Dự Đoán Học

Tâm nhãn là gì

Đức Phật dạy về năm loại mắt của người tu tập đó là Nhục Nhãn, Thiên Nhãn, Huệ Nhãn, Pháp Nhãn và Phật Nhãn. Theo thứ tự cao dần và cái sau có thể bao hàm cái trước.

– Nhục nhãn: là con mắt thịt như những người bình thường của chúng ta. Phải có ánh sáng mới thấy, có vật ngăn che thì không thể nhìn xuyên qua. – Thiên nhãn: là con mắt tương tự với nhãn của chư vị thiên nhân, không phải con mắt như người bình thường nữa. Không ngăn ngại bởi ánh sáng hay các vật ngăn che như tường thành, sông núi. – Huệ nhãn: là con mắt trí tuệ, những mê lầm – vọng tưởng đều bị nó chiếu soi. Không còn bị lầm lạc vào sự vật hay hiện tượng bên ngoài nữa mà đã thấy được tường tận bản chất thực sự của chúng. – Pháp nhãn: là con mắt của Pháp luân, là bánh xe pháp là dung thông vô ngại giữa tất cả sự vật, hiện tượng, sự kiện… trong toàn thảy vũ trụ này. – Phật nhãn: Gồm thâu và bao trùm toàn bộ bốn loại nhãn ở trên, cực tịnh vô vi và hoàn toàn thấu suốt tất cả.

Nhục nhãn là mắt thường, bốn loại nhãn còn lại thì thuộc vào Tâm Nhãn.

Tâm nhãn bao trùm nhục nhãn, nó có thể thấy được thứ người thường có thể thấy và cũng có thể chiếu soi những thứ vô hình, vô tướng mà người thường không thể thấy. Từ vòng luân hồi, lý nhân duyên, lẽ quả báo, các cõi giới ma quỷ, thánh thần, chư Phật, Bồ Tát… cho đến nguyên tắc vận hành của toàn bộ cõi vũ trụ này.

Tâm nhãn nằm ở đâu? Đương nhiên là ở trong tâm rồi – vì thế nó mới gọi là tâm nhãn. Vì là ở trong tâm nên phải dùng tâm để chiếu soi, để tỏ rọi. Không thể có bất cứ sự giả trá, gian tà, ám chướng nào có thể che dấu khỏi tâm nhãn. Tâm càng thanh tịnh, tâm càng quang minh, tâm càng sáng tỏ thì tâm nhãn càng rõ ràng. Cái thấy của tâm nhãn càng xuyên suốt và bao trùm.

Dĩ nhiên tâm này và thân này cũng có sự quấn quít, nương tựa nhau vì vậy thân thanh thản thì tâm thong thả. Thân thư thái thì tâm thanh tịnh, thân tâm nhất như thì tâm nhãn lại càng rõ ràng.

Đó là lý do tại sao các bậc hiền nhân khi xưa hành thiền một thời gian, khi thâm nhập được vào Thiền rồi thì thân tâm nhất như, khí lực ổn định và phát khởi ra trí tuệ chiếu soi, ngồi một chỗ mà biết chuyện thiên hạ. Ấy là cái dụng của Tâm Nhãn với Thiền Định vậy.

Nhưng đó là sự an tĩnh của tâm mà khởi sinh sáng tỏ tâm nhãn. Rất nhiều hành giả thời đại này thực hành một thời gian thay vì đạt được tâm an tĩnh, khí yên bình, thân thư thái thì do một vọng niệm nào đó khiến cho loạn tâm từ đó mà sinh ra huyễn cảnh. Thấy trời thấy phật thấy ma…hoặc thấy bất cứ điều gì trong Thiền Định đều không sai nhưng sẽ sai nếu ta thấy khi lòng có vọng niệm.

Vì vậy mà các tổ khi xưa dạy rằng “thấy Phật chém Phật, thấy ma chém ma”. Nào phải là Thiền giả chém Phật chém ma mà chính là chém đi cái vọng niệm là ma, là Phật của mình khi hành Thiền. Như một vị thầy của tôi từng dạy rằng: “khởi vọng niệm liền biết đang vọng tức là không còn vọng niệm”, lời tuy khác nhưng ý đồng nhau không khác.

Chút chia sẻ về huyền cảnh và tâm nhãn trong Thiền Định nhân ngày tốt lành, ~ Tử Minh

Comments

comments