Tên gọi Tây Đô: Xuất phát từ đâu, có tự bao giờ ? – Báo Hậu Giang

Tên gọi Tây Đô: Xuất phát từ đâu, có tự bao giờ ? – Báo Hậu Giang

Tây đô ở đâu

(Nhân đọc Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh)

Tôi sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, luôn tìm hiểu vùng đất, con người, văn hóa của quê hương mình; trước hết là phải biết được ngọn nguồn, ý nghĩa tên gọi Cần Thơ, Tây Đô. Đến nay, dù đã có mấy cách giải thích về địa danh Cần Thơ – có cả thuyết được cho có cơ sở ngữ học là Cần Thơ xuất phát từ tiếng Khmer “kìn tho” – nhưng cũng không nên “thỏa mãn” mà phải tiếp tục nghiên cứu, truy tìm. Nếu nói Cần Thơ có từ “kìn tho” thì Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước là “kìn” gì? Khó lắm, tôi không dám lạm bàn. Bây giờ, nhân đọc cuốn Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, xin trình bày một số tư liệu, ý kiến góp phần làm rõ thêm tên gọi Tây Đô.

Phạm Quỳnh (1892-1945).

Một tháng ở Nam kỳ

Ở Nam kỳ, trong quá trình hình thành bộ máy hành chánh thống trị, năm 1899, Pháp lập tỉnh Cần Thơ. Từ đó, Pháp đẩy mạnh khai thác kinh tế, các mặt đời sống kinh tế – xã hội biến đổi nhanh chóng, giao lưu cư dân và hàng hóa giữa các vùng, khu vực ngày càng thông thương. Nằm ở vị trí trung tâm, nơi hội tụ các đầu mối kinh tế với nhiều đường sông và đường bộ thuận lợi, tiềm năng kinh tế và lao động dồi dào, Cần Thơ phát triển ngày càng nổi bật so với các tỉnh khác ở miền Tây Nam kỳ.

Ông Phạm Quỳnh (1892-1945) khi làm chủ bút Nam Phong tạp chí, đã có chuyến du lịch “đơn thương độc mã” một tháng vào Nam kỳ. Ngày 22-8-1918, ông khởi hành ở cảng Hải Phòng, sau bốn ngày “bềnh bồng trên mặt sóng”, chiếc tàu Porthos cặp bến cảng Sài Gòn. Mở đầu, ông dành nửa tháng ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn; thời gian còn lại đi Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long; rồi trở lại Sài Gòn chờ chuyến tàu về Bắc kỳ. Ông đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều giới, đặc biệt là giới trí thức và báo chí, quan sát tinh tường, ghi chép kỹ lưỡng những gì “mắt thấy tai nghe” cùng với cảm xúc, suy nghĩ, nhận định của mình. Ngày 8-10-1918, ông xuống tàu về Bắc, kết thúc cuộc du lịch Nam kỳ.

Về Hà Nội, Phạm Quỳnh đặt bút viết Một tháng ở Nam kỳ. Ngoài những điều ghi chép được từ chuyến đi, ông tra cứu, bổ sung thêm nhiều tư liệu liên quan đến Nam kỳ vào thời điểm đó. Du ký Một tháng ở Nam kỳ xuất hiện lần đầu tiên trên Nam Phong tạp chí năm 1918, đăng ba số (không liên tục): số 17, tháng 11-1918; số 19, tháng 1-1919 và số 20, tháng 2-1919. Năm 2018, Nxb Hội Nhà văn và DTBooks liên kết xuất bản Một tháng ở Nam Kỳ của Phạm Quỳnh do Thư Hương khảo chú. Nhớ hồi xưa có học Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí, giờ được đọc toàn bộ tác phẩm Một tháng ở Nam kỳ, thật là thích thú!

Trong lời giới thiệu tập sách, Thư Hương viết: “Phạm Quỳnh quan sát tỉ mỉ và không quên so sánh Bắc kỳ với “vùng đất mới”, qua đó khắc họa được chân dung xã hội, bức tranh toàn cảnh về đất nước ở một giai đoạn lịch sử (…). Bên cạnh những điều mô tả tường tận và xác đáng mắt thấy tai nghe về con người, văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, địa lý, hoạt động kinh tế… vùng đất Nam kỳ; những nhận xét về làng báo, nghề xuất bản (…) đúng 100 năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự” (trang 6-7). Nếu phê bình sách thì còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng ở đây tôi không làm việc đó.

Tây Đô có tự bao giờ

Trong Một tháng ở Nam kỳ, Phạm Quỳnh viết về tỉnh Cần Thơ hai lần, khoảng 4 trang, trong có chi tiết về tên gọi Tây Đô. Lần thứ nhất, khi giới thiệu khái quát về các tỉnh thành Nam kỳ, Phạm Quỳnh viết: “Cần Thơ là tỉnh thành lớn nhất về miền Tây, người ta thường gọi là thủ đô của miền Tây (la capitale de l’Ouest), cũng chưa đặt ra thành phố tự trị mà coi cái cơ phát đạt sau này còn to lớn lắm” (trang 89). Lần thứ hai, khi đã đặt chân lên đất Cần Thơ, ngoạn cảnh một vòng phố xá, Phạm Quỳnh nhận xét: “Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu của miền Tây (la capitale de l’Ouest). Đường phố thênh thang, cửa nhà xan xát (sic), các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn các tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn Sài Gòn” (trang 138).

Từ hai trích dẫn trên, ta thấy rằng Phạm Quỳnh chỉ dùng cụm từ “thủ đô của miền Tây” và “tỉnh đầu của miền Tây” để nói về tỉnh Cần Thơ; nhưng hai cụm từ kèm theo chú thích “la capitale de l’Ouest” này đều đồng nghĩa với từ “Tây Đô”: thủ đô / kinh đô / thủ phủ / đô thị lớn / thành phố lớn của miền Tây (Nam kỳ). Tất nhiên, đây là lối nói ẩn dụ chỉ vị trí, vai trò của “tỉnh thành lớn nhất” Cần Thơ, chứ trong các giai đoạn lịch sử, tỉnh Cần Thơ chưa bao giờ là “thủ đô miền Tây” với tư cách là một cấp hành chánh.

Nhưng còn điều quan trọng hơn là, qua dữ liệu này, Phạm Quỳnh cho ta biết được thời điểm ra đời của cách gọi Cần Thơ là Tây Đô. Tỉnh Cần Thơ thành lập năm 1899, Phạm Quỳnh viết Một tháng ở Nam Kỳ năm 1918-1919, thời gian tròn 20 năm. Vì vậy, có mấy cách diễn đạt về thời điểm của tên gọi Tây Đô như sau: đầu thế kỷ 20; những năm đầu thế kỷ 20; khoảng thập niên đầu thế kỷ 20, khoảng hai mươi năm đầu của thế kỷ 20. Như vậy, tên gọi Tây Đô đã xuất hiện và tồn tại cách đây cả 100 năm.

Một tháng ở Nam kỳ Nxb Hội Nhà văn, 2018.

Tây Đô xuất phát từ đâu

Thời chế độ Việt Nam Cộng hòa, lúc đầu họ vẫn gọi tỉnh Cần Thơ; đến ngày 22-10-1956 đổi thành tỉnh Phong Dinh. Từ điển Wikipedia (tiếng Trung, truy cập ngày 20-7-2022) viết tỉnh Phong Dinh là 丰 盈 省. Phong là thịnh vượng, Dinh (đọc đúng là Doanh) là sung túc; Phong Dinh là thịnh vượng, sung túc. Nhưng chữ Tây Đô chưa bao giờ làm tên gọi một đơn vị, tổ chức nào. Còn người dân thì vẫn thích gọi tỉnh mình là Tây Đô, như thường thấy khi mở đầu trang thư hay ghi vào cuốn sách mới mua: Tây Đô, ngày tháng năm.

Trong khi đó, phía Mặt trận Giải phóng miền Nam, tỉnh Cần Thơ có hai đơn vị cấp tỉnh mang tên Tây Đô: trường phổ thông Tây Đô (thành lập năm 1964, đóng tại Long Mỹ) và tiểu đoàn Tây Đô (thành lập ngày 24-6-1964 tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp). Trường phổ thông Tây Đô – Nguyễn Việt Hồng đã đào tạo nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, ý chí cách mạng cao cho tỉnh thời kháng chiến. Tiểu đoàn Tây Đô với lời thề “ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt” đã chiến đấu ngoan cường, lập nên nhiều chiến công vang dội, là lực lượng nòng cốt giải phóng tỉnh Cần Thơ. Từ năm 1975 đến nay, hàng loạt đơn vị, tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mang tên Tây Đô: khách sạn Tây Đô, thép Tây Đô, may Tây Đô, giầy da Tây Đô, nhà hát Tây Đô, đoàn cải lương Tây Đô, phim Người đẹp Tây Đô, trường đại học Tây Đô, nhà sách Tây Đô với bốn chữ Hán Tây Đô thư cục 西 都s 书局 thật trang trọng! Tỉnh Hậu Giang có trường PTTH Tây Đô (ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) chính là kế thừa và phát huy tên gọi trường Tây Đô thời kháng chiến. Còn nhiều nữa, không thể kể hết.

Nhưng tên gọi Tây Đô xuất phát từ đâu, ai là tác giả? Một thời gian dài, ngoài Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, hầu như không có tác giả và tư liệu nào đề cập đến vấn đề này. Rồi đến năm 1994, trong loạt bài Cần Thơ xưa đăng trên báo Cần Thơ, tác giả Sơn Nam có trích một đoạn dài trong Một tháng ở Nam kỳ viết về tỉnh Cần Thơ, trong đó có chi tiết liên quan đến tên gọi Tây Đô. Tôi có đọc loạt bài này nhưng không nhớ Sơn Nam có “lý giải” về ý kiến của Phạm Quỳnh hay không. Nhưng Địa chí Cần Thơ (xuất bản 2002) viết: “Nhà nghiên cứu Sơn Nam trích lại một đoạn trong bài báo của ông Phạm Quỳnh hồi ấy từng có nhã ý phong gọi tỉnh Cần Thơ là Thủ đô miền Tây “ (trang 34). Từ đó, nhiều người cho rằng Phạm Quỳnh là người “phong gọi” tỉnh Cần Thơ là Tây Đô / thủ đô miền Tây.

Thật ra, Phạm Quỳnh không hề có ý như vậy. Như tôi nói ở phần trên, trong Một tháng ở Nam kỳ, có hai đoạn viết về tỉnh Cần Thơ; nhưng Sơn Nam chỉ trích có một đoạn, làm cho người đọc hiểu không đầy đủ, chính xác ý tứ của Phạm Quỳnh. Cả hai đoạn này đều dài, nhưng mỗi đoạn chỉ có một câu liên quan trực tiếp đến vấn đề đang xét. Đoạn mà Sơn Nam trích có câu: “Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu của miền Tây (la capitale de l’Ouest)”. Từ “xứng tên” có nghĩa là “đúng với tên” / “xứng đáng với tên” / “xứng danh” (tỉnh đầu của miền Tây), chẳng có nghĩa gì là “phong gọi” cả. Trong đoạn mà Sơn Nam không trích, Phạm Quỳnh viết: “Cần Thơ là tỉnh thành lớn nhất về miền Tây, người ta thường gọi là thủ đô của miền Tây (la capitale de l’Ouest)”. Các từ “người ta”, “người ta thường gọi” cho thấy trước khi Phạm Quỳnh đến Nam kỳ thì đã có nhiều người khác thường xuyên gọi tỉnh Cần Thơ là “thủ đô của miền Tây (la capitale l’Ouest)” rồi. Như vậy, căn cứ vào chính câu chữ của Phạm Quỳnh, thì ông không phải là người đề xuất, “phong gọi” tỉnh Cần Thơ là “thủ đô của miền Tây” mà chỉ là người ghi nhận, khẳng định điều mà nhiều người đã gọi mà thôi.

Sơn Nam là nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà Nam bộ học có uy tín lớn của nước ta. Tôi có đủ, đọc hết các tác phẩm của ông. Nhưng với tác giả nào cũng vậy, khi đọc, nhất là khi tìm tư liệu để viết lách, tôi phải thẩm định, chắt lọc để chọn kiến thức đúng chứ không thể dễ dãi, cả tin vào sách được. Chẳng hạn, trong Hồi ký Sơn Nam (Nxb Trẻ, 2009), ông viết: “Thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người lãnh đạo khởi nghĩa ở Hòn Khoai bị xử tại Cần Thơ” (trang 104). Ông còn nói rằng “pháp trường dựng ở sân vận động tỉnh”, “hôm ấy như là ngày chủ nhật”, ông và “vài người bạn đến chứng kiến” (trang 101). Trong khi đó, cuốn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ (2001) viết: “Ngày 12-7-1941, Pháp đưa 10 chiến sĩ Hòn Khoai ra sân vận động Cà Mau để xử bắn. Các đồng chí tỏ thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước kẻ thù. Đồng chí Phan Ngọc Hiển giựt vải che mắt, nhìn về phía đồng bào hô to: Đả đảo đế quốc Pháp! Đông Dương độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Các đồng chí khác cùng hô theo” (trang 308-309). Trước sự “tréo ngoe” này, đương nhiên tôi phải tin vào cuốn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ vì sách này là công trình khoa học cấp Nhà nước, có Hội đồng chỉ đạo biên soạn, Hội đồng khoa học nghiệm thu hẳn hoi; còn Hồi ký Sơn Nam có khi “viết theo trí nhớ”, “nhớ sao viết vậy”, “nhớ gì viết nấy” thì khó mà bảo đảm chính xác hết được!

Kết luận

Tóm lại, tên gọi Tây Đô xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, tồn tại theo tiến trình phát triển của tỉnh Cần Thơ qua các thời kỳ. Ban đầu gọi là “thủ đô của miền Tây” / “tỉnh đầu của miền Tây”, tiếng Pháp là “la capitale de l’Ouest”; dần về sau, từ “Tây Đô” xuất hiện, súc tích hơn, thay thế cách gọi cũ, dùng phổ biến đến ngày nay. Tên gọi Tây Đô khởi thủy là do một bộ phận người thường gọi, sau đó, được mọi người thừa nhận và truyền gọi một cách rộng rãi; cho nên, nói nhân dân là “tác giả” của tên gọi Tây Đô cũng hoàn toàn đúng. Điều này phù hợp với quy luật ngàn đời: Cái gì / tên gọi / địa danh nào xuất phát từ nhân dân, nhân dân gọi, nhân dân thừa nhận, nhân dân lưu truyền thì cái đó / tên gọi / địa danh đó tồn tại lâu dài, giá trị bền vững. Phạm Quỳnh không phải là “tác giả” của tên gọi Tây Đô nhưng ông có công ghi nhận, khẳng định tên gọi này trên báo chí, làm cho nó có thêm cơ hội để quảng bá sâu rộng. Chính cách mạng, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ mới là người đầu tiên dùng tên gọi Tây Đô để đặt cho hai đơn vị cách mạng của tỉnh mà tiểu đoàn Tây Đô là một dấu ấn nổi bật làm rạng rỡ tên gọi Tây Đô, tạo tiền đề để tên gọi này “nở rộ” từ giải phóng (1975) đến nay, khiến cho cả nước và thế giới biết Tây Đô là biệt danh của tỉnh Cần Thơ.

Biệt danh Tây Đô của tỉnh Cần Thơ xưa và thành phố Cần Thơ nay đã có sức sống bền vững một thế kỷ, phát triển rực rỡ thời cách mạng, xứng đáng là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân Cần Thơ!

TRẦN THƯ TRUNG