Không giống như các loại cỏ lau, cỏ dại,… cỏ vetiver mang đến nhiều ưu điểm vượt trội cả về hình thái và sinh thái. Từ đó, nó được đánh giá là một trong những loại cỏ mang đến nhiều lợi ích trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi và giúp bảo vệ một trường một cách hiệu quả. Để tìm hiểu chi tiết về loại cỏ vetiver này, mời bạn hãy cùng với Điện máy Sakura chúng tôi cùng tham khảo và đọc ngay bài viết dưới đây!
Tìm hiểu về nguồn gốc của cỏ Vetiver
Tìm hiểu về nguồn gốc của cỏ Vetiver
Cỏ vetiver có tên khoa học là Vetiveria Zizanioides L. Đây là loại cỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ và thuộc giống cỏ sống lâu năm. Hiện nay, cỏ vetiver được trồng chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới như Haiti, Java, Reunion,… và một số vùng ở khu vực Châu Phi nhiệt đới, Châu Úc, Trung và Nam Mỹ.
Một nghiên cứu cho thấy cỏ vetiver được chia ra làm 12 loài, trong đó có 2 loài cỏ phổ biến nhất là V.zizanioides và Vetiveria nigritana. Trong đó, V. nigritana được trồng ở những vùng khô hạn, còn loài V. zizanioides sẽ trồng trong những vùng đất ẩm.
Tại Việt Nam, cỏ vetiver còn được ghi nhận với những tên gọi khác như cỏ hương bài hay cỏ hương lau. Giống cỏ này hiện đã và đang được trồng nhiều ở khu vực Thái Bình, Nghệ An để sản xuất dầu thơm. Nguồn gốc cỏ vetiver mà Việt Nam đang trồng là giống cỏ có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc Philipin và thuộc dòng Nam Ấn.
Cỏ vetiver cũng được xem là một loại cây trồng độc đáo, khác hoàn toàn với những loại cỏ dại hay cỏ lau. Cỏ vetiver có giá trị kinh tế cao và thích ứng được với nhiều điều kiện đất đai và thời tiết khác nhau, đặc biệt giống cỏ này cũng rất an toàn cho môi trường tự nhiên.
Cỏ Vetiver có những đặc điểm gì?
Về đặc điểm hình thái:
Cỏ vetiver là loại cỏ ở dạng thân cọng, thường mọc dày đặc thành từng bụi. Từ phía gốc rễ mọc ra được các chồi về nhiều hướng. Thân cỏ vetiver mọc thẳng đứng, có chiều cao khoảng 1,5m – 3m. Phần thân trên của cỏ vetiver không phân nhánh mà chỉ có phần dưới đẻ nhánh mạnh.
Ở phần lá, cỏ vetiver có phiến lá hẹp với chiều dài khoảng 45-100cm, rộng khoảng 6-12mm. Lá cỏ vetiver nhẵn, cùng với đó là phần mép lá nhám.
Cỏ vetiver thường ít ra hoa, nếu có thì hoa thường bất thụ. Giống cỏ này có những cụm hoa là chùy tận cùng, thẳng và dài khoảng 20-30cm, có cuống chung lớn, phân ra nhiều nhánh. Hoa của cỏ vetiver là loại lưỡng tính, không có cuống với hình dẹt và bông hoa thường rất nhỏ.
Về phần rễ, cỏ vetiver có rễ không mọc lan rộng ra như nhiều loại cây khác mà lại cắm thẳng đứng sâu vào lòng đất, từ rễ chính cho đến rễ thứ cấp hay rễ dạng sợi. Rễ của cỏ vetiver thường cắm sâu khoảng 3-5m, rộng khoảng 2,5m, rễ có dạng chùm, xốp và cực kỳ dày đặc. Nhờ đó, cỏ vetiver có khả năng chống xói mòn hiệu quả và sống tốt trong thời kỳ hạn hán.
Cỏ Vetiver có những đặc điểm gì?
Về đặc điểm sinh thái:
Vetiver nằm ở nhóm thực vật C4, sử dụng CO2 hiệu quả hơn theo con đường quang hợp bình thường. Điểm đặc biệt của nhóm thực vật C4 khi chuyển hóa thành đường là rất ít sử dụng nước, chính vì thế mà cỏ vetiver có thể phát triển tốt ở trong điều kiện khô hạn. Ngoài ra, cỏ vetiver cũng có khả năng sinh sôi và phát triển lại rất nhanh sau khi phải hứng chịu những ảnh hưởng từ hạn hán, nước mặn, sương muối cũng như các hóa chất độc hại trong đất.
Giống cỏ này cũng có khả năng chịu đựng tốt trước những ảnh hưởng của thiên tai như hạn hán, lũ lụt, ngập úng. Cỏ vetiver có khả năng chịu ngập úng kéo dài lên tới 45 ngày với mực nước sâu khoảng 0,6m – 0,8m.
Bên cạnh đó, cỏ vetiver cũng có thể phát triển tốt trong môi trường đất nghèo chất dinh dưỡng, hay đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, đất chứa kim loại nặng. Đặc biệt, nó cũng có thể chịu đựng được trong môi trường đất có độ pH biến động từ khoảng 3 – 10.5
Tinh dầu của rễ vetiver có mùi hương không hấp dẫn đối với những loài gặm nhấm và nhiều loại côn trùng khác. Do đó, nó có thể ngăn chặn được hiện tượng chuột hay rắn làm tổ. Cỏ vetiver không thể nhân giống được bằng hạt mà chủ yếu là bằng phương pháp vô tính, vì thế nó sẽ không bị mọc tràn lan như các loại cỏ dại thông thường.
Ứng dụng của cỏ Vetiver trong đời sống
Trong thực tế, cỏ vetiver được ứng dụng nhiều vào trong các hoạt động của ngành nông nghiệp như:
Làm hàng rào sinh học
Cỏ vetiver được người nông dân trồng thành các hàng rào sinh học để ngăn ngừa các loại côn trùng có hại cho cây trồng như rầy, rệp, sâu,… Điều này, đã được chứng minh thông qua nhiều thực nghiệm khi trồng xen canh hoặc cộng sinh với nhiều loại cây trồng khác trong vườn. Các loài côn trùng độc hại sẽ sinh sống cũng như sản sinh ở trên cây cỏ vetiver để bảo vệ cho các cây trồng chính không bị phá hoại. Tương tự, phần rễ của cỏ vetiver cũng có nhiệm vụ thu hút các loài côn trùng và nấm gây hại để chúng không thể tấn công sang được bộ rễ của những cây trồng chính.
Hỗ trợ cho các loại cây trồng khác
Ứng dụng của cỏ Vetiver trong đời sống
Khi cỏ vetiver sống cộng sinh với các cây trồng khác sẽ làm giảm áp lực côn trùng cũng như nấm hại ở trên và dưới cho cây trồng chính. Từ đó, người nông dân không còn phải sử dụng thuốc để diệt sâu, diệt nấm khi vào mùa vụ.
Nhờ vào việc được trồng cộng sinh nên khi cỏ vetiver lớn thì chỉ cần cắt tỉa quanh gốc, khi này cỏ vetiver vừa mang tác dụng che phủ vừa làm phân xanh thân thiện với môi trường.
Cỏ vetiver có thể trồng được với nhiều loại cây trồng khác nhau như cây ăn trái, cây công nghiệp. Tuy nhiên, nó không thể trồng cộng sinh được với các loại cây lấy củ.
Giúp giữ nước, giữ ẩm và các chất dinh dưỡng
Cỏ vetiver vừa giúp tiết kiệm nước trong đất hiệu quả vừa chống hạn hán tốt. Bộ rễ của cỏ vetiver ăn sâu vào trong lòng đất và có tác dụng như những miếng bọt biển. Khi nước mưa ngấm vào sâu thì sẽ giúp giữ nước ở bên trong lâu hơn, kết hợp cùng với lớp che phủ ở bên trên sẽ hạn chế được tình trạng thoát hơi nước. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hấp thụ và giữ lại được khá nhiều các chất dinh dưỡng ở trong đất.
Chống xói mòn và sạt lở tốt
Điểm đặc biệt của cỏ vetiver là nó rất cứng, dai và khỏe, có thể mọc cao lên tới 2,5m giúp tạo thành các hàng rào dày đặc. Nhờ đó, giống có này có thể làm chậm dòng chảy và phân tán đều nước ở trên một diện rộng. Từ đó đảm bảo được hiệu quả cao trong việc giảm thiểu tình trạng xói mòn, rửa trôi cả những nơi đất bằng hay đất dốc. Đồng thời, góp phần ổn định sườn dốc và hạn chế hiện tượng sạt lở.
Làm nguồn thức ăn cho gia súc
Cắt tỉa cỏ vetiver trong giai đoạn cỏ đang còn non sẽ là một trong những nguồn thức ăn tốt cho các loài gia súc như trâu, bò,…
Ngoài những công dụng chính trên đây, cỏ vetiver còn được ứng dụng để che phủ và bổ sung chất hữu cơ cho đất; cải tạo đất trồng; kiểm soát và xử lý tình trạng ô nhiễm đất đai, bảo vệ nguồn nước,… Phần rễ và thân lá của cỏ vetiver còn được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất mành, giỏ, chiếu,… Đặc biệt bộ rễ của giống cỏ này còn được ứng dụng để sản xuất tinh dầu.
Có thể nhận thấy được rằng, cỏ vetiver mang đến nhiều lợi ích trong thực tế cuộc sống, nhất là trong ngành nông nghiệp. Trồng xen canh cỏ vetiver vừa giúp cây trồng tăng trưởng nhanh vừa nâng cao năng suất và giảm thiểu được nhiều loại côn trùng, nấm độc gây hại cho cây trồng chính.