Thượng tọa Thích Thiện HạnhPhó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà NộiTạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022
Mở đề: Trong những tháng ngày cấm túc an cư, chư tăng, ni chẳng những được bồi dưỡng, phát triển trình độ tu học phật pháp, tăng trưởng công đức, giới hạnh, đạo lực, mà còn có dịp thực hành đời sống tập thể theo tinh thần lục hòa cộng trụ. Các tăng, ni có cơ hội trao đổi, sẻ chia những kiến giải, kinh nghiệm tu hành, đồng thời thể hiện tình huynh đệ, tinh thần hòa hợp trong tăng đoàn. Trong mùa an cư, ngoài thời khóa của trường hạ quy định, tăng, ni nên tự tu với thời khóa riêng, các hành giả phải lưu nhớ và thực hành “Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức”.Từ khóa: Giới luật, đạo Phật, kiết hạ, an cư, giới đức, giới hạnh,….
I. Giới luật là nền tảng của đạo Phật
Người đệ tử Phật xuất gia là người thấu rõ luật vô thường mà cắt ái, xả tục xuất gia tu hành “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” chính là những người tu sĩ “xả thân cầu Đạo, xả phú cầu bần”.
Trong quá trình tu tập, giữ gìn ba nghiệp và hộ trì sáu căn (mắt, tai, mũi, lươi, thân, ý) là việc làm rất quan trọng, để giữ gìn giới thân huệ mạng, tăng trưởng trí tuệ. Nếu không có sự tỉnh thức thì làm sao đạt đến con đường của Giới- Định-Tuệ. Nếu không nhờ oai nghi phép tắc trợ duyên thì làm sao bước vào con đường vô lậu được?
Cổ đức có dạy: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”. Thật vậy, trong đạo Phật cũng nhờ có giới luật mới thống nhiếp được tăng đoàn, nhờ vậy mà Phật giáo tồn tại ngày càng hưng thịnh cho đến ngày nay.
Trong Luật Tỳ kheo và Bồ Tát giới mở đầu có viết:
“Giới như đại minh đăngNăng tiên trường dạ ámGiới như châu bảo kínhChiếu pháp tận vô viGiới như ma – ni châuVũ vật tế bần cùngLy thế tốc thành PhậtDuy thử pháp vi tối”.
Nghĩa là: “Giới như ngọn đèn sáng lớn, có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối. Giới như tấm gương quý báu, soi thấu hết thảy các pháp. Giới như viên ngọc như ý, hóa vật để giúp kẻ nghèo. Muốn mau giải thoát thành Phật, thì chỉ có giới luật là hơn hết”.
An cư Kiết hạ thực hành lời dạy của đức Phật
Vậy, “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Cho nên, Giới luật là những điều từ kim khẩu của đức Phật nói ra thành giới pháp, giới tướng để các chúng đệ tử Phật thực hành giới hạnh, nghiêm trì giới đức nhằm ngăn ngừa tất cả tội lỗi và giữ gìn nhân phẩm của thân, khẩu, ý được thanh tịnh.
Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn, đã để lại lời di huấn tối hậu trong Kinh Di Giáo rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi phải trân trọng, tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa như người đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo được của báu, phải biết pháp này là Thầy của các ngươi, dù ta có trụ ở đời cũng không khác gì”.
Một thầy Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh, tức là đã làm một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ, và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng ô hợp, có khi còn tai hại cho xã hội.
Chúng ta thấy có một sự tương đồng và thống nhất giữa kinh và luật. Theo lý thuyết thì kinh và luật có sự riêng biệt rõ ràng, nhưng ở người thực hành thì chúng tạo nên sự hợp nhất, trong vấn đề nuôi dưỡng phát triển và đào luyện tâm trí, tính cách như nhau. Điều này được thấy rõ qua đoạn kinh: “Giáo pháp và giới luật của đức Phật Gotami có những phẩm chất mà chúng ta có thể biết. Những phẩm chất này dẫn đến sự an tịnh, không có niềm đam mê, tham đắm; để được giải thoát và không bị trói buộc; để buông bỏ, xả ly mà không chấp thủ; để khiêm tốn và không tự cao, tự đại; để thỏa mãn và không để bất mãn; đưa đến sự ẩn dật và không vướng víu; để kích thích năng lượng tinh tấn và không lười biếng; để được trút bỏ gánh nặng và không nặng nề chất chứa, chắc chắn chúng ta có thể thực hành”.
II. Giới – Định – Tuệ
Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới-Định-Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đời sống của người xuất gia. Chính vì thế mà Giới luật được xem là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia.
Đặc biệt, trong mùa an cư cuối cùng, theo kinh Du hành (Trường A Hàm), Phật đã dạy hai điều cốt lõi:
Thứ nhất là, Pháp và Luật đã được trao truyền trọn vẹn cho chúng tăng, sau khi Như Lai nhập diệt, Pháp và Luật sẽ là thầy dẫn đường tối thượng cho các hội chúng Tỳ kheo.
Thứ hai là, các thầy Tỳ kheo hãy tự mình thắp sáng nơi Pháp, hãy tự mình nương tựa Pháp mà thực hành Tứ niệm xứ. Đây là lý do vì sao đạo Phật truyền vào quốc gia nào, pháp an cư cũng được lưu truyền và phát huy.
Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới cần phải đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của họ đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo.
Người xuất gia phải là một người có tín tâm, xuất gia vì mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Cho nên người xuất gia phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn.
Nghiêm trì giới luật là “an cư kiết hạ”
Trong Sa Di Học Xứ có nói “Bởi vì một thân oai nghi tức là tướng trạng của người xuất gia, trong làm khuôn phép cho Tăng đồ, ngoài làm lợi ích cho đàn-na. Đây là phương pháp tu trước thì tiến, sau là làm mẫu mực, chẳng phải chỉ có thọ giới thời mới tập học, cần yếu trọn đời phải hành trì mới gọi là bậc thiện.” Vì vậy người giữ giới thanh tịnh là khuôn khổ làm cho thân-khẩu-ý được trong sạch, ngăn chặn mọi tội lỗi phát sinh. Diệt trừ những thói quen làm việc xấu ác, duy trì hết thảy mọi thiện pháp.
Cổ đức thường dạy: “Hổ ly sơn hổ bại, tăng ni ly chúng tăng, ni tàn”. Cho nên, tăng, ni lập hạnh quyết định nguyện trụ tòng lâm, tự viện vì là nơi trang nghiêm thanh tịnh, chỗ tu học của người xuất gia đệ tử Phật. Đây là chỗ an thân lập mạng của mỗi người tu, nên phải quyết định thề nguyện “dù tán thân mất mạng cũng không rời khỏi chốn này.” Nếu rời khỏi Tòng lâm, Tự, Viện thì cô phụ hạnh nguyện, lập chí, quyết định thuở ban đầu của chính mình, thì bị nghiệp lực lôi cuốn trong lục đạo luân hồi. Bởi nơi đây đều có các bậc thiện tri thức thấu rõ phương pháp tu hành hướng dẫn, truyền trao cho tăng ni chúng ta thành tựu giới thân huệ mạng là nơi đào tạo tăng, ni có đủ tài đức, đạo hạnh trang nghiêm để gánh vác phật sự, lợi ích chúng sinh.
HT.Thích Thiện Pháp Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Một khi thế hệ tăng, ni trẻ mới xuất gia học Phật được quản lý, giáo dục nghiêm khắc, đầy tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm của bậc trưởng thượng đi trước thì chắc chắn Giáo hội sẽ xương minh, đạo pháp sẽ trường tồn và tỏa sáng”.
Người tu học Phật không thể nào không am tường về giới luật được, vì giới luật là mạng mạch của tăng đoàn, là sự sống còn của Phật pháp. Vì tính chất thiết yếu đó cho nên đức Thế tôn đã dạy: “Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”. Thật vậy, giới luật còn thì Phật pháp còn tồn tại. Một khi giới luật mất đi thì Phật Pháp cũng liền bị tiêu diệt mất. Vì vậy trong quá trình tu tập giải thoát, thì người xuất gia phải trải qua ba môn Vô lậu học ‘Giới-Định-Tuệ’, vì đây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc.
Trong Sa Di Học Xứ ghi: “Oai nghĩa là oai có thể sợ, nhiếp phục chúng sinh, đây là do nghiêm trì giới hạnh, các đức oai nghiêm nên khiến người có thể sợ”; “Nghi nghĩa là có nghi, có thể kính, nhiếp thọ chúng sinh. Đây là do động tịnh hợp nhất, tấn thoái an lành nên khiến người có thể kính. Nghĩa là thành tựu cái hạnh thanh tịnh là nhờ ở đạo nghi, thanh tịnh tròn đủ là nhờ ở giới phẩm.” Sở dĩ, người ta nhìn mình mà họ kính, sợ, nhiếp phục chúng sinh được là do nghiêm trì giới luật. Vì thế người nào sống đúng với chính pháp, sống đúng theo tinh thần của giới luật là những người luôn luôn đem lại lợi ích an sinh cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh.
III. Tính chất thanh tịnh và hoà hợp phát triển tăng đoàn
Để hình thành, phát triển một đoàn thể tăng già tồn tại đó chính là tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Chư Tôn Túc cũng luôn nhấn mạnh: “Thanh tịnh và hòa hợp là điều kiện chính yếu để hình thành một giáo hội tăng già lớn mạnh, đặc trưng cho tinh thần giải thoát”.
Nếu ai bỏ qua giới luật, uy nghi mà cầu thánh đạo Bồ đề, thì ví như không có cánh mà lại muốn bay cao, không có thuyền mà mong vượt biển, người làm như thế ấy làm sao được ư?
Trong ba tạng kinh luật luận, thì giới luật có thể điều phục được các bất thiện pháp, diệt trừ hết thảy các nghiệp chướng xấu xa, nhường chỗ cho trí tuệ tăng trưởng, hầu đạt đến sự chứng ngộ của các Thánh quả. Vì vậy có câu: “Tịnh hạnh thành, nhờ đạo nghi; Trong sạch tròn, nhờ giới phẩm”, đó là mục đích duy nhất của người xuất gia là muốn thành đạt sự giác ngộ và giải thoát. Cho nên, khi thành lập tăng đoàn, đức Phật đã yêu cầu hàng xuất gia phải tuân thủ giới luật và các quy tắc ứng xử chung của xã hội.
Trong kinh Trung bộ tập 1, phẩm Thừa Tự pháp đức Phật có dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ:
“Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”. Khi chúng ta tự nhận mình là đệ tử của đức Phật, thì phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm, hoàn thành tư cách một vị Tỳ kheo.
Trong văn Cảnh Sách Tổ Quy Sơn có dạy: “Đã là người xuất gia phải cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình phải khác tục. Nối thịnh dòng Thánh, hàng phục quân ma, để đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu không như thế xen lẫn vào trong chúng Tăng, lời nói hạnh kiểm vẫn còn hoang sơ, luống hao của tín thí, chỗ đi năm trước, tất bước không rời, lếu láo một đời, lấy gì nương tựa?. Huống nữa, đường đường tăng tướng, dung mạo dễ xem. Sở dĩ được như thế là do đời trước đã gieo trồng căn lành, nên đời này mới được quả như thế ấy…”. Thế nên, chúng ta thấy rằng người xuất gia không phải vì cơm áo, cũng chẳng vì hoàn cảnh, một lòng tha thiết muốn nối thịnh dòng Thánh, độ tận chúng sinh, thì đối với việc bước lên địa vị tăng bảo quả là niềm khát khao lớn, phải có một ý niệm như thế, một tâm Bồ đề vững chãi như vậy, mới thật sự xứng đáng đứng vào hàng “Trưởng tử Như Lai”.
Người xuất gia phải khác hơn người thế gian, “tâm hình dị tục”, chính là sự thảnh thơi, thoát tục, không bị ràng buộc bởi danh vọng, sắc dục, uy quyền. Tất cả những thứ ấy đều được bỏ lại phía sau, để bước về phía trước. Những bước chân an lạc và xuất trần, khoác trên người tấm hoàng y, khiến cho những người xuất gia trở nên uy nghiêm và thoát tục, xa lìa ngũ dục. Vì vậy, oai nghi tế hạnh của một người tu sĩ là rất cần thiết cho đời sống phạm hạnh và chính những oai nghi tế hạnh ấy đã giúp cho người tu sĩ tỉnh thức hơn để ly dục ly ác pháp, để ngăn và diệt tất cả tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp, để tiến tu trên con đường đạo nghiệp, đạt đến sự giải thoát hoàn toàn.
Ý nghĩa An cư Kiết hạ
Ngày nay, cùng với sự phát triển của phương tiện hiện đại, việc hoằng pháp, đưa đạo Phật tiếp cận sâu rộng với đời sống cũng trở nên dễ dàng hơn, sự tương tác của tăng, ni với quần chúng phật tử, trong đời sống lẫn không gian mạng cũng trở thành đơn giản hơn. Vậy, việc gìn giữ oai nghi và giới hạnh của vị tăng, ni trở nên cần thiết hơn lúc nào hết. Chỉ có một sơ suất nhỏ, một cử chỉ bất cẩn vô tình lọt vào camera của một chiếc điện thoại, một thước phim đăng trên Facebook, YouTube hay Tiktok cũng có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy. Cái khó khăn của người xuất gia ngày nay là đối duyên xúc cảnh, những thói quen, những cảm xúc hay những trạng thái tình cảm khi còn tại gia lại nổi dậy, làm cho đường tu tập luôn bị đình trệ, khó phát triển về mặt tâm linh và dễ dàng rơi vào những lỗi lầm khi phải sống chung với hội chúng.
Chính vì lẽ đó mà người xuất gia phải thân cận với bậc minh sư, theo thiện tri thức nhắc nhở tăng, ni giữ gìn giới luật đã thọ, tôn trọng thanh quy, tăng trưởng đạo hạnh trang nghiêm, oai nghi tế hạnh được vẹn toàn. Trong khế hợp với chân như, ngoài hiển bày được phạm hạnh của người xuất gia. Khi hội đủ nhân duyên ra ngoài xã hội tùy nghi giảng kinh, thuyết đúng như chính pháp, hoạt động từ thiện làm lợi ích chúng sinh, được mọi người mến mộ oai nghi, tế hạnh của tăng, ni trẻ, thì họ sẽ quay về nương tựa Tam Bảo, hộ trì chính pháp được lâu dài.
Trong Trường Bộ kinh đức Phật nhấn mạnh: “Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các Ngươi.” Lời tuyên bố này nhằm xác tính vai trò quan trọng của giới luật trong nếp sống thiền môn. Tầm quan trọng của giới luật được thấy rõ trong phần giới thiệu đầu của giới bổn Ba la đề mộc xoa và cũng được nhấn mạnh thêm như trong lời tựa của giới kinh rằng: “Trong thế gian, vua là hơn hết, trong các sông ngòi ao hồ thì đại dương là hơn hết, trong tất cả các sao, mặt trăng là hơn hết, trong tất cả bậc thánh, Phật là hơn hết, trong tất cả kinh sách, giới kinh là hơn hết”.
IV. Kết luận
Bằng phương pháp hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân. Như thế mới đủ trí lực, đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm hạ, đủ bất khuất để dấn thân trong sứ mạng: “Hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Cho nên đuốc trí tuệ luôn tỏa sáng, đem giới luật áp dụng vào đời cho tỏ đạo. Với ý nghĩa đó, dưới sự hướng dẫn của đức Phật, mỗi mùa an cư vào thời Ngài còn tại thế, đều để lại dấu ấn thăng chứng nội tâm và thành tựu quả vị giải thoát cho các hành giả. An cư kiết hạ cũng có ý nghĩa rất lớn với các hành giả tăng, ni xuất gia học đạo trong việc dự phần trau dồi phẩm hạnh, khai mở tuệ giác, thẳng tiến quả vị Bồ đề. Còn hàng tại gia cư sĩ thì nương theo tăng bảo mà nỗ lực học pháp, thọ trì pháp và thực hành giáo pháp để thoát khỏi bờ mê, hướng về Phật.
Thượng tọa Thích Thiện HạnhPhó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà NộiTạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022