Yemen là nước nào? Có một xứ sở Ả Rập không như người ta vẫn

Yemen ở đâu

Nhắc tới Ả Rập người ta thường nghĩ đến xứ sở của những câu chuyện ngàn lẻ một đêm, các cung điện dát vàng hay những vị hoàng thân giàu có với tài sản lên tới hàng tỷ USD. Nhưng đó đâu phải là tất cả, vẫn còn một thế giới Ả Rập khác nơi mà chỉ cần được nhìn thấy những thứ hào nhoáng kia thôi cũng đã quá xa xỉ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Yemen là nước nào và sự chia rẽ giữa những người Ả Rập.

Yemen là nước nào? Có một xứ sở Ả Rập không như người ta vẫn nghĩ

Yemen có tên chính thức Cộng hòa Yemen, một đất nước nằm ở phía nam của bán đảo Ả Rập giáp với Ả Rập Xê Út về phía bắc, biển Đỏ về phía tây, vịnh Aden và biển Ả Rập về phía nam, giáp Oman về phía đông. Yemen có diện tích lãnh thổ rộng 527.970 km2, ngang bằng với Thái Lan và bang California của Mỹ, đây cũng là quốc gia có diện tích lớn thứ 49 trên thế giới.

Không may mắn như các quốc gia trong cùng khu vực với trữ lượng dầu mỏ dồi dào, phần lớn lãnh thổ Yemen là núi non và sa mạc nên nguồn tài nguyên thiên nhiên rất hạn chế, cộng thêm nguồn nước đang dần bị thu hẹp nên việc canh tác vốn đã khó khăn nay chỉ có thể thực hiện trong khoảng 2 tới 4% diện tích đất đai. Hầu hết lương thực ở quốc gia này đều phải được nhập khẩu từ bên ngoài.

Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi nhưng Yemen lại nắm giữ vị trí chiến lược cực kì quan trọng ở khu vực tây nam Ả Rập. Nói một cách cụ thể hơn, Yemen án ngữ ngay trên tuyến đường biển lớn nối liền lục địa Á – Âu và từ đây người ta còn có thể kiểm soát cả những tuyến đường thủy thương mại sầm uất nhất trên biển Đỏ.

Theo ước tính, mỗi ngày có tới hàng triệu thùng dầu và hàng hóa được chuyên chở qua tuyến đường này để tới khu vực Địa Trung Hải, cửa ngõ vào châu Âu thông qua kênh đào Suez. Ở chiều ngược lại, các tàu chở dầu từ các nhà máy lọc dầu ở phía tây Ả Rập Xê Út cũng buộc phải đi qua vịnh Aden để tới được với thị trường châu Á. Không khó hiểu khi thương cảng Aden của Yemen được đánh giá là một trong những khu cảng có tần suất hoạt động nhộn nhịp vào loại bậc nhất thế giới.

Tuy nhiên, chính điều tưởng chừng như là lợi thế vô giá này lại vô tình đẩy đất nước Yemen rơi vào cuộc nội chiến giữa các thế lực được hậu thuẫn từ Iran và Ả Rập Xê Út. Hai cường quốc vốn cùng là Hồi giáo nhưng lại khác nhau về tư tưởng.

Nguồn gốc bất đồng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia

Đại đa số người dân Yemen đều theo đạo Hồi, nhưng tư tưởng của họ bị chia rẽ vì những mâu thuẫn giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Bản chất của vấn đề này bắt nguồn từ việc Nhà tiên tri và cũng là người sáng lập ra Hồi giáo Mohammed trước khi qua đời đã không chỉ định người kế tục, kéo theo sau là các cuộc xung đột tôn giáo, tranh giành quyền lực đã xảy ra suốt hàng thế kỷ liên quan đến người được chọn để kế vị này.

Sau sự ra đi của Nhà tiên tri Mohammed, phần lớn các tín đồ Hồi giáo cho rằng vị trí Caliph (người lãnh đạo) nên dành cho Abu Bakr, tức cha của Aisha vợ Nhà tiên tri. Hơn thế nữa, Abu Bakr còn là một tín hữu sùng đạo và người trợ lý thân cận bên cạnh Nhà tiên tri Mohammed. Những tín đồ có quan điểm ủng hộ Abu Bakr sau này trở thành người Hồi giáo dòng Sunni.

Phần lớn vẫn không phải là tất cả, những người Hồi giáo còn lại cho rằng người kế vị phải có cùng huyết thống với Nhà tiên tri Mohammed và họ đã chọn Ali ibn Abi Talib, người vừa là anh em họ, vừa là con rể lại từng được Nhà tiên tri xức dầu thánh xứng đáng được tôn lên làm Caliph. Những người này đại diện cho dòng Hồi giáo Shia, hay Shiite, viết tắt từ thành ngữ “shi’atu Ali” nghĩa là “những người theo Ali”.

Dĩ nhiên với sự ủng hộ đông đảo hơn từ người Hồi giáo dòng Sunni, Abu Bakr cuối cùng đã được tôn lên làm Caliph, lãnh đạo mới của những người Hồi giáo. Từ đây các mẫu thuẫn mới thật sự được bắt đầu, những cuộc ám sát liên tiếp xảy ra nhắm vào vị trí Caliph. Sau cái chết do bị ám sát của hai người kế nhiệm Abu Bakr, Ali cuối cùng cũng chính thức trở thành Caliph đời thứ tư nhưng đối với người Shia thì ông mới là người thừa kế đầu tiên của Nhà tiên tri Mohammed bởi lẽ họ không chấp nhận Abu Bakr.

Ali sau đó cũng không thể tránh khỏi số phận như những người đi trước, ông bị ám sát bởi một thanh kiếm tẩm độc tại một nhà thờ ở Kufa, thuộc Iraq ngày nay. Lần lượt hai người con trai của Ali là Hasan và Hussein thay cha trở thành lãnh đạo và cũng phải nhận cái kết thậm chí còn thảm khốc hơn. Hussein và họ hàng của mình rơi vào tình cảnh bị truy sát ở Karbala, Iraq vào năm 680 bởi đội quân được cầm đầu bởi một Caliph dòng Sunni. Oan oan tương báo chẳng bao giờ dứt, oán hận giữa hai nhóm Hồi giáo đã chồng chất lại càng chồng chất thêm.

Nguyên nhân cuộc xung đột ở Yemen

Với vị trí trọng yếu của mình, Yemen được coi như sân sau của Ả Rập Xê Út, xứ Hồi giáo dòng Sunni giàu mạnh nhất trong tất cả nước Á Rập. Vì lý do đó, Ả Rập Xê Út không thể để đứng yên nhìn Yemen rơi vào vòng ảnh hưởng của Iran, xứ Hồi giáo dòng Shia mạnh nhất trong các nước Hồi giáo tôn sùng Ali.

Có biên giới với Ả Rập Xê Út về phía đông bắc và Iran về phía tây nam, Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ đã có chính quyền Hồi giáo theo dòng Shia thay vì Sunni như trước đây. Bên cạnh đó, Iraq lại giáp với Syria một nước có quan hệ mật thiết với Iran về phía bắc. Nếu liên minh Iran, Iraq và Syria được thành lập thì gần như biên giới trên đất liền của Ả Rập Xê Út và eo biển Hormuz thông ra vịnh Oman đều đã nằm trong vòng kiểm soát của Iran.

Như đã nói ở trên, Yemen nằm ở phía nam Ả Rập Xê Út đang rơi vào tay của Houthi, một lực lượng Hồi giáo Shia được cho là nhận viện trợ từ Iran. Nếu không thể kiểm soát được Yemen, Ả Rập Xê Út coi như mất tiếp một nửa biên giới phía nam vào tay đối thủ và chặn đứng luôn tuyến đường biển quan trọng còn lại sau eo biển Hormuz để xuất khẩu dầu mỏ, vịnh Ađen.

Quốc gia Hồi giáo hùng mạnh nhất của người Sunni không còn lựa chọn nào khác phải đưa quân vào tham chiến ở Yemen để giành lại ưu thế. Chiến tranh đã đẩy những người dân Yemen vô tội rơi vào thảm họa nhân đạo tàn khốc nhất thiếu ăn, dịch bệnh và ly tán. Liệu trên thiên đường kia, Nhà tiên tri Mohammed có nhìn thấy cảnh các môn đệ của ông đang ra sức tương tàn lẫn nhau như ngày hôm nay?

Nói theo cách của một giáo sĩ dòng Shia, Seyed Ali Fadlullah.“Nếu đứng ra kêu gọi người dân các nước Trung Đông đấu tranh vì ảnh hưởng khu vực và quốc tế thì sẽ chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng nếu hô hào giáo phái của chúng ta đang bị đe dọa, tôn giáo thiêng liêng của chúng ta sắp bị diệt vong thì người dân chắc chắn sẽ bị kích động”.

UAE là nước nào – Nơi sự giàu có là chưa đủ để nói hết về vùng đất này

Du lịch Croatia: Đến với quê hương của những nhà Á quân World Cup