Bệnh co thắt tâm vị là một bệnh lý thường gặp ở thực quản, xếp sau ung thư thực quản. Mặc dù bệnh khá quen thuộc với nhiều người nhưng ít ai biết rằng bệnh có thể gây nên biến chứng rất nguy hiểm và thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
28/01/2021 | Những dấu hiệu viêm đại tràng co thắt dễ dàng nhận biết sớm26/01/2021 | Co thắt tâm vị là bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị20/12/2020 | Viêm đại tràng co thắt là gì? Bệnh có xuất hiện ở trẻ em không?
1. Khái quát về bệnh co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị còn có tên tiếng Anh là bệnh Achalasia mô tả rối loạn chức năng xảy ra ở thực quản. Khi bị co thắt tâm vị, thực quản mất khả năng đẩy thức ăn xuống dưới dạ dày, trong khi đó cơ vòng dưới thực quản lại không mở ra hoàn toàn khiến cho thức ăn bị ứ đọng tại thực quản.
Có thể hình dung tình trạng này như sau: phần cuối tiếp nối giữa thực quản và dạ dày bị co thắt, thu hẹp lại, đoạn trên lại giãn to hơn bình thường. Sự ùn ứ thức ăn ở thực quản sẽ dẫn tới hậu quả là bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử do ngạt thở vì thức ăn trào ngược vào khí quản, do phản xạ tim mạch hoặc dây thần kinh X, do suy dinh dưỡng giai đoạn muộn.
Mô phỏng co thắt tâm vị thực quản
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm co thắt tâm vị ảnh hưởng tới khoảng 3.000 bệnh nhân và cả nam giới và nữ giới đều có tỷ lệ mắc bệnh ngang nhau. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị co thắt tâm vị nhưng người trung niên là đối tượng chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng co thắt tâm vị hiện vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với y khoa. Có nhiều giả thiết cho rằng co thắt tâm vị là do nhiễm trùng hoặc tính tự miễn gây nên. Ngoài ra, co thắt tâm vị có tính chất gia đình, một phần chứng minh di truyền có khả năng là một trong những yếu tố nguy cơ của tình trạng co thắt tâm vị.
2. Dấu hiệu cảnh báo một người đang bị co thắt tâm vị
Nếu bạn gặp các dấu hiệu sau thì chứng tỏ bệnh co thắt tâm vị đang làm phiền bạn:
-
Khó nuốt: khi đang ăn mà bỗng dưng thấy khó nuốt hoặc cảm giác thức ăn bị nghẹn lại không trôi xuống được. Khó nuốt xảy ra cả ở thức ăn đặc và thức ăn lỏng;
-
Nôn oẹ: đây là biểu hiện tiêu hóa thường gặp, có thể diễn ra nhiều giờ sau khi kết thúc bữa ăn. Nôn mửa vào ban đêm sẽ có biểu hiện như bị ho trong khi ngủ, sau khi thức dậy có thể phát hiện thức ăn vương vãi trên áo hoặc trên gối. Triệu chứng này rất đáng lo ngại vì có thể khiến cho bệnh nhân bị viêm phổi do hít sặc phải thức ăn;
-
Cảm giác đau và khó chịu vùng ngực: gặp nhiều ở bệnh nhân trẻ. Tình trạng đau co cứng lan xuống dưới hàm và sau lưng, có xu hướng kéo dài từ nửa giờ hoặc thậm chí là trong nửa ngày. Phần lớn hiện tượng này diễn ra vào lúc nửa đêm và sẽ giảm khi uống nước lạnh;
-
Biểu hiện khác: sút cân, ợ nóng.
3. Biến chứng của co thắt tâm vị
Trong trường hợp không được điều trị đúng cách, kịp thời thì bệnh nhân sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sau:
-
Viêm loét thực quản do thức ăn trì đọng lâu ngày;
-
Viêm phổi hít do nôn oẹ;
-
Sẹo xơ chít hẹp thực quản;
-
Suy dinh dưỡng khi bệnh ở giai đoạn cuối, bệnh nhân không thể ăn uống được;
Co thắt tâm vị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
-
Đoạn thực quản giãn to gây chèn ép lên những tổ chức khác như tim, tĩnh mạch, khí quản,…;
-
Viêm phổi, áp xe phổi do thức ăn trào ngược vào phổi;
-
Ung thư hóa ở những vùng viêm mạn tính. Tỷ lệ bệnh nhân co thắt tâm vị bị tiến triển thành ung thư là 9%, ung thư tế bào vảy là khoảng 3 – 5%.
4. Chẩn đoán và điều trị co thắt tâm vị
4.1. Phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán co thắt tâm vị
Một số xét nghiệm sau được dùng để kiểm tra và đánh giá tình trạng co thắt tâm vị ở người bệnh:
-
Nội soi thực quản dạ dày;
-
Chụp X-quang thực quản;
-
Đo áp lực trong lòng thực quản.
4.2. Điều trị co thắt tâm vị
Nhìn chung để điều trị co thắt tâm vị, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phù hợp cho bệnh nhân và tất cả phương pháp đều có chung mục đích là làm giảm triệu chứng của bệnh, nới lỏng áp lực cơ vòng dưới của thực quản, giúp thức ăn được thoát lưu dễ dàng hơn xuống dạ dày.
Các biện pháp điển hình trong điều trị bao gồm:
Nong thực quản:
Phương pháp này được vận hành với cơ chế làm đứt các sợi cơ vòng dưới thực quản nhằm làm giảm bớt áp lực cho bộ phận này. Nhờ đó thực quản sẽ được thông thoáng hơn, hết tắc nghẽn, cải thiện sự thoát lưu thức ăn;
Chích Botulinum:
Biện pháp này thường được áp dụng cho những người bệnh không muốn phẫu thuật hoặc rủi ro do phẫu thuật đem lại lớn hơn lợi ích. Đáng lưu ý là biện pháp này có tỷ lệ tái phát trong vòng 6 tháng rất cao (khoảng 50%). Trong trường hợp thất bại sau 2 lần chích, người bệnh sẽ điều trị thay thế bằng Isordil hoặc Nifedipin;
Cắt thực quản:
Những bệnh nhân có thực quản bị giãn to, xoắn vặn, không đáp ứng với cả 2 phương pháp nong và phẫu thuật thì sẽ cần tiến hành cắt thực quản;
Phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản:
Phẫu thuật cũng tương tự như biện pháp nong, chủ yếu là để cắt đứt cơ vòng dưới thực quản giúp giảm tải áp lực cho cơ vòng dưới.
Ngày nay phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp nội soi qua ngả miệng hoặc nội soi ngả bụng. Hầu như phần lớn các bệnh nhân khi thực hiện thủ thuật này đều có biểu hiện bị trào ngược và để ngăn chặn hiện tượng này một số biện pháp cần được áp dụng bao gồm Toupet, Dor, Nissan,…
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật thường lên đến hơn 90%
Dùng thuốc:
Có những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý nền nghiêm trọng đi kèm, không thể áp dụng phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác thì có thể điều trị giảm triệu chứng bằng thuốc ức chế canxi.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây về bệnh co thắt tâm vị, quý bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này, từ đó nắm bắt được các dấu hiệu cảnh báo co thắt tâm vị đang ghé thăm.
Để được tư vấn sử dụng dịch vụ xét nghiệm, thăm khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý khách hàng hãy đặt lịch qua Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.
Khi sử dụng dịch vụ tại MEDLATEC, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng trang thiết bị y tế hiện đại với các máy móc chẩn đoán hình ảnh như máy siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, MRI,… và y bác sĩ chuyên môn cao sẽ giúp khách hàng có thể được chẩn đoán bệnh một cách chính xác hơn, nhờ đó đem lại hiệu quả cho việc điều trị bệnh.