Triết học là một lí thuyết mang lại cho con người rất nhiều giá trị khác nhau và mang ý nghĩa trong việc phát triển con người và văn minh, với những nguồn kiến thức rất thú vị đối với thế giới con người. Để hiểu rõ hơn về triết học là gì? Vai trò và đối tượng nghiên cứu của Triết học?
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Triết học là gì?
Triết học ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ VI trước công nguyên (tr.CN) với các thành tựu rực rõ trong triết học Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đã nghe tới lý luận trong triết học đây được biết đến là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy. Triết học nghiên cứu về các câu hỏi chung và cơ bản về sự tồn tại, kiến thức, giá trị, lý trí, tâm trí và ngôn ngữ.
Triết học có tên gọi tiếng Anh là Philosophy, từ này được xuất phát trong tiếng Hy Lạp cổ đại, nghĩa dịch ra “tình yêu đối với sự thông thái”. Các thuật ngữ như là “triết học” hay “triết gia” ra đời là gắn với nhà tư tưởng người Hy Lạp Pythagoras.
Triết học Mác – Lenin là triết học duy vật biện chứng triệt để. Nó là khoa học về những quy luật phổ biến chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người.
Trong Triết học Mác – Lenin, các quan điểm duy vật về tự nhiên và về xã hội, các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau thành một hệ thống lý luận thống nhất.
Ở phương Tây, cũng có những lí luận xuất hiện từ triết học và khái niệm triết học lần đầu tiên xuất hiện tại Hy Lạp với tên gọi (philosophia), mang nghĩa là “love of wisdom” (tình yêu đối với sự thông thái) bởi nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại mang tên Pythagoras. Với người Hy Lạp, triết học mang tính định hướng đồng thời cũng nhấn mạnh khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Còn tại Trung Quốc thì khái niệm hay khi nhắc tới thuật ngữ triết học người ta nghĩ ngay tới sự bắt nguồn từ chữ triết và được hiểu là sự truy tìm bản chất của đối tượng; là trí tuệ, sự hiểu biết sâu sắc của con người. Còn tại Ấn Độ, triết học Ấn độ cổ đại có tên gọi là “darshanas”, có nghĩa là “chiêm ngưỡng”. Nó mang hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến với lẽ phải.
Như vậy, dù ở phương Đông hay phương Tây, khi triết học mới ra đời, đều coi triết học là đỉnh cao của trí tuệ, là sự nhận thức sâu sắc về thế giới, đi sâu nắm bắt được chân lý, được quy luật, được bản chất của sự vật.
Trải qua quá trình phát triển, đã có nhiều quan điểm khác nhau về triết học. Trong các quan điểm khác nhau đó vẫn có những điểm chung. Đó là, tất cả các hệ thống triết học đều là hệ thống tri thức có tính khái quát, xem xét thế giới trong tính chỉnh thể của nó, tìm ra các quy luật chi phối trong chỉnh thể đó, trong tự nhiên, xã hội và bản thân con người. Khái quát lại, có thể cho rằng: Triết học là một hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó.
Xem thêm: Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
2. Đối tượng nghiên cứu của Triết học:
Như chúng ta đã biết thì trong triết học xuất hiện các đối tượng nghiên cứu của triết học thay đổi trong chu trình lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử, do điều kiện kinh tế – xã hội và sự phát triển của khoa học tự nhiên, đối tượng nghiên cứu của triết học có những nội dung cụ thể khác nhau, nhưng vẫn xoay quanh vấn đề quan hệ giữa con người và thế giới khách quan bên ngoài, giữa tư duy và tồn tại.
Cụ thể hơn đối với lý luận này thì đối tượng nghiên cứu của triết học tiếp tục giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa ý thức và vật chất trên lập trường duy vật; nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, từ đó định hướng cho hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn của con người.
Sau đây chúng tôi sẽ trình bày cụ thể về đối tượng nghiên cứu của Triết học trong từng thời kì, cụ thể như sau:
+ Ngay từ khi mới ra đời:
Dựa trên thực tiễn sự tồn tại của nó thì triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức, và triết học tồn tại bao hàm trong nó tri thức về tất cả các lĩnh vực không có đối tượng riêng. Quan điểm này nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh quan niệm cho rằng, triết học là khoa học của mọi khoa học, đặc biệt là ở triết học tự nhiên của Hy Lạp cổ đại.
Sự tồn tại của triết học mang ý nghĩa rất lớn nhất là đối với thời kì này thì triết học đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ mà ảnh hưởng của nó còn in đậm đối với sự phát triển của tư tưởng triết học ở Tây Âu.
+ Thời kỳ trung cổ:
Ở Tây Âu khi quyền lực của Giáo hội bao trùm mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì triết học trở thành nô lệ của thần học.
+ Vào Thế kỷ XV, XVI:
Tại thời điểm này thì triết học lại tiếp tục những tư duy mới và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào thế kỷ XV, XVI đã tạo một cơ sở tri thức vững chắc cho sự phục hưng triết học. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt yêu cầu của sản xuất công nghiệp, các bộ môn khoa học chuyên ngành nhất là các khoa học thực nghiệm đã ra đời với tính cách là những khoa học độc lập.
+ Thế kỷ XVII – XVIII:
Triết học duy vật chủ nghĩa dựa trên cơ sở tri thức của khoa học thực nghiệm đã phát triển nhanh chóng trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo và đã đạt tới đỉnh cao mới trong chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII ở Anh, Pháp, Hà Lan, với những đại biểu tiêu biểu như Ph.Bêcơn, T.Hốpxơ (Anh), Điđrô, Henvêtiuýt (Pháp), Xpinôda (Hà Lan)…
V.I.Lênin đặc biệt đánh giá cao công lao của các nhà duy vật Pháp thời kỳ này đối với sự phát triển chủ nghĩa duy vật trong lịch sử triết học trước Mác.
“ Trong suốt cả lịch sử hiện đại của châu Âu và nhất là vào cuối thế kỷ XVIII, ở nước Pháp, nơi đã diễn ra một cuộc quyết chiến chống tất cả những rác rưởi của thời trung cổ, chống chế độ phong kiến trong các thiết chế và tư tưởng, chỉ có chủ nghĩa duy vật là triết học duy nhất triệt để, trung thành với tất cả mọi học thuyết của khoa học tự nhiên, thù địch với mê tín, với thói đạo đức giả, v.v.”
Mặt khác, tư duy triết học cũng được phát triển trong các học thuyết triết học duy tâm mà đỉnh cao là triết học Hêghen, đại biểu xuất sắc của triết học cổ điển Đức.
Sự phát triển của các bộ môn khoa học độc lập chuyên ngành cũng từng bước làm phá sản tham vọng của triết học muốn đóng vai trò “khoa học của các khoa học”. Triết học Hêghen là học thuyết triết học cuối cùng mang tham vọng đó.
Hêghen tự coi triết học của mình là một hệ thống phổ biến của sự nhận thức, trong đó những ngành khoa học riêng biệt chỉ là những mắt khâu phụ thuộc vào triết học.
+ Đầu thế kỷ XIX:
Có thể thấy ở thời gian này thì có rất nhiều thay đổi cụ thể về hoàn cảnh kinh tế – xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn đến sự ra đời của triết học Mác. Đoạn tuyệt triệt để với quan niệm “khoa học của các khoa học”, triết học mácxít xác định đối tượng nghiên cứu của mình là tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trên lập trường duy vật triệt để và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Xem thêm: Lực lượng sản xuất là gì? Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay
3. Tính quy luật về sự hình thành, phát triển của Triết học:
Sự hình thành, phát triển của triết học có tính quy luật của nó. Trong đó, các tính quy luật chung là: sự hình thành, phát triển của triết học gắn liền với điều kiện kinh tế – xã hội, với cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội; với các thành tựu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; với sự thâm nhập và đấu tranh giữa các trường phái triết học với nhau.
Là một hình thái ý thức xã hội, sự hình thành, phát triển của triết học gắn liền với các điều kiện kinh tế – xã hội, với cuộc đấu tranh của các giai cấp, các lực lượng xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội, mỗi giai cấp, mỗi lực lượng xã hội khác nhau sẽ xây dựng nên các hệ thống triết học khác nhau. Sự phát triển và thay thế lẫn nhau giữa các hệ thống triết học trong lịch sử là phản ánh sự biến đổi và thay thế lẫn nhau giữa các chế độ xã hội, phản ánh cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng trong xã hội. Chính vì vậy, nghiên cứu các tư tưởng triết học không thể tách rời điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện giai cấp và đấu tranh giai cấp đã sinh ra nó.
Là một hình thái ý thức xã hội có tính khái quát, sự phát triển của triết học không thể tách rời các thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sự phát triển của triết học, một mặt phải khái quát được các thành tựu của khoa học, mặt khác nó phải đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, với mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, thì triết học cũng có một bước phát triển. Đúng như Ph. Ăngghen đã nhận định: “Mỗi khi có những phát minh mới của khoa học tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật cũng thay đổi hình thức”. Do đó, việc nghiên cứu các tư tưởng triết học không thể tách rời các giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên.
Trong lịch sử triết học luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học, mà điển hình nhất là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Trong quá trình đấu tranh đó, các trường phái triết học vừa gạt bỏ lẫn nhau, vừa kế thừa lẫn nhau, và mỗi trường phái đều không ngừng biến đổi, phát triển lên một trình độ mới cao hơn. Chính cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học đã làm cho triết học không ngừng phát triển. Đó là lôgíc nội tại trong quá trình phát triển của triết học. Việc nghiên cứu các tư tưởng triết học không thể tách rời cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học trong lịch sử.
Sự phát triển của triết học không chỉ diễn ra quá trình thay thế lẫn nhau giữa các học thuyết tiết học mà còn bao hàm sự kế thừa lẫn nhau giữa chúng. Các học thuyết triết học giai đoạn sau thường kế thừa những tư tưởng nhất định của triết học giai đoạn trước và cải biến, phát triển cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Đó chính là sự phủ định biện chứng trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học. Việc nghiên cứu các tư tưởng triết học đòi hỏi phải nghiên cứu sự kế thừa lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học.
Sự phát triển của triết học không chỉ gắn liền với từng quốc gia, dân tộc, mà còn có sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau giữa tư tưởng triết học của các quốc gia, dân tộc cũng như giữa các vùng với nhau. Sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau đó góp phần thúc đẩy tư tưởng triết học nhân loại nói chung, tư tưởng triết học từng dân tộc nói riêng phát triển. Sự phát triển của tư tưởng triết học vừa có tính giai cấp, tính dân tộc, vừa có tính nhân loại,
Sự phát triển của triết học không chỉ trong sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau giữa các tư tưởng triết học, mà còn giữa triết học với chính trị, tôn giáo, nghệ thuật… Sự tác động qua lại lẫn nhau đó làm cho hình thức phát triển của triết học rất đa dạng. Triết học không chỉ là cơ sở lý luận cho các hình thái ý thức xã hội khác, mà nhiều khi còn thể hiện thông qua các hình thái ý thức xã hội khác, như thể hiện thông qua chính trị, thông qua tôn giáo, thông qua nghệ thuật… Điều đó cho thấy, nhiều khi nghiên cứu các tư tưởng triết học phải thông qua nghiên cứu, khái quát từ các hình thái ý thức xã hội khác,
Xem thêm: Nội dung, vận dụng quan điểm toàn diện của chủ nghĩa Mác-Lênin
4. Vai trò của Triết học:
4.1. Vai trò thế giới quan và phương pháp luận của Triết học:
Những vấn đề triết học đặt ra và giải quyết trước hết là những vấn đề thế giới quan. Đó là một trong những chức năng cơ bản của triết học. Thế giới quan là toàn bộ những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới xung quanh, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó, Thế giới quan được hình thành, phát triển trong quá trình sinh sống và nhận thức của con người, đến lượt mình, thế giới quan lại trở thành nhân tố định hướng cho con người tiếp tục quá trình nhận thức thế giới xung quanh, cũng như tự nhận thức bản thân mình, và đặc biệt là, từ đó con người xác định thái độ, cách thức hoạt động và sinh sống của mình. Thế giới quan đúng đắn là tiền đề hình thành nhân sinh quan tích cực, tiến bộ.
Thế giới quan có nhiều trình độ khác nhau: thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo, thế giới quan triết học. Triết học ra đời với tư cách là hệ thống lý luận chung nhất về thế giới quan, là hạt nhân lý luận của thế giới quan, đã làm cho thế giới quan phát triển lên một trình độ tự giác dựa trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức khoa học mang lại. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là cơ sở lý luận của hai thế giới quan cơ bản đối lập nhau: thế giới quan duy vật, khoa học và thế giới quan duy tâm, tôn giáo. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong triết học biểu hiện bằng cách này hay cách khác cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội đối lập nhau. Chủ nghĩa duy vật là thế giới quan của giai cấp, của lực lượng xã hội tiến bộ, cách mạng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội. Trong lịch sử, chủ nghĩa duy vật đã đóng vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh của chủ nô dân chủ chống chủ nô quý tộc ở Hy Lạp thời cổ đại, trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến ở các tâm được sử dụng làm công cụ biện hộ về lý luận cho giai cấp thống trị lỗi thời, lạc hậu, phản động.
Cùng với chức năng thế giới quan, triết học còn có chức năng phương pháp luận. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và trong thực tiễn. Phương pháp luận có nhiều cấp độ khác nhau: phương pháp luận ngành, phương pháp luận chung và phương pháp luận chung nhất. Phương pháp luận của triết học chính là phương pháp luận chung nhất. Trong triết học, thế giới quan và phương pháp luận không tách rời nhau. Mỗi hệ thống triết học không chỉ là một thế giới quan nhất định, mà còn là phương pháp luận chung nhất trong việc xem xét thế giới. Mỗi quan điểm triết học đồng thời là một nguyên tắc phương pháp luận, là lý luận về phương pháp. Với tư cách là phương pháp luận chung nhất, triết học đóng vai trò định hướng cho con người trong quá trình tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, và do đó, nó có ý nghĩa quyết định đổi với thành bại trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.
Trong triết học mácxít, chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng thống nhất chặt chẽ với nhau: chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa duy vật biện chứng, còn phép biện chứng là phép biện chứng duy vật. Sự thống nhất đó đã làm cho triết học mácxít trở thành thế giới quan và phương pháp luận thật sự khoa học trong nhận thức và thực tiễn hiện nay vì sự tiến bộ của xã hội.
4.2. Vai trò của triết học đối với các khoa học cụ thể và đối với tư duy lý luận:
Sự hình thành, phát triển của triết học không thể tách rời sự phát triển của khoa học cụ thể, qua khái quát các thành tựu của khoa học cụ thể. Tuy nhiên, triết học lại có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của khoa học cụ thể, nó là thế giới quan và phương pháp luận cho khoa học cụ thể, là cơ sở lý luận cho các khoa học cụ thể trong việc đánh giá các thành tựu đã đạt được, cũng như vạch ra phương hướng, phương pháp cho quá trình nghiên cứu khoa học cụ thể. A.Anhxtanh, nhà vật lý học nổi tiếng của thế kỷ XX, đã nhận xét: “Các khái quát của triết học cần phải dựa trên các kết quả khoa học. Tuy nhiên, mỗi khi đã xuất hiện và được truyền bá rộng rãi, chúng thường ảnh hưởng đến sự phát triển của tư tưởng khoa học khi chúng chỉ ra một trong rất nhiều phương hướng phát triển có thể có”.
Trong lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển của khoa học; ngược lại chủ nghĩa duy tâm thường được sử dụng làm công cụ biện hộ cho tôn giáo và cản trở khoa học phát triển. Vào thời cổ đại, khoa học tự nhiên mới bắt đầu hình thành, triết học tự nhiên (một hình thức cơ bản của chủ nghĩa duy vật thời cổ đại) đã trình bày được một bức tranh tổng quát về thế giới, đã có nhiều tư tưởng và dự báo thiên tài định hướng cho khoa học phát triển. Vào thời Phục hưng và nhất là thời cận đại, chủ nghĩa duy vật đã phát triển gắn liền với khoa học tự nhiên, đã góp phần tích cực vào sự phát triển của khoa học tự nhiên, chống lại sự thống trị của giáo hội. Tuy nhiên vào thời kỳ này, quan điểm “triết học là khoa học của các khóa học” và phương pháp tư duy siêu hình vẫn giữ vai trò thống trị. Sự phát triển của khoa học vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã làm cho quan điểm “triết học là khoa học của các khoa học” và phương pháp tư duy siêu hình không còn phù hợp nữa. Từ đó chủ nghĩa duy vật biện chứng đã ra đời.
Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa duy vật biện chứng luôn luôn gắn liền với các thành tựu của khoa học hiện đại, là sự khái quát các thành tựu khoa học mang lại; đồng thời, nó lại đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của khoa học hiện đại. Chủ nghĩa duy vật biện chứng là thế giới quan và phương pháp luận thật sự khoa học cho các khoa học cụ thể đánh giá đúng các thành tựu đã đạt được, cũng như xác định đúng phương hướng và phương pháp trong nghiên cứu. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang đạt được nhiều thành tựu to lớn làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội, tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, thì nắm vững thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng càng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật biện chứng không thể thay thế được các khoa học khác. Theo yêu cầu của sự phát triển đòi hỏi phải có sự liên minh chặt chẽ giữa triết học với các khoa học khác.
Triết học không chỉ có vai trò to lớn đối với các khoa học cụ thể, mà còn có vai trò to lớn đối với rèn luyện năng lực tư duy của con người. Ph.Ăngghen chỉ ra: “một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận” và để hoàn thiện năng lực tư duy lý luận, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước.