Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long-Hà Nội), từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Thành Nhà Hồ và lịch sử hình thành
Thành Nhà Hồ – tên thường gọi của tòa thành bằng đá độc đáo còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành còn có các tên gọi khác như: An Tôn, Tây Đô, thành Phủ Thanh Hoá, Tây Kinh, Thạch Thành, Tây Giai.
Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.
Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.
Cũng theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như Điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.
Tuy nhiên, qua hơn sáu thế kỷ tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành biểu tượng của Thành Nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.
Ngày nay, bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua… Đó là những lớp trầm tích văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến mà vương triều Hồ là một mắt xích không thể thiếu.
Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.
Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá “độc nhất vô nhị” này.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Thực hiện cam kết với UNESCO trong bảo tồn di sản, trong 10 năm kể từ khi di sản được vinh danh (2011-2021), tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho công tác khai quật khảo cổ và bảo tồn, chống xuống cấp di sản.
Trong các năm 2015, 2016, 2018, 2019, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật 12.000m2 di tích Hào thành phía Nam, phía Bắc, phía Đông, phía Tây; tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện nghiên cứu khai quật khu vực Chính điện Thành Nội và các khu vực xung quanh, nhằm dò tìm dấu tích kiến trúc Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu…
Cùng với công tác khai quật khảo cổ, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích: Đàn tế Nam Giao; chống thấm vòm cửa Nam; tu sửa cấp thiết tường thành đá phía Đông Bắc.
Bảo vệ, phát huy giá trị của Khu Di sản Thành Nhà Hồ
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040.
Kế hoạch này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng dựa vào các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học và các ngành có liên quan khác với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế từ UNESCO, Hội đồng Di sản Anh.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của Khu Di sản Thành Nhà Hồ; đồng thời bảo vệ, bảo tồn và tăng cường giá trị nổi bật toàn cầu (OUV) của di sản. Từ đó, địa phương đưa ra phương pháp tiếp cận bền vững cho việc quản lý khu di tích trong tương lai, nhằm đạt được sự cân bằng giữa bảo tồn bản thân khu di sản với môi trường và cảnh quan văn hóa xung quanh, đặt nền móng cho sự phát triển du lịch một cách bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có những hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục của khu di sản cho nhân dân địa phương và khách tham quan.
Trong các giai đoạn 2021-2025, 2025-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành những công việc cụ thể như xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đền thờ Trần Khát Chân bổ sung vào vùng đề cử; điều tra nghiên cứu, khai quật La Thành, xây dựng hồ sơ bổ sung toàn bộ di tích La Thành để công nhận di tích quốc gia; hoàn thành dự án cắm mốc; tiếp tục thực hiện các nhóm dự án thành phần số 1, số 2 làm cơ sở cho triển khai nhóm dự án số 3 trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận do Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2015. Đồng thời, tỉnh triển khai các nhóm dự án khai quật còn lại gồm khai quật tiếp đường Hòe Nhai 12.500m2; khai quật xung quanh 4 cửa thành 5.000m2…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040 nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của khu di sản.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả kinh tế-xã hội, tầm nhìn đến năm 2040, Thanh Hóa sẽ triển khai các dự án: Khôi phục các đoạn hào thành trên cơ sở các kết quả khai quật; khai quật đường Hoàng Gia; bổ sung các tuyến đường ngang theo hướng Đông-Tây, trồng thêm cây xanh thân gỗ; xây dựng khu vực đón tiếp khách thăm, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội, trưng bày và quản lý di sản ở ngã ba Kim Tân; tổ chức không gian lưu trú, dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống trên tuyến đến Núi Đốn Sơn…
Để thực hiện lượng công việc như trên, tỉnh sẽ ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết quản lý, nghiên cứu, bảo tồn với Trung tâm Di sản Thế giới (WHC), tiến độ đầu tư các dự án trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận.
Để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thanh Hóa sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung cơ chế, chính sách và cập nhật các văn bản pháp luật mới trong Kế hoạch quản lý giai đoạn 2021-2025; đồng thời đưa ra các mức độ bảo vệ, bảo tồn và phát huy khác nhau giữa các vùng, đẩy mạnh triển khai các nội dung cam kết, các dự án trong các quyết định đã dự kiến giai đoạn thực hiện.
Tỉnh sẽ mở rộng không gian du lịch ra vùng đệm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tham quan và du lịch đặc thù, hướng tới phân khúc thị trường khách theo các nhóm gắn với nhu cầu tìm hiểu về di sản.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã có, di sản Thành Nhà Hồ và vùng đệm được chia làm 5 vùng bảo vệ. Trong đó, vùng 1 – vùng bảo vệ đặc biệt là vùng lõi của di sản, bao gồm 142,2ha Thành Nhà Hồ (Thành Nội), La Thành (9ha) và khu vực Đàn tế Nam Giao (4,3ha); vùng 2 là các làng cổ cùng các di tích trên mặt đất bao gồm các làng Xuân Giai, Đông Môn, Tây Giai, phân bố gần các cổng phía Nam, phía Đông và phía Tây Thành Nội, có diện tích tổng thể là 52.33ha…
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, quảng bá giá trị của di sản, Thanh Hóa sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các đơn vị, các cấp chính quyền và người dân cũng như xác định trách nhiệm phù hợp với thẩm quyền, chức năng của mỗi đơn vị, cấp chính quyền trong từng lĩnh vực.
Đồng thời, tỉnh tăng cường vai trò phối hợp giám sát, kiểm tra của các bộ, ngành có liên quan, đề cao sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040./.