Du Lịch Phong Nha Phong Nha Giới thiệu chung về Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015, là một điểm đến phong phú trong các chương trình tour du lịch Quảng Bình.
Thông báo: Các điểm tham quan tại Quảng Bình như Động Phong Nha, Động Tiên Sơn, Động Thiên Đường, Sông Chày Hang Tối, Vườn Thực Vật đã mở cửa trở lại cho du khách tham quan bình thường, riêng Suối Nước Moọc đang sửa chữa, chúng tôi sẽ thông tin mới nhất đến Quý khách sau.
Cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan, Lào về phía tây, cách Biển Đông 42 km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.
Phong Nha Kẻ Bàng là một vùng khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm trung bình chỉ 20 – 240C được đánh giá là một trong hai vùng núi đá vôi rộng nhất thế giới, với diện tích trên 200.000 ha (trong đó, diện tích vùng lõi là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha). Đặc trưng của khu vườn quốc gia này là những kiến tạo đá vôi dạng karst hàng triệu năm tuổi với hơn 300 hang động và hệ thống các sông ngầm. Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang tồn tại, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, chính là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhà khoa học về đây khám phá.
Tên gọi
Tên gọi vườn quốc gia này ghép từ hai thành phần: tên động Phong Nha và tên khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng. Theo Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa (nay là thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Có ý kiến khác lại cho rằng tên gọi Phong Nha xuất phát từ hình ảnh những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng trên sân chầu hay ở quan thự, người ta đã lấy chữ Phong Nha theo chữ Hán để đặt tên cho động Phong Nha. Động Phong Nha còn có tên khác như Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Trùa (Hang Chùa).
Lịch sử
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiền thân là khu rừng đặc dụng Phong Nha được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Quyết định thành lập Khu Văn hóa Lịch sử với tổng diện tích là 5.000 ha. Đây là khu rừng đặc dụng đầu tiên của tỉnh Quảng Bình nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gắn liền với các di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Năm 1993: Khu rừng đặc dụng Phong Nha được chuyển thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha theo Quyết định số 964/QĐ-UB ngày 05/12/1993 của UBND tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích 41.132 ha.
Năm 1999: Dự án đầu tư cho Vườn Quốc gia đề xuất mở rộng khu vực bao gồm khu vực vùng núi đá vôi Kẻ Bàng cho đến phía tây bắc và đề xuất điều chỉnh phân hạng quản lý từ khu bảo tồn thiên nhiên lên phân hạng Vườn Quốc gia.
Năm 2001: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập theo Quyết định số 189/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 12 năm 2001. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vườn Quốc gia có tổng diện tích là 85.754 ha, trong đó Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 64.894 ha, Phân khu Phục hồi sinh thái diện tích là 17.449 ha và Phân khu Hành chính dịch vụ có diện tích là 3.411 ha. Sau khi điều chỉnh lên VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng được điều chỉnh lại thành Ban Quản lý Vườn Quốc gia theo Quyết định số 24/QD-UB của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 20 tháng 3 năm 2002.
Năm 2003: Tại cuộc họp toàn thể của Uỷ ban Di sản Thế giới lần thứ 27 diễn ra tại Trụ sở UNESCO (Paris) từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 05 tháng 7 năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí số viii: có các giá trị địa chất, địa mạo và địa lý nổi bật toàn cầu.
Năm 2009: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (thay thế Quyết định số 65/2003/QĐ-UB ngày 28 tháng 11 năm 2003 UBND Quảng Bình về việc tổ chức lại bộ máy Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng).
Năm 2013: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05/7/2013 về việc điều chỉnh ranh giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng từ 85.754 ha lên tổng diện tích là 123.326 ha (tăng 30.570 ha).
Năm 2015: Ngày 03 tháng 7 năm 2015, kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, Cộng Hòa Liên Bang Đức, với sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia thành viên Ủy ban di sản thế giới (WHC), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới với 2 tiêu chí mới: (có giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn (tiêu chí ix); sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học (tiêu chí x)).
Địa chất, địa mạo
Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, tập hợp nhiều loại đá khác nhau như sa thạch, thạch anh, phiến thạch, đá vôi chứa silic, đá mac-nơ, đá granodiorite, đá diorite, đá aplite, pegmatite…
Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước của trái đất. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún. Những biến động trên cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo.
Vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng có những đặc trưng toàn cầu trong nhiều giai đoạn phát triển từ Palaeozoic (đại cổ sinh – chừng 400 triệu năm trước) đến giai đoạn cổ sinh muộn kỷ Cacbon và Pecmi (340 – 240 triệu năm trước). Một đặc điểm mang tính đặc thù ở đây là hệ thống sông chảy ngầm và các hang động trong lòng núi đá vôi.
Vùng địa mạo phi đá vôi có đặc điểm chung là núi thấp với thảm thực vật phủ trên bề mặt. Quá trình bào mòn tạo ra các thềm dọc theo các thung lũng của các sông Son, sông Chày hay tại các bờ của các khối núi đá vôi ở vùng trung tâm. Vùng địa hình chuyển tiếp là những dạng khác nhau xen giữa các núi đá vôi.
Hệ thống hang động
Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước. Khu Phong Nha – Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “ Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch.
Đến nay, 20 hang động với tổng chiều dài trên 70 km đã được Đoàn khảo sát Hoàng gia Anh phối hợp với Khoa Địa lý Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát có hệ thống, kỹ lưỡng và đã được công bố trên Tạp chí Toàn cảnh và Dư luận-số 48, tháng 7 năm 1994, được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, các bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất.
Các hang động này có thể chia thành ba hệ thống chính: hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Rục Mòn.
- Hệ thống động Phong Nha có tổng chiều dài trên 45km bắt nguồn từ phía nam của vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống động này là động Khe Ry và Hang En nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển, cuối cùng là Động Phong Nha với tổng chiều dài khoảng gần 45 km. Các hang trong hệ thống này phân bổ theo dạng cành cây chạy theo hướng đông bắc – tây nam . Bao Gồm:
- Hang Tối: nằm trên thượng lưu sông Son. Hang này có chiều dài 5.258 m và cao 83 m,dài 736 m.
- Hang Chà An: dài 667 m và cao 15 m.
- Hang Thung: có sông ngầm dài 3351 m.
- Hang Én: dài 1645 m và cao 78,6 m, có bãi cát bên trong, là nơi sinh sống của én.
- Hang Khe Tiên: tọa lạc phía nam Phong Nha, dài 520 m.
- Hang Khe Ry: tọa lạc ở phía nam Phong Nha.
- Hang Khe Thi.
- Động Phong Nha.
- Hệ thống hang Vòm có tổng chiều dài trên 30km bắt nguồn từ hang Rục Cà Roòng, nằm ở độ cao 360m so với mặt nước biển và kết thúc là hang Vòm. Hệ thống hang Vòm nằm trên trục có hướng chung là nam – bắc. Sông Rục Cà Roòng lúc ẩn mình trong núi đá, lúc lại xuất hiện trên những thung lũng hẹp và sâu, cuối cùng đổ ra sông Chày ở cửa hang Vòm. Bao gồm:
- Hang Vòm: dài 15,05 km và cao 145 m có nhiều thạch nhũ và măng đá đẹp.
- Hang Đai Cao: dài 1645 m và cao 28 m.
- Hang Duột: dài 3,927 m và cao 45 m, có bãi cát mịn.
- Hang Cá: dài 1.500 m cao 62 m.
- Hang Hổ: dài 1.616 m và cao 46 m
- Hang Over: dài 3.244 m và cao 103 vời chiều rộng trong khoảng 30-50 m.
- Hang Pygmy: dài 845 m.
- Hang Rục Caroòng: nơi sinh sống của người thiểu số Arem. Họ sống trong hang động và săn bắn hái lượm tự nhiên.
- Hệ thống hang Rục Mòn nằm ở địa phận huyện Minh Hóa cũng là một trong những hang động lớn nhưng chưa được khai thác nhiều. Hang Rục Mòn có chiều dài 2863m, có độ sâu vòm 49m, trong hang có sông ngầm chảy qua, nhiều nhũ đá được đánh giá rất đẹp và hoang sơ.
Xin giới thiệu đôi nét về các hang động nổi tiếng nhất ở đây:
Động Phong Nha (Động nước) là danh thắng tiêu biểu nhất của hệ thống hang động thuộc quần thể danh thắng Phong Nha-Kẻ Bàng. Tổng chiều dài 7.729 mét, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 mét lung linh kỳ ảo và rực rỡ nhất. Cửa động cao khoảng 10 mét, rộng 25 mét. Từ phía trên, nhũ đá nhỏ xuống trông như những giọt sương khổng lồ đang tan chảy…
Bên cạnh đó là Động Tiên Sơn ( Động khô) nằm ở độ cao 200m, theo các nhà địa lý học, từ xa xưa dòng sông ngầm đã cạn nước, chỉ còn lại những vòm đá trắng và cột đá xanh ngọc bích. Các thạch nhũ trong động Phong Nha trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ đá vôi dạng karst, bị nước mưa thẩm thấu, hoà tan và chảy xuống từ nóc hang tạo thành những nhũ đá vô cùng lạ mắt như sư tử, ngai vàng, Đức Phật… Nước mưa tiếp tục rơi xuống đáy hang, kết canxi tạo ra măng đá. Những phiến đá, măng đá, nhũ đá, sông ngầm muôn hình muôn vẻ lung linh kỳ vĩ. Dường như Phong Nha là nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ nhất của thiên nhiên và là nơi trí tưởng tượng được thăng hoa nhất.
Ngoài ra còn có động Thiên Đường được được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất Châu Á, một trong những hang động kỳ vĩ nhất mà đoàn từng khảo sát nhiều hang động trên thế giới.Động Thiên đường có cấu trúc kỳ vĩ, tráng lệ và huyền ảo khiến những người khám phá hang động liên tưởng về một thiên cung nơi trần thế (vì vậy mà động được đặt tên là Thiên đường).
Đặc biệt, gần đây, đoàn thám hiểm người Anh mới phát hiện ra một trong những hang mới nhất đó là Sơn Đoòng. Hang này được cho là hang động lớn nhất thế giới. Khoang lớn nhất ở Sơn Động có chiều dài hơn 5 km, cao 200 m và rộng 150 m Với kích thước này, hang Sơn Động vượt hang Deer ở vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak Malaysia, lớn gấp 4-5 lần động Phong Nha, lớn hơn Động Thiên Đường.
Hang Sơn Đoòng được đánh giá là một bức tranh “Hoành tráng, đẹp đến mức kinh ngạc” với nhiều thạch nhũ có hình thù kỳ lạ,điều đặc biệt nhất có điểm chứa cả rừng cây nguyên sinh đang phát triển ở trong lòng hang. Các nhà khoa học địa chất thế giới nhận định Sơn Đoòng là hang động kỳ vĩ nhất thế giới.
Hệ thống sông ngòi và đỉnh núi
Cùng với hệ thống hang động kỳ diệu vườn quốc Phong Nha Kẻ Bàng còn một hệ thống sông ngòi trong vùng khá phức tạp và các sông ngầm dài nhất . Có 3 con sông chính: sông Troóc, sông Chày, sông Son trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thuỷ mặc quyến rũ du khách.
Bên cạnh đó, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hàng chục con suối và thác nước đẹp như: Thác Gió, Thác Mệ Loan, Suối Nước Moọc phun lên từ chân một dãy núi đá vôi, Suối Trạ Ang…
Phong Nha Kẻ Bàng còn có hàng chục đỉnh núi cao trên 1.000 mét, hiểm trở, chưa từng có vết chân người, là các điểm hấp dẫn thể thao leo núi và thám hiểm. Điển hình là các đỉnh Co Rilata cao 1.128 mét, Co Preu cao 1.213 mét. Xen kẽ giữa các đỉnh núi trên 1.000 mét là những thung lũng phù hợp cho du lịch sinh thái.
Đa dạng sinh học
Trong Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.
Tại vùng này theo số liệu điều tra, bước đầu có nhiều loài thực vật đặc hữu của rừng núi đá vôi như Chò đãi, Chò nước, Trầm hương, Nghiến, Sắng, Ba kích và Sao… Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận sự có mặt của 2.951 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 39 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 01 loài có tên trong các phụ lục CITES. Sự đa dạng về hệ thực vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả đa dạng về thành phần loài, về nguồn gen và tài nguyên thực vật. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên như Bách xanh đá, Lan hài đốm, Lan hài xanh, Lan hài xoắn và nhiều thực vật quý hiếm khác cũng được ghi nhận.
Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng còn là nơi sinh sống của 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó, có 110 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 83 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về hệ động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư – bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm).
Trong khoảng gần 20 năm qua, 38 loài mới cho khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 02 loài chim, 03 loài ếch nhái, 18 loài bò sát, 06 loài nhện, 09 loài cá. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam, đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận mẫu Chuột đá Trường Sơn (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes tại khu vực mở rộng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae) được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Đây là loài mới phát hiện tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và là loài mới bổ sung vào danh lục thú Việt Nam. Việc phát hiện loài Chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của VQG và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.
Rừng trên núi đá vôi là nơi phân bố nhiều loài Linh trưởng nhất Việt Nam, gồm 10 loài được ghi nhận, chiếm khoảng 50% tổng số loài thuộc bộ Linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài Linh trưởng thuộc bộ Linh trưởng được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. So với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Phong Nha-Kẻ Bàng còn khá cao. Các loài quý hiếm, đặc biệt Linh trưởng có số lượng cao nhất trong nước. Vì thế, nơi đây được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới
Đặc biệt trong các hang động của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có các loài động vật kỳ lạ, rất nhiều loài động vật sinh sống bên trong động mà không cần ánh sáng như cá, tôm, bò cạp không mắt…
Giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa
Ngoài sinh cảnh thảm thực vật và động vật hoang dã, Khu Phong Nha-Kẻ Bàng còn là nơi đã từng tồn tại và đang hiện diện cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, văn hoá Chămpa và Việt cổ, di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX tại núi Ma Rai.
Những địa danh nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh như bến phà Xuân Sơn, bến phà Nguyễn văn Trỗi, Ngầm Trạ Ang, Hang Tám Cô, Hang Y Tá trên đường 20 Quyết Thắng đã đi vào huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách và sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Dân tôc sinh sống
Bao quanh Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là vùng đệm có diện tích 219.855,34 ha thuộc 13 xã (gồm các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa thuộc huyện Minh Hóa; các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Phú Định, Hưng Trạch thuộc huyện Bố Trạch và xã Trường Sơn thuộc huyện Quảng Ninh). Dân số trên 47.000 người với 3 dân tộc chính là Kinh, Bru – Vân Kiều và Chứt. Đa số là người Kinh sinh sống (chiếm hơn 90% tổng số dân).
Trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia có 2 dân tộc thiểu số sinh sống: dân tộc Bru – Vân Kiều với các nhóm tộc: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong và dân tộc Chứt với các nhóm tộc: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Đời sống của người Chứt và Bru – Vân Kiều có nhiều sắc thái văn hoá đặc sắc, cho đến nay họ còn lưu giữ nhiều đặc điểm sinh hoạt của thời nguyên thuỷ. Mỗi tộc người trong vùng đều có những tập quán sinh sống và bản sắc văn hoá như: Lễ Đập trống của người Ma Coong, hát Tuồng bội của người Kinh ở Khương Hà… Văn hoá vật thể và phi vật thể của họ là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học và đồng thời là địa chỉ hấp dẫn của loại hình du lịch văn hoá dân tộc ít người ở vùng Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trong những năm qua, Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành địa chỉ yêu thích của du khách. Số lượng khách du lịch đến du lịch Quảng Bình để khám phá vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ngày càng đông, nhất là từ khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Cùng với Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, tuyến du lịch Miền Trung độc đáo “Con đường Di sản Miền Trung” hình thành và lan rộng, tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch