Những kiến thức chung về nghệ thuật trang trí
1. Trang trí là gì?
Theo cách hiểu thông thường, trang trí là nghệ thuật làm đẹp. Nó giúp cho cuộc sống xã hội thêm phong phú và con người hoàn thiện hơn. Ý thích làm đẹp, mong muốn cái đẹp luôn tồn tại trong mỗi con người dù người đó là ai và sống trong hoàn cảnh nào. Những ngày lễ, ngày Tết, ai cũng muốn gọn gàng sạch sẽ, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, trang trí nhà cửa sao cho hấp dẫn, sạch sẽ và đẹp đẽ. Đường phố được trang hoàng bằng những băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa v.v…
Trong các cuộc hội họp quan trọng thì việc trang trí hội trường được chuẩn bị rất kỹ lưỡng vì nó chính là bộ mặt của đơn vị đứng ra tổ chức.
Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều đồ vật mà ta thường sử dụng như bát, đĩa, ấm chén, lọ, khăn bàn, quần áo, đồng hồ, xe đạp, xe máy, ô tô, bàn ghế, giường tủ v.v… tất cả đều có những họa tiết trang trí nhằm làm cho vật đó đẹp thêm, hâp dẫn và có giá trị thẩm mỹ hơn. Những hình trang trí đó rất phong phú, nhằm làm cho đồ vật đẹp hơn, tạo cho người xem cảm giác gần gũi hơn. Đó chính là nét nổi bật của nghệ thuật trang trí.
Vì vậy, trang trí là những cái đẹp do con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống, giúp cho đời sống con người và xã hội trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn.
2. Trang trí giúp con người nâng cao nhận thức thẩm mỹ
Có nhiều cách nhìn và cách biểu hiện trang trí khác nhau. Nó phụ thuộc vào cách sống, trình độ văn hóa và khả năng nhận biết của mỗi người. Trang trí bắt nguồn từ cuộc sống thực tế và nó quay lại phục vụ cho chính cuộc sống thực tế ấy. Cái đẹp luôn luôn được coi trọng và nó sẽ tồn tại vĩnh hằng. Còn những cái xấu, thị hiếu thẩm mỹ kém mà nó tạm thời được tiếp nhận trong một thời gian nhất định rồi tự nó sẽ bị đào thải.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, những công trình kiến trúc và nghệ thuật cổ của chúng ta là cái đẹp còn trụ lại, trở thành những cột mốc đánh dấu cho giai đoạn đó như chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, đình Tây Đằng, phố cổ Hội An, cung đình Huế v.v… Những đề tài được cha ông chúng ta đưa vào sử dụng và nghiên cứu sáng tạo làm nên các họa tiết trang trí trên trống đồng, đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm sứ thời Lê, Nguyễn… đều được khai thác từ thiên nhiên và cuộc sống bình thường gần gũi với con người như cây cối, hoa lá, động vật, con người.
Các họa tiết hoa văn trang trí trên trống đồng
Trống đồng
Trong số các cổ vật còn lại tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam cổ xưa có bộ trống đồng Đông Sơn với đường nét trang trí hết sức phong phú. Trống đồng của ta không giống như các trống đồng tìm được tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Nó có giá trị cao về mặt thẩm mỹ cũng như về kỹ thuật chế tác, là loại hình nổi trội hết sức độc đáo của nghệ thuật đúc đồng thời văn hóa Đông Sơn. Dù tả người, tả vật hay các hoa văn trang trí, toàn bộ được sắp xếp nhịp nhàng theo hệ thống mạch lạc, khúc triết, cách thể hiện rất hài hòa chứng tỏ trình độ hiểu biết, cách nhìn, sáng tạo của ông cha ta hàng ngàn năm trước đã đạt tới trình độ cao. Những nét đẹp đó được đưa trở lại cuộc sống giúp nâng cao óc thẩm mỹ cho người xem.
2. Nguồn gốc và lịch sử phát triển:
a. Nguồn gốc:
Nghệ thuật trang trí được hình thành và phát triển qua quá trình lao động sản xuất và đấu tranh sinh tồn của con người. Kể từ thời sơ khai của lịch sử, khi con người còn ở trong các hang động, sống dọc theo các triền sông, họ đã biết sử dụng những công cụ thô sơ như đoạn cây, hòn đá làm công cụ đào bới, săn bắt để sinh sống. Dần dà họ làm cho những công cụ đó hoàn hảo và dễ sử dụng hơn, biết đánh dấu vào các công cụ để khẳng định đồ vật của mình. Cứ thế nâng dần lên thành những hình trang trí cho đẹp mắt và chế tác ra nhiều công cụ phục vụ cho cuộc sống như: rìu, dao, ấm, chén, chiêng, cồng v.v… Loài người cho tới nay đã trải qua năm hình thái kinh tế – xã hội và mỗi lần thay đổi những hình thái ấy là những cuộc cách mạng thực sự, làm biến đổi trình độ sản xuất theo chiều hướng ngày một tiến bộ, cuộc sống của loài người cũng ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Các loại hình nghệ thuật chính là những dấu ấn rõ nét ghi lại những bước tiến hóa ấy qua từng thời đại. Tại các di chỉ khảo cổ được biết đến, người ta tìm thấy các hình khắc trên các hang, vách đá mô tả cảnh săn bắn như hang Ô-ri-nhắc (Pháp), An-ta-ru-ra (Nga), hang động ở Tây Ban Nha, Goa-tê-ma-la… Những hình khắc mô tả cảnh sinh hoạt hay tôn giáo như Kim tự tháp Ai Cập, tượng Phật khắc vào núi đá ở Áp-ga-ni-xtan… Cùng với các dân tộc khác nhau trên Trái Đất, người Việt cổ cũng có những sự phát triển tương tự về mỹ thuật trang trí của mình trên các đồ dùng thực dụng bằng gỗ, đá, sắt, đồng… Những nét chạm khắc trên mặt trống, tang trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn ở thời kỳ đồ đồng hai hòa, tinh tế và rất chặt chẽ trong bố cục sắp xếp cũng như phong cách tạo hình thể hiện một nền văn hóa phát triển cao.
Nghệ thuật phản ánh nhận thức của con người. Chúng ta biết rằng nghệ thuật nói chung và mỹ thuật trang trí nói riêng phục vụ cho những mục đích, yêu cầu của con người, phát triển theo tiến trình tiến hóa của nhân loại. Ngày nay, do nhu cầu phát triển cao của nền kinh tế, khoa học kỹ thuật không ngừng đưa con người đến những tìm tòi sáng tạo, mở ra cho mỹ thuật trang trí nhiều loại hình mới bằng cái nhìn của trí tuệ cộng với máy móc hiện đại. Từ đó đã phát triển nhiều trào lưu nghệ thuật để đáp ứng được sự tiến hóa to lớn toàn cầu. Song các hình thái trang trí dù đơn giản hay phức tạp, tinh vi hay cầu kỳ đều xuất phát từ cuộc sống thực tế sinh động thông qua tư duy sáng tạo của con người để bộc lộ nó một cách hoàn mỹ nhất.
Tranh vẽ các hang động ở Australia
Trang trí trên các dụng cụ lao động thô sơ thời kỳ đồ đồng
b. Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật trang trí: Nguồn gốc phát triển của nghệ thuật trang trí được bắt nguồn từ sự đấu tranh sinh tồn để bảo vệ cho bản thân mình cũng như của cộng đồng xã hội. Từ đó, nó được phát triển và nâng cao qua từng thời đại. Từ những hình vẽ đơn sơ trong các hang động đến những hình vẽ cầu kỳ, phức tạp hơn như các Kim tự tháp Ai Cập, nghệ thuật thời Phục Hưng ở Vê-ni-dơ (Italy), những di tích La Mã cổ đại, Vạn lý Trường Thành, Khải Hoàn Môn (Trung Quốc), tượng Phật (Afghanistan), đền Ăng-co vát (Campuchia), cố đô Huế, thành nhà Hồ (Việt Nam)… Tất cả những di sản văn hóa quý báu đó đánh dấu sự phát triển của nhân loại về tài năng, nhận thức và óc sáng tạo đáng kính nể.
Nghệ thuật trang trí ở Việt Nam cũng phát triển theo trào lưu chung của sự phát triển xã hội. Thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn …, mỗi giai đoạn đều để lại những công trình nghệ thuật có giá trị. Nhưng do khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt nên nhiều công trình xây dựng bằng tre, gỗ trước thế kỷ XV đã bị phá hủy. Nay chỉ còn lại những ngôi đình cổ như Lỗ Hạnh (Bắc Giang), Tây Đằng (Hà Tây), Đình Bảng (Bắc Ninh), chùa Trầm, chùa Tây Phương, Bút Tháp…
Những đồ đồng như trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ với những hình trang trí hoa văn cách điệu rất có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật. Đồ sành sứ cũng mang dáng dấp dân tộc Việt rõ nét với những hình hoa văn độc đáo.
Đến Angko Wat – Campuchia
Đền Patheon (Hy Lạp)
3. Đặc trưng xã hội của nghệ thuật trang trí:
a. Tính dân tộc: Mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng của mình. Văn hóa nước ta chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc, nhưng không bị nó đồng hóa mà biến nó thành những nét văn hóa riêng của Việt Nam. Ví dụ, đình chùa của chúng ta cũng có những mái vòm cong nhưng khác với quy mô to cao đồ sộ của Trung Quốc, mà mang dáng dấp một mái nhà nông thôn hiền lành và gần gũi, gắn chặt với cuộc sống và nếp nghi của người dần Việt Nam.
Nền nghệ thuật trang trí của các nước ở châu Á đều phát triển từ nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có cái nhìn và cách thể hiện khác nhau. Có thể chứng minh điều này qua phong cách vẽ của ba nước: Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Rồng thời Trần, chạm gỗ ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên)
Rồng thời Lê Sơ, chạm đá ở bia lăng Lê Thái Tổ (Bản rập của Viện Mỹ thuật)
Tranh của Việt Nam: chất dân gian, thô mộc, gần gũi với người dân
Tranh của Trung Quốc: Nét vẽ khoáng đạt, bay bướm luôn kết hợp hình vẽ và chữ viết, rất chú trọng tới các mảng trống
– Tranh của Trung Quốc: Nét và hình hòa quyện rất tinh tế. Nét vẽ tinh xảo, mềm mại thể hiện tài năng của các nghệ nhân Trung Quốc. Mảng màu lớn kết hợp tài tình trong một không gian rộng.
– Tranh của Nhật Bản: Ảnh hưởng cách vẽ Trung Quốc nhưng mang đậm nét văn hóa dân tộc Nhật. Khai thác triệt để những họa tiết trang trí. Những mảng màu to nhỏ gắn kết với nhau rất sinh động. Khi nhìn vào, người ta nhận ra ngay phong cách vẽ Nhật.
– Tranh của Việt Nam: Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nhưng nét vẽ gần gũi với người dân lao động, nét vẽ mộc mạc, khái quát, tinh tế.
Tranh của Nhật Bản: Yếu tố trang trí cách điệu cao, nét kết hợp với các mảng hình lớn
b. Tính tôn giáo: Nghệ thuật trang trí phản ánh tính tôn giáo rất rõ nét. Chúng ta so sánh phần kiến trúc và trang trí để minh chứng.
Đạo Phật: Thiết kế mái có độ cao lớn hơn thân nhà tạo sự vững chãi, gần gũi với con người. Toàn bộ kết cấu và trang trí trong các chùa rất hiền hòa và gần với môi trường xung quanh. Tượng Phật luôn ngồi tọa lạc trên tòa sen gây cảm giác thanh tịnh, hiền hòa, nét mặt thân thiện gần gũi với mọi người. Ông Thiện, ông Ác hoặc một số tượng khác mắt phượng mày ngài nhưng đều phảng phất nét của những người dân lương thiện.
Đình Đình Bảng ở Từ Sơn, Bắc Ninh (nửa đầu thế kỷ XVIII)
Tính tôn giáo trong nghệ thuật trang trí và kiến trúc
Đạo Thiên Chúa: Với chiều hướng thẳng và cao, thiên hướng vươn lên Thiên đàng, nơi có Chúa Trời ngự trị. Phần trang trí trong nhà thờ cũng thiên về chiều hướng vút cao lên bầu trời với những thiên thần vẫy gọi tạo sự uy nghi huyền bí và linh thiêng.
Đạo Hồi: Theo phong cách riêng của mình, thờ phụng Thần Mặt trăng và Thánh Mohamed. Cấu trúc vòm tròn và cong. Trang trí trong nhà thờ cũng đơn giản, chủ yếu là các họa tiết trang trí xung quanh tường và vòm trần (do nghi lễ tôn giáo tập thể nên cần khoảng không rộng.
c. Tính xã hội và tính giai cấp: Được thể hiện rất rõ nét trong cách bài trí ở những thứ bậc và giai cấp trong xã hội. Tỏ rõ ưu thế của các tầng lớp trên cũng như vị trí xã hội của người lao động.
* Trang trí cung đình: Thường sử dụng hình tượng long, ly, quy, phượng tượng tửng cho quyền lực thanh cao. Các hình tượng được cách điệu hóa và thể hiện bằng màu vàng (sơn son thế vàng) tạo sự uy nghi tráng lệ.
Đồ chạm trổ trong phủ chúa Trịnh
* Trang trí nơi thờ cúng như đình, chúa, miếu mạo: Các họa tiết hoa văn trang trí mà ta thường thấy là hình tượng hoa sen, hoa cúc. Cách trang trí tạo cảm giác linh thiêng, trang trọng.
Rồng chạm đá ở chùa Phật Tích
* Trang trí nơi hội họp (ở thời đại văn minh): Các hình tượng mang tính lịch sử, trang trọng nhưng gây cảm giác ấm cúng, thân mật.
Một mái chùa ở làng quê Việt Nam
* Trang trí nơi sinh hoạt dân dã: Là hình tượng phóng khoáng, hồn nhiên, khỏe mạnh mang tính bình dân, quần chúng.
d. Tính hiện đại và dân tộc trong nghệ thuật trang trí:
Con người luôn luôn hướng đến cái mới bởi đã tìm ra những điều bí ẩn của thiên nhiên và cuộc sống. Nghệ thuật phục vụ đời sống nên nó cũng luôn luôn và không ngừng sáng tạo, bởi nếu ngừng có nghĩa là sẽ bị đào thải khỏi sự phát triển chung của nhân loại.
Ngày nay, chúng ta được tiếp cận hàng ngày với cộng đồng thế giới nên cũng tiếp thu được nhiều điều hay, mới mẻ. Ví dụ sơn mài Việt nam trước kia chủ yếu chỉ dùng để trang trí đồ mỹ nghệ, các đồ thờ cúng và trang trí cung đình, đền chùa v.v… Ngày nay, chất liệu này đã được chuyển tải thành những tác phẩm hội họa có tầm cỡ. Người ta không chỉ sử dụng chất liệu truyền thống mà còn phát triển nhiều thể loại mới, phong phú để diễn tả. Hình, màu đưa vào các thể loại trang trí cũng biến hóa về cách nhìn và sự tạo dáng. Lớp các họa sỹ trẻ sáng tác tranh sơn mài với những chất liệu hiện đại được gắn kết với chất liệu truyền thống để đưa tới người xem ý tưởng và thông điệp mới.
Nhiều cơ sở nổi tiếng như sành da lươn Phù Lãng, sành nâu Hương Canh, sứ Hải Dương, sứ Bát Tràng, sứ Đồng Thượng thực sự đã được thổi một luồng sinh khí mới để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính hiện đại cao nhằm hội nhập với thị trường quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Ngành trang trí ứng dụng trên mây tre đan, dệt may, thêu, ren v.v… cũng ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong và ngoài nước với tính sáng tạo mang xu thế hiện đại, phù hợp với sở thích con người.
Rối nước – Nét văn hóa độc đáo của Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích
Trang trí sân khấu
Áo dài biến tấu
4. Các loại hình trang trí:
a. Trang trí mỹ nghệ: Là trang trí trên các mặt hàng thủ công, bán thủ công hay công nghiệp nhẹ như ấm chén, bát đĩa, bàn ghế, mây tre đan, đồ thêu ren, khảm trai, vàng bạc… là những đồ dùng thông dụng hàng ngày phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân. Trang trí mỹ nghệ là ngành không những tạo ra việc làm cho người lao động mà còn thúc đẩy nền kinh tế nước nhà thêm phát triển.
b. Trang trí nội ngoại thất: Là phần trang trí, sắp xếp phía bên ngoài và bên trong một tòa nhà, một ngôi nhà hay một căn phòng… sao cho phù hợp và đẹp mắt. Cuộc sống càng phát triển thì nhu cầu trang trí nội ngoại thất được đánh giá rất cao và có giá trị lớn trong việc làm thay đổi bộ mặt của đất nước.
c. Trang trí ứng dụng công nghiệp: Là sáng tạo ra kiểu dáng các máy móc, đồ vật như xe máy, xe đạp, ô tô, quạt, máy bơm, máy hút bụi, bàn, ghế v.v… cho đến các mẫu mã hàng hóa mà ta bắt gặp hàng ngày như hộp bánh kẹo, đường sữa, các loại hàng nhu yếu phẩm, đồ hộp, đồ nhựa v.v… Trang trí ứng dụng công nghiệp nói chung mang tính chất tạo dáng, để đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp.
d. Trang trí thông tin quảng cáo: Loại hình trang trí này gắn liền với sự tiến hóa chung của toàn xã hội, nhất là ở giai đoạn kinh tế có sự chuyển biến lớn. Thông tin quảng cáo chính là sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước, nó chính là bộ mặt của đất nước đang trên con đường phát triển.
e. Trang trí sân khấu điện ảnh: Nhiệm vụ của thể loại trang trí này là giúp cho kịch bản và vở diễn thêm sinh động, góp phần vào sự thành công của vở diễn hoặc bộ phim đó. Người họa sỹ có nhiệm vụ xây dựng bối cảnh của sự việc sao cho hợp với kịch bản (thể hiện trang phục cho nhân vật cũng như phản ánh tính cách của nhân vật đó qua ngoại hình).
f. Trang trí đồ họa và ấn phẩm: Gồm trang trí bìa sách, báo, minh họa cho các thể loại tranh in ấn khác. Trang trí và thiết kế các loại triển lãm khác nhau theo yêu cầu cụ thể của từng ngành nghề. Trang trí đồ họa và ấn phẩm là một thể loại đi kèm với sách báo và nghề in.
g. Trang trí thời trang: Là vẽ và chế tạo các mẫu vải vóc, quần áo, mũ, giày dép… nhằm phục vụ cho thị hiếu của người tiêu dùng trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Thể loại trang trí này luôn luôn phải thay đổi và tạo ra những mẫu mã mới cho phù hợp với trào lưu chung của nhân loại.
Các loại hình trang trí
>>> Sáng tạo họa tiết trang trí
>>> Tính trang trí trong tranh lụa
>>> Các nguyên lý trong trang trí hình vuông