Thị trấn Vân ĐÌnh – Huyện Ứng Hòa

Vân đình ở đâu

THỊ TRẤN VÂN ĐÌNH

1. Điều kiện tự nhiên

Thị trấn Vân Đình có diện tích 5,38km2, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Ứng Hòa. Phía đông thị trấn Vân Đình giáp với xã Phương Tú; phía nam giáp xã Vạn Thái và Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); phía bắc giáp xã Liên Bạt. Với dân số 13.131 người (năm 2012) phân bố trên năm khu phố là Lê Lợi, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đăng Ninh và bốn thôn là Hoàng Xá, Thanh Ấm, Vân Đình, Ngọ Xá.

Thị trấn Vân Đình nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông với cả đường bộ và đường thủy. Địa vực Thị trấn trải dài trên quốc lộ 21B, tuyến đường nối Vân Đình với trung tâm Hà Nội và các huyện khác như Thanh Oai, Mỹ Đức rồi xuống Hà Nam, vào Hòa Bình. Phía bắc và phía nam thị trấn là đường 428 và 429A nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A; phía tây là sông Đáy, ngược lên đến sông Hồng và xuôi xuống sẽ ra biển. Vì vậy, thị trấn Vân Đình có điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng khác, đồng thời có ý nghĩa chiến lược về mặt chính trị và quân sự.

2. Lịch sử hình thành

Thị trấn Vân Đình ngày nay là một vùng đất có lịch sử lâu đời. Về mặt địa danh, tên gọi “Kẻ Đình” và tên chữ “Vân Đình” đã khẳng định đây là địa danh cổ. Theo các sách văn hóa, các thần phả, vào thời nhà Đinh, vùng đất “Kẻ Đình” đã là tụ điểm dân cư đông đúc. Vì mang nhiều dấu ấn của vua Đinh trong cuộc dẹp loạn 12 xứ quân, nên lúc đầu “Kẻ Đình” có tên là “Kẻ Đinh”.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), khu vực Thị trấn ngày nay thuộc ba xã Hoàng Xá, Vân Đình và Thanh Ấm, nằm trong tổng Phương Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng tháng Tám, trải qua nhiều lần chia tách và sáp nhập, đến năm 1957, thị trấn Vân Đình được thành lập, bao gồm làng Vân Đình, chợ Vân Đình và phố Vân Đình. Ngày 23-9-2003, Chính phủ ra Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình, đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của thị trấn Vân Đình trong thời kỳ mới. Toàn bộ xã Tân Phương, thôn Hoàng Xá và một phần thôn Đình Tràng xã Liên Bạt, một phần xã Phương Tú và một phần thôn Thái Bình xã Vạn Thái được sáp nhập vào thị trấn Vân Đình, tạo nên diện mạo mới cho Thị trấn.

3. Truyền thống văn hóa

Vân Đình không chỉ là vùng đất lịch sử, mà còn là vùng đất văn hóa với nhiều truyền thống tốt đẹp được hình thành trong quá trình phát triển.

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Vân Đình có nhiều bậc danh sĩ học rộng tài cao. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Dương Khuê và Dương Lâm. Dương Khuê – hiệu Vân Trì (1839 – 1902), đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư, là bạn của Nguyễn Khuyến, nổi tiếng hay thơ và hay chữ Nôm. Dương Lâm – hiệu Quất Tẩu (1851 – 1920) là em Dương Khuê, đỗ giải Nguyên, làm quan đến chức Thượng thư, và cũng là nhà thơ nổi tiếng. Ngoài ra còn có cụ Nguyễn Thiệu Tường (1893 – 1958), đỗ Tiến sĩ năm 1919 (Kỷ Mùi), từng giữ chức Tri phủ Đồng Xuân (Quảng Nam), Tổng đốc Hưng Yên, Tổng đốc Hải Dương…

Nhân dân Vân Đình có lòng yêu nước, sớm có ý thức dân tộc. Là tụ điểm dân cư đông đúc vào thời nhà Đinh, nhân dân Vân Đình đã ủng hộ nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh xóa bỏ tình trạng cát cứ của 12 xứ quân. Góp phần dựng nên quốc gia Đại Cồ Việt vào thế kỷ thứ X, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Ở thôn Vân Đình có đình Thượng, đình Nhì, đình Ba thờ ba anh em ruột người trang Vân Đình đã mộ binh theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Quán Lục Sĩ ở Thanh Ấm thờ thần Minh Phúc – một tướng của Đinh Bộ Lĩnh có công với nước.

Người dân Vân Đình cũng nổi tiếng với sự tài hoa, khéo léo của mình. Những công trình đình, quán ở thôn Vân Đình và Thanh Ấm được xây dựng từ xa xưa mang đậm những dấu tích nghệ thuật đặc sắc, đã được công nhận là công trình kiến trúc lịch sử – văn hóa. Làng Vân Đình từ triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã có nghề làm gốm, tuy nay không còn nữa nhưng những bức tường trong các con ngõ chạy quanh làng vẫn ghi dấu nghề xưa. Nhiều bức tường trong làng được xây bằng những mảnh sành tận dụng từ những nồi đất, chum vại, sỉ than tạo nên nét đẹp riêng và độc đáo nơi đây. Làng Hoàng Xá cũng nổi tiếng với nghề làm hàng mã, có người đã từng được đưa sang Pháp làm đèn lồng, trang trí cho hội chợ thuộc địa ở Pari. Vân Đình còn nổi tiếng với những món ăn đặc sản như Vịt cỏ Vân Đình, thịt chó Vân Đình, Giò Chả…

Những truyền thống này chính là điều kiện quan trọng để nhân dân thị trấn Vân Đình tiến vào thời kỳ hội nhập, tiếp thu những giá trị mới, hiện đại làm giàu thêm cho quê hương.