Cho thấy rõ giá trị thiết thực

Thiết thực là gì

DÙ NÓI với một người hay trước cử tọa đông đảo, không nên cho rằng chỉ vì bạn chú ý đến đề tài nên tất nhiên người nghe sẽ chú ý. Thông điệp của bạn quan trọng, nhưng nếu không cho thấy rõ giá trị thiết thực của nó, thì có lẽ bạn sẽ không duy trì sự chú ý của người nghe được lâu.

Ngay cả cử tọa trong Phòng Nước Trời cũng vậy. Họ có thể lắng nghe khi bạn dùng một minh họa hay kinh nghiệm mà trước nay họ chưa từng nghe qua. Nhưng có thể họ không lắng nghe nữa khi bạn nói về những điều họ đã biết rồi, nhất là khi bạn không khai triển những điều ấy. Vì vậy, bạn cần giúp họ thấy tại sao và như thế nào những điều bạn nói thực sự giúp ích cho họ.

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta suy nghĩ một cách thực tế, khôn ngoan. (Châm 3:21) Đức Giê-hô-va dùng Giăng Báp-tít để hướng người ta đến “sự khôn-ngoan [“thiết thực”, NW] của người công-bình”. (Lu 1:17) Đây là sự khôn ngoan bắt nguồn từ sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va. (Thi 111:10) Những ai nhận thức được giá trị của sự khôn ngoan này, sẽ được giúp để đối phó thành công với các vấn đề trong đời sống hiện tại và nắm lấy sự sống thật, tức sự sống đời đời trong tương lai.—1 Ti 4:8; 6:19.

Làm cho bài giảng có giá trị thiết thực. Nếu muốn bài giảng có giá trị thiết thực, bạn phải suy xét kỹ lưỡng không những về tài liệu mà còn về cử tọa nữa. Đừng xem họ chỉ là một nhóm người. Thành phần nhóm người đó gồm các cá nhân và gia đình. Có thể có trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, và một số người cao tuổi. Có thể có những người mới chú ý cũng như những người đã bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va trước khi bạn ra đời. Một số có thể thành thục về thiêng liêng; những người khác có thể vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của một số thái độ và thực hành nào đó của thế gian. Hãy tự hỏi: ‘Tài liệu mà tôi sẽ thảo luận có thể giúp ích những người trong cử tọa như thế nào? Làm thế nào tôi có thể giúp họ hiểu được vấn đề?’ Bạn có thể quyết định chỉ chú ý chủ yếu đến một hoặc hai thành phần trong nhóm người nói trên. Tuy nhiên, đừng quên hẳn những thành phần khác.

Nếu được chỉ định thảo luận về một dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh thì sao? Làm thế nào bạn có thể làm cho một bài giảng như thế giúp ích cho một cử tọa đã tin sự dạy dỗ đó rồi? Hãy cố gắng củng cố niềm tin của họ nơi sự dạy dỗ đó. Như thế nào? Bằng cách lý luận về những bằng chứng trong Kinh Thánh chứng minh sự dạy dỗ ấy. Bạn cũng có thể giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về sự dạy dỗ đó của Kinh Thánh. Có thể thực hiện điều này bằng cách chỉ rõ sự dạy dỗ ấy hòa hợp như thế nào với những lẽ thật khác trong Kinh Thánh và với cá tính của Đức Giê-hô-va. Hãy dùng thí dụ—những kinh nghiệm có thật nếu có thể được—cho thấy làm thế nào việc hiểu sự dạy dỗ này đã giúp ích cho người ta và ảnh hưởng đến quan điểm của họ về tương lai.

Đừng chỉ nói đến sự áp dụng thiết thực bằng vài lời bình luận vắn tắt trong phần kết luận bài giảng. Ngay từ đầu, mỗi người trong cử tọa phải cảm thấy rằng “điều này liên quan đến tôi”. Khi đã đặt nền móng đó, hãy tiếp tục đưa ra sự áp dụng thiết thực khi khai triển mỗi điểm chính trong thân bài cũng như trong phần kết luận.

Khi đưa ra sự áp dụng, hãy chắc chắn rằng cách bạn áp dụng phù hợp với những nguyên tắc trong Kinh Thánh. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là đưa ra cách áp dụng một cách yêu thương và biểu lộ lòng thông cảm. (1 Phi 3:8; 1 Giăng 4:8) Ngay cả khi xử trí những vấn đề khó khăn ở Tê-sa-lô-ni-ca, sứ đồ Phao-lô đã chủ ý nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của sự tiến bộ về thiêng liêng của các anh chị em tín đồ Đấng Christ ở đó. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng trong vấn đề được thảo luận lúc đó, họ muốn làm điều đúng. (1 Tê 4:1-12) Thật là một mẫu mực tốt biết bao cho chúng ta noi theo!

Mục đích bài giảng của bạn phải chăng là khuyến khích tham gia vào công việc rao giảng và dạy dỗ tin mừng cho người khác? Hãy xây dựng lòng hăng hái và quý trọng đối với đặc ân này. Tuy nhiên, khi làm thế, hãy nhớ rằng mức độ mà mỗi người có thể tham gia vào công việc này khác nhau, và Kinh Thánh lưu ý đến điều này. (Mat 13:23) Đừng làm cho các anh em khác mang nặng mặc cảm tội lỗi. Hê-bơ-rơ 10:24 thúc giục chúng ta “khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. Nếu chúng ta khuyên giục lòng yêu thương thì các việc làm bởi động lực tốt sẽ theo sau. Thay vì cố áp đặt sự tuân thủ một tiêu chuẩn nào đó, hãy nhận ra rằng điều Đức Giê-hô-va muốn là chúng ta khuyến khích “sự vâng-phục của đức-tin”. (Rô 16:26) Ghi nhớ điều này, chúng ta cố gắng củng cố đức tin—của cả chúng ta lẫn của các anh em nữa.

Giúp người khác thấy giá trị thiết thực của thông điệp. Khi làm chứng cho người khác, đừng quên nêu rõ giá trị thiết thực của tin mừng. Điều này đòi hỏi phải suy xét xem những người trong khu vực đang quan tâm đến điều gì. Làm thế nào bạn biết được? Hãy nghe tin tức trên đài truyền thanh hay truyền hình. Đọc trang đầu của nhật báo. Thêm vào đó, cố gợi chuyện và lắng nghe khi họ nói. Bạn có thể nhận ra rằng người ta đang vật lộn với những vấn đề cấp bách—thất nghiệp, phải trả tiền thuê nhà, bệnh tật, mất người thân, tội ác đe dọa, chịu bất công nơi tay người có quyền thế, gia đình tan vỡ, khó dạy được con cái, v.v… Kinh Thánh có thể giúp họ không? Tất nhiên là có.

Khi bắt đầu cuộc nói chuyện, chắc hẳn là bạn nghĩ sẵn một đề tài. Tuy nhiên, trong trường hợp người đối thoại cho biết có một vấn đề cấp bách nào đó, nếu bạn có thể thảo luận được thì đừng ngần ngại, hoặc đề nghị rằng bạn sẽ trở lại với một số thông tin hữu ích. Dĩ nhiên, chúng ta tránh “xen vào chuyện người khác” nhưng vui mừng chia sẻ với họ lời khuyên thiết thực trong Kinh Thánh. (2 Tê 3:11, Bản Diễn Ý) Hiển nhiên, điều sẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất là những lời khuyên trong Kinh Thánh tác động đến chính đời sống của họ.

Nếu người nghe không thể thấy thông điệp của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến chính bản thân họ, họ có thể chấm dứt ngay cuộc đối thoại. Cho dù họ để chúng ta nói, nếu chúng ta không cho thấy giá trị thiết thực của đề tài, thông điệp của chúng ta có thể sẽ tác động rất ít đến đời sống họ. Ngược lại, nếu chúng ta cho thấy rõ giá trị thiết thực của thông điệp, cuộc thảo luận có thể đánh dấu bước ngoặt trong đời sống người nghe.

Khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh, hãy tiếp tục nêu rõ sự áp dụng thiết thực. (Châm 4:7) Giúp người học hiểu những lời khuyên, nguyên tắc và gương mẫu trong Kinh Thánh, là những điều cho họ biết cách đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va. Hãy nhấn mạnh đến những lợi ích có được khi họ làm theo. (Ê-sai 48:17, 18) Điều này sẽ thúc đẩy người học thực hiện những thay đổi cần thiết trong đời sống họ. Hãy xây dựng nơi họ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và ước muốn làm vui lòng Ngài, và để cho động lực thúc đẩy họ áp dụng lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời xuất phát từ trong lòng.