Giới thiệu – Uông Bí

Uông bí ở đâu

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN – XÃ HỘI THÀNH PHỐ

Vị trí địa lý

Uông Bí nằm cách Thủ đô Hà Nội 130 km, cách thành phố Hải Dương 60 km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30 km, cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 45 km; có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy rất thuận tiện cho việc giao lưu, tiêu thụ hàng hóa. Uông Bí nằm trong vùng tam giác động lực phát triển miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, do đó rất thuận tiện cho việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt trên địa bàn thị xã có khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp Quốc gia Yên Tử (Kinh đô Phật giáo – Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam), Đình Đền Công; các khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Hang son, Ba Vàng, Chùa Phổ Am và các khu du lịch sinh thái như: Hồ Yên Trung, Lựng Xanh… Đây là những tiềm năng nổi trội, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch, dịch vụ của Thành phố cũng như của tỉnh Quảng Ninh; Uông Bí có nguồn tài nguyên khoáng sản than rất lớn (khu vực có trữ lượng than lớn nhất Quảng Ninh) đang được khai thác; đây là ngành công nghiệp quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp điện, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các khu công nghiệp tập trung tại Vàng Danh, khu vực phía Nam Quốc lộ 18A, ven Quốc lộ 10 và khu đê Vành Kiệu… Thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Bản đồ hành chính thành phố Uông Bí

Phía Bắc giáp huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)

Phía Nam giáp huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng)

Phía Đông giáp huyện Hoành Bồ và huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh)

Phía Tây giáp huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh)

Địa hình, địa mạo

Uông Bí nằm trong dải cánh cung Đông Triều – Móng Cái, chạy dài theo hướng Tây – Đông; kiến tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc cao nhất là núi Yên Tử với độ cao 1.068m, núi Bảo Đài cao 875m, phía Nam thấp nhất là vùng bãi bồi, trũng ngập nước ven sông Đá Bạc. Thành phố Uông Bí với 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ phía Bắc xuống phía Nam và được phân tách thành 3 vùng rõ rệt:

Vùng cao: chiếm 65.04% tổng diện tích tự nhiên của Thành phố, bao gồm các xã Thượng Yên Công, phường Vàng Danh và phần diện tích nằm ở phía Bắc Quốc lộ 18A thuộc các phường Nam Khê, phường Bắc Sơn, Thanh Sơn, Quang Trung, Trưng Vương và xã Phương Đông.

Vùng thung lũng: nằm giữa dãy núi cao phía Bắc và dãy núi thấp phía Nam có địa hình thấp, chạy dọc theo đường 18B từ Nam Mẫu đến Vành Danh thuộc xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh- có diện tích rất nhỏ, chiếm 1,2% diện tích tự nhiên Thành phố.

Vùng Thấp: bao gồm các xã, phường nằm ở phía Nam Quốc lộ 18A như xã Phương Nam, Phương Đông, phường Nam Khê, phường Quang Trung, Trưng Vương, xã Điền Công. Vùng này địa hình bằng phẳng, chủ yếu là các cánh đồng phù sa ven sông có độ dốc cấp I (0÷80) nằm xen giữa các kênh rạch, ruộng canh tác ở độ cao từ 1÷5m so với mặt nước biển với diện tích 7.700 ha chiếm 26,90% diện tích tự nhiên Thành phố.

Ảnh Chùa Đồng Yên Tử nằm trên núi Yên Tử

Khí hậu

Do vị trí địa lý và địa hình nằm trong cánh cung Đông Triều – Móng Cái, có nhiều dãy núi cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam đã tạo cho Uông Bí một chế độ khí hậu đa dạng, phức tạp vừa mang tính chất khí hậu miền núi vừa mang tính chất khí hậu miền duyên hải.

Dãy núi Bình Hương với độ cao 384 – 358 m nằm giữa vùng núi Yên Tử và núi Bảo Đài đã tạo nên dải thung lũng dài, hẹp và vùng đất thấp làm cho khí hậu Uông Bí phân thành nhiều tiểu vùng khác nhau: vùng núi cao phía Bắc đường 18B có khí hậu miền núi lạnh và mưa vừa; vùng núi cao dọc đường 18B có khí hậu thung lũng, ít mưa, mùa hè nóng, mùa đông lạnh; vùng núi nằm giữa phía Nam đường 18B và phía Bắc đường 18A kéo dài đến hạ lưu sông Đá Bạc có tích chất khí hậu miền duyên hải.

Nhiệt độ trung bình năm là 22,20C. Mùa hè nhiệt độ trung bình 22 – 300C, cao nhất 34 – 360C. Mùa đông nhiệt độ trung bình 17 – 200C, thấp nhất 10 – 120C. Số giờ nắng trung bình mùa hè 6 – 7 giờ/ngày, mùa đông 3 – 4 giờ/ngày, trung bình số ngày nămg trong tháng là 24 ngày.

Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.600mm, cao nhất 2.200mm. Mưa thường tập trung vào các tháng 6,7,8 trong năm, chiếm tới 60% lượng mưa cả năm. Lượng mua trung bình giữa các tháng trong năm là 133,3mm, số ngày có mưa trung bình năm là 153 ngày.

Hướng gió chủ đạo trong năm là hướng Đông Nam thổi vào mùa hè và Đông Bắc thổi vào mùa đông. Trong các tháng mùa hè thường chịu ảnh hưởng của mưa bão với sức gió và lượng mưa lớn.

Độ ẩm tương đối trung bình năm là 81%, độ ẩm tương đối thấp nhất trung bình là 50,8. Gió bão: Uông Bí chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió Đông – Nam vào mùa hè và gió Đông – Bắc vào mùa đông.

Cũng như các huyện thị khác ven biển Bắc Bộ, trung bình mỗi năm có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Uông Bí.

Nhìn chung, khí hậu ở khu vực Uông Bí thuận lợi cho phát triển kinh tế, đời sống và môi sinh. Do địa hình khu vực có nhiều dạng khác nhau nên đã tạo ra nhiều vùng khí hậu thích hợp cho phát triển đa dạng sản xuất nông lâm thủy sản và tao ra các tour du lịch cuối tuần khá tốt cho du khách.

Thủy văn

Thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ chật triểu vịnh Bắc Bộ, biên độ giao thông thủy triệu trung bình 0,6m. Thành phố có 3 con sông chảy qua là sông Bá Bạc, Sông Uông, Sông Sinh. Hệ thống sông suối phần lớn là sông nhỏ, diện tích lưu vực hẹp, nguồn nước và lưu lượng không đáng kể.

Sông Đá Bạc đoạn chạy qua Thành phố (thuộc địa phận xã Phương Nam, Phương Đông, phường Quang Trung) chiều dài 12km, rộng trung bình 400m, độ sâu lúc thủy triều lên đảm bảo cho tàu 5.000 tấn và xà lan 400 – 500 tấn ra vào cảng là đường thủy liên tỉnh, tàu bè và thuyền lớn có thể đi lại vận chuyển vật tư, hàng hóa đi Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại.

Sông Uông được tiếp nối từ sông Vàng Danh, kết thúc ở phần đất phường Quang Trung, là ranh giới nước ngọt và nước mặn, có đập tràn để lấy nước làm mát cho nhà máy điện Uông Bí. Sông Sinh chạy qua trung tâm Thành phố dài 15km, có khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp và nuôi thủy sản.

Uông Bí với địa hình khá phức tạp, rừng bị tàn phá nên mùa mưa gây úng lụt ở các xã, phường phía Nam, mùa khô sông suối bị can kiệt, nước triều lấn sâu vào nội địa làm nhiễm mặn đồng ruộng ở các xã, phường phía Nam, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Thành phố có hai hồ: Hồ Yên Trung 50ha và hồ Tân Lập 16ha, hai hồ lớn này cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các khu vực xung quanh, ngoài ra còn là những địa điểm hấp dẫn khách du lịch tới vui chơi, giải trí.

Hồ Yên Trung – Thành phố Uông Bí

Diện tích tự nhiên

Tổng diện tích đất tự nhiên là 25.630,77 ha. Trong đó đất nội thành là 17.623,5 ha (có 2650,83 ha đất XD đô thị), đất ngoại thị là 8.007,27 ha. Bao gồm:

– Đất ở đô thị: 737,42ha;

– Đất ở nông thôn: 51,61 ha;

– Đất chuyên dùng: 2.831,27 ha;

– Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 21,19 ha;

– Đất nghĩa địa, nghĩa trang: 57,18 ha;

– Đất sông suối, mặt nước chuyên dùng: 2.069,79 ha;

– Đất nông nghiệp: 17.620,1 ha;

– Đất chưa sử dụng: 2.242,21 ha.

Dân số

Ảnh: Một góc của Thành phố Uông Bí

Quy mô dân số: Quy mô dân số của thành phố Uông Bí đến 31/12/2012 là 174.678 người (bao gồm cả dân số thường trú và dân số quy đổi). Trong đó dân số nội thành là 167.049 người, chiếm 95,6% tổng dân số toàn thành phố; dân số ngoại thành là 7.629 người, chiếm 4,4%.

Diện tích, dân số thực tế thường trú thành phố Uông Bí phân theo đơn vị hành chính năm 2013

Stt

Tên đơn vị

hành chính

Diện tích

Tự nhiên (ha)

Dân số thực tế thường trú(người)

Số thôn, khu

Khu vực nội thành:

17.623,5

106.763

63

1

Phường Nam Khê

748,50

9.598

5

2

Phường Trưng Vương

352,67

8.494

7

3

Phường Quang Trung

1.404,88

20.410

12

4

Phường Bắc Sơn

2.744,93

6.846

9

5

Phường Vàng Danh

5.415,91

14.580

12

6

Phường Thanh Sơn

945,71

13.631

11

7

Phường Yên Thanh

1.441,05

8.060

7

8

Phường Phương Nam

2.172,49

12.670

14

9

Phường Phương Đông

2.397,81

12.474

12

Khu vực ngoại thành:

8.007,27

7.539

37

10

Xã Điền Công

1.246,00

1899

3

11

Xã Thượng Yên Công

6.767,27

5.640

8

Tổng số toàn thành phố:

25.630,77

114.302

100

Cơ cấu dân số thay đổi theo hướng tỷ lệ dân số nội thị ngày một tăng, tỷ lệ dân số ngoại thị giảm dần.

Mức tăng dân số năm 2012 là 1,9% (trong đó tăng tự nhiên là 1,13%, tăng cơ học là 0,77%).

Cơ cấu dân số thành phố qua các năm (từ 2009-2012) Đvt: người

Năm

Dân số

Tỷ lệ dân cư (%)

Tổng số

Dân số nội thành

Dân số ngoại thành

Nội thành

Ngoại thành

2010

161.458

129.863

31.595

80,4

19,6

2011

171.422

163.912

7.510

95,6

4,4

2012

174.678

167.049

7.629

95,6

4,4

Mật độ dân số khu vực xây dựng đô thị: 6.931 người/km2.

Cơ cấu lao động

Số lao động làm việc trong ngành kinh tế quốc dân: 52.918 người.

Trong đó:

– Lao động phi nông nghiệp: 48.650 người.

– Lao động nông nghiệp: 4268 người.

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: 91,9%.

Lao động thành phố năm 2009-2012

Lao động trong tuổi làm việc

2009

2010

2011

2012

Người

48.680

50.568

51.664

52.918

Lao động nông nghiệp

Người

4.500

4.418

4.346

4.268

Lao động phi nông nghiệp

Người

44.180

46.150

47.318

48.650

Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp nội thị

%

90,7

91,2

91,5

91,9

Thành phố Uông Bí có lợi thế là trung tâm công nghiệp, du lịch, y tế và đào tạo phía Tây của tỉnh. Trên địa bàn thành phố lực lượng lao động kỹ thuật được đào tạo cơ bản trên đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật.

Tài nguyên Đất

Nhóm đất mặn M (Salic Fluvisols: FLs): hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, biển được lắng đọng trong môi trường nước biển, diện tích 5427ha, chiếm 0,68% diện tích tự nhiên. Phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung, Trưng Vương. Đất mặn sú vẹt đước glây nông Mm-g1 (Epi Gleyi Salic Fluvisols: FLs-g1) 576,59ha, chiếm 2,4% diện tích tự nhiên, phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung, Trưng Vương. Đây là loại đất tốt, độ phì thực tế cao, thích hợp với phần lớn rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên để đạt hiệu quả kinh tế cao khi bố trí nuôi trồng thủy sản cần có chính sách trồng rừng phòng hộ ven đê, giao rừng đến từng hộ quản lý. Giải quyết được việc này sẽ là tiền đề cho phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, bền vững về môi trường sinh thái.

Đất phèn mặn SM (Sali Thionic Fluvisols: FL ts): DT 1.603,87ha, chiếm 6,67% diện tích tự nhiên, phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung, Trưng Vương, Điền Công. Nói chung đất phèn hoạt động ở Uông Bí có tầng sinh phèn và tầng phèn khá nông, pHKCl thấp, độc tố nhôm di động không cao. Những nơi nào có hàm lượng muối cao càng làm cho đất phèn trở nên phức tạp và diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất cũng như môi trường. Phần lớn diện tích đất phèn hiện tại được sử dụng trồng 1-2 vụ lúa năng suất thấp. Để sử dụng tốt đất phèn cần giải quyết thuỷ lợi, chủ động tưới tiêu nước để ém phèn, thoát phèn, kết hợp với chọn các giống cây trồng chịu phèn, tăng cường thâm canh và bảo vệ thực vật. Nơi nào không chủ động được nước ngọt nên chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản.

Đất phù sa P (Fluvisols – FL): diện tích 357,98 ha, chiếm 1,49% diện tích tự nhiên toàn Thành phố, chiếm 45,68% diện tích nhóm đất phù sa. Phân bố ở xã Phương Đông, Phương Nam, các phường: Nam Khê, Trưng Vương, Quang Trung và Điền Công.

Đất phù sa không được bồi có tầng loang lổ glây nông: Pc-l-g1 (Epi gleyi Plinthi Dystric Fluvisols: FLd-p-g1). Diện tích 374,89ha chiếm 1,56% diện tích đất tự nhiên, chiếm 47,55% diện tích đất phù sa, phân bố ở các phường Yên Thanh, Trưng Vương và Quang Trung. (2) Đất phù sa không được bồi có tầng loang lổ glây sâu: Pc-l-g2(Endo gleyi Plinthi Dystric Fluvisols: FLd-p-g2). Diện tích 53,21ha, chiếm 0,22% diện tích tự nhiên, chiếm 6,77% diện tích nhóm đất phù sa, phân bố ở Nam Khê.

Đất xám X (acrisols: AC): đất xám điển hình xẫm màu Xh-u (Umbric Haplic Acrisols: ACh-u). Diện tích 413,27ha, chiếm 1,72% diện tích tự nhiên. Phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Thanh Sơn, Yên Thanh. Đất xám điển hình xẫm màu có độ phì trung bình thấp nhưng thành phần cơ giới tầng mặt nhẹ, thích hợp cho trồng chuyên màu, lúa + màu hoặc chuyên lúa. Tuy nhiên do độ phì không cao nên cần quan tâm bón nhiều phân, nhất là phân hữu cơ, đảm bảo tưới tiêu chủ động. Ngoài ra để bảo vệ đất canh tác cần có các đai rừng chắn cát trôi. Những nơi địa hình thấp cần chú ý tiêu thoát nước trong mùa mưa.

Đất vàng đỏ: (1) Đất vàng đỏ đá lẫn sâu Fv-sk2 (Endo Skeleti Ferralic Acrisols: ACf-sk2) 10.491,78ha chiếm 43,64% diện tích tự nhiên Thành phố, 64,28% diện tích đất vàng đỏ, phân bố ở Thượng Yên Công, Vàng Danh, Bắc Sơn và Thanh Sơn.

(2) Đất vàng nhạt đá sâu: FVv-đ2 (Endo lithi Ferralic Acrisols ACf-l2). Diện tích 5351,28ha chiếm 22,26% diện tích tự nhiên, chiếm 32,79% diện tích đất vàng đỏ. Phân bố ở Thượng Yên Công, Phương Đông; Thanh Sơn, Quang Trung, Bắc Sơn, Trưng Vương, Nam Khê và Vàng Danh.

(3) Đất vàng nhạt đá lẫn sâu FVv-sk2 (Endo Skeleti Ferralic Acrisols: ACf-sk2) 478,21ha chiếm 1,99% diện tích tự nhiên Thành phố, chiếm 2,93% diện tích đất đỏ vàng, phân bố ở Phương Đông, Thanh Sơn, Quang Trung.

Đất vàng đỏ phân bố rộng, đặc điểm của đất phụ thuộc vào địa hình, mẫu chất, thảm thực vật, môi trường sinh thái sử dụng đất. Ở Uông Bí phần lớn đất vàng đỏ nằm ở độ dốc > 200, tầng đất mịn dày 50-100cm đất chua, nghèo bazơ và các chất dễ tiêu, độ phì tự nhiên trung bình thấp. Một phần diện tích còn hoang hoá dưới thảm cỏ hoặc cây lùm bụi, diện tích còn lại được che phủ bằng thảm rừng và một ít cây trồng.

Đất mùn vàng nhạt trên núi: Hv (Humic acrisols: ACu): đất mùn vàng nhạt trên núi đá nông HVv-đ1 (Epi Lithi Humic Acrisols: ACu – l1 ). Đặc điểm cơ bản là có hàm lượng chất hữu cơ rất cao tầng đất mịn mỏng < 50m. Diện tích có 319,34ha chiếm 1,33% diện tích tự nhiên toàn Thị xã. Phân bố ở dãy núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công 169,59ha và Vàng Danh 149,75ha. Đây là loại đất tốt, độ phì tự nhiên rất khá, nhưng đất ở cao, hiểm trở, đi lại rất khó khăn, vì vậy hướng sử dụng chính là khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Đất nhân tác NT (Anthrosols: AT): 1033,11ha chiếm 4,3% diện tích tự nhiên. Phân bố ở Thượng Yên Công 392,34ha; Phương Đông 266,87ha; Thanh Sơn 122,42ha; Quang Trung 38,82ha; Bắc Sơn 115,74ha và Vàng Danh 96,92ha. Hiện nay trên đất ruộng bậc thang vùng đồi núi sản xuất 1 vụ lúa nhờ nước trời. Nếu chủ động nước tưới, loại đất này khá thuận lợi cho đa dạng hoá cây trồng vì thành phần cơ giới nhẹ, thềm cao dễ thoát nước.

Tài nguyên rừng

Năm 2010 diện tích rừng Thành phố Uông Bí là 11.888,7ha, chiếm 46,45% diện tích đất tự nhiên và được phân bố ở Thượng Yên Công, Vàng Danh, Bắc Sơn…

Về trữ lượng: rừng Uông Bí chủ yếu là rừng nghèo (2.756ha với trữ lượng 124.020m3), rừng đạt tiêu chuẩn khai thác không đáng kể (666,46ha) trong đó 528 ha rừng giầu với trữ lượng 52.200m3. Ở đây chủ yếu là các loại rừng gỗ, tre, nứa hỗn giao và có nhiều loại quý hiếm như lát hoá, lim xanh, sến, táu, thông nhựa… (riêng Yên Tử có 8 loại cây có giá trị quý). Ngoài ra rừng Uông Bí (đặc biệt là rừng Quốc gia Yên Tử) còn cung cấp nhiều loại đặc sản khác có giá trị làm đồ thủ công mỹ nghệ như các loại song, mây, hèo, những cây cho sợi, làm thuốc, cây cho dầu… Rừng ngập mặn chủ yếu cây đước phân bố ven sông Đá Bạc. Rừng Uông Bí có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan, giữ gìn các di tích lịch sử văn hoá. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Tài nguyên khoáng sản

Ảnh khai thác than – Công ty than Năm Mẫu

Nguồn khoáng sản hóa thạch lớn nhất của Uông Bí là than đá, trữ lượng vùng than Đông Triều – Mạo Khê – Uông Bí đạt 1,4 tỷ tấn, chiếm 40% trữ lượng than toàn Tỉnh (toàn Tỉnh 3,5 tỷ tấn). Công nghiệp khai thác than Uông Bí đã được thực hiện từ năm 1916. Sản lượng khai thác than hiện nay trên vùng Vàng Danh đạt hơn 5 triệu tấn/năm. Công nghiệp khai thác, chế biến than là ngành công nghiệp chủ đạo có tác động rất lớn đến phát triển KTXH Thành phố. Vì vậy, cần được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất góp phần thực hiện mục tiêu khai thác 13 – 14 triệu tấn của cả nước 2010.

Ngoài than đá, Uông Bí còn có các khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng: đá, sỏi, cát, xi măng, vôi, gạch ngói… phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đáng kể là đá vôi với trữ lượng 28 – 30 triệu m3 phân bố chủ yếu ở xã Phương Nam (hiện nay nhà máy xi măng đã được xây dựng với công suất gần 50 vạn tấn/năm; khai thác đá với quy mô lớn công suất 40 vạn m3/năm); đá sét có trữ lượng 595 nghìn tấn ở bãi sỏi; sản xuất gạch tuynen của Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Ninh công suất 15 triệu viên/năm.

Bảng: Tài nguyên khoáng sản của Thành phố

TT

Tài nguyên

Trữ lượng

Tiềm năng

Địa điểm

1

Than đá (tr.tấn)

300

500

Vàng Danh, Thượng Yên Công, Phương Đông

2

Đá vôi (tr. m3)

28-30

45

Phương Nam, Ph.Đông

3

Đất sét (tr.m3)

20-22

30

Thanh Sơn

4

Cát xây dựng (tr.m3)

5-10

20

Phương Đông, Thanh Sơn

5

Nhựa thông (tấn)

550-600

650

Phương Đông, Bắc Sơn, Trưng Vương, Nam Khê

6

Gỗ các loại (1.000m3)

847

Khoanh nuôi

Rừng phía Bắc Thị xã

Văn hóa

Thành phố đã đầu tư và phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống đô thị được quan tâm, có nhiều tiến bộ. Văn hoá, thông tin, thể thao có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền phổ biến pháp luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị, giáo dục và phục vụ đời sống của nhân dân.

Nhà hát khu vực Miền Tây của tỉnh

Phong trào xây dựng khu phố, làng văn hóa tập trung vào nâng cao chất lượng. Năm 2012, tỷ lệ khu phố, làng văn hoá đạt 80%; cùng với đầu tư của nhà nước, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa được trú trọng. Đến nay đã có 100% khu phố, thôn có nhà văn hóa được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân, hoạt động có hiệu quả. Danh hiệu gia đình văn hóa đạt 89%. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức chu đáo đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Các di tích lịch sử văn hóa được trung ương, tỉnh và thành phố quan tâm được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ tốt; hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước.

Thành phố cùng với các ngành Than, Điện và các cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao của địa phương, đến nay thành phố đã có 1 khu trung tâm văn hoá, 1 khu vui chơi dành cho thanh thiếu niên, 2 sân vận động, 1 rạp chiếu bóng, 4 nhà thi đấu đa năng hiện đại tầm cỡ quốc gia, 5 nhà thư viện và phòng đọc, 3 trạm thu phát chuyển tiếp truyền hình VTV1, VTV2, VTV3, có 4 khu di tích lịch sử văn hoá (khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, đình Đền Công,Đình Lạc Thanh, chùa Hang Son, chùa Ba Vàng), có 2 khu du lịch sinh thái (hồ Yên Trung và Lựng Xanh), đảm bảo đáp ứng đời sống tinh thần của công nhân và nhân dân thành phố. Toàn thành phố đến nay đạt 100 % số hộ dân có ti vi và các phương tiện nghe nhìn khác.