Chích ngừa ung thư cổ tử cung là biện pháp hiệu quả nhất giúp chị em phòng ngừa được căn bệnh nguy hiểm này. Việc chủ động tiêm phòng vắc xin ngừa HPV làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, đặc biệt là đối với những phụ nữ được tiêm phòng khi họ còn trẻ.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý ác tính của biểu mô vảy hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, đứng thứ 2 trong nhóm bệnh ung thư sinh dục về tỷ lệ mắc và tử vong. Vào năm 2018, ước tính có khoảng 570.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới và khoảng 311.000 phụ nữ đã chết vì căn bệnh này, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển.
Riêng tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ 3 ở phụ nữ, khoảng 4.177 ca mắc mới mỗi năm và 2.420 trường hợp tử vong, tương đương trung bình mỗi ngày có 7 người phụ nữ tử vong vì căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung là một trong số ít những loại ung thư có thể phòng ngừa bằng một số phương pháp.
Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời của người phụ nữ là 80%, nhưng có trên 90% trường hợp nhiễm HPV sẽ tự đào thải vi rút trong vòng 2 năm, khoảng 10% các trường hợp vẫn còn virus HPV sau 3 năm và có dưới 5% tiến triển thành tổn thương CIN2 (giai đoạn loạn sản ở mức độ vừa phải) hoặc nặng hơn trong 3 năm. Tổn thương xâm lấn cổ tử cung bắt đầu xuất hiện sau khoảng 13-15 năm, trong đó 20% CIN3 (giai đoạn loạn sản ở mức độ nặng) tiến triển thành ung thư trong 5 năm và 50% CIN3 tiến triển thành ung thư trong vòng 30 năm.. tỷ lệ nhiễm cao nhất nằm trong độ tuổi từ 20-30, có thể lên đến 20-25% trong quần thể. Điều đáng sợ là nó tiến triển âm thầm, dai dẳng không để lại triệu chứng gì nhiều năm thậm chí là hàng chục năm cho đến khi người mắc phát hiện ra ung thư.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm HPV. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2003 cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HPV ở TP.HCM (là 10,9%) luôn cao gấp 4-5 lần tại Hà Nội (tỷ lệ 2,0%). Một nghiên cứu khác năm 2010 – 2011 cho thấy tỷ lệ này tại TP.HCM là 8,27% và tại Hà Nội là 6,13%. Hai nghiên cứu này đều cho thấy, tỷ lệ nhiễm HPV có liên quan đến số lượng bạn tình và tình trạng quan hệ tình dục sớm trong cộng đồng.
Vắc xin HPV là gì?
Vắc xin HPV là vắc xin bảo vệ chống lại sự lây nhiễm virus gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus). HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại virus có liên quan, trong đó có hơn 40 loại virus lây lan qua quan hệ tình dục trực tiếp. Virus HPV được chia làm 2 nhóm chính bao gồm nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao. (1)
- Ở nhóm nguy cơ thấp các týp thường gặp nhất là 6 và 11, các týp này có thể gây nên các bệnh như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục…
- Ở nhóm nguy cơ cao gồm các týp 16, 18, 31, 33 và 45 đây là những týp có thể gây ra các tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và/hoặc ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật, thanh quản…
Vắc xin HPV kích thích cơ thể sản xuất các kháng thể đặc hiệu có khả năng chống lại virus HPV. Sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp DNA, vắc xin này được chế từ protein cấu trúc tinh chế L1 sau đó lắp ghép thành các vỏ rỗng đặc hiệu cho HPV được gọi là các phần tử giống với virus HPV (virus-like particle – VLP). Các vắc xin này không chứa các sản phẩm sinh học sống là DNA của virus, do đó không có khả năng lây nhiễm, và cũng không chứa kháng sinh và chất bảo quản.
Vắc xin ngừa virus HPV giúp ngăn chặn các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, mào gà sinh dục…. Đặc biệt, với những trường hợp đã từng quan hệ tình dục hoặc từng nhiễm virus HPV, vắc xin vẫn có thể bảo vệ bạn.
Vacxin ngừa HPV Gardasil
Gardasil là một loại vắc xin được FDA cấp phép sử dụng vào tháng 6/2006. Vắc xin này giúp phòng ngừa 4 chủng virus gây u nhú ở người gồm HPV-6,11,16 và 18. Trong đó HPV-16 và HPV-18 chiếm khoảng 70% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung, bên cạnh đó còn gây ra các bệnh như ung thư âm đạo và hậu môn… HPV-6 và -11 gây ra khoảng 90% trường hợp mụn cóc sinh dục. Hiện nay, ở nước ta đang lưu hành Vắc xin Gardasil (Mỹ) phòng ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV.
Loại vắc xin Vắc xin Gardasil (Mỹ) Số chủng phòng ngừa Phòng 4 týp HPV (6, 11, 16 và 18) Lịch tiêm
Gồm 3 mũi:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 2 tháng.
- Mũi 3: Cách mũi đầu tiên 6 tháng.
Có nên chích ngừa ung thư cổ tử cung không?
Hiện nay, bên cạnh tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư liên quan đến HPV. Vắc xin HPV được đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch cao, hiệu quả trong việc bảo vệ các đối tượng như trẻ em, phụ nữ, nam giới khỏi những bệnh có liên quan đến virus HPV. (2)
Điều quan trọng là càng nhiều người trong độ tuổi được tiêm chủng càng mang lại nhiều lợi ích tốt. Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ các cá nhân được tiêm chủng chống lại sự lây nhiễm của các loại virus HPV mà càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm cũng có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm các loại HPV trong dân số.
Một phân tích tổng hợp năm 2019 về các chương trình tiêm chủng HPV trên 60 triệu trẻ em gái ở 14 quốc gia có thu nhập cao cho thấy rằng: Cho đến 8 năm sau khi bắt đầu tiêm chủng, chẩn đoán mụn cóc sinh dục giảm 31% ở phụ nữ ở độ tuổi từ 25-29 tuổi, 48% ở trẻ em trai từ 15-19 tuổi và 32% ở nam giới 20-24 tuổi so với thời gian trước khi bắt đầu tiêm chủng.
Tiêm phòng HPV trên diện rộng có khả năng giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trên khắp thế giới tới 90%. Ngoài ra, vắc xin có thể làm giảm nhu cầu sàng lọc và chăm sóc y tế tiếp theo như sinh thiết và các thủ thuật xâm lấn liên quan đến việc theo dõi từ kiểm tra cổ tử cung bất thường, do đó giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Ngoài tác dụng bảo vệ chống lại các týp HPV có trong vắc xin, các nghiên cứu cũng chỉ ra vắc xin HPV còn bảo vệ chéo với những týp HPV nguy cơ cao không có trong vắc xin, như các týp 31, 33 và 45, là những týp có liên quan đến khoảng 13% các trường hợp UTCTC. Bên cạnh đó, vắc xin HPV có thể được tiêm đồng thời với vắc xin sống và bất hoạt khác sử dụng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác.
Khi nào nên đi tiêm phòng vắc xin HPV?
Tại Việt Nam, Vắc xin Gardasil được chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ từ 9 – 26 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tiêm ngừa vắc xin cho hiệu quả tốt nhất khi được tiêm phòng sớm cho trẻ từ 9 tuổi-14 tuổi. Đặc biệt vắc xin phát huy hiệu quả tối ưu trên những trẻ chưa bị nhiễm vi rút HPV. Vi rút HPV lây chủ yếu qua đường tình dục hoặc các đường khác như lây nhiễm cơ hội qua vật bị nhiễm hay thực hành vệ sinh âm đạo sai (ít phổ biến hơn). Nên cần tiêm vắc xin sớm khi trẻ đủ từ 9 tuổi để trẻ chưa kịp phơi nhiễm với vi rút HPV. Đồng thời, thời điểm này cũng là lúc trẻ đang tiêm các loại vắc xin khác nên thuận tiện để bác sĩ tư vấn.
Ai cần tiêm vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung?
Tại Việt Nam, vắc xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến cáo tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, không kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung nên được tiến hành càng sớm càng tốt, trước khi bị phơi nhiễm với virus. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ kéo dài lên đến 30 năm.
Đối tượng không nên tiêm vắc xin HPV
Tiêm phòng HPV được đánh giá an toàn, tuy nhiên vắc xin được khuyến cáo chống chỉ định cho các đối tượng sau:
- Những người có phản ứng dị ứng mạnh sau liều tiêm vắc xin HPV trước đó hoặc với bất kỳ thành phần của vắc xin.
- Phụ nữ mang thai: Hiện có ít số liệu về tính an toàn của vắc xin HPV cho phụ nữ mang thai, vì vậy không tiêm vắc xin HPV cho phụ nữ mang thai (nên trì hoãn cho đến khi kết thúc thai kỳ). Nếu phụ nữ trẻ mang thai sau khi tiêm vắc xin 1 mũi đầu tiên thì những mũi tiếp theo sẽ được hoãn cho đến khi sinh con. Việc vô tình tiêm vắc xin HPV trong khi mang thai không phải là chỉ định để quyết định chấm dứt thai kỳ. Phụ nữ cho con bú không có chống chỉ định cho việc tiêm vắc xin HPV. Các bằng chứng hiện nay không cho thấy việc tăng nguy cơ đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ sau khi tiêm vắc xin HPV cho phụ nữ cho con bú.
Một số tác dụng phụ của vacxin
Theo nghiên cứu và quá trình thử nghiệm lâm sàng, các vắc xin HPV được đánh giá có tính an toàn cao. Phản ứng sau tiêm vắc xin HPV thường nhẹ và thời gian ngắn. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin HPV an toàn cho các đối tượng trong chỉ định.
- Phản ứng tại chỗ: Đau, sưng nhất tại thời điểm tiêm.
- Phản ứng toàn thân: Những phản ứng toàn thân nhẹ có thể liên quan đến tiêm vắc xin bao gồm: đau đầu, đau cơ, hoa mắt, chóng mặt, đau khớp, triệu chứng dạ dày ruột (nôn, buồn nôn, đau bụng).
Bên cạnh đó, các giám sát sau sau cấp phép về tính an toàn của vắc xin ở phụ nữ 18 – 45 tuổi cho thấy không có sự khác biệt về sự xuất hiện các bệnh mãn tính mới bao gồm bệnh tự miễn. Các số liệu khẳng định rằng vắc xin HPV không làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng Guillain-Barré, hội chứng đau ở các chi, và hội chứng tim nhịp nhanh sau tiêm. (3)
Chích ngừa ung thư cổ tử cung có cần xét nghiệm
Để chích ngừa vắc xin HPV, người tham gia tiêm chủng không cần xét nghiệm trước tiêm, nếu bạn nằm trong đối tượng có thể tiêm phòng, không mang thai, không có dị ứng với các thành phần của vắc xin cũng như không điều trị các bệnh lý cấp tính… thì hoàn toàn có thể tiến hành tiêm phòng vắc xin này. Trước khi tiêm phòng, người tham gia tiêm chủng sẽ được khám sàng lọc trước tiêm để đảm bảo đủ sức khỏe cũng như an toàn tiêm chủng.
Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?
Những người dù đã từng hoặc chưa từng quan hệ tình dục đều có thể đã bị phơi nhiễm hoặc bị nhiễm HPV rồi hoặc chưa. Dù thế nào đi nữa bạn vẫn nên đi tiêm phòng vắc xin, vì ba lý do sau:
- Thứ nhất, bạn đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc bạn đã bị nhiễm vi rút HPV. Việc tiêm vắc xin vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được bạn khỏi các bệnh gây ra do 4 týp HPV có trong vắc xin.
- Thứ hai, virus HPV có nhiều tuýp khác nhau. Việc bạn từng nhiễm một týp HPV nào trước đây, thì khi tiêm phòng vắc xin sẽ bảo vệ bạn trước nguy cơ lây nhiễm những týp virus HPV còn lại.
- Thứ ba, khả năng tái nhiễm của virus HPV rất cao. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.
Lưu ý: Vắc xin không điều trị được nhiễm trùng vi rút HPV.
Hiện nay vắc xin phòng ung thư cổ tử cung có đầy đủ tại Trung tâm tiêm chủng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Để đặt lịch tiêm và được tư vấn về vắc xin, vui lòng liên hệ hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP.HCM) hoặc fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Để được tư vấn, đặt lịch khám và tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- Hotline: 1800 6858 – 024 7106 6858
- Địa chỉ: 108 phố Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- TP.HCM:
- Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
- Địa chỉ: 2B Phổ Quang, P.2, Q. Tân Bình, TP.HCM
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
Chích ngừa ung thư cổ tử cung bằng việc tiêm vắc xin phòng HPV là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh căn bệnh này cũng như các bệnh lý khác liên quan đến vi khuẩn u nhú.