Phân tích data on-chain (dữ liệu trên mạng blockchain) luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong những quyết định đầu tư. Khi mà mọi thứ trên blockchain đều được công khai và rất dễ dàng để truy cập.
Vậy nên trong bài viết này, mình và anh em cùng đi tìm hiểu về từ khóa TXID trong phân tích data on-chain và những chi tiết thú vị xoay quanh nó. Bắt đầu thôi!
TXID là gì?
TXID là viết tắt của Transaction ID (có tên gọi khác là ID, TXHash, hoặc Txn), là một chuỗi các kí tự bao gồm số và chữ cái có tác dụng xác định và phân biệt từng giao dịch diễn ra trên mạng lưới blockchain hoặc trên các sàn giao dịch tiền mã hóa.
Có hai loại TXID phổ biến:
- TXID của các kênh truyền thống (Ngân hàng, các ví thanh toán,…): Có muôn vàn kiểu ghi TXID khác nhau, có thể chỉnh sửa được (nếu như bên cung cấp dịch vụ muốn, vì họ sở hữu data, và gần như chỉ họ mới có thể truy cập vào thông tin của TXID).
- TXID của mạng blockchain (Bitcoin, Ethereum, BNB,…): Có quy chuẩn riêng cho mỗi blockchain, không thể can thiệp hoặc thao túng thông tin (vì được lưu trên mạng blockchain), thông tin về TXID minh bạch trên mạng blockchain.
Điển hình cho một giao dịch trên blockchain Bitcoin sẽ là một chuỗi gồm 64 kí tự (32 bytes) dưới dạng chữ cái và số. Vậy nên sẽ có rất nhiều giao dịch được tạo ra mà không lo việc chúng có TXID trùng nhau.
Ví dụ của TXID của các giao dịch Bitcoin:
- Giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới: f4184fc596403b9d638783cf57adfe4c75c605f6356fbc91338530e9831e9e16
- Giao dịch chuyển Bitcoin lớn nhất, khoảng 161,500 BTC (khoảng 11.3 tỷ đô nếu tính giá ATH BTC $69k): b36bced99cc459506ad2b3af6990920b12f6dc84f9c7ed0dd2c3703f94a4b692
- Giao dịch mua Pizza bằng BTC đầu tiên nổi tiếng: cca7507897abc89628f450e8b1e0c6fca4ec3f7b34cccf55f3f531c659ff4d79
Tra cứu data on-chain mạng Bitcoin: blockchain.com
Có thể làm gì với TXID?
Mỗi TXID sẽ đại diện cho từng giao dịch được thực hiện trên blockchain. Vậy nên, với TXID thì anh em có thể tra cứu tất tần tật về những thông tin có liên quan tới giao dịch trên explorer.
Đọc thêm: Blockchain Explorer là gì?
Sau đây là một ví dụ với một TXID (TX Hash) trên Ethereum, anh em có thể có được những thông tin như sau:
- Status (trạng thái giao dịch): Hoàn thành, không hoàn thành, đang chờ, đang xử lý,…
- Block: Giao dịch thuộc block nào trên blockchain.
- Timestamp: Thời gian tạo ra giao dịch.
- From-To: Ví bên gửi và ví bên nhận.
- Value: Tổng giá trị được gửi (dạng token).
- Transaction Fee: Phí giao dịch (tính bằng ETH nếu anh em sử dụng mạng Ethereum).
- …
Với những thông tin chi tiết này, anh em có thể “đào sâu” vào trong ví của bên gửi và bên nhận để soi thêm thông tin về những giao dịch mà họ từng thực hiện, những token họ đang nắm giữ,… Tất cả thông tin trên blockchain đều được kết nối với nhau.
Tính chất TXID của blockchain
Một trong những tính chất đặc trưng của công nghệ blockchain là tính toàn vẹn của dữ liệu. Điều này được thể hiện qua các giao dịch đã được ghi trên mạng lưới blockchain sẽ không thể bị thay thế hoặc sửa đổi. Nói cách khác, anh em đã bắn cung tên trúng đích (hoàn thành giao dịch) thì không thể thay đổi kết quả được.
Một đặc điểm khác nữa là tính minh bạch của blockchain. Mọi giao dịch trên blockchain đều công khai và có thể tra cứu được qua các blockchain explorer (giống như Google của blockchain vậy). Đây là một công cụ rất hữu ích cho anh em muốn tìm hoặc theo dõi các ví cá voi, hay cả chính ví crypto của anh em.
TXID đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành và duy trì tính ổn định của mạng blockchain. Dòng chuỗi này giúp việc theo dõi trạng thái của giao dịch và mạng blockchain. Giả sử giao dịch của anh em có không thành công thì cũng sẽ được lưu trên blockchain với một TXID riêng.
Làm thế nào để theo dõi giao dịch thông qua TXID?
Trên mạng Ethereum
Ethereum đang là blockchain có hệ sinh thái bao gồm các Dapps phát triển nhất trong thế giới crypto. Mỗi một ngày, có trung bình khoảng từ 1 đến 1.5 triệu giao dịch diễn ra trên mạng lưới Ethereum, tương ứng sẽ có khoảng 1 đến 1.5 triệu TXID khác nhau được tạo ra.
Bên trên là một ví dụ của TXID hay Transaction Hash trên mạng lưới Ethereum, được kiểm tra trên etherscan. Cá nhân mình rất thường xuyên sử dụng explorer để theo dõi ví của các các mập hoặc những top holders của các đồng altcoin có vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ với một vài thao tác thì anh em có thể biết được là ví nào đang mua/bán token và hold với số lượng bao nhiêu.
Bên cạnh việc dùng TXID để tìm thông tin, anh em có thể dùng địa chỉ ví, block, token, hoặc “thời thượng” hơn khi dùng ENS (Ethereum Name Service) để tìm thông tin trên mạng blockchain sao cho phù hợp với nhu cầu.
Trên mạng BNB
Mạng BNB (trước đó là Binance Smart Chain) đang xử lý khoảng 5 – 6 triệu giao dịch mỗi ngày, đỉnh điểm nhất là khoảng 16 triệu giao dịch vào ngày 25/11/2021. Nhìn chung, về thông tin data trên BNB cũng cực kì đầy đủ nếu so với Ethereum.
Polkadot Subscan
Gavin Wood, Founder của Polkadot, đã tự quyên góp 298,367 DOT (khoảng 5.6 triệu đô ở thời điểm viết bài) cho ví DOT của nhà nước Ukraine vào đầu tháng 3, 2022. Người sáng lập này đã thực hiện lời hứa của mình khi Twitter của Ukraine đã chấp nhận quyên góp qua ví DOT, khi mà trước đó chỉ nhận BTC, ETH và USDT trên mạng Ethereum.
Anh em có thể tự tay mình vào kiểm tra đã có gần 300 ngàn DOT được chuyển cho ví DOT của nhà nước Ukraine vào ngày 1/3/2022.
⇒ Mỗi blockchain sẽ có nhiều explorer khác nhau được tạo nên bởi chính team phát triển blockchain này hoặc là bởi một team thuộc bên thứ ba tham gia. Vậy nên đã là công nghệ blockchain thì chắc chắn anh em sẽ tra cứu được giao dịch và nhiều thông tin liên quan khác.
Truy quét tội phạm bằng TXID
Khi mà crypto càng trở nên phổ biến theo thời gian, kéo theo đó sẽ có hàng loạt phi vụ lừa đảo (exploit) từ quy mô rất nhỏ giữa các cá nhân đến những vụ lừa đảo mang tầm cỡ thế giới. Những phi vụ này không chỉ mở rộng về quy mô mà sẽ có hình thức lừa đảo ngày càng phức tạp, khó nhận biết và phát giác.
Đọc thêm: Đặc điểm các vụ Exploit
Sau mỗi vụ lừa đảo/exploit, thì những người bị hại luôn muốn đòi lại công bằng cho chính mình. Nhưng để mang lại công bằng thực sự và tìm ra danh tính những kẻ lừa đảo, thì cần phải có sự can thiệp của các tổ chức tư nhân có chuyên môn cao hoặc thậm chí là cơ quan chức năng sẽ vào cuộc.
Bitfinex Hack Năm 2016
Vụ Bitfinex Hack vào tháng 8 năm 2016 đã gây chấn động toàn thị trường crypto lúc bấy giờ, hacker đã đánh cắp gần 120k BTC (giá khoảng 72 triệu đô tại thời điểm hack và 4.5 tỷ đô ở thời điểm viết bài). Sau gần 6 năm điều tra bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Department of Justice) đến đầu năm 2022 thì sự việc mới được làm rõ.
Tất cả số gần 120k BTC bị hack được chuyển vào trong 1 ví Bitcoin và hầu như không được sử dụng trong nhiều năm, vì hacker biết là mình đang bị theo dõi bởi cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hacker cũng đã nghĩ ra nhiều cách để “rửa” số BTC này ra tiền, trong đó là có chuyển giữa các ví và các sàn với nhau để đánh lạc hướng.
Nhưng nỗ lực rửa tiền của hacker đã bị dập tắt khi FBI đã truy ra những giao dịch đó và tiến hành bắt giữ cặp đôi vợ chồng: Ilya Lichtenstein (34 tuổi) và vợ Heather R. Morgan (31 tuổi) vì tội lừa đảo.
Sau khi bắt được thủ phạm, số crypto bị hack đã được thu hồi và nạn nhân có thể claim lại được số BTC đã mất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì nạn nhân sẽ có thể mất vài năm để mà có thể nhận được số BTC đã mất.
⇒ Trong vụ việc này thì TXID rất quan trọng, giúp cơ quan điều tra theo dõi được số tiền bị hack và lần theo từng dấu vết để truy ra kẻ phạm tội. Vẫn còn rất nhiều vụ hack/exploit đang được điều tra qua TXID và data on-chain nhưng chưa có lời giải. Nhưng theo mình nghĩ, dù sớm hay muộn thì thủ phạm cũng sẽ bị tìm ra.
Kết luận
Vậy là mình và anh em đã tìm hiểu qua về TXID và những thông tin hữu ích xung quanh những dòng chữ và số dài ngoằng khó hiểu này. Giờ đây, anh em không cần phải chụp màn hình để chứng minh mình đã chuyển khoản khi giao dịch nữa, mà có thể gửi trực tiếp TXID để họ tự xác minh thông tin trên blockchain.