Tính minh bạch
Khái niệm
Tính minh bạch trong tiếng Anh là Transparency.
Tính minh bạch là mức độ mà các nhà đầu tư có thể truy cập vào thông tin tài chính cần thiết về một công ty, ví dụ như mức giá, độ sâu thị trường và báo cáo tài chính được kiểm toán.
Mặc dù thuật ngữ “tính minh bạch” không phải là một thuật ngữ tài chính hoặc số liệu cụ thể, nhưng nó đã trở nên ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng và nhà đầu tư trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư cũng yêu cầu sự minh bạch với các công ty đầu tư và các quĩ về các khoản phí được tính cho họ.
Tính minh bạch cũng có thể bao gồm sự rõ ràng cho người tiêu dùng về các khoản phí mà ngân hàng tính phí hoặc tỉ lệ mà người tiêu dùng cuối cùng sẽ trả cho công ty thẻ tín dụng của họ.
Đặc điểm của Tính minh bạch
Các quyết định tài chính thường được đưa ra dựa trên đánh giá về tình hình tài chính. Các nhà đầu tư phân tích báo cáo tài chính của một công ty để xác định xem cổ phiếu có đáng mua hay không.
Mặt khác, người tiêu dùng chọn một ngân hàng hoặc công ty đầu tư, một phần dựa trên chi phí hoặc phí. Công khai đầy đủ các khoản phí, lãi suất và hình phạt là rất quan trọng để đưa ra quyết định hợp lí về việc nên sử dụng thẻ tín dụng hoặc khoản vay nào, cũng như mở tài khoản ngân hàng nào hoặc đầu tư vào quĩ tương hỗ nào.
Vì các quyết định của nhà đầu tư về việc mua chứng khoán nào dựa trên báo cáo tài chính của công ty, nên các báo cáo phải minh bạch nhất có thể. Ví dụ: giả sử hai công ty có mức nợ, qui mô, rủi ro thị trường và thu nhập tương tự nhau. Một công ty hoạt động với báo cáo tài chính minh bạch, trong khi một công ty khác điều hành nhiều doanh nghiệp với các báo cáo tài chính phức tạp.
Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể thích công ty đầu tiên hơn vì họ có thể dễ dàng hiểu các nguyên tắc cơ bản và rủi ro của công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bỏ tiền vào công ty với cấu trúc phức tạp có thể bỏ lỡ các chi tiết tài chính quan trọng có thể dẫn đến công ty hoạt động kém và mất đi khoản đầu tư của mình.
Do đó, điều quan trọng là tất cả các công ty đều tuân thủ qui tắc minh bạch. Bản chất quan trọng của tính minh bạch và nhất quán đối với thị trường tài chính là lí do tại sao các công ty giao dịch công khai trên các sàn giao dịch.
Ví dụ về tính minh bạch
Vào tháng 2/2016, tại cuộc họp cổ đông của công ty thực phẩm Tyson (Mỹ), chủ tịch hội đồng quản trị John Tyson đã bị chất vấn về sự thiếu minh bạch của công ty trong việc cung cấp thông tin trên báo cáo tài chính của mình.
Nhiều cổ đông phản ánh rằng sự cố tràn hóa chất của Tyson trong nước thải có tính axit ở Monett, Missouri đã giết chết hơn 100.000 con cá trong các tuyến đường thủy của thành phố. Các cổ đông muốn có thêm thông tin về kế hoạch cải thiện chất lượng nước của các công ty trong khu vực nhà máy. Tyson sau đó đã bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 2 triệu USD vào đầu năm 2018.
(Theo Investopedia)