Mã số thuế (MST) là một trong những khái niệm mà ai làm kế toán cho doanh nghiệp cũng cần phải biết.
MST giúp doanh nghiệp và người nộp thuế có thể thực hiện đóng thuế cho nhà nước và thực hiện các tra cứu thông tin khi cần.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những vấn đề sau đây:
I. Mã số thuế (MST) là gì?
1. Khái niệm mã số thuế là gì?
Để các bạn dễ hiểu, mình sẽ đưa ra khái niệm đơn giản dựa trên Khoản 1, Điều 4 tại Thông tư 95/2016/TT-BTC.
Mã số thuế (Tax Code) là một mã số do Cơ quan quản lý thuế cấp cho người, cá nhân, tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế.
Mã số thuế có thể là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự.
Dựa vào mã số thuế có thể nhận biết và xác định từng người nộp thuế (bao gồm cả người nộp thuế có hoạt động xuất, nhập khẩu) và được quản lý trên toàn quốc.
2. Mã số thuế gồm bao nhiêu số?
Cấu trúc của MST được quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư 95/2016 của Bộ tài chính,
Mã số thuế có cấu trúc 13 chữ số bao gồm:
N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10 – N11N12N13
Trong đó:
- N1N2 là số phân khoảng tỉnh cấp mã số thuế quy định theo danh mục mã phân khoảng tỉnh.
+ Số phân khoảng tỉnh dành cho cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp.
+ Số không phân khoảng tỉnh dành cho các cá nhân khác.
- N3N4N5N6N7N8N9 là các số theo cấu trúc xác định, tăng dần từ 0000001 tới 9999999.
- N10 là chữ số kiểm tra
- N11N12N13 được đánh dựa vào đơn vị trực thuộc, chi nhánh của người nộp thuế độc lập và đơn vị chính (từ 001 đến 999).
- Dấu gạch ngang (-) chỉ đơn giản là ký tự dùng để ngăn cách 10 số đầu và 3 số cuối.
II. Các loại MST
Dựa theo đối tượng nộp thuế, chúng ta sẽ có các loại mã số thuế khác nhau, và nó bao gồm:
1. Mã số thuế doanh nghiệp
Mã số thuế doanh nghiệp hay mã số thuế công ty là mã số thuế được Cơ quan thuế cấp cho các tổ chức là công ty, doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
Để hiểu hơn về mã số thuế doanh nghiệp cũng như cách tra cứu loại mã số thuế này, bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết Mã số thuế doanh nghiệp của EasyInvoice.
2. Mã số thuế cá nhân
Vâng, đây rõ ràng là loại mã số thuế được nhiều người biết đến nhất.
Là mã số thuế được Cơ quan thuế cấp cho các cá nhân khi họ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước.
Và EasyInvoice cũng có một bài viết cụ thể về loại mã số thuế này. Bạn có thể xem chi tiết tại bài viết: Mã số thuế cá nhân
3. Mã số thuế người phụ thuộc
Người phụ thuộc chính là người mà các cá nhân (người nộp thuế) có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, có cùng huyết thống hoặc hôn nhân, bao gồm:
– Con cái (có thể là con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng của chồng hoặc vợ).
– Cha mẹ (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế…).
– Vợ/chồng.
– Cá cá nhân có quan hệ huyết thống không nơi nương tựa khác mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng:
+ Anh, chị, em ruột.
+ Ông bà (nội, ngoại).
+ Cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
+ Cháu ruột (con của anh, chị, em ruột).
Và mã số thuế của người phụ thuộc chính là mã số thuế được Cơ quan thuế cấp cho các cá nhân kể trên dùng để quản lý thuế.
MST người phụ thuộc chỉ gồm dãy số có 10 chữ số.
III. Nguyên tắc cấp mã số thuế
Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp một MST duy nhất và sử dụng cho suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký đến khi không còn tồn tại.
Để được cấp mã số thuế, người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế theo Chương II Luật quản lý thuế 2019.
Ngoài điều trên ra thì MST cấp cho người nộp thuế cần tuân theo những nguyên tắc sau:
– Mã số thuế đã cấp không được phép cấp lại cho người nộp thuế khác.
– Các tổ chức sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng, cho, thừa kế vẫn giữ nguyên mã số thuế.
– Mã số thuế 10 chữ số được cấp cho các đơn vị độc lập (bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân và tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình trước pháp luật) và đại diện hộ kinh doanh, cá nhân khác (quy định tại Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư 95/2016/TT-BTC, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 5 cùng Thông tư trên).
– Mã số thuế 13 chữ số được cấp cho:
+ Các chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và có phát sinh nghĩa vụ thuế.
+ Nhà thầu, chủ đầu thư tham gia hợp đồng, hiệp định dầu khí. Trong đó, Công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện chủ nhà nhận phần lãi được chia từ hợp đồng, hiệp định dầu khí.
+ Các địa điểm kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp các địa điểm này khác xã nhưng cùng huyện.
IV. Lưu ý khi sử dụng mã số thuế
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng MST, đó là:
– Nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác.
– Cần ghi MST vào hóa đơn, chứng từ, các tài liệu khi thực hiện giao dịch kinh doanh, các giao dịch về thuế (kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế…), mở tài khoản gửi tiền ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng…
– Chuyển qua địa điểm khác vì hết hạn văn phòng cũng phải thông báo cho Cơ quan thuế để có thể quản lý và nắm bắt tình hình hoạt động và không khóa mã số thuế.
– Các trường hợp bị khóa mã số thuế: Bỏ địa điểm kinh doanh, nợ thuế quá nhiều hoặc quá lâu không nộp, không nộp tờ khai thuế quá lâu.
– Với các trường hợp bị khóa mã số thuế sẽ không thể đăng nhập để nộp tờ khai thuế qua mạng.
Trên đây là các chia sẻ của EasyInvoice về MST – loại mã số đã quá quen thuộc đặc biệt với dân kế toán và người nộp thuế.
Nếu bạn còn điều gì thắc mắc hay muốn góp ý gì đó vui lòng để lại bình luận hoặc gửi tin nhắn tới fanpage của chúng tôi.
Phần mềm hóa đơn điện tử EasyInvoice – Công ty Softdreams
Địa chỉ: Số 8 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0981 772 388
Website: https://easyinvoice.vn
Facebook: https://www.facebook.com/easyinvoice.vn
Tags: khái niệmmã số thuếthuế