Khi đi ăn buffet nướng ở các nhà hàng Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, bạn dễ dàng nhận thấy rất nhiều tên gọi của thịt bò như: bắp bò, thăn đùi, thịt vai… và thậm chí còn có cả hình ảnh chi tiết vị trí của từng loại thịt này.
Ở thịt heo cũng vậy, cũng có rất nhiều tên gọi các loại thịt trên cơ thể heo, nhưng hơi khó để tìm ra được hình ảnh mô tả hay cách phân biệt các loại thịt và tên gọi của chúng.
Hôm nay, Gia Chánh Cẩm Tuyết xin chia sẻ với các bà nội trợ hay chị em phụ nữ mới bắt đầu tiếp xúc với công việc tưởng như đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp này nhé!
1. Thịt thăn hay còn gọi là nạc thăn
– Thịt thăn là phần nạc không dính chút mỡ nào, là phần thịt mềm và thơm nhất trên cơ thể heo. Thường được sử dụng làm chả lụa hoặc chà bông.
– Vùng thịt này hoàn hảo nhất là chế biến món nướng, dùng kèm với rượu vang đỏ thì thật là thơm ngon, đậm vị.
2. Thịt cốt lết (“Cotlete de porc” trong tiếng Pháp)
– Đây là phần thịt lưng của con heo, chủ yếu là nạc và đôi khi cũng được người bán gọi là thịt thăn. Thịt cốt lết thường được cắt kèm với phần đầu xương sườn nên mọi người hay gọi là sườn cốt lết.
– Ở khu vực miền Bắc, thịt cốt lết thường được chế biến thành chà bông hoặc rim mặn. Còn ở miền Nam thì mọi người quá quen thuộc với món sườn nướng ăn với cơm tấm, viết đến đây mình chợt thèm món cơm tấm sườn bì chả quá các bạn ạ!
3. Thịt thủ
– Là phần thịt ở đầu heo, không bao gồm phần mõm, tai heo và má heo. Phần thịt này giòn, có mỡ và bì nhưng phần mỡ không ngán, mà hơi giòn và dai.
– Phần thịt thủ thường được chế biến thành giò thủ, với sự kết hợp với mộc nhĩ, tai heo, thịt mũi heo, thịt chân giò và tiêu xay để cho ra món ăn dậy mùi, giòn giòn và không ngán.
4. Thịt chân giò
– Là phần thịt ở đùi heo, cắt bỏ phần móng. Phần thịt này có nhiều thớ bắp thịt cuộn lại với nhau. Được rất nhiều người ưa thích chế biến các món như: chân giò hầm, chân giò hun khói, chân giò muối, chân giò nhồi…
– Ở các nước phương Tây, phần thịt chân giò thường được chế biến thành thịt nguội (Jambon) và được sử dụng khá phổ biến.
5. Móng giò
– Là phần chân gắn với móng của con heo, có nhiều gân, mỡ không béo và da giòn.
– Phần chân giò này thường được chế biến các món giúp tăng cân hoặc giúp kích sữa cho bà mẹ sau sinh như món chân giò hầm đu đủ. Ngoài ra, còn có rất nhiều món hấp dẫn được chế biến từ chân giò như: chân giò hầm, kho nghệ hoặc nấu giả cầy…
6. Thịt ba chỉ
– Đây là vùng thịt bụng của heo, gồm các lớp mỡ – thịt – mỡ xếp chồng lên nhau, vùng thịt này có nhiều mỡ nhưng cũng được khá nhiều người ưa thích vì ăn nạc không thì hơi khô, nên có chút mỡ lại ngon miệng hơn.
– Thịt ba chỉ được dùng chế biến món luộc chấm với mắm tôm, cà pháo, món kho, rim hoặc chiên và nướng. Đặc biệt, khi đem thịt ba chỉ đi quay, ăn kèm với bánh mì cũng là đặc sản mà các bạn dễ dàng thấy được ở Sài Gòn.
7. Thịt nạc vai
– Là phần thịt ở vị trí vai heo, có độ dai và giòn, lẫn cả nạc và mỡ.
– Thịt nạc vai thường được xay nhuyễn để chế biến các món ăn khác như: cháo thịt xay, thịt viên…
8. Thịt mông
– Thịt mông nằm phía cuối thân heo, có cả mỡ và nạc lẫn vào nhau.
– Trong thịt mông còn có một phần gọi là thịt mông sấn, các phần bì, mỡ và thịt được phân tách rõ ràng, có phần nạc rất dày, không lẫn gân, xương hay sụn.
9. Thịt nạc dăm
– Là phần thịt có lớp mỡ xen kẽ bên trong miếng thịt, không phân tách thịt và mỡ rõ ràng.
– Phần thịt này rất hay được sử dụng, vì khi nấu thịt sẽ không bị khô hay béo quá. Thịt nạc dăm thường được dùng để rim hoặc chiên sả sẽ rất ngon.
10. Sườn heo
– Sườn non: là phần sườn nhỏ, xương dẹt, nhiều thịt và sụn. Thường được chế biến trong các món nướng, sườn rim, sườn rang sả ớt và sườn chua ngọt.
– Sườn già: là phần sườn có xương to hơn, ít thịt, khi nấu cần thời gian lâu hơn, thịt dai hơn nên chỉ phù hợp với các món hầm.
Trên đây là cách phân biệt và chế biến các loại thịt trên cơ thể heo, để xem thêm nhiều hướng dẫn làm món ngon, các bạn truy cập https://giachanhcamtuyet.com.vn/huong-dan-lam-mon-ngon để cùng với cô Cẩm Tuyết thực hiện các món ăn hàng ngày nhé.
Gia Chánh Cẩm Tuyết
Nguồn ảnh: Internet