Xuất phát là một tín ngưỡng tâm linh của dân gian Việt Nam, hầu đồng là nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Đức Thánh Trần… Tuy nhiên chưa nhiều người hiểu đúng, hiểu đủ về nghi lễ này. Tìm hiểu qua bài viết dưới đây để khám phá những nét đẹp trong phong tục văn hoá lâu đời ấy.
Hầu đồng 36 giá là gì?
Hầu đồng là gì?
Hầu đồng là một dạng diễn xướng dân gian kết hợp giữa hát chầu văn và những điệu múa đặc sắc. Đó là nghi lễ trang trọng, mang nét tâm linh kết nối giữa con người và thánh thần.
Hầu đồng đơn giản là nghi thức giao tiếp với các vị thần linh thông qua cậu đồng, cô đồng bằng việc nhập hồn vào xác để lên đồng, trấn yểm, trừ tà, chữa lành tật bệnh và ban phước, ban lộc cho những người xem lễ.
Hầu đồng được chủ trì bởi Thanh Đồng, là nam giới sẽ gọi “cậu đồng”, nữ giới gọi “cô đồng” hoặc “bà đồng”.
Nguồn gốc, lịch sử của hầu đồng
Nghi lễ hầu đồng hay còn gọi là Chầu Văn xuất hiện từ đầu thế kỉ XVI nhưng bắt đầu phát triển mạnh từ thế kỷ XVII. Đặc biệt là ở Nam Định với các quần thể di tích trọng điểm như đền Bảo Lộc, đền Cố Trạch,… sau dần phổ biến hơn ở các vùng lân cận như Thái Bình, Hà Nam và nhiều vùng khác trên cả nước.
Nghi lễ hầu đồng phát triển rực rỡ ở cuối triều nhà Nguyễn (giai đoạn cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX) với sự tham gia của đông đảo quần chúng và quan lại triều đình.
Giai đoạn sau đó đã có sự mai một đi vì nhiều lý do. Tuy nhiên từ những năm đầu 2000 đến nay đã phát triển lại do sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước để phục vụ đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Ngày 1-12-2016, nghi lễ hầu đồng với tên gọi “Tín ngưỡng thờ mẫu” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam.
> XEM THÊM: Tục thắp hương của người Việt
> XEM THÊM: Cách treo gương trong nhà
Hầu đồng 36 giá
Tam toà thánh mẫu
Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ Tam Thoải Cung là ba vị Thánh tối cao nhất trong đạo Mẫu. Khi hầu đồng phải thỉnh ba vị trước rồi mới đến những vị khác. Trong khi thỉnh luôn phải đội khăn phủ điện.
Chư vị Trần Triều
- Đức Thánh Ông Trần Triều: Hưng Đạo Đại Vương, người được tôn thờ là Đức Thánh Trần. Ông thường giúp dân trừ ma quỷ, dịch bệnh.
- Đệ Nhất Vương Cô: Người con gái đầu của Hưng Đạo Đại Vương.
- Đệ Nhị Vương Cô: Con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương, người có phép trừ tà, sát quỷ.
Tam vị Chúa Mường gồm
- Chúa Đệ Nhất Thượng Thiên: Người giúp nhà vua an dân, trị quốc, là người dạy người tài cúng lễ và ban lộc.
- Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ (hay Chúa Nguyệt Hồ): Người có tài bấm đốt tay xem bói.
- Chúa Đệ Tam Lâm Thao: Con gái ruột của Vua Hùng, người quản việc quân nhu, lương thực trong chiến trận, thường xuyên giúp đỡ người dân.
Ngũ vị Tôn Ông
Là những vị quan lớn nhất trong Tứ Phủ, coi quản việc triều đình, trong nghi lễ hầu đồng là giá sau.
- Quan Đệ Nhất: Tôn Quan Đại Thần, tước Công Hầu, ngôi Thượng Thiên.
- Quan Đệ Nhị: Quan có nhiệm vụ Thanh Tra Giám Sát, được sắc phong Thái Hoàng.
- Quan Đệ Tam: Con vua Bát Hải, cai quản tất cả con sông.
- Quan Đệ Tứ: Vị Quan Khâm Khai, cai quản toàn bộ Tam Giới Tứ Phủ.
- Quan Đệ Ngũ: Quan Tuần Tranh, cai quản các thiên binh của nhà trời.
- Quan Điều Thất: Con vua Bát Hải, thường giáng thế để giúp dân.
Tứ Phủ Chầu Bà
Những nữ nhân tài đức, có công với nhân dân, đất nước, được giao cai quản phần sông núi và các sự việc của nhân gian. Các vị Chầu Bà bao gồm:
- Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên
- Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, là công chúa của Thiên Thai, cai quản tam thập lục châu và thượng ngàn.
- Chầu Đệ Tam Thoải Cung: Là Công Chúa Lân Nữ, con của vua Thuỷ Tề, người cai quản các con sông, suối, biển, hồ và các mạch nước.
- Chầu Đệ Tứ Khâm Sai: Là Công Chúa Chiêu Dung, có quyền đổi số nhân sinh bằng việc tra sổ sinh tử Thiên Đình.
- Chầu Năm Suối Lân: Là người trấn cửa rừng của Suối Lân, là vị Chầu của Sơn Trang Thượng Ngàn.
- Chầu Lục Cung Nương: Là người trấn cửa của rừng Chín Tư, công chúa Thượng Ngàn và có khả năng phù phép đánh đuổi tà ma.
- Chầu Bảy Kim Giao: Là vị Chầu Bà mà dân tộc “Mọi” tôn kính lập đền thờ và thường tổ chức lễ hầu đồng vì đã giúp đỡ họ làm ăn, buôn bán.
- Chầu Tám Bát Nàn: Người Nữ tướng đã phất cờ khởi nghĩa dưới thời Hai Bà Trưng vì muốn trả thù cho chồng mình và cứu giúp nhân dân vùng đó.
- Chầu Chín Cửu Tỉnh: Người có nhiệm vụ cai quản phần giếng âm dương để điều hoà định thái
- Chầu Mười Mỏ Ba: Người Nữ tướng ưới thời vua Lê Thái Tổ đã có công giết giặc Liễu Thăng, bảo vệ ải Chi Lăng.
- Chầu Bé Thượng Ngàn: Là Vị Chầu Bé được người Thổ Mường tôn thờ, có nhiệm vụ cai quản, bảo vệ Toà Sơn Trang.
- Chầu Bé Thoải Cung: là Chầu Bé, người cai quản dưới Thoải, thuộc hàng thứ 12.
Tứ Phủ Ông Hoàng
Tứ Phủ Ông Hoàng thuộc hàng quan lớn, có công giúp dân giúp nước rất nhiều nên được nhân dân tôn thờ. Hầu đồng thường với 4 vị trong hàng Ông Hoàng sau:
- Ông Hoàng Cả: con của Đức Vua Cha, ông là người mang lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
- Ông Hoàng Đôi: là tướng dưới thời Lê Mạc, có công lớn giúp nhà Lê dẹp Mạc.
- Ông Hoàng Bơ: là con của vua Bát Hải Động Đình, được người dân tôn thờ vì thường giúp đỡ, phù trợ cho những người kinh doanh buôn bán.
- Ông Hoàng Bơ Bắc Quốc: là thương gia người Trung Quốc, sang nước ta buôn bán và giúp đỡ người dân nghèo khổ rất nhiều.
- Ông Hoàng Bảy Bảo Hà: tương truyền là con của vua Ngọc Hoàng Thượng Đế, dưới thời vua Lê đã giúp dẹp yên vùng biên, giúp dân khai hoang và lập ấp.
- Ông Hoàng Mười Nghệ An: là vị thần tiên ở Đào Nguyên, giáng thế ở thời Lê là vị tướng giỏi và có tài năng thơ phú văn chương hơn người nên thường được hầu đồng để cầu xin may mắn trong thi cử.
Tứ Phủ Tiên Cô
Tứ Phủ Tiên Cô là những tiên nàng theo hầu bên cạnh Thánh Mẫu, Chúa Mường và Chầu Bà. Tứ Phủ Tiên Cô bao gồm:
- Cô Nhất Thượng Thiên: tiên nữ hầu Vua Mẫu, người giáng thế làm phép trị bệnh cho nhân dân.
- Cô Đôi Thượng Ngàn: vốn là Sơn Tinh Công Chúa và là tiên nữ hầu Vua Mẫu. Cô có nhiều tài năng và dung nạp nhiều đệ tử theo học.
- Cô Bơ Hàn Sơn: người con gái của vua Thuỷ Tê, theo hầu trong cung Quảng Hàn. Vốn xinh đẹp lại có tài năng dàn hát nên được phong sắc làm thiếu nữ vùng đất Hàn Sơn.
- Cô Tư Ỷ La: là tiên nữ hầu Mẫu Thượng. Với vẻ ngoài xinh đẹp, dịu dàng thướt tha nên được Mẫu vô cùng yêu quý.
- Cô Năm Suối Lân: tiên nữ theo hầu Chầu Nam Suối Lân, được giao nhiệm vụ cai quản Suối Lân .
- Cô Sáu Sơn Trang: tiên nữ theo hầu Mẫu Thượng Trang Châu, là người luôn bốc thuốc để cứu người, thương yêu nhân dân.
- Cô Bảy Kim Giao: tiên nữ theo hầu Chầu Bảy Kim Giao, là người của dân tộc “Mọi”, thích ca hát cùng các bạn tiên.
- Cô Tám Đồi Chè: là tiên nữ hái chè ở vùng đất Hà Trung, luôn một lòng cố gắng giúp vua.
- Cô Chín Sòng Sơn: tiên nữ theo hầu Mẫu Sòng, nổi tiếng với tài xem bói và am hiểu nhiều điều trên thế gian.
- Cô Mười Mỏ Ba: tiên nữ theo hầu Chầu Mười Mỏ Ba, là người có công lớn giúp vua đánh đuổi giặc Ngô.
- Cô Bé Thượng Ngàn: là các vị cô trên Toà Sơn Trang, luôn theo hầu Mẫu Thượng Ngàn.
- Cô Bé Thoải Phủ: là các vị cô theo hầu dưới toà Thoải Phủ, đứng hàng thứ 12 trong hàng các cô.
Tứ Phủ Thánh Cậu
Tứ Phủ Thánh Cậu là các vị cậu thường chết trẻ, có tính cách tinh nghịch và luôn phù hộ cho các gia đình theo nghiệp buôn bán hay những người học hành thi cử.
Tứ Phủ Thánh Cậu bao gồm gồm:
- Cậu Hoàng Cả
- Cậu Hoàng Đôi
- Cậu Hoàng Bơ
- Cậu Bé: Cậu Bé Đồi Ngang, Cậu bé Đồi Non.
Ai có thể hầu đồng?
Những người hầu đồng thường là những người có “căn đồng”. Họ là những người thường có ảo giác, hay nằm mơ và luôn cảm giác có thánh thần ở bên cạnh giúp đỡ, chỉ bảo mình. Khi ấy đã có căn mà chưa ra trình thánh thì dễ bị ốm đau, bệnh tật mà không thuốc thang nào chữa khỏi, cảm giác bất an lo sợ luôn thường trực, làm ăn thì thất bát thường xuyên. Khi đó, họ ra hầu đồng thì sẽ tìm thấy lại sức khỏe, công việc thuận lợi. Từ đó về sau, cứ hàng năm đều phải tổ chức nghi lễ lên đồng để thánh nhập vào, hay còn gọi là hầu đồng.
Ý nghĩa của hầu đồng trong văn hoá tín ngưỡng
Hầu đồng mang niềm tin tốt đẹp tới người tham dự nghi lễ
- Với người hầu đồng: Hầu đồng là sự nhập hồn của các vị thánh có công lớn trong lịch sự, được người dân tôn kính. Người hầu đồng sẽ cảm nhận được những đức tính tốt đẹp của các vị thánh, cảm nhận được sự thăng hoa của giới thần tiên. Sau khi hầu đồng, những người có căn quả sẽ thêm mạnh khoẻ, công việc thuận lợi.
- Với người xem hầu đồng: Quá trình ban phước lành của các vị thánh cho con người để khuyến khích họ sống tốt đẹp hơn hay những người làm sai trái thì bị trách phạt. Nhiều người đến tham dự lễ hầu đồng với hi vọng về sức khoẻ, tài lộc và may mắn. Đặc biệt thích hợp với những người làm ăn buôn bán hay học hành thi cử thường đến lễ hầu đồng của ông Hoàng Mười.
> XEM THÊM: Ý nghĩa lễ vu lan báo hiếu
> XEM THÊM: Tượng phật bằng trầm hương
Hầu đồng tác động tích cực về mặt xã hội
- Khơi gợi truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây,… Dân ta có câu “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”, đó là lí do mà chầu văn hầu đồng tôn thờ các vị thần thánh, những vị tướng có công trong lịch sử dân tộc như Hưng Đạo Đại Vương, Ông Hoàng Đôi,…
- Đạo Mẫu tôn thờ mẹ thiên nhiên, người cai quản đất, nước, núi sông. Đó là cách để hướng con người vào tự nhiên tốt đẹp, lắng nghe tiếng lòng của thiên nhiên, có ý thức hơn trọng việc trồng rừng và bảo vệ rừng, quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu,…
- Biết quan tâm và giữ gìn văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc thể hiện qua các điếu chầu văn, bài khấn, âm nhạc,… Đó là một kho tàng văn hoá đặc sắc và ấn tượng của người Việt.
- Có sự liên hệ về mặt khoa học và tâm linh, sự kết nối giữa thực tại và hư ảo để hiểu hơn những quy luật trong đời sống…
Các nghi lễ trong buổi hầu đồng
Thời gian tổ chức lễ hầu đồng
Hầu đồng thường được tổ chức vào các ngày Hội Đền Thánh hoặc các dịp Lễ Tết, mỗi vị thánh thần sẽ có một ngày lễ riêng để con dân làm lễ. Đặc biệt trong năm có 2 lễ hầu đồng quan trọng nhất, dân ta thường gọi là “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”:
- Tháng 3 âm lịch là ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
- Tháng 8 âm lịch, ngày giỗ của vua cha Bát Hải, Đức Thánh Trần.
Thời gian diễn ra nghi lễ hầu đồng thường mất 1 buổi sáng, tuỳ vào số lượng người hầu sẽ có sự thay đổi.
Địa điểm tổ chức lễ hầu đồng
Lễ Hầu đồng được tổ chức ở nhiều nơi trên cả nước vì đây là nghi lễ văn hoá tốt đẹp được truyền tự từ bao đời. Lễ thường được tổ chức ở các đền, miếu, nơi thờ tự các vị thánh như:
- Lễ Hầu đồng Đức Thánh ông Trần Triều ở đền Kiếp Bạc, huyền Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào ngày 20/8 âm lịch.
- Lễ Hầu đồng thờ Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ tại Đền Nguyệt tỉnh Bắc Giang vào ngày 15-16 tháng 2 âm lịch.
- Lễ Hầu đồng ở Phủ Dầy, tỉnh Nam Định được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.
Những thứ cần chuẩn bị cho lễ hầu đồng
- Ðiện thờ: Là nơi tổ chức lễ hầu đồng, mỗi ngôi đền thường thờ một vị thánh khác nhau.
- Chọn ngày lành: Ngày tổ chức lễ hầu đồng phải là ngày lành, thích hợp để lên đồng. Hay ngày đó thường diễn ra hàng năm vào dịp đó.
- Dàn nhạc hầu đồng: Thông thường sẽ có đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, cảnh đôi, phách, trống lớn, trống nhỏ.
- Người làm lễ: Cậu đồng/Cô đồng/Bà đồng và thêm 2-4 người phụ đồng để giúp đỡ.
- Trang phục: Mỗi giá đồng tương ứng cho mỗi vị thánh sẽ có trang phục và trang sức riêng. Cần chuẩn bị đúng với số giá muốn hầu đồng. Thông thường sẽ có các trang phục như: khăn đỏ phủ điện, áo dài màu sắc, thắt dai lưng có màu, thẻ ngà, vòng, hoa tai, kiềng bạc, son phấn,…
- Lễ vật hầu đồng: Cơ bản có xôi thịt, hoa quả, cau trầu, rượu, thuốc lá, vàng mã,… Ngoài ra có thể bổ sung thêm nhiều lễ vật khác cho phù hợp như quạt, guốc, mũ hài,…
Các trình tự cho một buổi lễ hầu đồng
Thay lễ phục
Khi bắt đầu lễ hầu đồng phải thay trang phục phù hợp với giá mình muốn hầu. Mỗi vị thánh sẽ có những trang phục với màu sắc khác nhau.
Dâng hương hành lễ
Dâng hương là nghi thức bắt buộc cho tất cả các giá. Người hầu đồng tay trái sẽ cầm một bó nhang đã đốt sẵn, được bọc trong chiếc khăn tẩm hương. Tay phải của họ sẽ rút nén nhang rồi huơ bên trên bó nhang như hành động phù phép. Người ta thường gọi đó là khai nông với mục đích xua đuổi tà ma.
Lễ thánh giáng
Sau khi khai nông thì thánh thần sẽ nhập vào người hầu đồng, họ sẽ buông nhang hương đang cầm, nghiêng mình để mọi người biết vị thánh đang nhập là thứ hạng nào. Nếu giáng trùm khăn thì thường là giá Thánh Mẫu, người chỉ đến để chứng giám sau đó đi ngay. Nếu giáng mở khăn là những người từ hàng quan triều đình trở xuống.
Ngay lúc này, người hầu đồng đã là thánh thần, được thôi miên để nhảy múa theo điệu nhạc hầu đồng.
Múa đồng
Múa đồng được biết đến là việc nhảy múa do thánh thần linh ứng, không phải là chủ đích của người hầu đồng. Mỗi vị thánh giá sẽ có một điệu múa khác nhau. Nếu là
- “Giá” quan sẽ múa cùng cờ, kiếm, long đao, kích,…
- “Giá” bà sẽ múa cùng quạt hoặc múa tay không. thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích.
- Giá của các chầu bà sẽ múa cùng quạt quạt, mồi hoặc múa tay không.
- Giá ông hoàng thường là múa khăn tấu, múa cờ, múa tay không.
- Giá của các cô chủ yếu là múa quạt, múa đò, múa khăn lụa,…
- Giá các cậu sẽ múa lân, múa hèo…
Ban lộc và nghe cung văn hầu
Sau khi múa chỉ điểm mình là thánh nào, các vị hầu đồng do thánh nhập sẽ ngồi nghe các cung văn hát, cùng mọi người nghe sự tích về vị thánh, lai lịch của họ. Nếu thánh hài lòng sẽ thưởng tiền cho cung văn và dùng rượu, thuốc lá,… để làm nghi thức tiếp theo là khai cương. Sau đó nữa là trực tiếp ban lộc thánh cho người đến xin lộc như hoa quả, gương lược, tiền tài, bánh trái, nhang hương,…
Thánh thăng
Sau khi ban lộc, thánh sẽ có dấu hiệu thánh thiên, tức là thoát hồn khỏi người hầu đồng. Người hầu đồng lúc này ngồi yên, hai tay sẽ bắt chéo ở trước trán quạt và che lên đầu, người rùng mình và được phụ đồng phủ khăn diện lên.
Cung văn tiếp tục nổi nhạc, liên tục hát những điệu thánh xa giá và hồi cung. Đây là kết thúc cho một buổi hầu đồng.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về nghi lễ Hầu Đồng, một nét văn hoá tâm linh vô cùng đặc sắc của Việt Nam