Do tình hình biên giới <?xml:namespace prefix = st1 />Myanmar – Thái Lan – Lào tại khu vực ngã ba biên giới đang có những phức tạp cho nên chuyến đi của tôi sang vùng Tam Giác Vàng gặp khá nhiều trở ngại. Lãnh đạo Công an tỉnh Bò Kẹo và cán bộ của Tổng cục Chính trị Bộ An ninh Lào đi cùng tôi dứt khoát không muốn cho tôi sang bên khu Tam Giác Vàng và các anh cũng nói thẳng là sẽ không chịu trách nhiệm nếu như tôi cứ quyết tâm đi.
Thật ra, để đến được cái khu có tấm biển đề “Golden Triangle” (Tam Giác Vàng) trên đất Thái Lan ở bên kia sông Mê Kông, đối diện với tỉnh Bò Kẹo thì chẳng khó khăn gì. Chỉ cần mất vài ba triệu đồng tiền Việt Nam, đi theo một tua du lịch khoảng 2 ngày là có thể đến được nơi đó rồi lại còn đi thăm thú được một số danh lam thắng cảnh ở tỉnh Chiang Rai (Thái lan) và thành phố Tachilek (Myanmar).
Nhưng nếu đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hay nói hình tượng như cách nói của người Mông là “như người đi xin lửa” thì có giỏi lắm cũng chụp được vài tấm ảnh và biết giá cả mấy mặt hàng lưu niệm… Mà trời đất vùng ngã ba dạo này cứ “mờ mờ nhân ảnh” thì có chụp ảnh cũng chả đẹp được.
Từ trước tới nay, tôi vẫn có quan niệm khá thô thiển về nghề viết báo như thế này: Nghề viết báo, đôi khi đòi hỏi người phóng viên phải như con… chó, dám xông đến tận nơi “có mùi”. Cho nên đã đến được ngã ba biên giới này mà chưa đến được những nơi cần phải đến thì đúng là “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Đang lúc “tiến thoái lưỡng nan”, may mắn thay tôi gặp được mấy anh bạn đang làm ăn ở các tỉnh Bắc Lào. Thế là họ giới thiệu cho tôi một người Thái Lan, chuyên phiên dịch tiếng Pháp cho các tua du lịch.
Theo giới thiệu thì người này tuy trẻ tuổi, nhưng am hiểu khu Tam Giác Vàng như hiểu “mảnh vườn của mình”, đồng thời có kiến thức lịch sử khá tốt, và quan trọng hơn nữa là anh ta có mối quan hệ rất thân tình với Cảnh sát tỉnh Chiang Rai của Thái Lan và thành phố Tachilek của Myanmar…
Vậy là tôi quyết định lên đường sau một cú điện thoại liên hệ trực tiếp với người dẫn đường. Sáng hôm sau, tôi qua sông Mê Kông sang cửa khẩu Thái Lan và đã thấy người dẫn đường đứng chờ. Đó là một anh chàng vóc người nhỏ thó, lanh lợi và có cái tên khá lạ – Kha.
Trước lúc lên ôtô để đi đến Chiang Sean, Kha dặn dò tôi một số điều. Đại loại là nếu gặp các tổ tuần tra của Thái Lan thì cứ mặc anh ta lo, tất nhiên, phải chuẩn bị sẵn “chút ít”. Ngoài ra có một số nơi, như ở bảo tàng ma túy, người ta cấm chụp ảnh, nhưng nếu muốn thì vẫn có cách. Tất nhiên, cũng cần phải có “chút ít”…
Từ cửa khẩu đi lên nơi để ngắm Tam Giác Vàng ngót 70 cây số. Mặc dù đường tốt và vắng, nhưng lái xe chỉ chạy tốc độ dưới 80 km/giờ. Cũng phải nói thêm rằng ở bên Lào, cũng như Thái Lan, lái xe chấp hành Luật Giao thông rất tốt, đặc biệt là ở Lào. Rất hiếm khi thấy xe vượt ẩu, chèn lên hoặc nghênh ngang không chịu nhường đường.
Nơi mà du khách ngắm toàn cảnh ngã ba biên giới Thái Lan – Lào – Myanmar là quả đồi có tên Sop Ruak. Nhưng ngay từ dưới chân đồi đã dày đặc những hàng quán, cửa hàng bán đồ lưu niệm, và rất nhiều cổng đề “Golden Triangle”.
Đồi Sop Ruak chỉ cao khoảng hơn trăm mét. Nhưng với độ cao này, ta có thể thấy được toàn bộ vùng ngã ba biên giới. Phía đông bắc, bên kia sông là nước Lào với một tổ hợp công trình xây dựng khổng lồ gồm sòng bạc, nhà hàng, khách sạn. Và để đảm bảo an toàn cho công trình, họ phải kè lại bờ sông Mê Kông đang sạt lở nghiêm trọng bởi bị ngọn nước xối thẳng vào góc ngã ba.
Chếch lên phía bắc, phía bên này sông là lãnh thổ Myanmar với những mái chùa vàng rực và những ngôi mộ trắng lấp lóa. Cũng không khó lắm có thể thấy bằng mắt thường những tốp lính Myanmar đang đi tuần trên mảnh đất bồi giữa sông mà được ghi trên bản đồ là Tam Giác Vàng.
Mảnh đất bồi giữa sông mà được gọi là “Tam Giác Vàng” đã ghi trên bản đồ thật ra nom hệt hình dáng một nửa mũi long đao mà mũi nhọn của nó hơi quay sang phía đông. “Tam Giác Vàng” này có chiều dài không đến một nửa cây số và có chiều rộng nhất cũng chỉ 300 mét.
Bãi bồi giữa sông được gọi là Tam Giác Vàng.
Thật ra, xưa kia mảnh đất bồi này chẳng làm gì có tên. Nhưng từ năm 1955, khi mà vùng đất rộng mênh mông trải dài từ tỉnh Mong Hpayak của Myanmar sang Chiang Rai của Thái Lan và Luông Nậm Thà, U Đôm Say, Phong Sa Lì của Lào trở thành nơi trồng, sản xuất buôn bán thuốc phiện vào loại lớn nhất thế giới dưới sự chỉ huy của Khun Sa… thì cái tên Tam Giác Vàng mới có.
Như vậy có hai địa danh “Tam Giác Vàng”:
Mảnh đất được gọi là Tam Giác Vàng là vùng đất bồi giữa sông Mê Kông nằm giữa biên giới 3 nước và thuộc lãnh thổ Myanmar.
Còn khu vực Tam Giác Vàng là chỉ vùng đất rộng có đến bằng một nửa miền Bắc Việt Nam và toàn là núi non hiểm trở và có độ cao trên 1.000 mét. Với điều kiện tự nhiên như vậy, nên chỉ có trồng thuốc phiện là “ngon ăn” nhất. Các loại cây lương thực như ngô, sắn, lúa thì năng suất không cao, hơn nữa nếu cố làm thì cũng chỉ tạm thoát đói, cho nên suốt từ năm 1952 cho đến khi Khun Sa buông súng quy hàng Chính phủ Myanmar vào năm 1996, vùng đất này là nơi sản xuất ra hơn 3/4 sản lượng ma túy trên thế giới. Giai đoạn cao điểm nhất là từ năm 1970 đến 1990, đã có hơn 160 ngàn hécta thuốc phiện và cần sa trên lãnh thổ Myanmar, còn trên đất Thái Lan và Lào, diện tích trồng thuốc phiện thì cây không thể tính nổi…
Tại Lào, trước năm 1975, diện tích trồng cây thuốc phiện vào khoảng hơn 50 ngàn hécta. Đến năm 2001, giảm còn hơn 17 ngàn hécta và nay thì cơ bản đã hết.
Còn trên đất Thái, diện tích trồng thuốc phiện không nhiều lắm bởi điều kiện thổ nhưỡng ở Chiang Rai không phù hợp. Tuy nhiên, Thái Lan lại là nơi trung chuyển lớn nhất vào những năm từ năm 1960 đến 1990. Sản lượng thuốc phiện sản xuất được tại khu Tam Giác Vàng là bao nhiêu? Chưa bao giờ có con số tạm gọi là chính xác, đặc biệt là vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước.
Cảnh sát Thái Lan kiểm tra xe từ Myanmar sang.
Sau này, khi mà Afghanistan, Iran và Pakistan cũng trồng thuốc phiện tại khu vực giáp ranh 3 nước có cái tên rất chi là thơ mộng “Lưỡi Liềm Vàng” thì Ấn Độ đã trở thành “cầu nối” giữa Tam Giác Vàng và Lưỡi Liềm Vàng. Nếu như ở thập niên 80, lượng ma túy sản xuất tại khu vực Tam Giác Vàng đáp ứng 3/4 nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, thì từ khi có Lưỡi Liềm Vàng sản lượng bị giảm đáng kể cho đến lúc Khun Sa tan rã, sản lượng chỉ còn hơn một nửa so với trước.
Năm 1996, là năm mà khu Tam Giác Vàng “đạt đỉnh cao” về sản lượng thuốc phiện là 2.560 tấn và để có được 1kg heroin mang nhãn hiệu con sư tử, cần 10kg thuốc phiện và một số hóa chất thì số thuốc phiện trên đã “cô” lại được 250 tấn heroin.
Và cũng trong năm 1989, đã có khoảng… 100 tấn heroin được tuồn vào nước Mỹ. Con số này khiến Chính phủ Mỹ “phát rồ” và Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) coi Khun Sa là kẻ thù nguy hiểm số 1, phát lệnh truy nã toàn cầu đồng thời treo giải 2 triệu USD cho ai “lấy được đầu” của hắn.
Từ năm 1990, Chính phủ Myanmar đã áp dụng nhiều sách lược để làm tan rã quân đội Mông Tai của Khun Sa và Moh Heng. Vừa tấn công quân sự kết hợp với chính sách chia để trị, đến năm 1995 thì liên minh Khun-Moh tan rã. Thế cùng, lực kiệt, cuối cùng Khun Sa phải đầu hàng chính phủ. Và từ đó việc trồng thuốc phiện, cần sa và chế biến heroin, các loại ma túy tổng hợp tại Tam Giác Vàng đã bị suy giảm.
Hiện nay, trên lãnh thổ Myanmar, tại khu vực Tam Giác Vàng, vẫn còn trồng thuốc phiện và chế biến các loại ma túy. Tuy nhiên sản lượng chỉ còn khoảng dưới 300 tấn một năm. Chính phủ Myanmar, Thái Lan và Lào đang nỗ lực giúp nhân dân vùng Tam Giác Vàng phát triển kinh tế. Trong đó có việc phát triển trồng cây công nghiệp.
Người đàn bà trên mảnh đất Tam Giác Vàng.
Nhìn ngắm chán chê mảnh đất bồi được gọi là Tam Giác Vàng từ trên đồi Sop Ruak, tôi nảy ra ý định là được “đặt chân lên Tam Giác Vàng”. Kha suy nghĩ hồi lâu rồi dẫn tôi xuống bờ sông và nói chuyện với một tốp cảnh sát Thái. Nghe Kha nói xong ý định, một cảnh sát Thái phẩy tay: “Anh có muốn chết không? Lính Myanmar sẽ nổ súng ngay mà không cần bắn cảnh cáo”.
Nhưng rồi chả hiểu Kha thuyết phục ra sao, cuối cùng anh ta gật đầu và bảo: “Tùy các anh, nhưng phải nhìn tôi trên này nhé. Nếu tôi vẫy tay là phải chuồn ngay. Giờ lính Myanmar đang ăn cơm”. Nói xong anh ta lấy ống nhòm ra nhìn sang phía Myanmar.
Thế là tôi và Kha vội chạy xuống bến, thuê một chiếc xuồng máy với giá cho quãng sông chỉ rộng không đến 500m là 1.000 bạt. Bắt tôi mặc áo phao cẩn thận, rồi anh lái xuồng mở máy. Chiếc xuồng lao vun vút đi như tên và chỉ chưa đầy một phút đã lao lên Tam Giác Vàng. Tôi nhảy lên bãi mà thấy trong lòng có cảm giác khó tả.
Chao ôi, mảnh đất được gọi là Tam Giác Vàng trên bản đồ địa lý là đây ư? Nào có khác gì bãi bồi sông Hồng đâu. Cũng đất pha cát mịn màng và trên đó trồng toàn lạc. Cả “Tam Giác Vàng” lúc này chỉ có 3 người. Tôi, Kha và một người phụ nữ Myanmar đang ngồi gục đầu trên bãi cát. Còn người lái xuồng thì đã cho xuồng lùi ra, để có bề gì thì còn dễ chạy.
Một mảnh đất bồi nằm giữa sông sẽ chẳng là cái gì nhưng vì nó được gọi là “Tam Giác Vàng” cho nên trở thành nổi tiếng và người Thái đã tận dụng triệt để thương hiệu “Tam Giác Vàng” để kiếm tiền. Một chiếc áo phông Thái có in bản đồ khu ngã ba biên giới và dòng chữ Tam Giác Vàng có giá đắt gần gấp đôi chiếc áo cùng loại nhưng in nhãn hiệu khác.
Và điều đáng nể hơn nữa là chiếc áo, hay mũ, ô có in chữ Tam Giác Vàng đó chỉ có bán trên đồi Sop Ruak, còn dưới chân đồi tuyệt nhiên không có. Thế mới biết họ giữ gìn thương hiệu nghiêm và chặt chẽ như thế nào.
Đang định lấy túi nylon ra bốc ít cát ở cái nơi được gọi là Tam Giác Vàng chính cống này về làm kỷ niệm thì Kha vội kéo tay tôi… Trên chòi canh anh cảnh sát đang vẫy tay rối rít. Chúng tôi vội lao ra xuồng… và vẫn còn kịp nhìn thấy những bóng lính Myanmar từ trên bờ chạy ra…
(Còn nữa)