Cách đây hơn 50 năm, một cuốn sách quý hiếm tổng kết các bài học của lịch sử nhân loại đã ra đời. Bằng cách viết hết sức khoa học, khách quan, ngắn gọn, dễ hiểu, hai đồng tác giả của cuốn sách là vợ chồng nhà bác học Mỹ: ông Will Durant và bà Ariel Durant đã giúp cho các nhà giáo dục, các nhà viết sử, các nhà triết học một cách nhìn, một cách đánh giá về con người, về xã hội con người và về cách tổ chức tốt nhất cho sự điều hành xã hội con người.
Đó là cuốn: “Những bài học của lịch sử” (The lessons of History) do nhà xuất bản Simon and Schuster, New York ấn hành lần đầu tiên vào năm 1968. May mắn thay, cuốn sách đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách vô cùng thấu đáo bởi nhà nghiên cứu triết học và nhà dịch thuật hàng đầu của nước ta ở thế kỷ XX, ông Nguyễn Hiến Lê, nên đã giúp ích rất nhiều cho việc dạy và học triết học tại Việt Nam.
Bài viết này chỉ nói rõ thêm cách đánh giá về Tư cách cá nhân mỗi con người mà cuốn sách đã đề cập đến.
Theo Từ điển tiếng Việt trang 986 thì: “Tư cách là: 1/ Cách ăn ở, cư xử, biểu hiện phẩm chất đạo đức của một người. Thí dụ: Người đứng đắn, có tư cách. Tư cách hèn hạ. 2/ Toàn bộ những điều yêu cầu đối với một cá nhân để có thể được công nhận ở một vị trí, thực hiện một chức năng xã hội nào đó (ẩn ý là nhân cách). Thí dụ: Tư cách đại biểu của Đại hội. Có đủ tư cách thay mặt cơ quan. 3/ Một mặt nào đó trong các mặt chức năng, cương vị, vị trí của một người. Thí dụ: Phát biểu ý kiến với tư cách cá nhân. Nghiên cứu với tư cách là một đơn vị hợp tác”.
Trong cuốn Tổng kết lịch sử công phu nói trên, ở mục bài học về Tư cách con người, các tác giả có nêu hai ý lớn quan trọng: 1/ Phải luôn luôn quan tâm đến người khác. 2/ Tuyệt đối không được nói xấu ai.
Triển khai ý thứ nhất, Will Durant viết: “Tư cách cũng gần quan trọng bằng sức khỏe. Thiên chức cao cả nhất của giáo dục là biến đổi những cá nhân thô lỗ thành những con người đáng kính trọng trong cộng đồng, nghĩa là thành những cá nhân luôn luôn chú ý đến người khác”.
Sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta đã có đủ độ lùi thời gian để xác định các ý cụ thể quan trọng sau đây là hết sức đúng đắn, là bắt buộc phải tuân theo. Đó là: Người có đủ tư cách phải có đủ sức khỏe tốt. Vì nếu không có sức khỏe thì không hy vọng thực hiện được bất cứ ý định nào dù là nhỏ nhất. Người xưa đã dạy: “Một tâm hồn cao đẹp nằm trong một cơ thể khỏe mạnh”. Có sức khỏe tốt, thời bình phục vụ sản xuất, thời chiến phục vụ chống giặc giữ nước. Nhiều môn phái, nhiều lò võ thuật Việt Nam đã được truyền bá rộng rãi trong nước và sang cả nước ngoài, kể cả một số nước ở châu Âu, châu Mỹ nhờ tính phổ cập và tính cộng đồng cao của các bài tập nâng cao sức khỏe hàng ngày.
Khi ông Durant đề cao sức khỏe con người là số một thì ông cũng nhấn mạnh, cũng coi tư cách con người cần phải được xem trọng gần bằng sức khỏe. Mà trong tư cách của con người thì tính cộng đồng, việc phải luôn quan tâm đến người khác, vì người khác là điều cốt yếu nhất. Trong suốt thế kỷ XX và trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI tất cả các sách dạy làm người đều nêu cao khẩu hiệu: “Vì cộng đồng mà phục vụ”. Tính quan tâm cộng đồng, phương pháp làm việc theo tổ, theo nhóm, theo chuyên đề ngày càng được chứng minh là có kết quả kỳ diệu. Tính xã hội hóa đối với cả các công trình lý thuyết cũng như thực hành đã trở thành lẽ sống, trở thành quy luật phát triển của xã hội hiện đại. Sự thật mấy chục năm qua trên thế giới đã chứng minh rất rõ điều này: Tất cả các tiến bộ của loài người đều nhờ vào quần chúng đông đảo, mà trong đó mỗi cá nhân con người phải là một mắt xích vững chắc, một thành viên tích cực. Các nhà viết Từ điển Bách khoa của thế kỷ XXI đã thống nhất bỏ mục từ “Bàn tay vàng” trong phẫu thuật vốn được dùng ở thế kỷ trước. Vì sao? Vì nếu không có một tập thể các nhà gây mê hồi sức giỏi, các nhà hóa sinh, huyết học, miễn dịch, theo dõi người bệnh suốt cả cuộc mổ thì dù phẫu thuật viên có khéo tay đến đâu cũng không thể vượt qua được những thách thức của một cuộc Đại phẫu thuật như ghép phủ tạng, như phẫu thuật não, phẫu thuật tim, phổi …
Đại văn hào Victor Hugo đã khái niệm một cách chuẩn mực nhất vai trò cá nhân, tư cách cá nhân đối với tập thể khi ông viết: “Trong mọi cơ hội, dù tư hay công, tôi sẵn sàng phụng sự như một người đầy tớ hết lòng”. Ôi cao quý thay việc thấm nhuần của mỗi con người, việc giác ngộ của mỗi con người để có được một tư cách cá nhân siêng năng, tận tụy, trung thành hết lòng vì việc chung, vì người khác mà chỉ dám tự coi mình là người đầy tớ, người giúp việc trung thành mà thôi.
Như vậy, chúng ta đã thấy rõ từ Victor Hugo đến Durant, hai bậc hiền triết đã hết sức ca ngợi việc hiến thân, lòng phụng hiến của mỗi cá nhân đối với tập thể, với cộng đồng, với người khác. Việt Nam ta cũng có câu: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Lại có bài học trong sách giáo khoa học làm người: “Một chiếc đũa thì dễ bẻ gẫy, một bó đũa thì đố ai bẻ được”. Tất cả những điều này đều ca ngợi sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!
Sang ý lớn thứ hai trong “Những bài học của lịch sử”, bàn về tư cách con người, Will Durant viết: “Bạn đừng bao giờ nói xấu ai cả. Những lời nói xấu không sớm thì muộn sẽ luôn luôn rớt xuống đầu chính kẻ thốt ra, và có thể làm hại cho sự thành công của kẻ đó trên bước đường đời”. Ai đọc đoạn này cũng toát mồ hôi. Vì có người sau 10 năm, 20 năm mới thấm đòn do họ đã nói xấu người khác trước đó.
Qua ý của Durant ta hiểu rằng: Nói xấu người khác, nói xấu cộng đồng khác tuy không phải là một tội lỗi hay một khuyết điểm gì quá lớn, nhưng rõ ràng đó là một thói hư, tật xấu có hại cho bản thân người đó cả trước mắt lẫn về lâu dài.
Biện pháp để rèn luyện kỹ năng “Không bao giờ nói xấu ai, không có thói quen nói xấu, không dám nói xấu …” gồm có:
– Cha mẹ phải làm gương cho trẻ em noi theo, không bao giờ được nói xấu ai trước mặt con trẻ, không bao giờ được nói xấu nhau (cha mẹ cãi nhau, to tiếng với nhau rồi mất bình tĩnh đâm nói xấu nhau…) trước mặt trẻ.
– Trong lớp học, tại gia đình, nếu thấy trẻ em mắc tật nói xấu người khác phải cương quyết, nghiêm khắc, kiên trì giáo dục bằng được, cho đến khi trẻ không còn thói quen nói xấu người khác nữa.
– Chọn bạn tốt, bạn trung thực, bạn không biết nói dối, không biết nói xấu người khác mà giao du, mà kết bạn lâu dài. Vì như nhà triết học Théognis đã viết: “Bạn bè xấu là những nguồn gốc tai hại”. Một vài gợi ý:
Nếu ta ở gần người hay nói xấu người khác, ta phải thấy khó chịu và tránh xa họ thì mới chứng tỏ ta rất ghét thói nói xấu người khác.
Tuyệt đối không nhận xét xấu tốt về ai khi người đó vắng mặt, dù ở cơ quan hay ở cộng đồng dân cư.
Trên tinh thần đấu tranh phê bình, ta phải thẳng thắn và chân tình góp ý trực tiếp với ai có tật hay nói xấu người khác, dù người ấy là cấp trên hay bề trên của mình.
Nếu bây giờ ta đặt vấn đề theo chiều ngược lại, nghĩa là nếu có một gia đình, nếu có một cộng đồng dân cư, nếu có một xã hội mà không ai quan tâm đến người khác, hay nói xấu lẫn nhau thì cộng đồng đó, gia đình đó, xã hội đó sẽ ra sao? Với thời gian, chúng ta càng biết ơn ông bà Durant vì những tổng kết quá sắc sảo của họ.
Để khép lại bài viết, nhớ một nguyên tắc nhẹ nhàng mà thân ái, có kết quả tốt, đó là nguyên tắc của Pubilius Syrus (Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên): “Nếu muốn trách bạn, xin hãy kín đáo; nếu muốn khen bạn, xin hãy công khai”.