(Ngày ngày viết chữ) “Thiên thanh” là màu xanh da trời, còn “thanh thiên” là bầu trời xanh. Vậy mình có thể dùng từ “thanh thiên” để chỉ màu xanh da trời không?
Đây là câu hỏi do một bạn đọc hỏi Ngày ngày viết chữ. Trước khi trả lời có thể hay không, chúng ta cùng xem nguyên tắc cấu tạo từ ghép chính phụ Hán Việt trước.
Về trật tự từ ghép chính phụ Hán Việt
Đối với từ ghép chính phụ Hán Việt, trật tự tiêu chuẩn là phụ trước chính sau. Tức là, trong một từ ghép chính phụ Hán Việt, thành tố phụ sẽ đứng trước thành tố chính. Ví dụ:
– Giáo viên: giáo là phụ, viên là chính. Giáo viên là người dạy học. Từ này nói về người làm nghề dạy học – trọng tâm là người (viên) chứ không phải nghề (giáo). Người (viên) là thành tố chính, dạy học (giáo) là thành tố phụ – có tác dụng giải thích, xác định cho thành tố chính. Giáo thêm vào trước viên để phân biệt với diễn viên, điệp viên, quan viên, nghị viên,…
Cũng như vậy, chúng ta xem hai từ thiên thanh và thanh thiên.
– Thiên thanh: Thiên là phụ, thanh là chính. Từ này nói về màu xanh (thanh), cái màu xanh ấy trông như màu da trời (thiên). Cho nên thiên thanh nghĩa là xanh da trời.- Thanh thiên: Thanh là phụ, thiên là chính. Từ này nói về bầu trời (thiên), cái bầu trời ấy có màu xanh (thanh). Cho nên thanh thiên là bầu trời xanh.
Như vậy, về nguyên tắc cấu tạo ngữ pháp, ta không thể (không nên) dùng thanh thiên để chỉ màu xanh da trời. Đảm bảo đúng nguyên tắc ngữ pháp sẽ giúp chúng ta sử dụng từ ngữ chuẩn mực hơn.
Về sự nhập nhằng khi sử dụng từ ghép chính phụ Hán Việt
Một trường hợp hiện nay thường bị nhầm lẫn là quốc đảo – đảo quốc.
Đảo quốc là nước có lãnh thổ nằm trên một hoặc nhiều hòn đảo. Trong từ này, đảo là thành tố phụ, quốc là thành tố chính. Chúng ta đang nói về một kiểu quốc gia, nên quốc mới là thành tố chính, cho nên đúng trật tự phụ trước chính sau thì đảo quốc mới là cách dùng đúng.
Ngược lại với trật tự phụ trước chính sau của từ Hán Việt, trật tự của từ ghép chính phụ (tạm gọi là) thuần Việt là chính trước phụ sau. Ví dụ: độc giả (HV – phụ trước chính sau) ~ người đọc (Việt – chính trước phụ sau); khí xa (HV – phụ trước chính sau) ~ xe hơi (Việt – chính trước phụ sau); thanh phong (HV – phụ trước chính sau) ~ gió mát (Việt – chính trước phụ sau),…
Cũng phải nói thêm rằng, trong khi sử dụng từ vựng Hán Việt, đôi khi do nhầm lẫn, hoặc là do quá trình Việt hoá, không phải lúc nào nguyên tắc phụ trước chính sau cũng được đảm bảo. Vẫn có những trường hợp khá là nhập nhằng.
Chẳng hạn trường hợp nhân tình – tình nhân. Nếu đúng nguyên tắc, thì:- Nhân tình (phụ trước chính sau) = tình người (chính trước phụ sau);- Tình nhân (phụ trước chính sau) = người tình (chính trước phụ sau).
Thế nhưng, chúng ta vẫn bắt gặp trường hợp dùng nhân tình để chỉ người tình, như trong thơ Nguyễn Bính:Cô nhân tình bé của tôi ơi!Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười.
Không chỉ trong thơ Nguyễn Bính, trong ca dao, tục ngữ cũng bắt gặp cách dùng có thể nói là nhầm lẫn này, chẳng hạn:- Hồi hôm qua em có gia đình,Trượt hai ba cái, mà không thấy nhân tình đỡ tui.- Chăn đơn gối chiếc lạnh lùngNửa thì tôi đắp, nửa cho nhân tình.- Thay nhân tình như thay áo.
Như vậy, có vẻ ở một mức độ nào đó, nhân tình – tình nhân đã có sự nhập nhằng khi sử dụng. Thiết nghĩ nếu được, chúng ta nên tự mình điều chỉnh cho hợp lý hơn. Trong trường hợp chúng ta vẫn chấp nhận sự nhập nhằng của nhân tình – tình nhân, thì ở những trường hợp khác, chúng ta cũng nên ưu tiên dùng đúng nguyên tắc, cho từ ngữ câu cú của mình rõ nghĩa hơn, thống nhất hơn.
Bên lề, nếu bạn quan tâm đến những biểu hiện phức tạp của từ Hán Việt trong tiếng Việt và muốn hiểu ngọn ngành, có hệ thống, bạn có thể đăng ký lớp Từ Hán Việt trong tiếng Việt của Ngày ngày viết chữ. Lớp học này sẽ giúp bạn hiểu đúng đắn hơn, tỉ mỉ hơn và có hệ thống hơn về lớp từ thú vị này trong tiếng Việt. Bạn có thể tìm hiểu và đăng ký tham gia lớp tại đây.