Các từ loại trong tiếng Việt rất đa dạng và phong phú do đó để học sinh có thể ghi nhớ và phân biệt chúng không hề dễ dàng. Từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái là nội dung quan trọng nằm trong chương trình Tiếng Việt, tuy nhiên học sinh rất hay nhầm lẫn giữa hai loại từ này. Vậy từ chỉ trạng thái là gì?
Từ chỉ trạng thái là gì?
Để giải đáp Từ chỉ trạng thái là gì? theo giải đáp của chương trình tiếng Việt lớp 3 thì: “Từ chỉ trạng thái là những từ chỉ sự vận động không nhìn thấy ở bên ngoài (sự hướng vào bên trong), hoặc là những vận động ta không tự kiểm soát được”.
Ví dụ về từ chỉ trạng thái
Một số từ chỉ trạng thái như khóc, cười, yêu, ghét, vui, buồn, lo,… là những hoạt động diễn ra trong con người mà người khác không thấy được nếu ta không thể hiện ra bằng lời nói, nét mặt,…
Một số từ chỉ trạng thái là những hoạt động ta không tự kiểm soát được như rơi, sống, chết, …
Từ chỉ hoạt động là gì?
Từ chỉ hoạt động là những từ chỉ sự vận động mà nhìn thấy ở bên ngoài, hướng ra bên ngoài (có thể nhìn thấy, nghe thấy, …).
Ví dụ từ chỉ hoạt động
Một số từ chỉ hoạt động như: bắt, chạy, đi, uống, hát, viết, nói, cười,…là những từ mà con người đều nhìn thấy được, nghe thấy được hay nhận biết bằng các giác quan khác.
Phân biệt từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái.
Để phân biệt từ chỉ trạng thái và từ chỉ hoạt động, ta chủ yếu dựa vào khái niệm để nhận dạng chúng. Có thể thấy dù cùng chỉ sự vận động nhưng từ chỉ hoạt động dễ dàng nhận biết qua các giác quan (nghe thấy, nhìn thấy,…) còn từ chỉ trạng thái thường không cảm nhận được trực tiếp (không biểu hiện ra bên ngoài). Ví dụ:
– “Một con cá đang bơi dưới nước”
Trong câu trên từ chỉ hoạt động ở đây là “bơi”. Con người có thể dễ dàng nhìn thấy một con cá đang bơi dưới nước bằng mắt.
– “Mẹ buồn vì Nga không chịu nghe lời”
Trong câu trên từ chỉ trạng thái ở đây là “buồn”, ta không thể tự nhìn thấy hay biết mẹ đang buồn hay vui.
Bài tập về từ chỉ trạng thái
– Dạng 1: Tìm từ chỉ trạng thái và từ chỉ hoạt động
Bài 1: Tìm các từ chỉ hoạt động, trạng thái của loài vật và sự vật trong những câu sau:
a) Con trâu ăn cỏ.
b) Đàn bò uống nước dưới sông.
c) Mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ.
Lời giải chi tiết:
Câu a từ chỉ hoạt động là ăn .
Câu b từ chỉ hoạt động là uống. Câu c từ chỉ trạng thái là tỏa.
Bài 2: Xác định các từ chỉ hoạt động, trạng thái trong đoạn văn sau:
“Một buổi sáng mùa xuân, trăm hoa khoe sắc, gà con vui vẻ gọi vịt con ra vườn chơi. Gà con rủ vịt con bắt sâu bọ, côn trùng có hại cho cây cối. Nhờ có mỏ nhọn nên gà con mổ bắt sâu dễ dàng. Nhưng vịt con không có mỏ nhọn nên không thể nào bắt sâu được. Thấy thế gà con vội vàng chạy tới giúp vịt.”
Hướng dẫn đáp án:
Trong đoạn văn trên các từ chỉ trạng thái gồm có: vui vẻ, vội vàng
Từ chỉ hoạt động: gọi, chơi, rủ, bắt, mổ, bắt sâu, chạy.
– Dạng 2: Phân biệt từ chỉ trạng thái và từ chỉ hoạt động
Bài 3: Trong các từ sau, từ nào là từ chỉ hoạt động, từ nào là từ chỉ trạng thái
“buộc, thức, lăn, ngủ, lấp, phát triển, giơ, cắt, bay, nghi ngờ, tưởng tượng, ngồi”
Đáp án:
Trong các từ trên thì từ chỉ hoạt động là các từ: buộc, lăn, lấp, giơ, cắt, bay, ngồi.
Từ chỉ trạng thái là các từ: thức, ngủ, phát triển, nghi ngờ, tưởng tượng.
– Dạng 3: Phân biệt từ chỉ hoạt động, trạng thái với các loại từ khác
Bài 4: Chia các từ sau thành hai nhóm và gọi tên từng nhóm:
“yêu, làm, cấy, thùng, nhớ, mua, kể, câu chuyện, trận mưa, đặt, công ty, mất, sân chơi, máy tính”.
Hướng dẫn đáp án:
Trong các từ trên thì:
– Nhóm từ chỉ sự vật: thùng, câu chuyện, trận mưa, công ty, sân chơi, máy tính.
– Nhóm từ chỉ hoạt động, trạng thái: yêu, làm, cấy, nhớ, mua, kể, đặt, mất.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề từ chỉ trạng thái là gì? Hy vọng các chia sẻ trên hữu ích với độc giả.