Lịch sử hình thành
Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 1950, do sự kết hợp của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập vào năm 1997.
Vĩnh Phúc có diện tích 1.235,87 km2; dân số trung bình năm 2022 là 1.197.600 người, mật độ dân số khoảng 968 người/km2.
Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý
Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp thủ đô Hà Nội.
Vĩnh Phúc nằm trên Quốc lộ số 2, đường sắt Hà Nội – Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân.
Những lợi thế về vị trí địa lý kinh tế đã đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Địa hình
Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi trung du với vùng đồng bằng Châu thổ Sông Hồng. Bởi vậy, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và chia làm 3 vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và vùng núi.
Vùng núi cao có diện tích tự nhiên 63.500 ha, bằng 51,5% diện tích tự nhiên của tỉnh, chiếm phần lớn diện tích của huyện Lập Thạch, Sông lô và Tam Đảo, 4 xã của huyện Bình Xuyên và một xã của thị xã Phúc Yên.
Vùng trung du với diện tích tự nhiên 24.900 ha, chiếm phần lớn diện tích của huyện Tam Dương và Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên, một phần các huyện Lập Thạch và Sông Lô, thị xã Phúc Yên. Quỹ đất đồi của vùng này có lợi thế để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, phát triển cây công nghiệp cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc.
Vùng đồng bằng có diện tích tự nhiên 32.800 ha, gồm các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và một phần thị xã Phúc Yên. Đây là vùng có địa hình bằng phẳng, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp và thuận lợi trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Khí hậu, thủy văn
Về khí hậu: Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm 23,20C- 250C, lượng mưa 1.500 – 1.700 mm; độ ẩm trung bình 84 – 85%, số giờ nắng trong năm 1.400 – 1.800 giờ. Hướng gió thịnh hành là hướng Đông – Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9, gió Đông – Bắc thổi từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, kèm theo sương muối. Riêng vùng núi Tam Đảo có kiểu khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình 18oC) cùng với cảnh rừng núi xanh tươi, phù hợp cho phát triển các hoạt động du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
Thuỷ văn: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều con sông chảy qua, song chế độ thuỷ văn phụ thuộc vào 2 sông chính là sông Hồng và sông Lô. Sông Hồng chảy qua Vĩnh Phúc với chiều dài 50km, đem phù sa màu mỡ cho đất đai. Sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc dài 35km, có địa thế khúc khuỷu, lòng sông hẹp, nhiều thác gềnh.
Tài nguyên, khoáng sản
Tài nguyên thiên nhiên của Vĩnh Phúc gồm có: Tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch.
Tài nguyên nước: Gồm nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt của tỉnh khá phong phú nhờ hai sông Hồng và Sông Lô cùng hệ thống các sông nhỏ như: sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ và hàng loạt hồ chứa (Đại Lải, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Vạc..) dự trữ khối lượng nước khổng lồ, đủ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước ngầm có trữ lượng không lớn, đạt khoảng 1 triệu m3/ngày-đêm.
Tài nguyên đất: Trên địa bàn tỉnh có 2 nhóm đất chính là: Đất phù sa và đất đồi núi. Hiện trạng sử dụng đất tính đến năm 2015: Tổng diện tích 123.513 ha; Đất nông nghiệp 92.920 ha chiếm 75,23%; Đất phi nông nghiệp 29.311 ha chiếm 23,73%; Đất chưa sử dụng 1.282 ha chiếm 1,04%.
Tài nguyên rừng: Tính đến năm 2015 tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 32,12 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là 14,12 nghìn ha, rừng phòng hộ là 2,95 nghìn ha và rừng đặc dụng là 15,05 nghìn ha. Tài nguyên rừng đáng kể nhất của tỉnh là Vườn Quốc gia Tam Đảo với trên 15 nghìn ha, là nơi bảo tồn nguồn gen động thực vật (có trên 620 loài cây thảo mộc, 165 loài chim thú), trong đó có nhiều loại quý hiếm được ghi vào sách đỏ như cầy mực, sóc bay, vượn. Rừng Vĩnh Phúc ngoài việc bảo tồn nguồn gen động, thực vật còn có vai trò điều hoà nguồn nước, khí hậu và có thể phục vụ cho phát triển các dịch vụ thăm quan, du lịch.
Tài nguyên khoáng sản: Nhìn chung, Vĩnh Phúc là tỉnh ở vị trí chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên rất nghèo về tài nguyên khoáng sản. Khoáng sản có giá trị thương mại trên địa bàn chỉ bao gồm một số loại như: đá xây dựng, cao lanh, than bùn song trữ lượng không lớn và điều kiện khai thác hạn chế.
Tài nguyên du lịch: Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn. Có Tam Đảo là dãy núi hình cánh cung, độ cao trên 1500m, dài 50 km, rộng 10 km với phong cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt có Vườn Quốc gia Tam Đảo và các vùng phụ cận thuộc loại rừng nguyên sinh có nhiều loài động thực vật được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó Vĩnh Phúc còn có hệ thống sông ngòi, đầm hồ tương đối phong phú, địa thế đẹp có thể vừa phục vụ sản xuất vừa có giá trị cho phát triển du lịch như: Đại Lải, Dị Nậu, Vân Trục, Đầm Vạc, Đầm Dưng, Thanh Lanh… Tiềm năng tự nhiên cho phát triển du lịch kết hợp với các giá trị (tài nguyên) văn hóa truyền thống phong phú sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội Vĩnh Phúc.
Các đơn vị hành chính
Tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính, gồm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Tỉnh lỵ của Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km.
Dân số và nguồn nhân lực
Dân số trung bình tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 là 1.154.836 người, trong đó dân số nam 575.460 người chiếm 49,83%, dân số nữ 579.376 người chiếm 50,17%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 11,3%o. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (năm 2019) chiếm 55,47%; Tỷ lệ dân số làm việc trong các ngành kinh tế: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,49%; Công nghiệp Xây dựng chiếm 44%; Dịch vụ thương mại chiếm 27,51%.