điệp – Biện Sơn còn là khu vực án ngữ con đường Thiên lý từ Bắc vào Nam, tạo ra một không gian chiến lược thuận lợi cho nghĩa quân Tây Sơn cơ động, mộ thêm quân, huấn luyện và triển khai đội hình chiến đấu trên các hướng cả trên bộ và trên biển. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), tại phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, vua Quang Trung đã tổ chức hội quân và triển khai 5 hướng tiến công (cả đường bộ và đường thủy) đánh vào tất cả các mục tiêu trọng yếu của quân địch.

Cũng nhờ thế trận chiến lược Tam Điệp – Biện Sơn vững chắc đã tạo cho nghĩa quân Tây Sơn sức mạnh tổng hợp liên tục tiến công đột phá trong các trận: Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa – Thăng Long và giành thắng lợi vang dội; buộc Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị phải bỏ quân sĩ để tháo chạy thoát thân.

Đây là chiến thắng có một không hai trong lịch sử, chỉ trong vòng một tuần lễ quân ta đã quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược (khi chúng còn nguyên vẹn) trong một trận quyết chiến chiến lược. Chiến thắng này một lần nữa khẳng định nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo của cha ông ta trong lịch sử giữ nước của dân tộc; trong đó, cuộc rút lui chiến lược năm 1788 với nét nghệ thuật đặc sắc là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) của dân tộc.

Từ tuyến phòng thủ này, gợi cho ta nhớ lại thế kỷ XIII, nhà Trần đánh quân Nguyên Mông cả ba lần đều tổ chức rút lui chiến lược về vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, ở cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), sau những trận đánh cản giặc trên sông Hồng, triều đình nhà Trần lui về vùng Thiên Trường và Trường Yên để lo củng cố và bổ sung lực lượng chuẩn bị cho cuộc phản công chiếm lại Thăng Long.

Xưa đã vậy, nay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 304 từ Thanh Hóa xuất quân, đã dựa vào địa bàn này để tập kết và triển khai đánh ra Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ngày 15/10/1953, Nava sử dụng 22 tiểu đoàn bộ binh và một số binh chủng kỹ thuật mở chiến dịch Mu-ét (Chim Hải Âu) đánh ra Tây Nam, Ninh Bình, được Nich-sơn ra tận nơi quan sát và đồng tình cổ vũ nhằm mục đích tiêu hao, tiêu diệt chủ lực ta, phá kho tàng, phá bàn đạp của ta tiến vào đồng bằng. Nhưng cuộc hành binh “Chim Hải Âu” đã bị phá sản. Đại đoàn 320 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích Ninh Bình phản công, đánh bại quân địch thu được thắng lợi. Như thế giai đoạn thứ nhất của Kế hoạch Nava trong Đông Xuân 1953-1954 và niềm hy vọng của Nich-sơn đã bị quân dân Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định và Thanh Hóa đánh cho biến thành mây khói.

2. Tam Điệp – Tiêu điểm lợi hại và độc đáo trong “Nước cờ Tam Điệp” của thế trận lịch sử.

Trước sự tương quan lực lượng giữa ta và quân Thanh xâm lược quá chênh lệch, Ngô Thì Nhậm đã so sánh ví von thế trận giữa quân Tây Sơn ở Bắc Hà với quân Thanh giống như một ván cờ đã giàn trận. Và ông lấy tài cờ cao thấp của người đánh cờ để biện minh kế sách của người cầm quân ở Thăng Long: “Trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước, đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là một tay cao cờ”. Từ tư duy liên tưởng của cách đánh cờ, ông vận dụng vào tình thế Thăng Long lúc đó, rồi lên chủ trương sáng suốt: “Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm rồi mới đuổi chúng đi”. Ngô Văn Sở nghe theo kế sách của Ngô Thì Nhậm “lui một nước cờ”, đề ra một kế hoạch rút lui chiến lược hoàn toàn chủ động: “Quân thủy chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường,. lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu”.

Khi rút về phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, lực lượng của quân Tây Sơn được bảo toàn, không mất một mũi tên hòn đạn, lại bí mật, án ngữ con đường vào Nam ra Bắc, cũng là chặn đứng mọi hoạt động tình báo của kẻ địch muốn dò biết các động tĩnh và bố phòng của quân Tây Sơn từ phủ Trường Yên (Ninh Bình) vào đến Phú Xuân (Huế).

Như vậy, nước cờ thứ nhất trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh, đó là rút lui chiến lược “Chịu thua người một nước” của quân đội Tây Sơn. Phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn là giới hạn rút lui cuối cùng và cũng là phòng tuyến nhằm đề phòng, ngăn chặn cuộc tiến công của địch bảo đảm bí mật và tuyệt đối an toàn cho hậu phương phía Nam và đại binh Tây Sơn mà thủ phủ là Phú Xuân (Huế). Hoàng đế Quang Trung đã đánh giá về cuộc rút lui này: “Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho quân giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng!”[3]

Nước cờ thứ hai của ván cờ quyết định chiến lược Việt-Thanh là nước cờ tổng phản công quyết chiến chiến lược được hoạch định và xuất phát từ Tam Điệp hùng vĩ. Phòng tuyến Tam Điệp là nơi quân Tây Sơn tập kết và là bàn đạp xuất phát trực tiếp của 5 cánh quân thủy bộ xuất phát, tiến theo 5 hướng, mạnh như vũ bão, bao vây, đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng đất nước.

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vang dội đầu xuân Kỷ Dậu là kết quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có “Nước cờ Tam Điệp” của quân đội Tây Sơn. Cũng vì vậy, cùng với Phú Xuân, Rạch Gầm, Xoài Mút, Đống Đa… Tam Điệp đi vào lịch sử chiến thắng oanh liệt của bản anh hùng ca Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn như một nghệ thuật quân sự thiên tài, mẫu mực về phép sử dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

3. Tam Điệp – nơi các đoàn quân thần tốc tiến công đánh đuổi quân xâm lược, người đi như trẩy hội.

Khi Quang Trung hội quân tại Tam Điệp, các làng xã trong vùng nô nức cùng quân Tây Sơn đắp đường, làm cầu, mở đường. Làng Ghềnh, Quang Hiển có nhiều người dỡ nhà lấy cột làm cầu Do, cầu Ghềnh cho người, ngựa, voi chiến hành quân. Cả Tam Điệp rạo rực, bừng bừng khí thế chuẩn bị lên đường giết giặc cứu nước. Ngày lên đường, dân trong vùng tập trung quanh quán tiễn đưa con em và đoàn quân ra đi. Người đi như trẩy hội! Đoàn theo đường Thiên Lý; đoàn theo đường Tây Sơn mới mở,… Người, ngựa, voi chiến lớp lớp ra đi như không bao giờ ngớt. Những bát cháo hoa đưa tay cho người thay nước đỡ khát trên đường dài mà ấm lòng người ra đi cứu nước. Trên suốt nẻo đường khói bụi chiến trường, chiến đấu và chiến thắng họ không biết tên người đưa cháo ở Đồng Giao nhưng Quán cháo mãi mãi là tấm lòng của người dân Tam Điệp. Quán ấy nay không còn nữa nhưng đã trở thành một địa danh ở vùng Đồng Giao sống mãi với non sông đất nước.

4. Đào phai Tam Điệp – Gợi nhớ chiến công anh hùng

Tương truyền, khi hội quân tại Tam Điệp, thấy hoa đào phai đẹp, Vua Quang Trung đã chọn một cành đào lớn cắm giữa trại mở hội khao quân để động viên, khích lệ và cùng tướng sỹ đón tết sớm; một cành Vua dành tặng Công chúa Ngọc Hân. Mỗi độ xuân về, Đào phai khoe sắc thắm khắp núi rừng Tam Điệp, như một lời nhắc nhở về chiến thắng huyền thoại của dân tộc, về người Anh hùng áo vải-cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Đào phai đã trở thành thương hiệu của người nông dân Tam Điệp, những cánh hoa phớt hồng, mảnh mai, mang theo mùa xuân đến mọi người, mọi nhà trên khắp mọi miền của Tổ quốc và người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, cũng nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam về chiến công của cha ông trong cuộc chiến tranh chống quân Thanh xâm lược mùa Xuân 1789 lịch sử; về mảnh đất Tam Điệp, núi non hùng vĩ, chiếm giữ vị trí chính trị, quân sự trọng yếu, nhưng lại có vẻ đẹp phong phú, đa dạng, cuốn hút bao khách lữ hành khi đi qua đây.

5. Tam Điệp – Vùng văn học dân gian phong phú và đậm đà về Tây Sơn

Thời gian Quang Trung và đại quân Tây Sơn dừng lại Tam Điệp chỉ có 10 ngày, nhưng để lại trong ký ức nhân dân những dấu ấn hết sức đậm đà thể hiện qua những mẩu chuyện, những truyền thuyết dân gian, gắn liền với sự tích hàng loạt tên chiến lũy, tên đồi núi, thung lũng, tên làng, tên bến, tên cánh đồng. Có thể nói Tam Điệp là vùng văn học dân gian phong phú và đậm đà về Tây Sơn.

Tam Điệp có Núi Vương ngự – nơi Quang Trung duyệt ba quân; Đồi Hầu vua – nơi dân tụ hội đón chào Quang Trung; Đồi Chuông, núi Chong đèn – nơi đặt trạm gác của quân Tây Sơn; Thung tập, gò Lệnh, gò Cắm cờ – nơi đặt doanh trại quân sỹ; Thung muối, Hang lương- nơi đặt kho muối, kho lương; Núi Vàng – nơi Quang Trung lập đàn tế trời đất; Đền Cao Sơn – nơi Quang Trung cầu thần trước khi đánh ra Thăng Long; Đền Quán Cháo – nơi bà chủ quán bên đường Thiên Lý đã dốc tất cả bồ gạo để nấu cháo khao quân, khi bà mất, Vua Quang Trung cho lập đền thờ – gọi là đền Quán Cháo; Đền Dâu- nơi Quang Trung mơ thấy ba nữ thần đến báo mộng, chỉ kế phá giặc và tặng tấm lụa đào lớn làm áo, làm cờ; tấm nái vàng lớn làm khăn chít đầu cho binh sỹ,…

6. Tam Điệp – Biện Sơn, làm sâu sắc thêm ý nghĩa địa danh Đồng Giao

Tại phía Bắc Kẽm Đó, hai bên đường Thiên Lý, cách Kẽm Đó 400m, có một chiến lũy. Ở đây, mạch núi Tam Điệp mở ra một lối đi có thể theo các thung lũng giữa các dãy đá vôi, vòng vào phía sau Kẽm Đó, thông với đường Thiên Lý. Chiến lũy nối liền hai mạch núi nhằm ngăn chặn lối đi vòng nguy hiểm này. Chiến lũy có tên “Lũy Ông Ninh” hay “Lũy Tam Điệp”, “Lũy Quang Trung”. Phía Đông chiến lũy là một thung lũng rộng trên 100ha, nhân dân địa phương gọi đây là thung Đồng Giao. Tương truyền, tại thung lũng này, vua Quang Trung đã giao hội ba cánh quân lớn: Đại binh từ Phú Xuân do Quang Trung trực tiếp thống lĩnh; đại binh từ Thăng Long do Đô đốc Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm rút về; một cánh nghĩa binh địa phương Ninh-Thanh hợp lại. Cả ba cánh quân hội binh tại thung lũng này đồng lòng nhất trí, giao kết quyết diệt giặc Mãn Thanh. Vua Quang Trung đã đặt thung lũng này là Đồng Giao. Sau này, vùng đất từ Quán Cháo đến đèo Ba Dội được gọi chung là Đồng Giao; Đồng Giao có nghĩa là: Giao kết cùng một ý chí.

Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nơi này đã diễn ra bốn cuộc “Đồng Giao” lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc và sự phát triển đi lên không ngừng của một vùng đất ken dầy di tích lịch sử và văn hóa. Cuộc thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII để giải phóng kinh thành Thăng Long như đã đề cập ở phần trên. Cuộc thứ hai, vào những năm 50 của thế kỷ XX, các binh đoàn chủ lực của quân đội ta tập kết tại Tam Điệp để luồn sâu vào vùng địch hậu, giải phóng đồng bằng Bắc bộ và tiến lên bao vây Điện Biên Phủ; và sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, quân dân cả nước hội tụ xây dựng kinh tế nông – lâm nghiệp với sự kiện ra đời Nông trường Đồng Giao năm 1955, tiến tới từng bước hình thành đô thị Tam Điệp trên dải đất Ba Đèo lịch sử. Cuộc thứ ba, vào Mùa Xuân năm 1975, Binh đoàn Quyết Thắng tập kết tại đây, thần tốc tiến quân, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng quân, dân cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Cuộc thứ tư, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất, các cơ quan, công, nông trường xí nghiệp, đơn vị quân đội về tập kết trên dải đất lịch sử, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân cư khắp nơi hội tụ, hòa hợp với cư dân bản địa, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, hình thành nên đô thị công-nông nghiệp-dịch vụ sầm uất phía Bắc đèo Ba Dội cổ; biến một vùng đất rừng thiêng, nước độc trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Nam của tỉnh, một thành phố trẻ giàu tiềm năng và thế mạnh. Kế tiếp truyền thống đó, các thế hệ người Tam Điệp hôm nay đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Tam Điệp trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

III. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn với thế hệ trẻ hôm nay

Tam Điệp hôm nay là một thành phố trẻ, là vùng kinh tế trọng tâm phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Tự hào về mảnh đất nơi mình sinh sống, các thế hệ trẻ của thành phố ngày nay luôn có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thành phố trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, đồng thời có những hiểu biết cơ bản về vị trí địa lý, kiến tạo tự nhiên của Tam Điệp và những di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với những chiến công oanh liệt của dân tộc.

Do thời gian, phòng tuyến không còn nguyên vẹn như xưa. Song, chiến công hiển hách của quân đội Tây Sơn vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người Tam Điệp, được thế hệ trước truyền cho thế hệ sau thông qua những câu truyện kể, những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian và những địa danh gắn liền với tên tuổi Người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ như Kẽm Đó, lũy Ông Ninh, đường Thiên Lý, đèo Ba Dội, Quèn Thờ, núi Vàng,…

Qua ý nghĩa lịch sử và văn hóa của phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, thế hệ trẻ hiểu biết hơn về vùng đất Tam Điệp “chỗ trời đất xây dựng rất hiểm yếu”; về ý nghĩa của địa danh “Đồng Giao”; về các cuộc “Đồng Giao” Nam-Bắc gắn liền với những chiến công hiển hách trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; về nét đặc sắc về tư tưởng, nghệ thuật quân sự truyền thống của cha ông; về “Nước cờ Tam Điệp” của thế trận lịch sử; được tiếp cận với văn học dân gian phong phú và đậm đà về Tây Sơn,…

Gắn với những chiến công của Hoàng đế Quang Trung và quân đội Tây Sơn, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thành phố nhận thức được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó làm tăng thêm lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây”. “Ván cờ” quyết chiến chiến lược Việt Thanh kết thúc cách đây 227 năm trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhưng hào khí của nó còn âm vang mãi mãi nơi núi rừng hiểm trở và hùng vĩ của đất Ba Đèo, nơi ken dầy vết chân lịch sử.

Ngày 8/10/1985, phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước và đã được khoanh vùng bảo vệ, điều đó khẳng định vị trí chiến lược của Tam Điệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến với phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, mỗi người đều mang lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước – những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hi sinh để giữ gìn độc lập của đất nước. Chính điều đó tạo nên tính chất lâu bền cho phòng tuyến và lan truyền rộng rãi cho nhiều thế hệ mai sau.

Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn vừa là di tích lịch sử vừa là thắng cảnh, là bằng chứng trung thực, sống động để thế hệ trẻ thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về nghệ thuật quân sự của cha ông, về những danh nhân, anh hùng đã có thời gian hoạt động ở đây và vai trò của nhân dân tham gia phòng tuyến, qua đó càng thêm yêu quý quê hương Tam Điệp. Hai trường THPT của thành phố vinh dự mang tên hai người anh hùng trong cuộc chiến tranh chống quân Thanh xâm lược: Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm. Quỹ “Khuyến học khuyến tài” của thành phố mang tên “Quỹ khuyến học Ngô Thì Nhậm” – Những điều này luôn nhắc nhở thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, về những đóng góp quan trọng của Tam Điệp trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2021, thành phố triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Tam Điệp sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Trong nhóm nhiệm vụ giải pháp về phát triển văn hóa, xã hội thành phố xác định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn khu di tích “phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn” làm cho nội dung di tích lịch sử chứa đựng trong di tích trở nên dễ hiểu và phổ cập đối với đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Đầu tư xây dựng Tượng đài Hoàng đế Quang Trung – đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy khí thế hào hùng của dân tộc đối với các lớp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Xây dựng đề án “Lễ hội Quang Trung” gắn với phát triển làng nghề trồng “Đào phai Tam Điệp” nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục cho các thế hệ người Tam Điệp về mảnh đất địa linh phù nhân kiệt trong tết Kỷ Dậu 1789, về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của cha ông, qua đó động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố; quyết tâm đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Tam Điệp trở thành thành phố văn minh, hiện đại, giàu về kinh tế, đẹp về nếp sống văn hóa, vững về chính trị, mạnh về an ninh, quốc phòng.

Phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn là một thành công rực rỡ biểu thị nghệ thuật quân sự kiệt xuất của dân tộc ta; là minh chứng sống động, một trong những dấu mốc lớn của lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, là tài sản văn hóa của dân tộc. Vì thế, mỗi người chúng ta cần góp phần bảo vệ, phát huy và chuyển giao cho các thế hệ mai sau./.

Ban Biên Tập

Nguồn: Bài phát biểu tham luận của đồng chí Đinh Công Toản, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Ninh Bình, Bí thư Thành ủy Tam Điệp, đã tham luận về chủ đề “giá trị văn hóa, lịch sử của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn trong văn hóa, lịch sử của dân tộc và tác động của nó tới thế hệ trẻ hiện nay”.