Tuyến tụy là gì? Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan

Tụy nằm ở đâu

1. Tuyến tụy là gì?

Tụy là một cơ quan nằm sau phúc mạc, sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng. Đây là một tuyến thuộc bộ máy tiêu hóa vừa đảm nhiệm chức năng ngoại tiết (tụy sản xuất và bài tiết các dịch tụy chứa các men tiêu hóa hay enzyme tiêu hóa), vừa đảm nhiệm chức năng nội tiết (tụy sản xuất và tiết vào trong máu các nội tiết tố hay hormon).

2. Cấu tạo của tuyến tụy

Tụy có cấu trúc gồm ba phần: đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Đầu tụy nằm sát đoạn tá tràng và đuôi tụy kéo dài đến sát lách. Ống tụy nằm dọc suốt chiều dài của tụy và dẫn lưu dịch tụy đổ vào tá tràng. Tụy có khối lượng khoảng 80 gram, có màu trắng nhạt, ở một số loài động vật có thể có màu hồng nhạt, mỗi ngày trung bình tụy có thể tiết ra khoảng 0,8 lít dịch tiết.

3. Chức năng của tuyến tụy

Tụy là một tuyến thuộc bộ máy tiêu hóa của con người. Chúng sản xuất dịch tiêu hóa có khả năng tiêu hóa hầu hết các thành phần thức ăn (tụy ngoại tiết – chức năng ngoại tiết) và còn sản xuất nội tiết tố hay hormon trong máu (tụy nội tiết – chức năng nội tiết).

3.1. Chức năng ngoại tiết (Tụy ngoại tiết)

Tụy được bao bọc bởi bao tụy. Bao tụy cũng có tác dụng phân chia tụy thành các tiểu thùy. Nhu mô của tụy được cấu tạo bởi các tế bào tụy ngoại tiết. Các tế bào này chứa đựng rất nhiều các hạt nhỏ chứa enzyme tiêu hóa dưới dạng tiền chất. Khi có kích thích thích hợp, các men tụy sẽ được tiết vào ống tụy và sau đó đổ vào ruột non.

Dịch tụy là nguồn chứa các men tiêu hóa mỡ và protein còn niêm mạc ruột lại có các men tiêu hóa được đường. Dịch tụy cũng chứa các ion bicarbonate có tính kiềm để trung hòa lượng dịch lượng acid trong thức ăn từ dạ dày đi xuống.

Việc kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy được thực hiện thông qua các men (enzyme). Các men này được các tế bào của dạ dày và tá tràng tiết ra dưới kích thích của thức ăn hiện diện trong ống tiêu hóa và bởi chính dịch tụy.

Vì một lý do nào đó như sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương…, các men kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy được hoạt hóa ngay trong lòng tụy gây nên sự tự tiêu hủy tụy gọi là viêm tụy cấp. Trên lâm sàng có thể gặp tình trạng viêm tụy cấp do sỏi, do giun chui ống mật – tụy…

3.2. Chức năng nội tiết (tụy nội tiết)

Tụy nội tiết là một phần nhỏ của tuyến tụy thường nằm ở gần mạch máu, đổ vào tĩnh mạch cửa. Tụy nội tiết có chức năng tiết các hormone quan trọng là insulin, glucagon và các hormone khác. Tụy nội tiết gồm ba loại tế bào chính là: tế bào anpha, tế bào beta, tế bào delta. Trong ba loại này thì tế bào beta chiếm số lượng nhiều nhất và sản xuất insulin. Các tế bào anpha sản xuất glucagon và tế bào delat sản xuất somatostatin. Somatostatin có tác dụng làm giảm nồng độ của glucagon và insulin trong máu.

4. Các bệnh lý tuyến tụy

Do sự hoạt động bất thường hay ảnh hưởng bởi các tác nhân như ký sinh trùng, nhiễm trùng, chấn thương khiến tụy có thể bị tổn hại và gặp phải một số bệnh lý như: u tụy, ung thư tuyến tụy, viêm tụy (viêm tụy cấp thường gặp, viêm tụy mạn tính), tiểu đường (đái tháo đường), nang giả tụy (biến chứng của viêm tụy cấp), giun chui ống tụy.