1. Mô tả:
- Dây leo cao 6-10 m, nhựa mủ màu trắng.
- Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6-7 cm, rộng 2,5-5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4-6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5-8 mm.
- Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12-15 mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng.
- Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3 cm. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây Dây thìa canh hay cây muôi.
- Mùa hoa quả: tháng 7-8.
2. Nơi sống và thu hái:
Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Dược điển Ấn Độ có ghi lại Dây thìa canh (Tiếng Ấn Độ gọi là cây Gumar) được sử dụng tại Ấn Độ từ 2000 năm trước để trị bệnh tiểu đường. Loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.
Tại Việt Nam, loại cây này mới được tìm thấy vào năm 2006. Người đầu tiên phát hiện ra loài cây này là Ts. Trần Văn Ơn – trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội. Loại cây này ban đầu được tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình tới Thanh Hoá.
-
Hiện nay loài cây này được quy hoạch trồng thành vùng tại Nam Định và Thái Nguyên. Thu hái các bộ phận của toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
3. Thành phần hóa học:
- Thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid.
- Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như flavone, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,…
- Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alcaloid.
4. Tác dụng dược lý:
Acid Gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
- Acid Gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường Glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường Glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu.
- Acid Gymnemic còn ức chế gan tái tạo Glucose vào máu, đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.
Ngoài ra trong Dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin. Khi ăn và nhai lá Dây thìa canh tươi thì Peptide này lấp đầy thụ thể lưỡi làm lưỡi không hấp thu được đường Glucose. Gumarin tác động vào vùng dưới đồi làm mất cảm giác đối với vị ngọt và vị đắng, vì vậy gây mất cảm giác ngọt. Tuy nhiên tác dụng này mất đi khi Dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.
5. Công dụng
Dây thìa canh có tác dụng làm giảm đường huyết, giảm nồng độ LDL-cholesterol, triglicerid trong máu, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, giảm huyết áp ở bệnh nhân có cao huyết áp.
Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hoá, còn dùng tán thành bột để chống độc, ở Ấn Độ, người ta dùng đắp lên vết cắn và dùng sắc uống trong để trị rắn độc cắn.
-
Ở Trung Quốc, người ta dùng cả cây bỏ rễ và quả làm thuốc trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn; còn dùng diệt chấy rận.
Liều dùng, cách dùng:
-
Mỗi ngày nên dùng 50 g Dây thìa canh khô đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút và uống 3 lần/ngày sau bữa ăn 15-20 phút.
-
Dây thìa canh thích hợp dùng cho cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và 2.
6. Nghiên cứu về Dây thìa canh
Tác dụng điều hòa đường huyết và làm giảm đường huyết
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh, tái tạo tế bào β-tụy đảo Langerhans, nhờ đó tăng sản sinh insulin, làm tăng hoạt lực insulin, giúp cơ thể thiết lập cân bằng đường huyết tự nhiên.
Cụ thể:
– Nghiên cứu trên 22 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Cục Hóa Sinh, Viện Y tế Khoa học cơ bản Madras, Ấn Độ cho sử dụng 400mg hoạt chất Dây thìa canh/ngày, kết hợp thuốc tiểu đường nhóm sulfonylurea trong 8 – 20 tháng. Kết quả: Bệnh nhân có sử dụng hoạt chất từ dây thìa canh, đường huyết lúc đói giảm trung bình 3mmol/l, các tế bào beta được phục hồi và 100% bệnh nhân có thể giảm thuốc uống trị tiểu đường, 24% có thể ngừng sulfonylurea, chất béo trong máu cũng giảm đáng kể.
– Theo báo cáo của Viện dược liệu (2013), dịch chiết nước lá cây Dây thìa canh với mức liều 20 mg/ngày trong 20-60 ngày làm cân bằng mức đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường do làm phục hồi tế bào tụy đảo, làm tăng gấp đôi số lượng tế bào β-Langerhans.
Tăng sản xuất Insulin
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh, tái tạo tế bào β-tụy đảo Langerhans, nhờ đó tăng sản sinh insulin, làm tăng hoạt lực insulin, giúp cơ thể thiết lập cân bằng đường huyết tự nhiên.
– Trong nghiên cứu “A Novel Gymnema sylvestre Extract Stimulates Insulin Secretion from Human Islets In Vivo and In Vitro” của A. Al-Romaiyan đã thấy rằng sử dụng chiết xuất Dây thìa canh đường uống trong 60 ngày có tác dụng gia tăng đáng kể insulin và C-peptide lưu hành, điều này có liên quan đến việc giảm đáng kể đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn.
– Nghiên cứu “Đánh giá tác động chiết xuất cồn của Dây thìa canh đối với sự tiết insulin từ các đảo Langerhans và một số dòng tế bào beta tuyến tụy trên chuột” của tác giả Persaud SJ et al vào năm 1999 đã khẳng định rằng: Dây thìa canh kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta HIT-T15, MIN6 và RINm5F và từ các đảo. Những kết quả của nghiên cứu xác nhận tác dụng kích thích của Dây thìa canh đối với sự giải phóng insulin.
Ức chế hấp thu glucose ở ruột
Phân tử gymnemic acid trong Dây thìa canh có cấu trúc tương tự như phân tử glucose, do đó ngăn chặn sự kích hoạt các thụ thể bằng các phân tử đường có trong thực phẩm.
– Nghiên cứu “Gymnema sylvestre: A Memoir” của tác giả Parijat Kanetkar vào năm 2007 cho thấy: Phân tử gymnemic acid (hoạt chất được phân lập từ Dây thìa canh) có cấu trúc tương tự như phân tử glucose. Những phân tử này cạnh tranh vị trí gắn với các receptor của glucose do đó ngăn chặn sự kích hoạt các thụ thể bằng các phân tử đường có trong thực phẩm. Tương tự, các phân tử Gymnemic acid gắn vào các vị trí thụ thể tại các lớp màng ngoài hấp thụ của ruột do đó ngăn chặn sự hấp thụ các phân tử đường qua đường ruột, dẫn đến lượng đường trong máu giảm.
Tác dụng giảm mỡ máu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Dây thìa canh có tác dụng làm tăng đào thải cholesterol toàn phần, do đó giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch. Dây thìa canh còn được ghi nhận là có tác dụng tăng HDL. Các hoạt chất trong dây thìa canh có tác dụng chống oxy hóa, tương đương với vitamin E nên cũng góp phần làm giảm tác hại của các gốc tự do.
Cụ thể:
– Nghiên cứu “The saponin-rich fraction of a Gymnema sylvestre R. Br. aqueous leaf extract reduces cafeteria and high-fat diet-induced obesity” của Reddy RM et al vào năm 2012 cho kết quả: Chiết xuất lá Dây thìa canh giàu saponin liều uống 100 mg/kg trọng lượng cơ thể, được sử dụng 1 lần/ngày trong nhóm điều trị có tác dụng giảm đáng kể lượng thực phẩm tiêu thụ, trọng lượng cơ thể, trọng lượng cơ quan nội tạng và cải thiện mức độ lipid (giảm triglyceride, cholesterol toàn phần, lipoprotein tỷ trọng thấp, lipoprotein tỷ trọng rất thấp, chỉ số xơ vữa và tăng mức độ lipoprotein tỷ trọng cao).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp