Tuyến tiền liệt góp phần tạo ra tinh dịch và cung cấp năng lượng cho tinh trùng, hỗ trợ tinh trùng “hoàn thành sứ mệnh trọng đại” của nó. Tuyến “nhỏ mà có võ” này còn đóng vai trò trong việc kiểm soát tiểu tiện ở nam giới.
Tuyến tiền liệt nằm ở phía dưới bàng quang, bọc quanh phần đầu niệu đạo ngay dưới bàng quang (niệu đạo sau). Qua hậu môn có thể sờ thấy được tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt ở nam giới trưởng thành khoảng 15 – 25gr, hình như trái lê nhỏ, sờ thấy chắc, chiều rộng trung bình khoảng 4cm, cao 3cm và dày 2,5cm.
Tuyến tiền liệt được cấu tạo bao gồm 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Lớp đệm bao quanh tuyến tiền liệt và co bóp trong lúc phóng tinh, đổ chất tiết từ tuyến tiền liệt vào niệu đạo.
Tạo ra tinh dịch, nuôi dưỡng tinh trùng
Ở lứa tuổi nhi đồng, tuyến tiền liệt rất nhỏ, chỉ như hạt đậu và không đảm nhận bất cứ nhiệm vụ nào đối với cơ thể. Đến tuổi thiếu niên, tuyến tiền liệt phát triển nhờ vào sự kích hoạt mạnh mẽ của testosterone. Đến thời kỳ thanh niên, trọng lượng của nó trên dưới 20gr và đã có những chuẩn bị tốt cho những bước tiếp sau.
Đến tuổi dậy thì tuyến tiền liệt bắt đầu “vận hành”. Tuyến này tiết ra chất dịch để hình thành tinh dịch, cung cấp năng lượng cho tinh trùng. Nhờ có sự hộ tống và nguồn dinh dưỡng của chất dịch này mà tinh trùng mới hoàn thành được sứ mạng trọng đại của nó. Thời thanh niên của nam giới chính là giai đoạn tuyến tiền liệt làm việc bận rộn nhất. Nếu tuyến này luôn trong trạng thái “vận hành” quá tải, có thể làm giảm sức đề kháng, cộng thêm việc thiếu chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, tuyến tiền liệt có thể bị viêm nhiễm.
Nếu biết quan tâm chăm sóc, tuyến tiền liệt sẽ mãi mãi trẻ trung, sung sức và thực hiện tốt các chức năng đối với sức khỏe nam giới. Nếu không được quan tâm đúng mức, tuyến tiền liệt rơi vào tình trạng viêm nhiễm, phì đại quá mức mà không được điều trị, nó sẽ gây ra nhiều phiền toái.
Ảnh hưởng của tuyến tiền liệt đến sự tiểu tiện
Khi bước vào tuổi bốn mươi, tiền liệt tuyến bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa. Lúc đó, testosterone trong cơ thể giảm đi, các tế bào tuyến tiền liệt co lại, các tế bào “nhàn rỗi” xung quanh nó có sự phát triển khác thường, tuyến này bắt đầu tăng thể tích, trọng lượng dẫn tới tình trạng phì đại. Đến một lúc “nặng nề”, tuyến tiền liệt giống như một quả núi đè nặng lên niệu đạo gây trở ngại cho việc bài tiết nước tiểu, gây tiểu lắt nhắt, tiểu rắt, tiểu khó, thậm chí không thể tiểu tiện được, làm thận bị ứ nước hoặc suy thận gây nguy hiểm đến tính mạng. Có trường hợp tế bào tuyến tiền liệt trở thành tế bào ung thư, đây là điều chúng ta cần cảnh giác.
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh có diễn tiến chậm. Trung bình mỗi năm thể tích tuyến tiền liệt tăng lên thêm 1-2 cm3 và lưu lượng dòng tiểu tối đa sẽ giảm đi 0,2ml/giây. Bướu càng lớn thì tốc độ phát triển của bướu càng nhanh. Tuy nhiên mức độ lớn của tuyến tiền liệt không tương ứng với mức độ nặng của các triệu chứng rối loạn đi tiểu. Theo thời gian: 55% bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tiểu ngày càng nặng hơn; 30% bệnh nhân có triệu chứng không đổi và 15% bệnh nhân có sự cải thiện các triệu chứng rối loạn đi tiểu.