Kinh tế

Trifluralin là gì

Trifluralin là một loại thuốc diệt cỏ, được sử dụng trong nuôi tôm để trị bệnh sợi nấm trên ấu trùng tôm, diệt nấm, tảo, rong rêu trong nước và diệt các ký sinh gây bệnh trong nuôi cá. Đây là loại hóa chất có khả năng gây ung thư. Mặc dù đã bị cấm sử dụng từ đầu tháng 4/2010, nhưng các loại thuốc chứa hóa chất này vẫn nhan nhản trên thị trường.

Lo ngại vì chất cấm

Nhật Bản là 1 trong 10 thị trường chiếm tới 80% khối lượng lẫn giá trị tôm nhập khẩu của Việt Nam. Từ đầu năm 2010 đến nay, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 40.000 tấn tôm sú. Dự kiến 2 tháng cuối năm nhập khẩu khoảng 10.000 tấn tôm sú của Việt Nam. Tuy nhiên, tôm xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có thể bị Nhật Bản cấm nhập, nếu họ tiếp tục phát hiện nhiều lô hàng chứa chất trifluralin. Năm 2010, Nhật Bản đã nâng mức kiểm soát tôm của Việt Nam từ 0% lên 30%. Tuy nhiên, tháng 9 và 10/2010, vẫn có 3 lô tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bị phát hiện có dư lượng trifluralin vượt ngưỡng cho phép. Bởi thế từ ngày 21/10/2010, Nhật Bản quyết định nâng mức kiểm soát lên 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cảnh báo: “Nếu Nhật Bản tiếp tục phát hiện nhiều lô hàng chứa trifluralin, họ có thể cấm nhập khẩu tôm của Việt Nam”. Không chỉ dừng tại đấy, nếu Nhật Bản cấm nhập tôm của Việt Nam, nhiều thị trường khác cũng sẽ thắt chặt nhập khẩu tôm của ta. Thảm họa khi đó sẽ xảy ra cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản xuất khẩu nói chung”.

Ông Ngô Văn Nga, TGĐ Công ty TNHH kinh doanh, chế biến thủy sản và xuất-nhập khẩu Quốc Việt lo lắng: “Nếu lô hàng bị trả về, thì 1 container tốn khoảng 10.000USD chi phí chuyên chở, bốc dỡ, lưu kho. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu 40 container, thật khó mà biết được sẽ có bao nhiêu container bị trả về! Bởi lẽ, mỗi container có cả triệu con tôm, nhập từ nhiều ao nuôi, làm sao kiểm soát hết được?”.

Điều đáng lo ngại là những container bị trả về hầu hết lại được tuồn ra thị trường nội địa cho người tiêu dùng trong nước.

Đối phó chậm chạp

Ông Phạm Đức Tuấn, đại diện Công ty Ito Chu (Nhật Bản) cho biết: Từ năm 2009 đã phát hiện trifluralin trong các sản phẩm chế biến từ cá tra, cá basa, và ai cũng biết thế nào cũng lan sang tôm. Song, chỉ đến khi Nhật Bản tuyên bố kiểm tra 100% tôm nhập khẩu từ Việt Nam, cơ quan chức năng mới tìm cách giải quyết.

Ông Kawai Kenzi, đại diện Công ty Nissui (Nhật Bản) có trụ sở tại Singapore cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ là nạn nhân. Theo ông, các cơ quan chức năng có liên quan đối phó với trifluralin đã quá quan liêu, thiếu trách nhiệm. Nhưng khi xảy ra sự cố lại qui hết trách nhiệm cho các doanh nghiệp là không đúng. Bởi vì các doanh nghiệp không sử dụng chất này. Có một thực tế từ lâu nay, không ai biết người dân nuôi thủy sản đã sử dụng loại hóa chất gì. Chỉ đến khi nhà nhập khẩu phản ứng thì mới tìm biện pháp đối phó bị động, theo cách “nước đến chân mới nhảy”.

Khi nạn bơm chích tạp chất vào tôm sú nguyên liệu chưa dẹp xong, các nhà xuất khẩu thủy sản đã phải đối mặt với việc tìm ra nguồn gốc của chất trifluralin trong tôm sú và cá basa. “Vua tôm Bạc Liêu” Võ Hồng Ngoãn rất bức xúc: “Tôi và nhà máy chế biến đã mang tôm và tất cả những thức ăn, thuốc vi sinh, các loại thảo dược như tỏi, mật ong… đi xét nghiệm, kết quả đều không có các chất cấm và trifluralin. Nhưng thật bất ngờ, những sản phẩm diệt rong rêu, diệt giáp xác, diệt khuẩn như MKC, BK-Cide của các công ty lớn lại có các chất cấm nói trên. Lỗi này phải thuộc về các cơ quan chức năng quản lý thủy sản vì đã cho lưu hành và không tuyên truyền, phổ biến để người nuôi biết”.

Cục Quản lý chất lượng nông sản – lâm sản – thủy sản đã ra thông báo công khai danh sách 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm qui định của Bộ NN&PTNT về kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Ngày 5/11/2010, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng ra Chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát hoạt chất trifluralin sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Tất cả chỉ thị, thông báo trên đều cần thiết, dù rằng mang nặng tính đối phó. Bởi vì, đúng như nhận xét của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và người nuôi thủy sản, nếu các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ NN&PTNT không thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm có chứa trifluralin trong nuôi thủy sản và xử lý nghiêm khắc, triệt để, thì vẫn chỉ là chuyện “ném đá ao bèo”!./.

(Theo: Trần Lê/Báo TNVN)