NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TIÊU CHUẨN CƠ SỞ VÀ CÔNG BỐ

Tccs là gì

Theo Thông tư 21/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc “Hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn”, tiêu chuẩn cơ sở (sau đây viết tắt là TCCS) là tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức đó.

TCCS do người đứng đầu tổ chức xây dựng và công bố để áp dụng cho các hoạt động của cơ sở và sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và người tiêu dùng về bản công bố TCCS này.

Trình tự, thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở

Công bố tiêu chuẩn cơ sở là việc cơ sở sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường.

Tuỳ theo quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh của cơ sở, trình tự, thủ tục xây dựng và công bố TCCS có thể bao gồm những bước như sau:

Bước 1: Lập kế hoạch xây dựng TCCS ;

Bước 2: Biên soạn dự thảo TCCS;

Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo TCCS;

Bước 4: Tổ chức hội nghị chuyên đề về dự thảo TCCS;

Bước 5: Xử lý ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCCS;

Bước 6: Lập hồ sơ dự thảo TCCS;

Bước 7: Thẩm tra dự thảo TCCS;

Bước 8: Công bố TCCS;

Bước 9: In ấn TCCS.

Người đứng đầu cơ sở xem xét và quyết định bằng văn bản về việc công bố TCCS . Hồ sơ dự thảo TCCS được lưu trữ tại cơ sở.

Ký hiệu TCCS được thể hiện như sau:

– Số hiệu và năm ban hành TCCS được phân cách bằng dấu hai chấm (:) và được đặt sau ký hiệu TCCSv;

– Chữ viết tắt tên cơ sở công bố (ban hành) tiêu chuẩn cơ sở được đặt sau năm ban hành tiêu chuẩn cơ sở và được phân cách bằng dấu gạch chéo.

Ví dụ: TCCS 27:2021/XXX là ký hiệu của tiêu chuẩn cơ sở có số hiệu là 27, do công ty có tên giao dịch viết tắt là XXX xây dựng và công bố năm 2021.

Để thực hiện công bố chất lượng một sản phẩm theo TCCS, các doanh nghiệp cần lưu ý:

Một là, xác định sản phẩm có thuộc nhóm công bố theo TCCS hay không? Đây là bước quan trọng nhất. Việc xác định đúng nhóm sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hồ sơ công bố đúng theo quy định. Tuy nhiên đây cũng là bước khó nhất, vì thực tế có rất nhiều sản phẩm mới ra và hoàn toàn không dễ dàng xác định sản phẩm đó thuộc nhóm nào, khi mà cũng chưa có văn bản, quy định hay thông tư nào hướng dẫn hoặc phân nhóm cho sản phẩm mới. Để xác định đúng nhóm sản phẩm thường căn cứ vào: thành phần sản phẩm, công dụng, mục đích của sản phẩm, các văn bản luật hướng dẫn, kinh nghiệm của người xây dựng hồ sơ công bố…

Đối với các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm không nằm trong quy định quản lý của cơ quan nào, thông thường sẽ được công bố theo TCCS.

Hai là, xây dựng chỉ tiêu kiểm nghiệm. Việc xác định các chỉ tiêu kiểm nghiệm phụ thuộc vào việc tổ chức/doanh nghiệp chọn nhóm sản phẩm từ bước 1, sau đó dựa và các TCVN/QCVN cho các nhóm sản phẩm để lên chỉ tiêu kiểm nghiệm. Đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quy chuẩn Việt Nam thì phần lớn việc lựa chọn chỉ tiêu kiểm nghiệm phụ thuộc vào kinh nghiệm của người xây dựng hồ sơ công bố và mong muốn của người đứng đầu tổ chức (chủ doanh nghiệp).

Việc kiểm nghiệm thiếu chỉ tiêu cần thiết có thể gây ra các rắc rối sau này với các cơ quan quản lý. Ngược lại, nếu kiểm nghiệm thừa chỉ tiêu không cần thiết sẽ gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp.

Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum nếu có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (qua Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum (Phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Điện thoại: 02603.862.518.

Hồng Vân