Tỳ và vị là hai tạng giữ những nhiệm vụ khác nhau trong cơ thể nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ với hệ tiêu hóa. Nhờ có sự kết hợp của hai tạng này mà quá trình hấp thu, vận chuyển thức ăn và chất dinh dưỡng mới được diễn ra thuận lợi. Vậy tỳ vị là gì và có những bệnh nào liên quan đến tỳ vị?
14/11/2022 | Khám phá 7 cơ quan chính trong hệ tiêu hóa24/10/2022 | Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì? Gợi ý những món ăn tốt cho hệ tiêu hóa11/10/2022 | Chuyên gia giải đáp: Thời gian tiêu hóa thức ăn là bao lâu?
1. Tỳ vị là gì?
Sách cổ mô tả vị là một cơ quan rỗng, phía trên tiếp giáp với thực quản còn bên dưới lại thông với tiểu trường. Khi thức ăn từ miệng vào sẽ đi qua thực quản rồi đến vị và được làm chín bởi vị. Tỳ nằm phía bên trái vị, đảm nhận vai trò hấp thu và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Tỳ vị là hai tạng khác nhau của hệ tiêu hóa
Vậy tỳ vị là gì? Đây là sự kết hợp của hai cái tên thuộc 2 hệ thống chức năng – cấu trúc cơ thể được đặt trong mối quan hệ với các hệ thống khác. Cả tỳ và vị đều có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển thức ăn nên khi mắc bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng của đường tiêu hóa.
2. Các bệnh lý có liên quan đến tỳ vị
2.1. Bệnh lý tỳ
– Tỳ khí hư
Nguyên nhân khiến tỳ khí hư là do cơ thể bị yếu vì dinh dưỡng kém, lao động quá sức. Tạng tỳ chính là dạ dày với nhiệm vụ vận hóa thủy thấp, vận hóa đồ ăn, thống huyết nên khi tạng tỳ hư sẽ sinh ra các triệu chứng: cơ bắp mềm nhũn, chân tay yếu, khả năng tiêu hóa kém, đi ngoài phân nát, lưỡi có rêu trắng và nhạt màu, ăn không ngon miệng, thở có mùi, mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, thở hụt hơi, ngại nói,…
Khi chức năng vận hóa của tỳ bị mất sẽ sinh ra cảm giác đầy bụng, nhất là sau khi ăn, mạch hư, lưỡi nhạt và trắng, đi ngoài phân lỏng,… Trường hợp tỳ hư hạ hãm sẽ sinh ra lỵ mạn tính, ỉa chảy, sa trực tràng, mạch hư nhược,… Nếu bị tỳ hư không thông huyết người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, rong kinh, máu kinh ra nhiều,…
– Tỳ dương hư
Sở dĩ tỳ dương hư là vì tổn thương tỳ khí hoặc ăn quá nhiều đồ ăn lạnh. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: đau bụng khi trời lạnh, đầy bụng (nếu được chườm nóng sẽ giảm), tiêu chảy, lạnh người và tay chân, mạch trầm trì, lưỡi rêu trắng,…
Người mắc bệnh về tỳ thường có triệu chứng đầy, trướng hoặc đau bụng
– Tỳ hàn thấp
Bị tỳ hàn thấp chủ yếu do gặp phải mưa lạnh, ăn đồ lạnh hoặc ẩm thấp. Những tác nhân này khiến tỳ bị tổn thương và mất chức năng vận hóa. Người bị tỳ hàn thấp thường có triệu chứng: lợm giọng, bụng trướng và đầy hơi, buồn nôn, cơ thể nặng nề và mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng, tiểu ít, không có cảm giác khát nước, ra khí hư màu trắng, mạch như hoãn, lưỡi có rêu trắng,…
– Tỳ thấp nhiệt
Bệnh tỳ thấp nhiệt còn được biết đến với cái tên khác là cam tích, tỳ nhiệt. Người bệnh sẽ gặp tình trạng: buồn nôn, lợm giọng, đầy bụng, mệt mỏi, đi ngoài có lẫn bọt trong phân, bụng đau quặn thành từng cơn, sốt, đắng miệng, nước tiểu màu vàng, môi đỏ, lưỡi có rêu màu vàng, mọc nhiều mụn nhọt, mạch nhu sác,…
– Tỳ hư vì giun sán
Sự xâm nhập của giun sán khiến cho tỳ bị tổn thương và xuất hiện triệu chứng: trướng và đầy bụng, đau bụng, mặt vàng, ợ hơi,…
2.2. Bệnh lý vị
– Vị hàn
Triệu chứng điển hình của bệnh vị hàn là đau ở thượng vị, rêu lưỡi màu trắng bóng, nôn ra nước trong, mạch trầm trì. Để điều trị vị hàn cần ôn vị tán hàn với các vị thuốc: bạch thược, quế chi, sinh cương. Ngoài ra, có thể tiến hành châm cứu tại huyết trung quan, thiên khu, lương môn và túc tam lý.
– Vị nhiệt
Người bị vị nhiệt sẽ xuất hiện tình trạng: thích dùng nước mát, đau rát ở thượng vị, thường xuyên khát nước, thở mùi hôi, ợ chua, ợ hơi, răng lợi sưng đau, lưỡi đỏ và có rêu vàng, mạch sác,…
– Vị thực
Triệu chứng lâm sàng của vị thực thường xuất hiện sau khi ăn nhiều đồ ăn ngọt béo. Người bệnh sẽ bị đầy tức bụng, nôn ra chất có chua, đi ngoài phân lỏng, mạch hoạt, rêu lưỡi dày.
– Vị hư
Do vị hư nên người bệnh sẽ sốt cao, khô môi miệng và chán ăn, táo bón, đi tiểu ít và nước tiểu có màu sẫm, mạch tế sắc, lưỡi đỏ nhưng không có rêu.
3. Dấu hiệu nhận biết bất thường ở tỳ vị là gì và cách xử trí
3.1. Dấu hiệu nhận biết bất thường ở tỳ vị
Nếu bạn chưa biết dấu hiệu cho thấy bất thường ở tỳ vị là gì thì có thể căn cứ trên những gợi ý sau:
Khi có triệu chứng tiêu hóa bất thường nên khám bác sĩ chuyên khoa để biết đang mắc bệnh tỳ vị gì và điều trị
– Biểu hiện ở môi
Người có tỳ vị yếu môi thường bị tái, khô, không hồng hào, dễ bị lột và nứt da. Các biểu hiện sưng nướu, hôi miệng, chảy nước miếng trong khi ngủ,… hầu hết đều liên quan đến tình trạng tỳ vị tiêu hóa kém.
– Biểu hiện ở mũi
Bị tỳ vị yếu sẽ có khứu giác kém nhạy cảm, khô mũi, chảy máu mũi, sổ mũi,… Các trường hợp bị đỏ mũi hầu hết đều vì vị bị nhiệt. Ngoài ra, tỳ vị có vấn đề cũng sẽ khiến cho đầu mũi bị đau.
– Biểu hiện ở mắt
Do tỳ vị yếu nên người bệnh bị thiếu máu và ảnh hưởng đến gan sinh ra tình trạng mắt nhìn mờ, hay mỏi mắt. Khả năng hấp thụ của cơ thể và tỳ liên hệ mật thiết với nhau nên khi mắt hay bị đỏ hoặc bị sưng mặt cũng có thể cảnh báo tỳ gặp vấn đề.
– Biểu hiện ở tai
Yếu tỳ vị khiến cho thận khí không đủ từ đó sinh ra tình trạng ù hoặc điếc tai. Cũng có những trường hợp tỳ vị không khỏe xuất phát từ tâm lý không tốt hoặc quá mệt mỏi. Người có tỳ vị yếu thường bị lạnh chân tay, đau bụng vào mùa xuân, thường xuyên cảm thấy không có sức lực,…
3.2. Cách xử trí với bệnh tỳ vị
Nói tóm lại, bệnh tỳ vị là gì? Đây chính là bệnh có liên quan đến đường tiêu hóa nên sẽ sinh ra hàng loạt các triệu chứng bất thường về tiêu hóa khiến cho sức khỏe suy giảm. Muốn xử trí dứt điểm tình trạng này, cách tốt nhất là người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được đánh giá, chẩn đoán đúng tình trạng bệnh. Những trường hợp có nhu cầu điều trị đông y thì cần thăm khám bởi các bác sĩ y học cổ truyền.
Ngoài những nội dung trên đây, nếu vẫn còn băn khoăn bệnh tỳ vị là gì, quý khách hàng có thể gọi tới hotline chăm sóc sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp cụ thể về vấn đề mà quý khách quan tâm.