Giới thiệu khái quát huyện Tam Nông

Tam nông ở đâu

Giới thiệu khái quát huyện Tam Nông

Nằm ở phía Bắc tỉnh Đồng Tháp, huyện Tam Nông có hình ngũ giác; cạnh Bắc giáp với hai huyện Hồng Ngự, Tân Hồng; cạnh Đông Bắc giáp với tỉnh Long An (qua kinh Phước Xuyên); cạnh Đông Nam giáp với hai huyện Tháp Mười, Cao Lãnh; cạnh Nam giáp với huyện Thanh Bình; cạnh Tây giáp với sông Tiền.

Diện tích tự nhiên huyện Tam Nông có 474 km2, dân số trung bình năm 2005 là 98.268 người; mật độ 207 người/km2 [1] .

Theo điều tra, khảo sát năm 1996, Tam Nông có 26.211 đồng bào các tôn giáo, chiếm 36,33% dân số toàn huyện. Đông nhất là Phật giáo Hòa Hảo có 10.489 tín đồ; Thiên chúa giáo có 7.693 tín đồ; Phật giáo có 6.114 tín đồ; Cao Đài có 1.832 tín đồ; Tin Lành có 83 tín đồ. Ngoài ra còn có 1.189 tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, 283 tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Huyện Tam Nông có 11 xã và một thị trấn. Theo đặc điểm tự nhiên, có thể chia làm hai vùng. Vùng 1 ven sông Tiền, đất giồng bờ sông tương đối cao ráo, kinh tế trù phú gồm các xã An Hòa, An Long, Phú Ninh và phần phía Nam xã Phú Thành A. Vùng 2 xa sông Tiền, là vùng sâu, đất thấp thuộc Đồng Tháp Mười gồm các xã Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Thọ, Phú Đức, Tân Công Sính, Phú Cường, Hòa Bình và Thị trấn Tràm chim.

Tam Nông được xem là một huyện có đặc trưng địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, hệ sinh thái động thực vật… tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp. Nền phù sa cổ kéo dài từ Đông Nam Campuchia xuống Hồng Ngự – Tân Hồng để lại một vệt những giồng: Lâm Vồ, Thị Đam, Cà Dâm, Thốt Nốt, Gáo Giồng, Cỏ Ống… Ở Tam Nông có những nơi là đồng trũng thấp nhất tỉnh Đồng Tháp. Trầm tích đầm lầy biển chiếm một diện tích khá lớn ở các xã Tân Công Sính, Phú Cường, Phú Đức, Phú Thành, Phú Thọ, Phú Hiệp, bị ngập sâu và lâu nhất trong năm, đất phèn hoạt động , tiềm ẩn còn nhiều. Khu vực đầm lầy cũ đã để lại những vỉa than bùn rộng lớn. Theo một số nhà khoa học, đã tìm thấy các vỉa than bùn dầy khoảng 2 mét ở Bầu Mớp (xã Phú Đức), Bưng Sấm (xã Tân Công Sính) với trữ lượng khá…

Nhiều năm trước, vùng sâu Đồng Tháp Mười là vùng hoang địa. Cho đến trước năm 1945, những người dân vùng ngoài vào vùng sâu tìm cái sống bằng đập lúa trời, hái bông sen, bông súng, làm cá, bẫy chim hoặc tìm các sản vật của rừng tràm… Tuy đất rộng mênh mông nhưng không phải hoàn toàn là không có chủ. Vùng ven sông Tiền đã bị điền chủ bao chiếm (Cả Tiêu, cai tổng Cần, cai tổng Giáp…), họ lại muốn làm chủ cả vùng sâu Đồng Tháp Mười. Người nghèo khổ, thiếu ruộng phải đi dần vào đồng sâu kiếm sống, vật lộn với thiên nhiên, muỗi mòng, đỉa vắt, nằm xuồng ngủ nóp…

Lần dò theo sách sử, đời Gia Long, vùng đất này thuộc tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường. Đọc tên 43 thôn của tổng Kiến Phong, thời ấy thấy các thôn Tân Mỹ, An Long, Tân Phú, Tân Thạnh…là các thôn nằm ven sông Tiền (thuộc địa bàn hai huyện Thanh Bình, Tam Nông ngày nay). Thôn tức một xóm, với những cư dân ít ỏi bám lấy vùng đất ven sông Tiền cao ráo để sinh sống. Vùng sâu Đồng Tháp Mười được gọi tên chung “Chằm Mãng Trạch” – Vùng ao chằm, lung, trấp sình lầy… vắng bóng người.

Khi Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, chia Nam kỳ thành 6 tỉnh (1832), phần đất có huyện Tam Nông ngày nay vẫn thuộc huyện Kiến Phong (mới nâng từ cấp tổng lên cấp huyện), phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường.

Cuối thế kỷ 19, một phần lớn địa giới của huyện Tam Nông ngày nay thuộc tổng Phong Thạnh Thượng, hạt Long Xuyên. Đầu năm 1900, thực dân Pháp thành lập ở Nam Kỳ 20 tỉnh (provinces), trong đó có các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc…Cho đến năm 1945, địa bàn Tam Nông ngày nay thuộc tổng Phong Thạnh Thượng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên; phía Bắc là quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Châu Đốc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đến năm 1949, tỉnh Long Châu Tiền được thành lập gồm các quận (từ “Huyện” được dùng từ 1950): Tân Châu, Châu Phú B, Hồng Ngự, Chợ Mới, Lấp Vò. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến; Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra nghị định số 173/NB ngày 27-6-1951 sáp nhập tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa gồm các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Chợ Mới, Lấp Vò, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu.

Cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10 năm 1954, ta lập lại hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các huyện: Châu Thành, Lấp Vò, Chợ Mới, Phong Thạnh Thượng, Thốt Nốt và Thị xã Long Xuyên.

Về phía nhà cầm quyền Sài Gòn, Ngô Đình Diệm chia lại địa giới hành chính; ngày 1-8-1954, tách tổng Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình (cù lao Giêng) ra khỏi quận Chợ Mới, thành lập quận Phong Thạnh Thượng. Ngày 17-2-1956, lại có Sắc lệnh số 22/NV thành lập tỉnh Phong Thạnh gồm 3 quận: Cao Lãnh, Hồng Ngự và Phong Thạnh Thượng.

Trên vùng đất này, trong khi lực lượng kháng chiến thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, tập kết ra Bắc thì Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, lập “quân đội Cộng Hòa” để “vãn hồi an ninh trật tự” và “khai khẩn Đồng Tháp Mười”…

Tiếp theo các chiến dịch “tiểu thanh tiêu diệt phiến loạn”[2] , chính quyền Diệm đã buộc đồng bào miền Trung, Bắc di cư vào vùng sâu Đồng Tháp Mười lập các khu dinh điền, thực hiện âm mưu “qui tụ dân chúng tốt đến một khu vực chưa khai phá để chống cộng”. Từ năm 1957 đến năm 1959, bốn địa điểm dinh điền: Hồng Ngự, Đôn Phục, Phước Xuyên, Gãy Cờ Đen đã được thành lập, theo đó hàng ngàn gia đình di dân và gia đình binh sỹ bảo an đã bị ép buộc đến định cư, khai thác 3.503 ha ruộng đất.

Tháng 6 – 1959, quận Đồng Tiến được thành lập[3] trên cơ sở các khu dinh điền 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 (khu 7 thuộc quận Mỹ An). Sau đó, một hãng xáng Pháp đã thầu đào con kinh nối liền từ An Long đến Gãy Cờ Đen, gọi là kinh Đồng Tiến[4] Cho đến năm 1971, quận Đồng Tiến có 8 xã là An Long, Phú Thành, Phú Thọ, Phú Yên, Phú Cường, Phú Hưng, Phú Hiệp, chia làm 19 ấp, có số dân là 43.251 người (không kể khoảng 5.000 Việt kiều từ Campuchia mới về) với 6.068 hộ gia đình (nóc nhà), canh tác 61.834 ha ruộng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn huyện Tam Nông ngày nay cũng được thay đổi tên gọi và địa giới tuỳ theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Năm 1959, hai huyện Thanh Bình và Hồng Ngự được sáp nhập thành huyện Thanh Hồng (thuộc tỉnh Kiến Phong). Sang năm 1960 Thanh Bình lại tách khỏi Thanh Hồng trở về với tên gọi Thanh Bình cũ. Tháng 3-1961, do điều kiện cụ thể, huyện Thanh Hồng lại được tái lập trên cơ sở hai huyện cũ. Năm 1974 tỉnh Long Châu Tiền được thành lập lại gồm bốn huyện là Hồng Ngự, Phú Tân, Tân Châu và Thanh Bình.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 6-1975, tỉnh Long Châu Tiền được giải thể, Thanh Bình, Hồng Ngự được đưa về tỉnh Sa Đéc. Tháng 3-1976 tỉnh Đồng Tháp được thành lập (gồm hai tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong), từ đó Thanh Bình và Đồng Tiến được gọi là huyện Tam Nông (Tam Nông là tên một huyện của tỉnh Vĩnh Phú kết nghĩa với Long Châu Tiền). Từ tháng 3-1983, Tam Nông lại được tách ra khỏi huyện Thanh Bình và trở thành một “huyện mới” trong 11 huyện, thị của tỉnh Đồng Tháp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, vùng đất Tam Nông này từng là căn cứ, hậu bối, che chở cho lực lượng cách mạng, kháng chiến. Những địa danh như : Gò Mười Tải, Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, Lung Bông…v.v luôn nhắc nhở những trận đánh đã đi vào lịch sử của các lực lượng vũ trang và nhân dân ta…

Nhìn về quá khứ đầy gian khổ, chúng ta càng nhận thấy thành quả lớn lao kỳ diệu của ngày hôm nay trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của một huyện vùng sâu tiêu biểu của Đồng Tháp Mười.

Tam Nông ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn lao. Thị trấn Tràm Chim (trước thuộc xã Tân Công Sính) nằm trên kinh Tư, ngã năm của kinh An Long – Đồng Tiến được gọi bằng cái tên thân thương, tự hào “ thành phố nổi”. Vào mùa nước nổi, đi trên biển nước Đồng Tháp Mười, khu vực Thị trấn Tràm Chim hiện lên như một thành phố nằm trên mặt nước, với chiếc cầu treo nằm vắt qua kinh An Long – Đồng Tiến. Từ thị trấn này, các con kinh lớn, nhỏ nối liền đường giao thông thuỷ, bộ đi khắp các nơi của Đồng Tháp Mười. Trước kia, giao thông đường thuỷ là chính, ngày nay, dọc theo các tuyến kinh, đường bộ đã và đang được xây dựng, kiến thiết nối liền các xã và liên huyện.

Nối với quốc lộ 30, có hai tỉnh lộ quan trọng. Tỉnh lộ 843 từ thị trấn Thanh Bình vào thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, lên đến huyện biên giới Tân Hồng với chiều dài hơn 56 km. Tỉnh lộ 844 đi từ An Long xuyên qua Tam Nông đến xã Trường Xuân (Gãy Cờ Đen), huyện Tháp Mười với chiều dài hơn 47 km. Ngoài ra các tuyến đường bộ khác như Tam Nông – Tân Thành, Tam Nông – Vĩnh Hưng …cũng giúp cho việc đi lại bằng đường bộ xuyên Đồng Tháp Mười không còn là mơ tưởng mà đã trở thành hiên thực.

Đường thuỷ là hết sức quan trọng từ trước đến nay. Các con kinh dọc, ngang ngày càng được tiếp tục đào mới, nạo vét mở rộng, nối liền để vừa làm nhiệm vụ giao thông, vừa thau chua rửa phèn, phục vụ việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.

Con kinh An Long – Đồng Tiến như động mạch xuyên qua huyện, giữ vai trò quan trọng trong việc đưa nước Sông Tiền vào vùng sâu Tam Nông. Các con kinh khác : kinh 2 tháng 9, kinh Kháng chiến, kinh Phú Thành, kinh Đường Gạo, kinh Tân Công Sính – Phú đức, kinh Tân Công Sính – Phước Xuyên, kinh 12 nối Sa Rài (Tân Hồng), kinh Cô Đông, …v.v là những công trình thuỷ nông vực dậy tiềm năng kinh tế của huyện và của cả Đồng Tháp Mười.

Tam Nông còn có diện tích đất trồng rừng với hơn 20.000 ha đất trồng tràm tập trung. Trong các dự án, quy hoạch hồi những năm 1980, trên địa bàn huyện đã có ba đơn vị kinh tế quốc doanh: Nông trường Cô Đông, Lâm ngư trường Cà Dăm, Lâm ngư trường Tràm Chim. Những năm phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ồ ạt; 1984 – 1985, huyện Tam Nông đã hình thành được 114 tập đoàn sản xuất và 3 liên tập đoàn sản xuất với 7.052 hộ nông dân. Tuy không tránh khỏi những mặt hạn chế, yếu kém trong tổ chức, quản lý, nhưng các tập đoàn và liên tập đoàn đã làm được những công việc cơ bản như: làm đường nước, cải tạo đồng ruộng, tổ chức sản xuất đồng loạt, hỗ trợ về phân bón, giống, sức kéo làm đất…

Khi có Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, giao quyền sử dụng đất trực tiếp cho người nông dân, những yếu tố tích cực trong hợp tác hoá nông nghiệp vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tốt trong việc cải tạo, quản lý sử dụng tốt đường nước, đào vét kinh tạo nguồn và kinh mương nội đồng… Ở những nơi mới khẩn hoang, công tác thuỷ lợi lại vô cùng cần thiết, vai trò của tập thể, nhà nước ở đây không thể thiếu.

Công tác di dân, bố trí cư dân qua các thời kỳ ở một huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười như huyện Tam Nông đã giúp cho các cấp đảng bộ, chính quyền có được những kinh nghiệm quý báu để thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn.

Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển, huyện mới Tam Nông đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Trước nhất là thành tựu về sản xuất nông nghiệp. Dù liên tục bị lũ lụt làm thiệt hại năng nề, diện tích, sản lượng, năng suất lúa của huyện vẫn không ngừng tăng. Nếu năm 1984, toàn huyện có 11.878 ha lúa, sản lượng cả năm được 25.920 tấn, năng suất 21,8 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 316 kg; thì mười năm sau, năm 1994, diện tích lúa đã tăng lên 33.346 ha, sản lượng đạt 152.679 tấn, năng suất đạt từ 45 tạ đến 47 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người đạt 2.087 kg, đến năm 1996, diện tích cây lương thực của huyện Tam Nông đã tăng lên 48.810 ha trong đó diện tích trồng lúa là 48.786 ha, sản lượng lúa đã đạt đến 229.807 tấn, bình quân 2.457 kg cho mỗi người. Từ năm 2000-2005, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt tăng từ 49.693 ha lên 59.552 ha. Sản lượng tăng từ 230.041 tấn lên 339.813 tấn (xếp thứ 3 toàn tỉnh), bình quân đầu người từ 2.436 kg lên 3.458 kg/người/ năm. Diện tích rau đậu, từ 150 ha lên 628 ha, cho sản lượng từ 2.092 tấn lên 10.488 tấn. Cây đậu nành (đậu tương) trồng ở chân ruộng từ 14 ha lên 121 ha, cho sản lượng từ 24 tấn lên 238 tấn…

Trước kia chỉ một số xã ven sông Tiền là trồng được rau, đậu, thì nay, toàn huyện Tam Nông đã có hàng trăm ha trồng rau, đậu; đặc biệt là cây kiệu đã thích nghi và cho năng suất khá ở các xã Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Cường… tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Diện tích cây ăn trái tuy không đáng kể, song từ 1995 có 50 ha, tăng dần lên 63 ha (năm 2000), rồi 72 ha (2005) trồng được các loại cây xoài, dừa, nhãn …

Chăn nuôi dần khôi phục phát triển, năm 2005 toàn huyện có 200 con trâu, 1.315 con bò, 19.478 con heo…

Ngoài việc đánh bắt thủy sản tự nhiên, những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Tam Nông. Năm 1995, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 2.562 tấn, trong đó có 161 ha mặt nước nuôi cá, tôm, thu hoạch được 592 tấn cá, 12 tấn tôm, đến cuối những năm 1990 sản lượng thủy sản đạt trên 6.800 tấn, trong đó có 2.800 tấn cá, tôm nuôi. Từ năm 2000-2005, sản lượng thủy sản của Tam Nông từ 7.300 tấn lên 9.291 tấn; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng từ 3.083 tấn lên 7.015 tấn, với diện tích mặt nước nuôi trồng từ 160 ha lên 188 ha.

Về sản xuất công nghiệp tuy chưa phát triển nhiều, song với chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, năm 1995 toàn huyện đã có 278 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến năm 1996 tăng lên 335 cơ sở, trong đó chủ yếu là cá thể và tư nhân, thu hút gần 1.000 lao động. Đã có hàng chục cơ sở xay xát gạo, chế biến nông sản tại chỗ, những nhà máy xay lúa cỡ lớn được xây dựng ở An Long, Tân Công Sính…;sản xuất gạch ngói, vật liệu xây dựng dần cung ứng cho nhu cầu xây dựng của địa phương; một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hình thành là những tín hiệu đáng mừng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện.Từ năm 2000-2005, số lao động công nghiệp trên địa bàn huyện tăng từ 1.068 người lên 1.408 người; số cơ sở từ 338 lên 484 cơ sở; làm ra giá trị 46.213 triệu đồng (giá hiện hành).

Hơn 20 năm kể từ khi thành lập huyện, đến nay Tam Nông đã đạt được nhiều thành tựu to lớn; các công trình xây dựng cơ bản như: trụ sở hành chính, các ban ngành đoàn thể từ cấp huyện đến xã đã hoàn thành và đi vào sử dụng ngay từ những năm đầu. Các công trình hạ tầng phục vụ kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang được xây dựng với một tốc độ khá nhanh. Điện lưới quốc gia được kéo về 12/12 xã, thị trấn; đường ô tô đến được trung tâm 9 xã. Toàn huyện năm 1996 có 1.400 máy điện thoại; từ năm 2000-2005 từ 1.767 máy điện thoại cố định đã lên đến 5.913 máy cố định và 1.591 máy di động. Vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện năm 2005 lên đến 51.159 triệu đồng (giá hiện hành; trong đó vốn trung ương 6.821 triệu đồng, vốn địa phương 44.338 triệu đồng).

Về giáo dục, năm học 1996-1997, toàn huyện có 6 trường mẫu giáo, với 39 lớp thu nhận được 1.097 cháu. Bậc học phổ thông có tổng số 30 trường; trong đó 23 trường tiểu học với 389 lớp, 18.711 học sinh; 05 trường trung học cơ sở với 117 lớp, 4.793 học sinh; 02 trường trung học phổ thông với 28 lớp, 1.208 học sinh. Từ năm 2000-2005, số trường mẫu giáo từ 8 trường (52 lớp) tăng lên 9 trường (71 lớp) với số học sinh từ 1.176 cháu lên 1771 cháu. Bậc học phổ thông tiếp tục phát triển, năm học 2005-2006 toàn huyện có 38 trường, trong đó 27 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông với tổng số 892 giáo viên và 21.124 học sinh.

Mạng lưới y tế, toàn huyện có 14 cơ sở; trong đó có một bệnh viện đa khoa với 130 giường; một phòng khám khu vực với 60 giường; 12 trạm y tế xã với 60 giường. Hơn 139 cán bộ y tế gồm 34 bác sỹ và trên đại học, 54 y sỹ-kỹ thuật viên, 28 y tá, hộ lý…, 7 dược sỹ dược tá. Nhờ vậy, tuy là một huyện vùng sâu, song công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vẫn được đảm bảo, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện khá tốt.

*

Thế mạnh của Tam Nông là huyện có đầy đủ đặc trưng của Đồng Tháp Mười mà tiềm năng kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp và cả du lịch sinh thái… còn nhiều hứa hẹn. Người nông dân Tam Nông từ nhiều nơi đến sinh cơ lập nghiệp, với đức tính cần cù, sáng tạo, họ đã ngày càng thích nghi với những điều kiện canh tác mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp: bố trí mùa vụ, có biện pháp thủy lợi nội đồng tốt, ém phèn, ngăn lũ sớm để kịp thu hoạch vụ lúa hè thu… có thể nói đó là hình ảnh của người nông dân đã biết chinh phục Đồng Tháp Mười. Song, nếu chỉ thuần nông sẽ không tránh khỏi kinh tế chậm phát triển, do vậy vẫn có một số xã thuộc diện đói nghèo[5].

*

Nói đến Tam Nông mà không nói đến Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ là một thiếu sót. Từ trước năm 1985, với ý thức bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để qui hoạch Tràm Chim thành một “Đồng Tháp Mười nguyên thủy”. Năm ngàn ha đã được bao đê làm khu trung tâm, bao bọc bên ngoài còn có một khu phụ đệm khoảng gần 3.000 ha. Trên khoảng diện tích ấy đã có các tổ chức, cơ quan tham gia bảo vệ, khai thác, kinh doanh, liên doanh… với nhiều tên: Lâm – ngư – trường Tràm Chim, Nông trường Tràm Chim, Công ty Nông trường Tràm Chim…

Ông Nguyễn Xuân Trường được nhân dân trong tỉnh trìu mến gọi “ông Mười Sếu” đã suy nghĩ, tâm sự:

“Hồi nhỏ và trong những năm chiến tranh, chúng tôi đã sống với Tràm Chim như vầy. Độc đáo lắm không nơi nào có được. Lúc đó chỉ mong hết chiến tranh mình giữ lại được một vùng Tràm Chim. Nay thì còn nhiều khó khăn lắm mới đạt được những điều đã tính, nhưng tôi tin Tràm Chim sẽ sống. Mai sau con cháu sẽ hiểu đúng hơn cha ông và xứ sở Đồng Tháp của mình…”

Từ khi chim hạc – sếu đầu đỏ trở về, Tràm Chim trở thành nổi tiếng. Đông đảo nhất là vào năm 1988, người ta đã đếm được 1.052 chim hạc bay về Tràm Chim. Năm 1990 đếm được hơn 800 con, năm 1991 chỉ còn khoảng 400 con…Ngoài chim hạc, còn có hơn 150 loài chim về đây sinh sống.

Nhờ có chim hạc mà một cơ quan, đơn vị mới được hình thành: “Trung tâm bảo vệ Sếu và môi trường Tràm Chim”. Từ đó đến nay đã có hàng chục tổ chức quốc tế tài trợ và cùng địa phương bảo vệ, quản lý, trong đó “Hội bảo vệ Hạc quốc tế” (ICF) đã có đóng góp đáng kể.

Cuối năm 1991 đầu năm 1992, Tràm Chim đã trở thành một “đề tài” tranh luận chẳng những ở địa phương, mà còn được đề cập trên nhiều tờ báo. Tựu trung, các ý kiến ấy như sau:

-“Tôi thấy con sếu không kinh tế bằng con cá, cây lúa. Mùa mưa nó đi, mùa khô nó về. Mà thấy nó ngày càng ít đi, chắc nó không ở lại đây lâu dài. Tôi chỉ khai thác cá cả trăm tấn một năm, rồi lúa, rồi tràm, mỗi năm kiếm được vài tỷ không khó”.

-“Hạc là vị đại sứ của môi trường. Nơi nào hạc đến là nơi đó sinh thái cân bằng, là chuyện rất cần cho con người và trái đất. Tôi tin Tràm Chim sẽ trở thành nhịp cầu nối liền Việt Nam với thế giới đang mở rộng cửa hôm nay…”

-“Hạc là biểu tượng của thần tiên-cỡi Hạc về trời-từ ngàn xưa trong lịch sử dân tộc mình. Hạc được đúc trên trống đồng, được khắc trong lăng miếu tôn nghiêm. Hạc cũng biểu tượng cho sự trường tồn giàu mạnh. Bây giờ, giữ được hạc là Việt Nam mình đẹp lắm, giàu lắm. Mình là dân tộc yêu hòa bình. Thế giới sẽ đến với mình nhiều hơn để giúp mình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh…”

Năm 1998, Chính Phủ có quyết định công nhận Tràm Chim là “Vườn Quốc Gia” (National Park).

Tam Nông có sức vẫy gọi của một vùng đất mới. Đất mênh mông, rừng tràm xanh tốt, những con kinh mới dọc, ngang hứa hẹn đường đi nước bước dễ dàng… Nhưng cũng rất cần vốn đầu tư, kinh nghiệm trong sản xuất và nhu cầu phát triển không ngừng của đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần.

Tam Nông, huyện mới vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp đã và đang làm được những việc rất đáng tự hào. Song tất cả vẫn còn đang ở phía trước. Tin rằng trong những năm đầu của thế kỷ mới, Tam Nông sẽ trở thành một huyện đẹp, giàu.