Xương ức là một ống xương dài và dẹt nằm ở giữa lồng ngực, có hình dạng giống với chiếc cà vạt. Phần xương này có tác dụng giúp nâng đỡ cơ thể, liên kết với xương sườn và xương cột sống để bảo vệ tim, phổi và các mạch máu khỏi bị tổn thương. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về phần xương này.
Xương ức là gì?
Xương ức (xương lồng ngực) là một ống xương thẳng, dài và dẹt nằm ở trung tâm của ngực. Đây cũng là một trong các xương dẹt dài và lớn nhất của cơ thể con người. Hình dạng xương giống như cà vạt, nối liền với xương sườn bằng liên kết cố định giữa các sụn, tạo thành mặt trước của khung vòm ngực.
Xương có các đặc điểm chính như sau:
- Có hình dạng không đều, dài và phẳng.
- Phần trên là điểm xuất phát của một trong hai đầu của cơ sternocleidomastoid – yếu tố cơ bắp cho phép đầu uốn cong và nghiêng về phía bên, giúp cho nó xoay từ phía đối diện.
- Hai khu vực bên là điểm neo cho 7 cặp sụn sườn đầu tiên.
- Dây chằng xương ức được gắn vào bề mặt bên trong của nó, giúp cố định màng ngoài tim với xương ức, nếu không màng ngoài tim sẽ tự do di chuyển.
- Nếu nhìn về phía bên thì xương ức có hoa văn hình vòm.
- Chiều dài trung bình của xương ức ở một người trưởng thành là khoảng 17cm, trong đó xương ở nam giới thì dài hơn ở nữ.
Cấu tạo của xương ức
Cấu tạo của xương ức bao gồm cán ức, thân ức và mũi ức. Đặc điểm cụ thể của mỗi phần như sau:
- Cán ức (Manubrium): Theo các chuyên gia, bộ phận này có chứa các dây tĩnh mạch notch. Với hình dạng khá giống hình tứ giác, đây là phần trên cùng của xương ức. Đồng thời, cán ức cũng là nơi kết nối giữa xương ức với xương đòn và hai đốt xương sườn đầu tiên. Chúng ta có thể cảm nhận được độ lõm rõ rệt khi sờ tay vào vị trí này.
- Thân ức (Body sternum): Là phần giữa của xương ước, có độ dài lớn hơn so với các phần còn lại. Xương sườn từ thứ 3 đến thứ 7 sẽ nối với phần thân ức, các điểm nối được bao bọc bởi phần sụn, tạo thành 4 điểm lõm lớn trên thân ức.
- Mũi ức (Xiphoid process): Có dạng thuôn dài thành chóp nhọn, là phần nằm ở dưới cùng của xương ức. Mũi ức nối liền với thân ức, được cấu tạo từ thành phần chính là sụn, vì vậy khu vực này rất dễ bị vôi hóa khi con người dần bước vào giai đoạn lão hóa.
Quá trình phát triển
Ban đầu, xương ức chỉ là hai thanh sụn nhỏ nằm ở hai bên. Khi thai nhi bắt đầu hình thành khung xương thì hai thanh sụn này dính vào làm một và nằm ở vị trí giữa ngực. Nhờ có xương này mà các xương sườn và xương đòn vai có thể liên kết với nhau tạo nên lồng ngực hoàn chỉnh.
Theo các bác sĩ, quá trình phát triển cụ thể của xương ức diễn ra như sau:
- Từ tháng thứ 6 của thai kỳ: Hình thành phần cán ức và phần đầu của thân ức.
- Từ tháng thứ 7 của thai kỳ: Đoạn thứ hai và thứ ba thuộc phần thân ức phát triển toàn vẹn.
- Từ năm thứ nhất sau khi chào đời: Hình thành đoạn cuối cùng của thân ức.
- Từ năm thứ 5 đến năm thứ 18: Mũi ức phát triển hoàn thiện, chính thức kết thúc quá trình phát triển của xương này.
Chức năng của xương ức
Xương ức đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng như sau:
- Bảo vệ cơ quan nội tạng: Xương ức kết hợp với xương đòn và xương sườn tạo thành một lồng chứa vững chắc, bảo vệ các cơ quan nội tạng trọng yếu của phần thân trên như tim, phổi, mạch máu lồng ngực,… Đây là các cơ quan rất trọng yếu nhưng cũng dễ bị tổn thương, nhờ có các xương lồng ngực mà các cơ quan nội tạng không bị chèn ép.
- Hỗ trợ liên kết các xương với nhau: Xương ức giúp các xương tạo thành một chiếc lồng khép kín, củng cố liên kết trở nên chắc chắn hơn. Không chỉ là điểm nối các xương, đây cũng là nơi mà một số cơ bụng và cơ ngực của con người được liên kết.
Một số bệnh lý liên quan
Do là vị trí kết nối của xương và là điểm bám của các cơ nên xương ức rất dễ bị đau hoặc bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Dưới đây là một số bệnh lý hoặc chấn thương liên quan.
Gãy xương ức
Gãy xương ức khá hiếm gặp, thường chỉ xảy ra khi có một chấn thương mạnh làm ảnh hưởng đến vùng ngực và bụng. Ví dụ như: tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn lao động, va chạm mạnh vào vùng ngực,… Tùy vào tác động lực mạnh hay nhẹ mà xương có thể bị vỡ và tách rời ra hoặc nứt và bám dính vào thân.
Thông thường, phần giữa của xương rất khó bị chấn thương và gãy, nên đa số các trường hợp đều chỉ gãy ở góc ngoài và nơi tiếp giáp với xương sườn. Nếu mũi xương ức bị gãy sẽ gây ra những vấn đề rất nghiêm trọng như: dập phổi, xuất huyết, bầm tím mô phổi, tổn thương tim.
Có thể bạn quan tâm:
- Gãy Xương Đòn: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Có thể nhận biết gãy xương ức qua một số dấu hiệu như sau:
- Người bệnh có cảm giác căng và đau nhức nghiêm trọng ở vùng ngực, khi hít thở hoặc ho thì cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bệnh nhân khó đứng thẳng.
- Xuất hiện bầm tím và sưng tấy ở vùng ngực.
- Bệnh nhân bị khó thở.
- Da mặt trở nên xanh xao, cơ thể có cảm giác khó chịu, đổ nhiều mồ hôi.
Gãy xương là tình trạng rất nghiêm trọng, vì vậy người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Căng cơ
Tình trạng căng cơ thường xảy ra khi gân/cơ bị thương, gây phát sinh cơn đau tại vùng ngực. Nguyên nhân chủ yếu gây căng cơ thường là do chấn thương trong lao động, làm việc quá sức, chấn thương khi chơi thể thao, thậm chí là ho quá nhiều.
Khi bị căng cơ dẫn đến đau xương ức vùng ngực, người bệnh sẽ có một số biểu hiện sau:
- Đau ở ngực, đặc biệt đau ở vùng xương ức.
- Ngực sưng tấy, bầm tím.
- Khó khăn khi khom/cúi gập người.
- Phạm vi chuyển động của cơ thể bị hạn chế.
- Cảm thấy yếu và khó thở.
Tình trạng này thường không quá nguy hiểm, vì vậy người bệnh có thể nằm nghỉ ngơi thư giãn để cơn đau dịu bớt. Sau khi bớt đau ngực, bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng, ngoài ra cũng có thể chườm lạnh để cải thiện cơn đau trong hai ngày đầu sau khi căng cơ.
Viêm/nhiễm trùng khớp
Khớp sụn sườn là khớp kết nối giữa xương ức và xương sườn. Khi khớp này chấn thương sẽ gây ra những cơn đau thắt khó chịu vùng lồng ngực. Nếu chấn thương lâu ngày không được chữa khỏi, hoặc người bệnh bị mắc các bệnh lý miễn dịch, thì khớp này có thể bị viêm, nhiễm trùng và sưng đau. Các cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn khi người bệnh ho, hắt hơn, hít thở sâu hoặc thực hiện động tác vươn vai.
Xem thêm:
- Tìm Hiểu Về Xương Quai Xanh, Bí Quyết Để Có Khung Xương Quyến Rũ
Các biểu hiện thường gặp:
- Sưng tấy vùng ngực.
- Đỏ hoặc bầm tím.
- Nếu bị nhiễm trùng, người bệnh có thể bị sốt hoặc ớn lạnh.
- Đau nhiều ở ngực.
Tình trạng viêm sưng, nhiễm trùng khớp có thể cải thiện bằng cách dùng thuốc giảm sưng và đau, người bệnh cũng cần kết hợp nghỉ ngơi, không vận động mạnh. Đồng thời trách tác động lực đột ngột lên vùng ngực để tránh tăng cường độ đau. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Viêm sụn chêm
Đây là tình trạng viêm và tổn thương phần sụn liên kết xương ức với xương đòn. Tình trạng viêm sẽ khiến người bệnh bị căng tức và đau tại vùng ngực, khả năng vận động bị hạn chế.
Dấu hiệu nhận biết:
- Cảm giác đau hoặc căng tức ở vùng ngực.
- Đau nhiều hơn, dữ dội khi ho, thở sâu hoặc vươn vai.
- Khó khom người, khả năng vận động bị hạn chế.
Các trường hợp viêm sụn nhẹ có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc giảm đau không steroid (NSAID). Những trường hợp nặng hơn cần phải kết hợp điều trị bằng vật lý trị liệu.
Mỗi bệnh lý trên sẽ có phương pháp điều trị riêng, người bệnh không thể tự ý thực hiện để tránh biến chứng. Vì vậy, ngay khi phát hiện thấy tại ngực có cơn đau bất thường, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Một số phương pháp phòng tránh bệnh lý xương ức
Để phòng tránh đau, chấn thương và bệnh lý xương ức, mọi người nên chú ý đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Cụ thể như sau:
- Đảm bảo an toàn giao thông: Cần tuân thủ đúng luật giao thông, quan sát và lái xe cẩn thận, thắt dây an toàn khi ngồi xe ô tô,…
- Thận trọng khi tham gia thể thao: Luôn sử dụng đồ bảo hộ trong các môn thể thao cần đồ bảo hộ, không thực hiện các động tác nguy hiểm, không luyện tập quá sức,…
- Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải: Cơ thể bị thừa cân sẽ gây ra áp lực rất lớn cho khung xương, vì vậy khi thấy cơ thể có dấu hiệu thừa cân, béo phì, bạn nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động nhiều hơn.
- Xây dựng thói quen lành mạnh: Không nên thức quá khuya, sử dụng chất kích thích, vận động quá sức,… thay vào đó nên ngủ đủ giấc, chăm sóc cơ thể một cách cẩn trọng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe xương khớp. Nên cân đối chế độ dinh dưỡng để cơ thể được nuôi dưỡng toàn diện. Trong thực đơn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, collagen như: các loại đậu, rau xanh đậm, sữa bò, trứng gà, chân giò, cá biển,…
- Đi khám khi có dấu hiệu bất thường: Nếu ở giữa ngực xuất hiện các cơn đau bất thường không do va đập hay chấn thương thì bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra để xác định tình trạng và xử lý kịp thời.
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ: Trong quá trình điều trị các vấn đề liên quan đến xương ức, người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác khi không có chỉ định.
Trên đây là thông tin chi tiết về xương ức cũng như các bệnh lý thường gặp ở xương này. Đây là một cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể, vì vậy bạn nên chú ý thực hiện lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ gặp phải những vấn đề khó chịu về xương khớp.