“Tiên tri” là từ Hán – Việt, tức là biết trước sự việc sẽ xảy ra; người sáng suốt đoán trước được sự việc sẽ xảy ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đầu tiên nói hai từ “tiên tri” khi viết về những chặng đường lịch sử liên quan đến tầm nhìn, dự báo của Hồ Chí Minh. “Tiên tri” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến là việc dự kiến chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, những tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai và điều đó sẽ được thực tế và thời gian kiểm nghiệm.
Đồng chí Phạm Văn Đồng có cách diễn đạt khác khi viết về mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn nên nhìn thấy hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to. Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai; Hồ Chí Minh là nhà chiến lược thiên tài, dự đoán thiên tài.
Nói về Hồ Chí Minh, thế giới dùng nhiều từ có quan hệ tương đồng với “tiên tri” như “huyền thoại”, “thần thoại”, “kỳ lạ”, “hiếm thấy”. Khrushchyov gọi Hồ Chí Minh là “Thánh cộng sản”. Còn nói một cách phổ thông thì Hồ Chí Minh là nhà dự báo chiến lược thiên tài.
Quan niệm của tác giả khi trả lời cho câu hỏi: “Tại sao Bác Hồ có thể được gọi là nhà tiên tri?” là xuất phát từ học thuyết Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng phép duy vật biện chứng một cách thiên tài trong thực tiễn. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, bài viết nhỏ này xin cung cấp một số tư liệu nhằm góp phần trả lời câu hỏi trên.
Cách đây 110 năm, xuất phát từ sự hoài nghi mấy chữ Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Nguyễn Tất Thành muốn xem những gì ẩn đằng sau những chữ đó, tìm hiểu nước Pháp và các nước khác làm ăn ra sao rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Người không nhận lời Phan Bội Châu để “Đông du” mà quyết định con đường nên đi của mình là “Tây du” cho thấy sự nhạy cảm, tầm nhìn xa, sáng suốt phi thường “vô tiền khoáng hậu”. Sau này, chúng ta hiểu Người sang Pháp là để khám phá văn minh phương Tây, rèn “vũ khí” để giải phóng dân tộc.
Tháng 11-1924, về Trung Quốc hoạt động, Người dự báo cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ nổ ra. Người chỉ ra rằng “thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản. Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương tương lai có thể trở thành một lò lửa chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra đúng như dự đoán của Hồ Chí Minh 15 năm trước.
Hình tượng Bác Hồ được tái hiện trong bộ phim điện ảnh “Nhà tiên tri” (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm). Ảnh chụp lại.
Nghiên cứu bản chất của chủ nghĩa thực dân, Người chỉ ra rằng nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa. Các thuộc địa trở thành nền móng của lực lượng phản cách mạng. Bởi thế, phải làm cách mạng ở thuộc địa trước để phá bỏ nền tảng và điều kiện tồn tại của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng hùng hồn cho dự đoán thiên tài đó.
Tháng 6-1940, nghe tin Paris bị quân Đức chiếm, Nguyễn Ái Quốc nhận định “việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Đồng chí Phạm Văn Đồng kể lại, Bác thường nói với ông: “Cuối cùng thế nào quân đội Xô viết và các nước Đồng minh cũng sẽ thắng, đó sẽ là cơ hội của chúng ta. Việt Nam sẽ giành được độc lập”.
Tháng 5-1941, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Tại hội nghị này, Người và Đảng ta quyết định thay đổi chiến lược, trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết chặt chẽ mọi lực lượng yêu nước chống Pháp – Nhật. Tầm nhìn xa sáng suốt đó góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Tháng 2-1942, viết trên Báo Việt Nam Độc lập bài “Nên học sử ta” và bài thơ “Lịch sử nước ta”, Bác dự báo thời cơ:
Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.
Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông
Kết thúc phần viết “Những năm quan trọng”, Người ghi: “1945: Việt Nam độc lập”. Dự báo chiến lược thiên tài này đã được lịch sử chứng minh hoàn toàn chính xác.
Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, chỉ rõ “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Người cũng dự báo Nhật và Pháp như hai con gà trống nhốt trong chuồng, trước sau cũng sẽ chọi nhau. Cả hai con bị thương nặng. Có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ. Dự báo thiên tài đó diễn ra 5 tháng sau, đúng vào đêm 9-3-1945.
Tháng 12-1944, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chứa đựng trí tuệ, tầm nhìn về một lực lượng mà lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Cuối tháng 7-1945, tại lán Nà Nưa, trong khi ốm nặng, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Khi biết tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Người chỉ thị viết thư hỏa tốc gửi các đại biểu về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Người nói nên họp ngay và không nên kéo dài. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội.
Tháng 8-1945, trong “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” gửi quốc dân đồng bào, Người khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Trong kháng chiến chống Pháp, ta thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ phải chiến đấu chống quân đội Pháp với đầy đủ hải, lục, không quân, có đế quốc Anh, Mỹ giúp sức. Có người cho rằng cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đấu voi”. Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại mà nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng: “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Sự thật đã chứng minh “voi” thực dân đã lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành và ngày càng lớn mạnh.
Đồng chí Phạm Văn Đồng kể lại: Tháng 4-1954, khi ông đến chào Bác đi Geneva (Thụy Sĩ), Bác cho biết là sẽ có món quà quý tặng đoàn đại biểu ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là món quà vô giá ấy, đã đến ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Geneva khai mạc. Ông còn cho biết trong bản thảo diễn văn nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1960, Bác viết: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Thượng tướng Phùng Thế Tài kể rằng, tháng 12-1962, ông được Bác gọi lên hỏi: “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, Bác chỉ thị cho đồng chí Phùng Thế Tài: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Đúng như dự đoán của Bác, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác, lập nên “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam.
Từ năm 1965 đến 1969 là thời kỳ ác liệt của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam – Bắc. Trong Di chúc viết thời gian này, Bác đã dự đoán chính xác rằng “cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn… Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ…”.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ để minh chứng cho chủ đề bài báo. Cần khẳng định Bác Hồ là một thiên tài, trí tuệ uyên thâm, có tầm nhìn xa, trông rộng lạ thường, không loại trừ bẩm sinh. Nhưng quan trọng nhất là Người đã vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, có niềm tin chắc chắn vào con người và quyết tâm phi thường nên đã làm nên những việc phi thường.
Đại hội XIII của Đảng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng nhịp bước với thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu là nhằm thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ vĩ đại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người./.
PGS, TS Bùi Đình Phong
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)