Chỉ số khối cơ thể BMI là gì? | PK BV Đại học Y Dược 1

Chỉ số khối cơ thể BMI là gì? | PK BV Đại học Y Dược 1

Bmi là gì

1. Chỉ số khối cơ thể BMI là gì?

Chỉ số khối cơ thể (BMI – Body mass index) là một phép tính dựa trên chiều cao và cân nặng, giúp xác định xem một người có cân nặng chuẩn, nhẹ cân, thừa cân hay béo phì. BMI không đo trực tiếp lượng chất béo trong cơ thể, nhưng BMI có thể đánh giá tương đối về lượng chất béo trong cơ thể. Hơn nữa, BMI còn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa hoặc nhiều bệnh lý khác nhau do tình trạng nhẹ cân hoặc béo phì.

Chỉ số khối cơ thể đánh giá cân nặng của một ngườiChỉ số khối cơ thể đánh giá cân nặng của một người

2. Cách tính chỉ số khối cơ thể BMI?

Chỉ số BMI được tính dựa trên chiều cao và cân nặng theo công thức:

BMI=(Cân nặng)/(Chiều cao x Chiều cao)

Trong đó cân nặng của một người tính bằng kilôgam, chiều cao tính bằng mét.

Ví dụ: Bạn cao 1,7m, nặng 65kg thì BMI = 65 ÷ (1,7×1,7) = 22,49 kg/m2.

3. Giải thích chỉ số khối cơ thể BMI

Theo phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á từ 18,50 – 22,9 kg/m2 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18,5 là nhẹ cân, từ 23 – 24,9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì.

Còn chỉ số BMI theo phân loại quốc tế (WHO) thì dưới 18,5 là nhẹ cân, 18,5-24,9 là bình thường, 25-29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

Chỉ số trên đánh giá chính xác trọng lượng cơ thể ở gần hết người lớn trên 19 tuổi. Song chỉ số này không áp dụng ở những người có thân hình cơ bắp (vd: vận động viên, tập thể hình), phụ nữ mang thai, người già và người bị mất khối lượng cơ.

Ở trẻ em từ 5-19 tuổi sẽ giải thích chỉ số BMI phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi cụ thể dựa trên bảng chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bạn có tính nhanh bằng công thức đánh giá dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia: https://dinhduonghocduong.net/cong-cu-danh-gia-dinh-duong

4. Mối tương quan giữa BMI và chất béo trong cơ thể

Chỉ số BMI tỷ lệ thuận với lượng chất béo trong cơ thể

BMI càng cao thì lượng chất béo dư thừa trong cơ thể càng nhiều. Nhưng ngay cả khi hai người có cùng chỉ số BMI thì mức độ chất béo trong cơ thể có thể khác nhau. Có cùng một chỉ số BMI, nhưng:

– Phụ nữ có nhiều chất béo trong cơ thể hơn nam giới.

– Chủng tộc/dân tộc khác nhau sẽ có lượng chất béo trong cơ thể khác nhau.

– Trung bình người lớn tuổi có nhiều chất béo trong cơ thể hơn người trẻ tuổi.

– Vận động viên, người lao động chân tay có ít chất béo trong cơ thể hơn người không vận động.

5. Chỉ số BMI cao hoặc thấp cảnh báo điều gì?

Chỉ số BMI không phải là một công cụ chẩn đoán tình trạng sức khỏe, nhưng nó giúp cảnh báo nguy cơ mắc bệnh của một người.

Tình trạng tăng cân xảy ra do lượng calo dung nạp nhiều hơn lượng calo tiêu thụ. Nếu chỉ số BMI cao, bạn cần giảm cân, vì tình trạng thừa cân béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như:

– Tăng huyết áp

– Rối loạn lipid máu

– Đái tháo đường

– Bệnh tim mạch

– Bệnh gan

– Ngưng thở khi ngủ và bệnh hô hấp khác

– Viêm xương khớp

– Nhồi máu cơ tim

– Đột quỵ

– Bệnh túi mật

– Một số loại ung thư

Ngoài ra, thừa cân béo phì có thể gây khó khăn cho các hoạt động trong cuộc sống, khiến bạn mất tự tin, từ đó có thể dẫn đến một số rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Chỉ số BMI thấp cảnh báo cơ thể nhẹ cân. Thiếu dưỡng chất, vitamin và chất khoáng có thể gây ra một số tình trạng như:

– Mất xương

– Giảm chức năng miễn dịch

– Thiếu máu do thiếu sắt

– Hạ huyết áp

6. Cách duy trì chỉ số khối cơ thể lý tưởng?

Chế độ ăn lành mạnh duy trì cân nặng hợp lý

Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp bạn có đầy đủ năng lượng hoạt động, một cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch tốt và hạn chế nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Để duy trì chỉ số khối cơ thể lý tưởng, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

– Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập ít nhất 30 phút với hoạt động thể chất vừa, ít nhất 15 phút với hoạt động mạnh, tập có đổ mồ hôi và tập theo tình trạng sức khỏe của mỗi người.

– Không bỏ bữa, đặc biệt là không bỏ bữa sáng.

– Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.

– Ưu tiên cách chế biến thực phẩm đơn giản như luộc, hấp, kho. Hạn chế các món chiên, xào.

– Tăng cường chất xơ và vitamin từ rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu.

– Bổ sung chất béo lành mạnh từ cá béo, dầu đậu nành, dầu oliu, các loại hạt.

– Hạn chế thực phẩm chế biến kỹ, thức ăn nhanh, mỡ động vật.

– Hạn chế rượu bia, nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, đường, sữa đặc.

– Uống nhiều nước.

– Ngủ sớm và ngủ đủ giấc tùy theo độ tuổi.