Hẳn tuyệt phẩm gồm ba phần của Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn – Lord of the Rings hay mới đây nhất là The Hobbit đã để lại cho các bạn ấn tượng mạnh về những con Orc – Yêu Quái tàn bạo, những Elf – Người Tiên thanh thoát nhưng nguy hiểm, loài Rồng khổng lồ và hung bạo. Nhưng các bạn đã từng tự hỏi rằng: Tại sao những sinh vật này được mô tả như vậy? Chúng đến từ đâu? Và từ bao giờ chúng trở thành một trong những hình tượng tồn tại lâu đời trong phim giả tưởng? Bài viết này sẽ gợi mở rõ hơn cho bạn về những sinh vật trong truyền thuyết.
Xuất xứ từ thần thoại Đức cổ, Orc và Elf được mô tả như hai mặt đối lập của thiện và ác, giữa quỷ và tiên. Nói về Tiên, đó là một giống loài siêu nhiên cổ xưa, xuất hiện trong các truyện cổ như những vị thần xinh đẹp với phép thuật của ánh sáng, của điều thiện. Mặc dù bên cạnh đó vẫn có những Tiên với tính cách quỷ quyệt sử dụng tà thuật nhưng nhìn chung, Tiên từ thần thoại xưa đã là hình tượng đại diện cho cái tốt.
Bản thân từ “elf” trong tiếng Anh và tiếng Đức cổ cũng được cho là mang ý nghĩa “trắng trong tinh khiết”, gợi ý việc Elf là thể hiện sự trong suốt thần thánh của ánh sáng. Cũng vì những định nghĩa này, cái đẹp thần thánh của Elf thường được đưa vào trong nhân vật nữ. Vì vậy ta thường thấy Elf thường có nữ chúa và kể cả các nam Elf cũng rất trắng trẻo mang vẻ đẹp của phái nữ. Cũng vì một phần do Elf mang ý nghĩa đẹp này, các họa sĩ hiện đại thường mô tả thiên thần là những nữ thần mang vẻ đẹp tinh khiết, hạ phàm với vầng hào quang ánh sáng chói lọi.
Dù với tên gọi như vậy, Elf ở thời trung cổ được coi là một sinh vật vô hình và đôi khi gây hại cho con người cũng như gia súc. Đến khoảng thời gian năm 1100 tới hết thời Trung Cổ, Elf dần có hình dáng con người, vẻ đẹp của Elf được nữ tính hóa và thông minh hơn. Và cho đến nền văn học hiện đại, hình tượng của Elf đã thay đổi hoàn toàn sau khi được nhà văn John Ronald Reuel Tolkien sống vào thế kỷ 18 tưởng tượng và hình tượng hóa lại. Elf trở thành giống loài cổ xưa mang hình dáng con người nhưng khác ở đôi tai nhọn, thong minh sắc sảo hơn, với một sức mạnh phép thuật lớn và gắn liền với thiên nhiên. Họ xinh đẹp nhưng đồng thời cũng là những chiến binh dung mãnh, đại diện cho điều tốt.
Tolkien không chỉ dừng lại ở việc mô tả, định nghĩa lại loài Elf. Cụ còn xây dựng nên hẳn một hệ thống ngôn ngữ riêng cho Elf. Trong các tác phẩm của mình, rất nhiều lần cụ sử dụng chính ngôn ngữ Tiên tự sáng tác ấy để viết nên những áng thơ, những bài ca được coi như là một phần của nền văn hóa Elf trong bộ tiểu thuyết đồ sộ của cụ.
Loài Elf còn được biết đến như một sinh vật cực kì linh hoạt, nhanh nhạy. Dường như là do cơ thể loài Elf rất nhẹ nhàng. Điều này đã được nhắc đến trong phần hai của Chúa Nhẫn, khi mà toàn bộ đoàn hộ Nhẫn đang kẹt dưới lớp tuyết dày của đường lên đình Caradhras, một trong những đỉnh núi vĩ đại và hiểm trở nhất của Dãy Núi Mù Sương:
“Legolas nhìn theo họ một lúc với nụ cười trên môi, rồi quay về phía những người còn lại: ‘Các bạn nói, người mạnh nhất phải tìm đường nhỉ? Nhưng tôi thì nói: hãy để nông dân đi cày, hãy chọn rái cá đi bơi, còn muốn đi nhẹ nhàng trên lá và cỏ, hay trên tuyết thì hãy gọi người Tiên’.
Đạo diễn Peter Jackson cũng rất khéo léo khi đưa chi tiết này vào phim
Ở phút thứ 2, bạn có thể thấy toàn bộ đoàn hộ Nhẫn ngập sâu trong tuyết nhưng Legolas lại có thể đi lại dễ dàng. Một chi tiết cực kì thú vị mà có thể bạn đã bỏ sót khi xem Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn.
Và từ định nghĩa của cụ Tolkien, loài Elf – Tiên đã mang một vóc dáng và bản chất như vậy trong suốt những tác phẩm văn học, điện ảnh và cả trong game.
Mặt đối lập với Elf là Orc – Quái Vật. Những sinh vật Orc đã xuất hiện trong những tác phẩm văn học từ lâu đời (như Beowulf – được sáng tác khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế ký thứ 11, những câu truyện ngụ ngôn Ý hồi thế kỷ 16).
Bản thân chữ Orc trong tiếng Anh cổ cũng có nghĩa là “quỷ dữ từ địa ngục” (hell devil). Tiến đến văn học hiện đại, từ Orc vẫn được sử dụng để chỉ những sinh vật giống quỷ bị nguyền rủa, được lấy theo từ Orcus – vị thần La Mã tượng trưng cho cái chết (khác với Pluto – thần địa ngục).
Hình ảnh của Orc luôn đại diện cho sự tàn phá, và man rợ. Cho đến tác phẩm Chúa Nhẫn định nghĩa cho toàn bộ thế giới giả tưởng mà ta biết sau này của Tolkien, Orc vẫn là giống loài hung tợn. Nguồn gốc từ Orc của Tolkien đến từ chính ngôn ngữ Elf – Tiên mà ông sáng tạo ra, từ ruk trong tiếng Tiên nghĩa là “sợ hãi, kinh hoàng”. Quả thực vậy, loài Orc cũng được miêu tả với hình dáng ghê sợ như tên gọi của chúng: Loài Orc trong LoTR được mô tả là một giống loài giống người nhưng đa phần nhỏ hơn. Nguồn gốc của chúng là giống người Tiên bị chúa tế bóng tối Morgoth đày đọa, giam cầm, dần dần biến đổi cả về hình dáng và trí óc, trở thành công cụ chiến tranh cho cái ác. Với bản chất bị biến đổi trở nên man rợ, khát máu, loài Orc này chiến đấu một một cách điên cuồng miễn là có một sức mạnh ý chí lớn hơn dẫn dắt và điều khiển chúng. Loài Orc này không có cộng đồng hay nền văn hóa riêng. Đơn giản lại, Orc trong LoTR là giống loài bẩn thỉu, tàn ác và không có ý chí cũng như tình cảm, một công cụ chiến tranh hoàn hảo.
Hình ảnh loài Orc có một sự thay đổi lớn khi một loài Orc mới xuất hiện, đi kèm với tựa game Warcraft đình đám của Blizzard. Hình dáng của chúng không khác so với Orc của Tolkien, chúng cũng vẫn mang bản chất man rợ, cục cằn nhưng loài Orc mới này có một nền văn hóa riêng, đó là một giống loài chiến binh kiêu hãnh.
Loài Orc này có trí thông minh và có lý trí của riêng mình. Với công nghệ tiên tiến và có sở hữu phép thuật, thậm chí ngang ngửa với những giống loài phát triển khác, mặc dù những công nghệ và ma thuật này được phát triển theo một hướng khác, hướng riêng theo truyền thống riêng của tổ tiên chúng.
Đọc qua lý lịch sơ qua của hai giống loài Orc và Elf, ta có thể thấy rằng J.R.R. Tolkien đã đóng góp một phần rất lớn trong việc tạo nên 2 hình tượng này trên phim ảnh. Những hình ảnh về Orc hay Elf về sau trong những tác phẩm văn học, trong phim ảnh cũng như trong game đều mang chút hơi hướng của Tolkien. Một tay ông đã tạo nên cả một nền văn hóa trong lĩnh vực giả tưởng, đồng thời đặt nền móng cho cả thế giới giả tượng mới.