Trong ngành công nghiệp sơn phủ (coating) hầu như ai cũng biết đến và sử dụng thinner. Nếu khảo sát riêng từ khóa thinner chúng ta sẽ thấy có rất nhiều loại, nhiều nhãn hàng thinner khác nhau được cung cấp trên thị trường. Nếu bạn là một thợ sơn thì hầu như bạn sẽ không có một khái niệm gì về bản chất thinner, chủ yếu sẽ ra cửa hàng để hỏi mua dung môi pha sơn, xăng thơm, thinner hay đại loại vậy và cuối cùng là chọn theo giá thành. Nếu bạn là chủ cửa hàng sơn thì khả năng cao bạn cũng sẽ không nắm rõ được thinner thế nào để tư vấn khách hàng, bạn sẽ lựa chọn cách đọc Hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và đôi khi bạn cũng ko nhớ là bạn có thật sự chọn đúng loại không. Thông thường câu chuyện giữa người mua và người bán tại cửa hàng sẽ là “hàng thường” hay “hàng cao cấp”, “hàng thường” giá “A”, “hàng cao cấp” giá “B”. Nếu bạn là một chuyên gia về sơn thì câu chuyện sẽ khác, bạn sẽ biết được loại sơn nào nên dùng thinner nào. Tuy nhiên tại sao lại sử dụng thinner khác nhau thì rất ít người để ý đến, mặc dù nó quyết định trực tiếp lên chất lượng màng sơn. Ở đây, chúng ta sẽ thảo luận vài nét về thinner để bổ sung kiến thức, đồng thời có cách nhìn thận trọng trước khi quyết định chọn thinner pha sơn.
Theo truyền thống thinner được hiểu nôm na là chất làm mỏng (thin – mỏng) vì khi pha với sơn sẽ làm cho màng sơn mỏng hơn. Về thuật ngữ chuyên ngành thinner là chất dùng để giảm độ nhớt của hỗn hợp. Ngoài chức năng pha vào để làm mỏng màng sơn, thinner còn được dùng để vệ sinh, tẩy rửa những khu vực bị bám bẩn sơn trong khi thi công.
Thinner thường là một hỗn hợp của nhiều loại dung môi khác nhau, khi pha thinner vào sơn, thinner sẽ hòa tan sơn và tạo ra một hỗn hợp mới có độ nhớt thấp hơn, giúp dễ thi công, tạo màng mỏng đẹp theo ý muốn đồng thời còn giúp tiết kiệm lượng sơn cần thiết. Một số loại thinner còn giúp giảm thời gian khô của màng sơn. Các dung môi thường được sử dụng làm thinner bao gồm: spirit, xăng, dầu hỏa, naphta, benzene, toluene, xylenen, butyl acetate, acetone, MEK, DMF, glycol ethers, butanol, v.v. Thậm chí nếu đúng thuật ngữ khoa học thì nước cũng là một loại thinner có thể dùng được cho sơn nước.
Thinner là một hỗn hợp hóa chất, và tương tác giữa thinner với sơn là tương tác hóa lý. Do đó, việc lựa chọn thinner không chỉ đơn giản là một chất pha với sơn cho loãng là có thể dùng được. Chúng ta sẽ cùng xem xét một số tính chất của thinner gây ảnh hưởng lên tính chất màng sơn sau khi pha.
1. Tính chất hóa học: Một số dung môi khi tiếp xúc nhau có thể gây phản ứng hóa học. Thông thường trong sản phẩm sơn của nhả sản xuất đã bao gồm một số dung môi nhất định, nhựa và phụ gia. Nếu sử dụng thinner có thành phần có thể gây phản ứng hóa học với thành phần trong sơn thì khi pha trộn sẽ tạo thành một số hiện tượng không như mong muốn; sơn bị lắng, vón cục, tạo ra chất lạ, v.v. Ví dụ sơn PU khi pha thinner là các hợp chất gốc rượu như glycol sẽ tạo ra gel làm đặc vón sơn. diethyl ether và THF khi tiếp xúc với oxygen và ánh sáng có thể tạo peroxide gây cháy nổ.
2. Độ tan: Mỗi loại dung môi có mức độ hòa tan nhựa nền và các chất phụ gia khác nhau. Khi pha dung môi có độ tan thấp, hỗn hợp sơn sẽ không loãng được mà sẽ tạo thành hệ nhũ bao gồm những vùng vật chất không hòa tan vào nhau (tương tự như dầu pha với nước). Khi phun sơn có thể tạo thành các bọt khí, các đốm màu khác nhau hoặc vón hạt trên bề mặt.
>>>Xem thêm: Dung môi pha sơn acrylic cao cấp nhiều ưu điểm nổi bậc đang được nhiều khách hàng lựa chọn hàng đầu hiện nay.
3. Độ phân cực: là một tính chất quy định độ tan của các chất khác nhau. Mỗi loại dung môi có độ phân cực khác nhau. Các dung môi phân cực sẽ hòa tan các chất phân cực tốt nhất, các dung môi không phân cực sẽ hòa tan các chất không phân cực tốt nhất. Các chất phân cực mạnh sẽ dễ hòa tan trong các dung môi phân cực mạnh. Một số dung môi không phân cực có thể liệt kê gồm: benzene, hexane, pentane. Các dung môi phân cực mạnh như nước, butyl acetate, acetone.
4. Độ tinh khiết: Đối với các loại thinner thấp cấp, không có thông tin nhãn mác, nhà sản xuất rõ ràng, khi mua hàng và sử dụng cần đặc biệt lưu ý. Những loại thinner này chỉ nên dùng cho các loại sơn thông thường hoặc sử dụng đối với bề mặt không yêu cầu chất lượng và tính thẩm mỹ cao, hoặc có thể dùng để vệ sinh, lau chùi vết sơn. Các loại thinner này phần lớn được pha trộn từ những nguồn dung môi không đảm bảo chất lượng, lẫn nhiều tạp chất, khi sử dụng pha sơn có thể làm giảm chất lượng và màu sắc sơn, độ bóng. Khi phun sơn có thể không bám, tạo bọt khí, nhăn màng sơn, màng sơn vón cục, tạo hiện tượng da cam v.v…
5. Tỷ trọng: Tỷ trọng ảnh hưởng đến tốc độ bay hơi của dung môi, từ đó ảnh hưởng đến thời gian khô và độ bóng không đồng đều. Khi pha sơn khô nhanh với thinner có tỷ trọng lớn thì có thể kéo dài thời gian khô hơn. Khi pha sơn khô chậm với thinner có tỷ trọng quá thấp, đặc biệt dưới môi trường nhiệt độ cao có thể tạo ra bọt khí, bong bóng làm nổ bọt màng sơn do dung môi tỷ trọng thấp bay hơi nhanh.