Thặng dư thương mại
Khái niệm
Thặng dư thương mại trong tiếng Anh là Trade Surplus.
Thặng dư thương mại là thước đo kinh tế thể hiện cán cân thương mại dương, trong đó một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Cán cân thương mại = Tổng giá trị xuất khẩu – Tổng giá trị nhập khẩu
Thặng dư thương mại xảy ra khi kết quả của tính toán trên là dương. Thặng dư thương mại đại diện cho một dòng tiền từ thị trường nước ngoài chảy vào nội địa. Nó trái ngược với thâm hụt thương mại, đại diện cho một dòng tiền chảy ra, và có cán cân thương mại âm.
Tác động của thặng dư thương mại
Thặng dư thương mại có thể tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể dẫn đến giá cả và lãi suất cao hơn trong một nền kinh tế. Cán cân thương mại của một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ của nó trên thị trường toàn cầu, vì nó cho phép một quốc gia có quyền kiểm soát phần lớn tiền tệ của mình thông qua ngoại thương.
Trong nhiều trường hợp, thặng dư thương mại giúp củng cố tiền tệ của quốc gia so với các loại tiền tệ khác, gây ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tỉ lệ hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia so với các quốc gia khác, cũng như các yếu tố thị trường khác.
Khi chỉ tập trung vào các tác động thương mại, thặng dư thương mại có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa của một đất nước tăng lên tại thị trường toàn cầu. Điều này đẩy giá của những hàng hóa đó lên cao hơn và dẫn đến việc đồng nội tệ được củng cố.
Thâm hụt thương mại
Đối lập với thặng dư thương mại là thâm hụt thương mại. Thâm hụt thương mại xảy ra khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Thâm hụt thương mại thường có tác động ngược lại đến tỉ giá hối đoái. Khi nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, nhu cầu về tiền tệ của một quốc gia cho thương mại quốc tế sẽ thấp hơn. Nhu cầu tiền tệ thấp hơn làm cho nó ít có giá trị hơn trên thị trường quốc tế.
Mặc dù cán cân thương mại ảnh hưởng lớn đến biến động tiền tệ trong hầu hết các trường hợp, nhưng vẫn có một số yếu tố mà quốc gia có thể quản lí để khiến cho cán cân thương mại ít bị ảnh hưởng hơn. Các quốc gia có thể quản lí danh mục đầu tư vào tài khoản nước ngoài để kiểm soát sự biến động của tiền tệ.
Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể thỏa thuận về tỉ giá cố định, giữ cho tỉ giá hối đoái của tiền tệ không đổi ở một tỉ giá cố định. Nếu một loại tiền tệ không được ghim cố định với một loại tiền tệ khác, tỉ giá hối đoái của nó được coi là thả nổi. Tỉ giá hối đoái thả nổi rất biến động và chịu sự thay đổi khi giao dịch hàng ngày trong thị trường tiền tệ, một trong những đấu trường giao dịch lớn nhất của thị trường tài chính toàn cầu.
(Theo Investopedia)